Suy Niệm Lời
Chúa Chúa Nhật XXII Thường Niên B
Dnl
4,1-2.6-8 ; Gc 1,17-18.21b-22.37 ; Mc 7,1-8.14-15.21-23
THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI CÓ LÒNG ĐẠO ĐỨC THỰC SỰ?
I. HỌC
LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 7,1-8.14-15.21-23
(1) Có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp
quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. (2) Họ thấy một
vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. (3)
Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do thái đều nắm giữ
truyền thống tiền nhân: Họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; (4) thức
gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn. Họ còn giữ
nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.
(5) Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: “Sao các môn đệ
của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng
bữa?” (6) Người trả lời họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất
đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn
kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. (7) Chúng
có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ
là giới luật phàm nhân.- (8) Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa,
mà duy trì truyền thống của người phàm”… (14) Sau đó, Đức Giêsu lại
gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây và hiểu cho
rõ: (15) Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể
làm cho con người ra ô uế được. Nhưng chính cái từ con người xuất ra,
là cái làm cho con người ra ô uế… (21) Vì từ bên trong, từ lòng
người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, (22)
ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng,
kiêu ngạo, ngông cuồng. (23) Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên
trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế”.
2. Ý CHÍNH:
Trong bài Tin Mừng hôm
nay, Đức Giêsu đã tranh luận với các người Pharisêu và kinh sư, về
việc “thanh sạch” và “nhơ uế” theo Lề Luật. Đức Giêsu đã dùng lời
ngôn sứ Isaia để phê phán thứ tôn giáo hình thức vụ luật của các
người Pharisêu và kinh sư. Họ lầm lạc khi bỏ thi hành giới răn Thiên
Chúa để tuân giữ cặn kẽ tập tục của loài người. Theo Người, lòng
đạo đích thực không dựa trên việc làm hình thức theo Luật, nhưng ở tại
tâm tình mến Chúa khi làm các việc ấy.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-2: + Những người
Pharisêu: Pharisêu hay Biệt phái là “Những kẻ sống tách biệt”. Thành
viên trong nhóm phần đông là thường dân thuộc giai cấp trung lưu. Tuy
nhiên cũng có một số tư tế, Lêvi và kinh sư. Thời Đức Giêsu, nhóm này
được dân chúng kính trọng vì có đời sống đạo đức gương mẫu. Họ
thường thành lập những cộng đoàn nhỏ, chuyên cần suy niệm Kinh Thánh
và tuần giữ cặn kẻ mọi điều Luật Môsê dạy, Họ tin kẻ chết sống
lại, có thiên sứ và quỷ thần, trái với người phái Xađốc (x. Cv
23,7-8). + và kinh sư: Kinh sư hay luật sĩ là những nhà chuyên môn về
Thánh kinh vì nghiên cứu Thánh kinh kỹ lưỡng và lâu dài. Số ít trong nhóm kinh
sư là tư tế, nhưng phần lớn là thường dân ủng hộ lập trường của nhóm Pharisêu.
Họ có uy tín và ảnh hưởng lớn trong dân. Các kinh sư là người giải thích và áp
dụng Luật Môsê vào đời sống của dân chúng. Các kinh sư cùng với thượng tế
và kỳ mục là ba thành phần trong Thượng hội đồng Do thái tại Giêrasalem
(x. Cv 23,6). + Về quan hệ giữa Đức Giêsu với các người Pharisêu và
kinh sư: Nói chung Tin mừng phê phán mạnh mẽ các người Biệt phái
và kinh sư: Gioan Tẩy giả gọi họ là “nòi rắn độc”, do thái độ cố
chấp không chịu hồi tâm sám hối để sinh hoa trái của họ (x. Mt
3,7-10). Đức Giêsu đòi môn đệ phải công chính hơn các kinh sư và người
Pharisêu (x. Mt 5,20). Người đã kiện toàn Luật Môsê và sửa đổi các
lời giải thích hẹp hòi vụ Luật của họ về sự giận ghét tha nhân (x.
Mt 5,21-26), về tội ngoại tình (x. Mt 5,27-30) về việc ly hôn (x. Mt
5,31-32), về sự thề thốt ( Mt 5,33-37), về sự trả thù (x. Mt 5,38-40)
và cách đối xử với kẻ thù (x. Mt 5,43-48). Đức Giêsu cũng quở trách
họ về nhiều tật xấu như: tự mãn về công đức của mình (x. Lc
18,9-14), khinh thường tha nhân (x. Mt 9,10-13), khinh “dân đen” không biết
Luật (x. Ga 7,49), nói mà không làm (x. Mt 23,2-3), ham mê danh vọng (x.
