Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XVII Thường Niên C
CẦU XIN VỚI THÁI
ĐỘ CON THẢO
Thời
buổi buôn bán cạnh tranh, các công ty không chỉ chú ý đến chất lượng hàng hóa
mà còn phải chú ý đến các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khách hàng cách nhanh chóng
nhất. Phía người tiêu dùng, họ cho mình có quyền tối thượng ra lệnh, muốn là phải
được đáp ứng ngay, dẫn đến dễ mất kiên nhẫn khi không được đáp ứng nhanh chóng
các yêu cầu. Biểu hiện này không chỉ có trong cuộc sống thường ngày, nhưng nó
cũng đang ảnh hưởng trong đời sống đức tin. Người ta nhìn Thiên Chúa như một
nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa. Khi cần,
họ gọi điện đặt hàng và muốn Thiên Chúa phải đáp ứng ngay cho họ. Vì thế, nhiều
người tín hữu theo đạo nhưng không có thói quen cầu nguyện hoặc không kiên nhẫn
khi cầu xin cùng Thiên Chúa, họ chỉ đến với Thiên Chúa giống như một khách hàng
khi có nhu cầu, chứ không có tâm tình của một người con đến với Cha, một thụ tạo
đến với Thiên Chúa của mình.
Lời
Chúa hôm nay nhắc chúng ta một thực hành không thể thiếu, như con người không
thể thiếu hơi thở, đó là cầu nguyện; đồng Thời, Chúa Giêsu cũng chỉ cho chúng
ta cách cầu nguyện và thái độ phải có khi cầu nguyện.
Bài
đọc một cho thấy Apbraham đã cầu xin với Chúa như nói chuyện, trao đổi với một
người bạn và Chúa cũng coi ông như một người bạn thân. Khi tội lỗi của dân
thành Sodoma và Gomora đã lan tràn, Thiên Chúa muốn hủy diệt cả dân đó. Trước
khi thực hiện việc này, Chúa đã kể cho Apbraham nghe về ý định của mình như bạn
hữu kể chuyện cho nhau. Lợi dụng tình bạn này, Apbraham đã lên tiếng cầu xin
Chúa dung tha cho dân thành Sodoma. Chuyện kể cho thấy, Apbraham đã mặc cả với
Chúa: Chẳng lẽ Chúa muốn tiêu diệt kẻ lành chung với kẻ dữ sao? Giả như trong
thành có năm mươi người công chính, họ cũng phải chết cùng kẻ dữ sao? Chúa có
vì họ mà tha cho cả thành không? Chúa trả lời: Nếu Ta tìm được năm mươi người
công chính, Ta sẽ tha cho cả thành.
Ông
Apbraham lại trả giá lần thứ hai: Nếu năm mươi người mà thiếu năm người thì sao?
Ông lại trả giá tiếp: Xin Chúa đừng giận, cho con nói thêm một lần nữa thôi, nếu
chỉ tìm được ba mươi người, hoặc được mười người thì sao? Chúa trả lời: Vì mười
người đó, Ta cũng không phá hủy thành. Câu chuyện cho thấy giữa Thiên Chúa và
Apbraham vừa có sự thân tình, vừa có sự kính sợ. Vì thân tình, ông năn nỉ
như trả giá với Chúa. Vì kính sợ, ông
xin Chúa đừng nổi giận với ông. Về phía Thiên Chúa, Ngài coi Apbraham như một
người con nhõng nhẽo và như một người bạn để tâm sự trò chuyện. Hơn nữa,
Apbraham đã không xin điều gì cho mình, nhưng ông cầu xin điều có ích cho người
khác.
Cầu
xin Thiên Chúa với thái độ con cái đến với cha mẹ, đó là thái độ Thiên Chúa
mong đợi. Thiên Chúa không muốn biến mình thành một vị thần oai phong hung dữ,
nhưng Ngài luôn muốn thể hiện mình như một người cha yêu thương con cái. Tin Mừng
cho thấy Chúa Giêsu đã sống tâm tình con thảo với Thiên Chúa Cha, Ngài gặp gỡ với
Chúa Cha mỗi ngày trong cầu nguyện. Ngài khởi đầu ngày mới bằng việc gặp gỡ
Thiên Chúa và kết thúc mọi công việc và ngày sống với Thiên Chúa Cha.
Từ
kinh nghiệm bản thân, khi các tông đồ đề nghị: Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu
nguyện, Chúa đã dạy các ông thưa chuyện với Thiên Chúa qua kinh Lạy Cha. Trong
lời kinh này, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta đi vào một tương quan đặc biệt với
Thiên Chúa, đó là tương quan Cha-Con. Chúa Giêsu đã chỉ cho các môn đệ xưng hô
với Thiên Chúa một cách thân tình như chính Ngài đã sống thân tình với Thiên
Chúa : Lạy Cha chúng con ở trên trời. Với lời thân thưa này, chúng ta được bước
vào cung lòng của Thiên Chúa như người con gieo mình vào lòng cha mẹ để thỏ thẻ,
thân thưa. Lời thưa này còn nâng chúng ta lên một phẩm giá cao trọng, một tư
cách đặc biệt vượt trên tất cả mọi vật mọi loài, đó là được trở nên con Thiên
Chúa, gọi Chúa là “Bố ơi !”. Giống như cha mẹ ở trần gian không thể từ chối những
lời kêu xin của con cái, thì Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ngài không những
không thể từ chối lời cầu xin của những đứa con nhỏ bé, mà Ngài còn làm tất cả
những gì tốt đẹp nhất cho con của Ngài.
