Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XIV Thường Niên B
GỠ BỎ CÁI NHÌN THÀNH KIẾN
Trong đời sống cộng đoàn có những cách ứng xử có thể khuyến khích một con người vươn lên, và cũng có những cách cư xử là nguyên nhân chính yếu cản trở sự phát triển và cản trở sự vươn lên của con người. Một trong những cách cư xử ấy là thói quen xét đoán, phê bình và nó trở thành nguy hiểm khi nó mang cái nhìn chủ quan và óc thành kiến, tự mãn. Khi đã mang thành kiến xấu về một người nào hoặc một sự kiện gì, người ta thường có xu hướng không muốn chấp nhận, loại trừ, hoặc dẫn đến thái độ coi thường. Khi đã tự mãn với những cái mình đang có đang suy nghĩ thì người ta không thể đón nhận được điều gì khác nữa.
Dân làng Nazaret ngày xưa cũng mang nặng một cái nhìn thành kiến về Chúa Giêsu. Họ chỉ nhìn Đức Giêsu với cái nhìn Ngài là con ông Giuse và bà Maria mà thôi. Nhiều người Nazareth có lẽ cũng đã nghe và đã thấy những việc lạ lùng Chúa Giêsu đã làm tại các vùng xung quanh, đáng lẽ họ phải tự hào về một người con trong làng thành đạt nay trở về, trái lại họ tỏ ra rất dửng dưng về cuộc trở về này. Tại sao thế ? Có lẽ những người Nazareth chờ đợi một cái gì đó khác hơn, họ nghĩ rằng Chúa Giêsu phải làm cho Nazaret trở thành nổi tiếng, mọi người được giàu có mà không phải vất vả làm ăn. Họ chờ đợi Chúa Giêsu mang đến cho họ tài sản vật chất và tiếng tăm trần thế hơn là mong đợi Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Thánh Marcô cho thấy, Chúa Giêsu đã vào Hội Đường ngày Sabath để giảng dạy và giải thích Lời Ngôn Sứ. Những người Nazareth thấy chàng thanh niên Giêsu thông thái trổi vượt, họ ngạc nhiên về sự khôn ngoan của Ngài. Họ đặt câu hỏi: Bởi đâu ông ta được như thế? Tại sao ông ta lại được khôn ngoan và làm được nhiều phép lạ như vậy ? Đáng lẽ những câu hỏi này sẽ dẫn những người Nazaret đi tìm câu trả lời về nguồn gốc và nguyên nhân của sự khôn ngoan thông thái nơi Đức Giêsu. Nhưng rất tiếc, họ đã để cho suy nghĩ và cái nhìn tự nhiên che mắt, nên chỉ nhận ra Ngài là con bác thợ mộc trong làng. Kiểu nói đó tỏ ra kinh thường nguồn gốc của Đức Giêsu. Vì họ mang nặng thành kiến, khiến họ không thể nhận ra địa vị thần linh nơi Chúa Giêsu, và quyền năng Thiên Chúa ở nơi Ngài, dù đã được chứng kiến hoặc đã nghe về các phép lạ Chúa Giêsu đã làm ở làng xung quanh. Chính vì mang cái nhìn như thế, nó trở thành rào cản khiến những người Nazaret không thể đón nhận được lời mời gọi sám hối và tin vào Tin Mừng, cũng không biết chuẩn bị và đón nhận Nước Thiên Chúa đã đến nơi chính con người của Đức Giêsu.
Đức Giêsu khi chứng kiến cách đối xử của dân làng, Ngài lấy làm tiếc cho họ. Ngài rút ra kết luận chung cho thân phận của các ngôn sứ: Không có ngôn sứ nào được tôn trọng nơi quê hương bản quán của mình. Thánh Marcô còn nói thêm: Ngài không thể làm được phép lạ nào tại đó vì họ cứng lòng tin. Đây là lý do chính yếu khiến họ từ chối Đức Giêsu.
Thái độ của người Nazaret đã phản ánh sự cứng lòng của cả dân tộc Do Thái. Trong lịch sử, họ đã nhiều lần không đón nhận các Ngôn sứ của Chúa sai đến cảnh báo và kêu gọi họ sám hối. Họ chống đối lại Thiên Chúa, như lời Chúa nói qua tiên tri Êzekien: Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với một dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại ta,… chúng là những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá. Sự ngỗ nghịch và cứng lòng này phát xuất từ sự tự mãn, vì họ cho rằng, họ là con cháu ông Abraham, thì đương nhiên họ được ơn cứu độ. Vì thế họ không cần cố gắng. Vì đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng nên họ từ chối tất cả những người khác dù họ là ngôn sứ hay là những người nói lời nhân danh Thiên Chúa.