Mt 23,6-7), dẫn đường đui mù (x. Mt 23,16-22), coi trọng điều tùy phụ mà
bỏ qua điều chính yếu (x. Mt 23,23-26), đạo đức giả hình (x. Mt
23,27-28). Về phần các kinh sư: Họ nói Người bị quỷ ám (x. Mc 3,22).
Họ liên kết với nhóm Hêrôđê tìm cách chống lại Đức Giêsu (x. Mc 3,6).
Sau phép lạ cho Ladarô sống lại, các người Pharisêu cùng với Thượng
Hội Đồng quyết định giết Đức Giêsu (x. Ga 11,53). Tuy nhiên, trong số
các người Pharisêu thuộc Thượng Hội Đồng Do thái cũng có ông Nicôđêmô đã
lên tiếng bênh vực Đức Giêsu (x. Ga 7,50-52) và ông Gamaliên đã bào chữa
cho các Tông đồ (x. Cv 5,34-39). Thời Giáo Hội Sơ Khai, cũng có một
người Pharisêu tên là Saun, quê thành Tácxô, đã cải đạo Do Thái và trở
thành môn đệ Đức Giêsu là thánh Phaolô (x. Cv 22,1-21). + Họ từ Giêrusalem
mà đến: Nghe biết về các hoạt động của Đức Giêsu ở Galilê, các
người có trách nhiệm về tôn giáo ở thủ đô Giêrusalem đã phái người
đi điều tra thực hư. + Dùng bữa mà tay còn ô uế: Các kinh sư ở
Giêrusalem coi việc dùng bữa mà không rửa tay là làm cho con người ra ô
uế theo Luật. Việc rửa tay ở đây không nhằm giữ vệ sinh, mà để thanh
tẩy tâm hồn theo lễ nghi của đạo Do thái.
- C 3-4: + Người Do
thái: Ở đây chỉ về mọi người dân Do thái. Nhưng ở nhiều chỗ khác nhất
là trong Tin Mừng Gioan, “Người Do Thái” ám chỉ những kẻ thù ghét
chống đối Đức Giêsu (x. Ga 2,18; 5,18; 6,41; l 8,22.48; 9,18). + Rửa tay: Luật
Môsê đề ra nhiều điều khoản buộc phải thanh tẩy bằng nước như: Khi
chuẩn bị lãnh chức vụ (x. Xh 29,4), trong lễ Xá Tội (x. Lv 16,4.24),
khi lỡ tay chạm đến xác chết (x. Lv 11,40 ; 17,15), khi thanh tẩy khỏi ô
uế bởi bệnh phong cùi (x. Lv 14,8), thanh tẩy khỏi ô uế dục tình (x. Lv
15,1-32). Về sau tập tục còn quy định lễ nghi thanh tẩy cách tỉ mỉ hơn
như: Phải lấy nước ở trong bình bằng đồng hay bình sành.... Phải rửa
từ khuỷu tay xuống.... Phải rửa hai lần: Lần trước để làm sạch tay
bẩn, lần sau để làm sạch nước bẩn còn dính trên tay...
- C 5-8: + Sao các môn
đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế dùng
bữa?: Mọi người Do Thái đều giữ các tập tục tẩy rửa, nhưng người Do
Thái miền Giuđê vì gần Giêrusalem nên tuân giữ khỏan luật này chặt chẽ
hơn miền Galilê, vì người miền Galilê thường xuyên tiếp xúc với dân
ngoại và vì đất đai khô cằn ít nước hơn. Từ đó ta hiểu lý do tại sao
các môn đệ của Đức Giêsu vốn xuất thân từ miền Galilê, đã không giữ tập
tục rửa tay trước khi dùng bữa. + Những kẻ đạo đức giả: Đức Giêsu
gọi các người Pharisêu và kinh sư từ Giêrusalem kia là những kẻ đạo
đức giả, nghĩa là chỉ lo làm các việc đạo đức hình thức bề ngoài, mà
thiếu tâm tình mến Chúa bề trong. + “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng
miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì
cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm
nhân”: Những điều ngôn sứ Isaia tuyên sấm Lời Đức Chúa trách dân Do
Thái thời xưa, đã được Đức Giêsu áp dụng cho các người Pharisêu và
kinh sư Do Thái hôm nay khi họ tiếp tục coi trọng các truyền thống của
loài người hơn giới răn của Thiên Chúa.
- C 14-15: + Không có
cái gì từ bên ngoài vào trong con người....: Luật Môsê (Lv 11,1-30) qui
định một số loài vật thanh sạch và ô uế như sau: Loài vật thanh sạch mà
người Do thái được ăn là: Mọi thú vật có mòng chân chẻ làm hai và
nhai lại, các vật sống dưới nước có vây có vảy. Loài vật ô uế không
được ăn và không được đụng đến xác chết của chúng là: Lạc đà, ngân
thử, thỏ rừng, heo; Tất cả các loài sống dưới nước mà không có vây,
không có vẩy; Một số loài chim như đại bàng, diều hâu, ó biển...
Chuột, thằn lằn, tắc kè...+ Về vấn đề đồ ăn thanh sạch và ô uế: Đức
Giêsu có một quan điểm vừa khác biệt với Luật Môsê vừa kiện toàn
Luật này khi tuyên bố: Mọi đồ ăn tự nó là sạch (x. Mc 7,18). Cái có
thể bị dơ, phát ra điều dơ, làm cho người ta ra dơ, chính là “lòng”
người, vì: “Lòng đầy thì miệng mới nói ra” (x. Lc 6,45).
- C 21-23: + Từ bên
trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu...: Đức Giêsu giải
thích thêm về Luật cấm : Đó là những người có lòng dạ hư hỏng, tư
tưởng xấu xa, tâm tình gian ác, ý định bất chính.... + Tất cả những
điều xấu xa đó, đều từ trong xuất ra: cái làm ô uế con người, bắt
nguồn từ trong tâm hồn hay lương tâm, chứ không phải là các thức ăn từ bên
ngòai ăn vào.
4. CÂU HỎI:
1) Bạn biết gì về các người
Pharisêu và kinh sư Do thái thời Đức Giêsu?
2) Trong thời gian giảng
đạo, quan hệ giữa Đức Giêsu với các Biệt phái và kinh sư thế nào?
3) Các Biệt phái và
kinh sư trong Tin Mừng hôm nay từ đâu đến với Đức Giêsu và chất vấn Người về
vấn đề gì?
4) Luật Môsê buộc người
Do thái phải thanh tẩy bằng nước trong những trường hợp nào? Về sau, các
kinh sư còn giải thích thêm về khoản luật này ra sao?
5) Tại sao môn đệ Đức
Giêsu lại không giữ tập tục rửa tay trước khi dùng bữa?
6) Tại sao Đức Giêsu
gọi các Biệt phái và kinh sư là bọn đạo đức giả?
7) Đức Giêsu đã trích
dẫn lời nào của ngôn sứ Isaia trách dân Do thái?
8) Theo Luật Môsê thì
đồ ăn nào được coi là sạch và đồ ăn nào bị coi là nhơ uế?
9) Quan điểm của Đức
Giêsu về sự sạch hay nhơ uế của đồ ăn ra sao? Điều thực sự làm cho tâm
hồn người ta ra nhơ uế là gì?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Các ông gạt bỏ điều răn của
Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,8):
2. CÂU CHUYỆN:
1) LỐI GIỮ ĐẠO HÌNH THỨC:
BÁC-CƠ-LÂY (Barclay) kể
một câu truyện khác như sau: Có một người Hồi Giáo kia tìm cách giết
một kẻ thù để giành quyền kết hôn với một cô gái đẹp. Một hôm, gặp
kẻ thù ở chỗ vắng vẻ và nhân lúc kẻ kia không đề phòng, hắn ta rút
dao chém một nhát khiến người kia bị thương vội vàng bỏ chạy. Người
Hồi Giáo đã đánh lén kia liền tiếp tục truy đuổi, quyết tâm tiêu diệt tình
địch bằng được. Trong lúc đang hăng hái đuổi theo thì bỗng nghe thấy một
hồi chuông nhà thờ Hồi giáo gần đó báo giờ phải cầu kinh ban chiều, hắn ta
lập tức nhảy xuống khỏi mình ngựa, trải chiếc chiếu luôn mang theo bên
mình, quỳ hướng mặt về thủ đô Méc-ca đọc bài kinh chiều thật mau, rồi sau
đó lại leo lên mình ngựa tiếp tục cuộc truy đuổi tiêu diệt kẻ thù!!!
2) TÊN CƯỚP ĂN CHAY:
Một hôm, Cha MƠRÂY
(Murray) đang âm thầm đi trên một phố vắng vào lúc đêm khuya để mang
Mình Chúa cho một bệnh nhân sắp chết. Khi đi tới một góc phố vắng,
bỗng một tên cướp nhảy xồ ra chĩa súng về phía cha ra lệnh: “Đứng
lại! Mau nộp tiền ra đây, nếu không tao bắn chết! “Cha Mơ-rây sợ hãi
vội vàng mở nút chiếc áo khoác đang mặc và lấy ra một chiếc ví.
Tên cướp trông thấy chiếc áo đen của giáo sĩ cha mặc trong chiếc áo
khóac, trên cổ có “côn” màu trắng, thì hắn biết là linh mục. Hắn lập
tức dịu dọng và ấp úng nói: “Thưa cha, con rất tiếc vì con không
biết là cha. Con thành thật xin lỗi cha. Xin cha vui lòng cất tiền đi”.
Bây giờ cha Mơ-rây mới hòan hồn trở lại. Ngài móc trong túi ra một gói
thuốc lá và mời hắn một điếu! Nhưng thật bất ngờ! Tên cướp xua tay
từ chối với lời giải thích như sau: “Xin cám ơn cha, con đã dốc lòng
chừa bỏ tật hút thuốc lá trong Mùa Chay này rồi !!!”.
3) LÒNG MẾN
THỰC SỰ BIỂU LỘ QUA HÀNH ĐỘNG YÊU THƯƠNG:
Một nhà triệu phú kia khi chết đi đã di chúc để lại toàn bộ gia tài to lớn cho một người con
đi
du học nước ngoài từ nhỏ, nên không ai trong dòng họ còn nhớ được khuôn mặt của anh. Sau khi tin
tức về cái chết của nhà triệu phú được đăng lên báo thì có ba chàng thanh niên đến tự nhận là con traqi duy nhất của nhà triệu phú để yêu cầu được lãnh phần sản nghiệp. Sau
khi suy nghĩ một lát viên quan tòa đã cho phóng lớn bức hình chụp chân dung của nhà triệu phú, rồi trao ba khẩu súng cho ba chàng thanh niên kia và bảo: Ai trong ba người bắn
trúng
mắt của nhà triệu phú thì sẽ được lãnh phần gia nghiệp của ông để lại. Chàng thanh niên thứ nhất đến và giơ súng bắn. Chàng thanh niên thứ hai cũng thế. Cả hai
viên
đạn
đều
bắn gần trúng mắt của bức hình. Đến phiên anh chàng thứ ba cầm súng với vẻ mặt u buồn. Anh
ta im lặng suy nghĩ và cuối cùng nói: “Tôi chịu thua vì tôi không thể cầm súng nhắm bắn vào mặt của ba tôi”. Viên quan toà liền tuyên bố: “Chính người thanh niên thứ ba mới thực sự là con trai duy nhất của nhà triệu phú, vì suy nghĩ và hành động của anh đã chứng tỏ anh thực sự là con trai của ông triệu phú”.
Cũng vậy, lòng mến Chúa đích thực phải biểu lộ qua
việc yêu người thân cận như yêu bản thân mình, như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta và mời gọi chúng ta học tập sống theo.
Chính
lòng
mến Chúa bên trong được thể hiện qua hành động bác ái cụ thể bên ngoài mới là bằng chứng tích cực chứng tỏ một người
có
lòng
đạo
đức
thực sự.
3. THẢO LUẬN:
1) Phải chăng chúng ta nên
bỏ các việc đạo đức bề ngoài như: làm dấu Thánh giá, dự lễ, rước
sách, ngắm nguyện, ăn chay, kiêng thịt, bố thí.... mà chỉ cần “giữ
đạo tại tâm” là đủ? 2) Tuần này bạn sẽ làm gì để chứng tỏ lòng mến thực sự?
4. SUY NIỆM:
1) Lòng đạo đức thực sự
không hệ tại ở kinh kệ dài dòng:
Người Hồi Giáo trong
câu chuyện trên đã tuân giữ luật đọc kinh 5 lần mỗi ngày của đạo Hồi,
nhưng lại không ngần ngại phạm tội ác nhúng tay vào máu của kẻ thù. Rồi
tên cướp công giáo trong câu chuyện thứ hai đã quyết tâm bỏ thuốc lá để
tỏ lòng sám hối Mùa Chay, nhưng lại đi trấn lột tài sản của kẻ
khác. Rồi các người Pharisêu và kinh sư Do thái tuy giữ nghiêm ngặt tập
tục thanh tẩy bằng nước trước khi dùng bữa, nhưng lại coi thường điều răn
quan trọng của Thiên Chúa là “thảo kính cha mẹ”, khi cho phép con cái lấy
của cải lẽ ra dùng để nuôi dưỡng cha mẹ già yếu, biến của đó thành “Cô-ban”,
nghĩa là “Của Thánh đã hiến dâng cho Thiên Chúa”, rồi không cho con cái phải
phụng dưỡng cha mẹ già yếu nữa! Cũng vậy, ngày nay có những người chỉ
chú trọng làm một số việc đạo đức theo luật như đọc kinh, dự lễ Chúa
Nhật, ăn chay kiêng thịt, bố thí... mà không chú trọng thanh tẩy tâm hồn,
không giữ luật công bình bác ái trong cách ứng xử với tha nhân.
2) Mến Chúa thực sự bên
trong phải được biểu lộ qua yêu người bên ngoài:
Lời Chúa hôm nay nhắc
nhở chúng ta rằng: Truyền thống cha ông, luật lệ và các lễ nghi đối
với Thiên Chúa đều tốt và cần được duy trì, nhưng không được quên điều
quan trọng không kém là phải thực thi giới răn yêu người. Tôn kính Thiên
Chúa bằng việc dự lễ đọc kinh là bổn phận căn bản của người tín hữu,
nhưng cần làm những việc đạo đức ấy với một “trái tim mới” và một
“Thần Khí mới” (x. Ed 18,31) theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giêsu.
3) Muốn có lòng mến Chúa thực sự phải bắt đầu từ trái tim:
Lệnh truyền của Đức Chúa cho dân Ítraen: "Ta sẽ
thanh tẩy các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới" (Ed
36,25tt). Đổi mới được trái tim tức là đổi mới được tất cả. Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở mỗi người
tín
hữu chúng ta: Truyền thống, luật lệ và nghi thức cử hành tại nhà thờ đều là việc cần thiết phải làm, nhưng không được quên điều căn bản của Luật Pháp là thực hành mến Chúa yêu người. Tôn kính Thiên Chúa qua việc đạo đức phụng vụ tại nhà thờ là điều cần phải làm, nhưng điều quan trọng hơn là ta phải có lòng mến Chúa kèm theo đức yêu người trong cuộc sống tại
gia đình, khu xóm và xã hội... như lời Chúa dạy: “Từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình,
tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ
báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”. Người tín hữu chúng ta cần phân biệt trong Luật pháp đâu là điều chính đâu là điều phụ. Cần ưu tiên thực hành điều chính trước, rồi sẽ đương nhiên thực hiện được mọi điều tùy phụ liên quan theo sau.
4) Muôn có lòng mến thực
sự phải năng xin ơn Chúa giúp:
Nguyên việc tuân giữ các
việc đạo đức như dự lễ đọc kinh, ăn chay kiêng thịt, làm việc bác
ái... cũng chưa chứng tỏ người ta có lòng đạo đức thực sự, vì họ có
thể làm các việc đó để khoe khoang công đức và được người đời ca tụng...
hơn là làm vì lòng mến Chúa, như ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm lời Chúa trách
dân Ít-ra-en: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng
thì ở xa Ta” (Mc 7,6; Is 29,13). Để chứng tỏ lòng đạo đức thực sự,
chúng ta phải cầu nguyện kết hiệp với Chúa Giêsu, như thánh Phaolô đã
dạy: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5,14).- “Từ nay tôi
sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl
2,20). Mỗi ngày chúng ta nên làm việc bổn phận như đi học, đi làm, phục
vụ tha nhân… kèm theo một lời nguyện tắt như: “Lạy Chúa Giêsu. Con xin làm
việc này để biểu lộ lòng con yêu mến Chúa và cầu nguyện cho một người
lương quen biết sớm nhận biết yêu mến Chúa”.
5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊSU. Xin
biến đổi trái tim con nên giống trái tim Chúa. Ước gì con nhìn mọi sự
mọi người với một cái nhìn bao dung đầy yêu thương noi gương Chúa xưa. Xin
ban Thánh Thần Tình yêu đốt nóng lòng con. Xin giúp con siêng năng tham
dự thánh lễ và rước lễ mỗi ngày cách sốt sắng, để kín múc được sức
sống ân sủng từ nguồn mạch yêu thương vô tận là Thánh Tâm Chúa, để con
gieo rắc tình thương của Chúa đến cho mọi người, an ủi những người đau khổ,
chia sẻ cơm bánh cho kẻ khó nghèo, phục vụ những người bệnh tật và bị bỏ rơi…
hầu con có thể trở nên môn đệ thực sự của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG
CON.
LM ĐAN VINH - HHTM