Kế
đến, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết phải đặt thứ tự ưu tiên trong việc cầu
xin cùng Thiên Chúa. Trước hết, chúng ta phải cầu xin cho Danh Cha được rạng
sáng, Nước Cha hiển trị, Ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời. Tại
sao phải dành thứ tự trước tiên cho những lời cầu xin này ? Giống như Apbraham
ngày xưa đã cầu xin Chúa khoan dung với dân Sodoma, với lời xin cho Danh Cha được
rạng sáng, tức là xin cho mọi người, mọi dân tộc được biết Thiên Chúa là Cha,
được đón nhận tình yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa. Danh Chúa được tỏa sáng
khắp nơi nghĩa là Thiên Chúa được mọi người nhận biết, tôn thờ và tình yêu
thương, quyền năng của Ngài được đón nhận và sinh hiệu quả tốt đẹp cho cả vũ trụ.
Cũng vậy, lời cầu xin cho Nước Chúa hiển trị, Ý Chúa được thực hiện có nghĩa là
tình yêu của Chúa sẽ phủ kín vũ trụ này, ma quỷ và sự dữ, kẻ gây ra đau khổ, chết
chóc, sẽ không còn làm gì được con người và vũ trụ nữa.
Kế
đó là những lời cầu xin cho các nhu cầu chung và riêng, của linh hồn và thể xác
mỗi người và cộng đoàn. Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày, xin tha tội
cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có lỗi với chúng con, xin chớ để chúng
con sa chước cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Ở bốn lời cầu xin
này, trước hết là xin cơm bánh no đủ hàng ngày. Với nhu cầu hàng ngày này, Chúa
Giêsu không dạy chúng ta xin nhiều đến dư thừa, cũng không xin “trúng quả,
trúng kèo” để thỏa mãn sự tham lam của con người, nhưng chỉ xin để chúng ta biết
sử dụng vừa đủ cho mình và cho anh chị em. Xin no đủ hằng ngày giúp cho mỗi người
có thể sống thanh thoát với vật chất, sống phù hợp với phẩm giá con người và
còn biết sống sẻ chia khi gặp những anh chị em thiếu thốn.
Kế
đến là xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi chúng con như chúng con cũng tha kẻ có lỗi
với chúng con. Lời cầu xin này thể hiện thái độ khiêm tốn nhìn nhận sự bất toàn
của thân phận con người đã xúc phạm đến Thiên Chúa và làm tổn thương lẫn nhau.
Hơn thế nữa, lời cầu xin tha thứ này còn là quyết tâm của mỗi người sẽ tha thứ
khi có anh em xúc phạm đến mình và lấy sự tha thứ của mình dành cho anh em là vạch
mực để cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa. Như thế, lời cầu xin này đặt thái độ
tha thứ của mỗi người như một chuẩn mẫu, chúng ta sẽ chỉ nhận được sự tha thứ của
Thiên Chúa khi chúng ta biết tha thứ cho anh chị em. Chúng ta được Thiên Chúa
tha thứ nhiều hay ít tùy thuộc việc chúng ta có thật lòng tha thứ cho anh chị
em hay không.
Như
đã nhắc ở trên, con người ngày nay tự cao tự mãn, nghĩ rằng mình có thể làm được
tất cả mà không cần đến Thiên Chúa, vì thế, họ không quan tâm đến việc cầu xin.
Có những người rơi vào tình trạng ích kỷ không chỉ trong đời sống tự nhiên mà
còn ích kỷ trong đời sống đạo. Những người này chỉ đến với Thiên Chúa khi gặp
khó khăn thử thách, họ chỉ cầu xin Thiên Chúa cho những nhu cầu vật chất trước
mắt, muốn Chúa giải quyết ngay những khó khăn, mà không mấy khi cầu nguyện cho
các nhu cầu của Thiên Chúa, của linh hồn, của anh em và của thế giới.
Cũng
từ thái độ cao ngạo, nhiều người tự cho mình là thượng đế và tự đặt mình ngang
hàng với Thiên Chúa. Nhiều người tin Chúa, nhưng lại không có tâm tình của người
con thảo đối với Cha như Thiên Chúa mong đợi, cũng không có thái độ khiêm tốn cầu
xin và không đủ kiên nhẫn để tin tưởng, phó thác cho Chúa các khó khăn và cả cuộc
sống của mình.
Lời
Chúa hôm nay tái khẳng định cho chúng ta: Thiên Chúa là Cha yêu thương và chúng
ta là con của Ngài. Chúng ta được mời gọi sống thân tình với Chúa như con với
cha và như bạn hữu với nhau, để trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn chạy đến sà
vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài không bao giờ có thể từ chối lời cầu
xin của ta. Xin cho chúng ta luôn sống xứng đáng là con của Chúa và luôn tự hào
thể hiện mình là những người con ngoan của Thiên Chúa. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc