Thứ hai sau Chúa Nhật XII Thường Niên
(Mt 7, 1-5)
CÁI RÁC – CÁI XÀ
Trong tin Mừng Mát-thêu, Bài Giảng Trên Núi kéo dài từ chương 5 câu 2 đến chương 7 câu 27. Đây là diễn từ đầu tiên trong số 5 diễn từ mà thánh sử đặt cho Chúa Giê-su. Diễn từ đầu tiên này được coi là viên ngọc của Tin Mừng Mát-thêu không chỉ vì nghệ thuật sáng tác mà còn nhờ vào nội dung tràn đầy sức sống – là bảo vật của tôn giáo nói chung. Bài giảng này không đưa ra bộ luật khắt khe, nhưng chỉ "điểm xuyến" những định hướng cơ bản cho một cộng đoàn đã chấp nhận Đức Ki-tô là Đấng giải thích lề luật duy nhất và là vị quan tòa duy nhất xét xử thái độ nhân loại.
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong chủ đề mà Chúa Giê-su muốn truyền đạt cho các môn đệ, đó là: Đời sống của các ông phải được xây dựng trên nền tảng: tin tưởng hoàn toàn vào ý Chúa Cha quan phòng.
"Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán"(c.1). Mở đầu chương 7 là một lời cảnh báo mà nội dung tập trung ở một thái độ "xét đoán". Đừng làm điều ấy để khỏi bị gây hậu quả. Nghĩa là: chính ngươi đừng lên tiếng chống lại người anh em – Đừng làm thay Thiên Chúa, hầu các ngươi khỏi bị Thiên Chúa kết án. Vì chỉ có Thiên Chúa là vị thẩm phán duy nhất, như trong thư Thánh Giacobe tông đồ có nhấn mạnh điều này “ Nếu anh xét đoán anh em mình là xét đoán lề luật…Chỉ có một Đấng ra lề luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt” (Gc 4,11-12). Thánh sử Mát-thêu giải thích rõ: vì "anh em xét đoán thế nào thì sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy, cũng như anh em đã đong bằng đấu nào, Thiên Chúa sẽ dùng chính cái đấu ấy mà đong lại cho anh em" (c.2). Lời giải thích này mời gọi con người nên đong lường hậu quả các việc làm của mình trong ngày chung thẩm: Ai sống làm sao, Chúa sẽ trả cho như vậy. Chính thái độ sống hiện tại của ta là kết quả cho ta trong ngày chung thẩm.
"Sao anh thấy cái rác trong mắt người anh em, mà cái xà trong mắt mình lại không để ý tới?" (c.3). Lời cảnh báo này như vạch trần lương tâm người nghe. Chỉ một cái rác nhỏ xíu trong mắt người khác, chúng ta lại rất tinh tường nhận thấy. Chúng ta xét đoán rất chính xác, cách tỉ mỉ nhưng lại quên rằng trong con mắt của mình đang có một các xà rất lớn. Bởi vì khi xét đoán người khác, chúng ta thường đặt mình trong vị trí quan tòa vạch tội, xét xử. Chúng ta quên mất bản thân mình cũng đầy yếu đuối, lỗi lầm, có khi còn nặng nề hơn tình trạng của người anh em. Chúng ta thường khắt khe với thiếu sót của người khác mà lại nhẹ nương trước lầm lỗi của bản thân vì chủ quan. Mải nhìn "khối u" của người khác mà quên đi "cục bướu" trên lưng mình. Tệ hơn nữa, chúng ta còn lên tiếng bảo người anh em "Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh…", mà quên mình đang chứa "một cái xà trong mắt" (c.4). Chúng ta vẫn nghĩ mình tốt lành, vẫn cho mình là chuẩn mực đạo đức, nên không ngại ngần muốn giúp người khác sửa đổi tính xấu, mà chính bản thân ta lại không muốn phục thiện.
Đối với con người quá lầm lạc vì thiếu sót bản thân, quá tự đắc ảo tưởng về mình, Chúa Giê-su phải lên tiếng mạnh mẽ và gọi là: kẻ đạo đức giả. Chúng ta nghe Chúa nói tiếp "Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, để anh thấy rõ mà lấy cái rác trong mắt anh em" (c.5). Thế là rõ rồi. Chúa muốn chúng ta thay đổi bản thân trước khi muốn người khác thay đổi, thậm chí khi chúng ta còn muốn thay đổi môi trường, thay đổi thế giới. Với hai hình ảnh cái rác và cái xà, thánh sử còn đi xa hơn nữa: điều xấu xa gặp thấy nơi người anh em phải là dịp để xét lại bản thân. Người đời có câu: "Lời nói mà chúng ta dễ làm nhất là cho người khác một lời khuyên". Chúng ta dễ dàng khuyên răn người khác, nhưng bản thân lại chẳng chịu rèn luyện cho xứng hợp.
Lạy Chúa, xin mở mắt tâm hồn chúng con, để chúng con nhận ra giới hạn của mình, nhận ra vị trí của mình trước mặt Chúa và trước mắt anh chị em, để chúng con khiêm tốn hơn, thông cảm hơn khi đánh giá người anh em, sao cho phù hợp với tình thương mà Chúa đã dành cho chúng con. Amen
Nữ Tỳ Thánh Thể