Thánh Phaolô, một con người đã từng kiêu căng tự mãn về lòng nhiệt thành và về sự thông thái của mình, ông đã bị Thiên Chúa quật ngã khỏi con đường kiêu căng. Ông được Thiên Chúa rèn dũa bằng những thử thách để giúp ông khiêm tốn, nhận ra sự bất toàn yếu kém của mình, tin tưởng vào Thiên Chúa nhiều hơn. Ân sủng của Thiên Chúa chỉ đậu lại trên những tâm hồn khiêm nhường và quyền năng của Thiên Chúa chỉ thực hiện trên những con người thực sự nhận mình yếu đuối. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm và chia sẻ trong Bài Đọc hai : Thiên Chúa luôn giúp ông nhận ra tình trạng yếu kém của mình, bằng cách để cho ông luôn cảm thấy yếu đuối về thể xác như bị gai đâm và yếu đuối về phần linh hồn như bị ma quỷ quấy nhiễu. Nhiều lúc ông muốn xin Chúa giúp ông gỡ khỏi những sự yếu đuối ấy, Thiên Chúa đã không hứa sẽ loại trừ khỏi ông sự yếu đuối và sự tấn công của ma quỷ, nhưng Ngài hứa sẽ ban ơn đủ để ông chiến đấu với nhưng thử thách.
Để nhận ra Đức Giêsu và quyền năng của Ngài, cần có một tâm hồn khiêm tốn, gỡ bỏ mọi thứ thành kiến và cái nhìn kiêu căng tự mãn, vì Thiên Chúa chống lại người kiêu căng và nâng cao kẻ khiêm nhường. Khiêm tốn nhận ra tình trạng tội lỗi và yếu đuối của mình để xin ơn nâng đỡ và tha thứ. Khiêm tốn còn để chúng ta biết tín thác vào Chúa cách mạnh mẽ hơn. Vì chỉ khi có một tâm hồn khiêm tốn, chúng ta mới nhận ra mọi sự chúng ta có hôm nay là do Chúa ban, và không có Chúa chúng ta không thể làm được việc gì.
Một trong tình trạng của con người ngày hôm nay đó là thói tự mãn, khi thấy mình đang làm được những việc lớn lao, làm chủ khoa học và kỹ thuật, giải quyết được nhiều vấn đề. Con người dường như rơi vào tình trạnh tự mãn với những thành công ấy và muốn tự mình giải quyết tất cả, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi thế giới, và khỏi tâm hồn mình. Tình trạng này hết sức nguy hiểm, vì nó tự biến con người và thế giới này thành một thế giới, thành những con người trống rỗng, không còn chỗ cho cho Thiên Chúa và còn là kẻ chống lại Thiên Chúa nữa.
Một khi tự mãn với thành công của mình, con người để cho sự kiêu căng và tiền của che mờ con mắt, khiến họ không thể cúi xuống, không thể lắng nghe và không thể nhìn thấy những nhu cầu của anh chị em xung quanh. Nói khác đi họ sẽ để mình trở thành những con người vô cảm hoặc khinh thường, loại trừ người khác ra khỏi sự quan tâm của họ, đặt mình vào một thứ giai cấp, đẳng cấp nào đó.
Tình trạnh thành kiến tự mãn cũng đang diễn ra nới các gia đình và xóm ngõ, khi chúng ta mang cái nhìn xấu về một người hàng xóm và gán cho họ những cái nhìn theo quan điểm của mình. Mang kiếng màu gì thì nhìn thế giới ra màu đó, có thể chúng ta cũng nhìn anh em lối xóm của chúng ta qua cặp kiếng đen như thế. Khi đã mang thành kiến, người ta khó có thể vui khi thấy anh em mình thành công, khó có thể có thể tha thứ và khó có thể cho anh chị em mình những cơ hội sửa chữa sai lầm.
Sự tự cao tự mãn và thành kiến cũng đang thể hiện dưới nhiều hình thức khác. Sự tự mãn của tuổi trẻ ngày nay, cho rằng mình có thể làm được tất cả mọi sự mà không cần Thiên Chúa, không cần đến cha mẹ. Họ muốn tự khẳng định mình mà không cần lắng nghe lời khuyên dạy của cha mẹ và những người có trách nhiệm. Cuộc sống đua đòi đang hình thành ở giới trẻ một nếp sống chuộng hình thức, đẳng cấp, coi mình hơn người khác. Nó thể hiện qua những thói ăn chơi được giới trẻ coi như là một mốt thời thượng, và đánh giá con người và sự việc qua thang điểm vật chất mà thôi.
Xin cho chúng ta biết khiêm tốn đón nhận Đức Giêsu và tin tưởng hoàn toàn vào quyền năng của Ngài, sẵn sàng để cho quyền năng Thiên Chúa thể hiện trên cuộc đời mình. Xin cho chúng ta có một tâm hồn khiêm tốn quảng đại mở ra với Thiên Chúa và với anh em. Amen.
Lm. Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc