CHỦ
NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN B
Các bài đọc chủ nhật hôm nay là lời mời gọi chúng ta thông hiệp với một Thiên Chúa gần gủi tìm cách đối thoại với con người. Lời
Chúa
vang vọng ngang qua Lịch sử, đạt tới tâm hồn nhằm thay đổi đời sống mỗi người. Người là đấng luôn có sáng kiến và kiên nhẫn chờ đợi chúng ta đáp trả. Người muốn chúng ta tìm kiếm Người trong kinh
nguyện, và sẵn sàng tiếp đón Người.
Sách Đệ nhị
luật:
Lề luật Thiên Chúa không phải để nô lệ hóa mà để giải phóng con người, để ban cho con người đầy tràn sự khôn ngoan và trí hiểu để giúp chúng ta trở thành một dân tộc CHỨNG NHÂN của tình yêu thương Thiên Chúa đối với tất cả mọi người.
Thánh vịnh
14:
Đây là một Thánh vịnh giáo huấn. Nó trình bày cho chúng ta thấy bộ mặt trần
gian sẽ như thế nào nếu tất cả mọi người sống đúng với những lời chỉ dạy mà nó đề nghị. Chính Thiên Chúa ngự trong cuộc sống mỗi
người. Đó chính là ĐẤT MỚI mà sách Khải Huyền sẽ loan báo.
Thư Gia cô bê:
Thánh Gia cô bê nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã muốn ban sự sống qua Lời
chân
lí,
một lời có thể cứu thoát chúng ta nhưng với một điều kiện: chúng ta TIẾP NHẬN LỜI không những như một CHÂN LÝ, mà còn như một SỰ SỐNG để nó thay đổi cung cách hành xử của chúng ta đối với
anh em và đặc biệt đối với những cô nhi quả phụ, nghĩa là thành phần bị bỏ rơi trong xã hội.
Tin mừng : Mc 7,1-8.14-15.21-23
NGỮ CẢNH
Đọan văn nầy nằm trong phân đọan 7,1-23 bàn về những truyền thống người
Pha ri sêu. Sau khi đã chữa bệnh cho đám đông
dân chúng (6,53-56), một lần nữa Chúa Giê su khiến cho lãnh đạo tôn giáo phải bực mình vì lập trường của Ngài đối với thói quen rửa tay sạch trước
khi ăn. Sau đó, Mc tường thuật hoạt động của Chúa Giê su trên đất dân ngọai (7,24-37).
TÌM HIỂU
Người Pha ri sêu: đây là một phe nhóm tách riêng (= biệt phái) rất có thế lực và uy tín trong dân thời Chúa Giê su. Có lẽ được hình thành dưới thời Gioan Hyrkan để phản đối lập trường chính trị của ông nầy. Họ nổi tiếng rành Lề luật, và có chủ trương rất nhiệm nhặt
trong việc qui định, cũng như việc giữ và buộc người khác giữ luật nghỉ ngày Sa bát và luật tinh sạch. Vì thế họ sẵn sàng lên án bất cứ ai vi phạm những điều qui định trên.
Giê ru sa lem: Giê ru sa lem là thủ đô tôn giáo, trung tâm của Do thái giáo chính
thống.
Dùng bữa: dịch sát chữ là: họ ăn bánh. Vẫn trong đoạn nói về bánh (x.6,30). Do đó, ngay cả đoạn văn của chúng ta cũng nằm trong tương
quan với Bí Tích Thánh Thể. Từ đó người ta đặt ra câu hỏi: đâu là kiểu tinh sạch phải có để có thể tiếp cận bàn tiệc Thánh Thể? Rõ ràng không thể chỉ nói đến một sự tinh sạch theo
nghi thức nữa. X. ở dưới cc. 17,23.
Tay còn ô uế: các qui định của sách Lê vi (11-16) ngăn cấm bất cứ
tiếp xúc nào với những đồ vật bị coi là ô uế (một vài con vật, vài bệnh tật, vv..), được điều chỉnh và mở rộng bởi các truyền thống truyền miệng.
Có
lẽ phải nhìn ở đây một thí dụ về sự đối chọi giữa “những người thông thái” ở Giê ru sa lem, có dư thời giờ để khảo cứu và áp dụng các qui định tỉ mỉ, và giới bình dân chiếm đa số: những người không biết các truyền thống do con người
bày
ra (x. Ga 7,4) nhưng vẫn trung thành với các giới luật của Thiên Chúa.
Thật vậy: trong các câu 3-4, Mc cắt nghĩa cho các độc giả ngoại giáo của ông những gì thuộc về “truyền thống của tiền nhân”.
Truyền thống: đây nói về truyền thống truyền khẩu đặc biệt được các người Biệt phái và luật sĩ truyền lại. (x.
Mt 23).
Isaia: Chúa Giê su qui chiếu đến các tiên tri nghiêm trách dân Israel đã vi phạm các điều răn cốt yếu của Thập điều dưới hình thức trung thành bề ngoài trong các nghi thức phụng tự. Câu trích dẫn từ Isaia 29,13.
Đám đông: ở đây Chúa Giê su kêu gọi đám đông: đây là một câu tuyên bố tổng quát. Ngược lại ở c. 17 Ngài sẽ đưa ra một lời giải thích đặc biệt hơn cho các môn đệ. Điều nầy phù hợp với cách viết thông thường của Mc.
Hiểu cho rõ: ở đây bắt đầu một giai đoạn mới của cuộc tranh luận.
Kỉ luật về sự tinh sạch liên quan đến các bửa ăn đã là và vẫn luôn là một điểm quan trọng trong cách sống đạo của thế giới do thái. Thị kiến về các con thú vật ô uế ở Giáp pha (Cv 10) cho thấy Phê rô có thái độ như thế nào đối với vấn đề tinh sạch nghi thức. Điều
đó
trái
ngược với người ngoại. Tiếp theo biến cố ấy, cộng đoàn tiên khởi đã nhớ lại cuộc đối đầu của Chúa Giê su với người biệt phái và truyền lại trình thuật để làm nền tảng cho các thực hành được tự do chấp nhận, ngược
lại với người do thái.
Không có gì từ bên ngoài vào trong con người: tạo thành khi phát xuất từ bàn tay của Đấng Tạo Dựng, là tốt đẹp (Stk 1); chính con người đã xử dụng vào việc xấu. Tại Giáp pha
ông Phê rô sẽ nghe câu nói nầy: “Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch thì ngươi chớ gọi là ô uế” (Cv 11,9). Từ đó, Giáo Hội sẽ rút ra các hệ quả.
Bản Vul ga ta thêm vào c. 16: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”, nhưng câu nầy (x. các câu 4,9.23) lại không có trong bản hi lạp.
Vì từ bên trong: Với cái nhìn lạc
quan về việc tạo dựng, Chúa Giê su thêm một giáo huấn về nguồn gốc sự dữ
vào:
sự dữ nằm sẵn trong tâm hồn con người. Bảng kê khai các tật xấu phát xuất từ trong tâm hồn giống
với bảng kê khai trong các đoạn văn khác của Tân ước (Gl 5,19-21; Cl
3,5-8). Con người chỉ có thể được chữa trị tội lỗi mình bằng sự trung tín nội tâm với lề luật của Đức Ki tô ban ra.
SỨ ĐIỆP
Hôm nay chúng ta trở lại tin mừng thánh Mác cô, một tác giả rất kiệm lời, chỉ kể
lại những lời thực sự thiết yếu của Chúa Giê su, như lời Ngài trách người Do thái: “Dân nầy thờ kính ta bằng môi miệng nhưng lòng chúng thì cách xa ta. Chúng thờ phượng Ta một cách hờ hửng”.
Điều gì đã xảy ra trong bài tin mừng
hôm
nay? Chúa Giê su nói về những cử chỉ tôn giáo truyền thống của người
Do thái: rửa tay, rửa chén dĩa, rảy nước thanh tẩy..
Bình
thường những cử chỉ ấy phải là dấu hiệu diễn tả một ý muốn thanh tẩy nội tâm. Nhưng thường lại che đậy, giấu giếm bên trong
không có gì tốt cả. Không có một động thái nào cho thấy tâm hồn thực sự sám hối. Người ta hành động chỉ vì ngoại diện, vì hình thức, để muốn người khác đánh giá tốt về mình. Nhưng không ai có thể lừa đối Thiên Chúa được vì Ngài nhìn thấy mọi điều trong tâm hồn chúng ta.
Các kinh sư và biệt phái trách Chúa Giê su đã không theo truyền thống tiền
nhân.
Nhưng đối với Ngài, sự trong sạch đích thật, cội nguồn đích thật của mọi luân lí, đó chính là tâm hồn con người. Ngài lặp lại hai lần từ ‘tâm hồn’ để nhấn mạnh: “Tâm hồn chúng xa cách Ta”. Chính từ nội tâm, từ tâm hồn con người mới phát sinh ra những ý tưởng xấu xa. Vì thế Chúa Giê su mời gọi chúng ta kiểm điểm chính mình. Kiểm chứng lại tính đích thực nơi các hành vi của chúng ta. Để khám phá một sự khác biệt quan trọng
giữa những gì người khác thấy nơi cách sống và tâm hồn chúng ta. Đó là giả hình, là ước muốn khoe khoang cái mình không có. Đó chính là mặt xấu của tôn giáo.
Bài tin mừng hôm nay chạm đến khía cạnh cụ thể trong đời sống chúng ta. Những tâm tình đẹp
nhất có thể mau chóng xuống cấp trở thành hình thức hời hợt bên ngòai. Thí dụ, cha mẹ lo lắng cho sức
khỏe cho con cái là một điều quan trọng; nhưng cũng
phải chăm sóc việc giáo dục lương tâm của chúng. Có nhiều người không chịu đựng được một chút vết dơ trên đầu ngón tay, nhưng lại để cho tâm hồn mình bị cái xấu luân lí ngự trị. Nếu cái bên ngoài không cân xứng với cái bên trong, thì hành vi của chúng ta trở nên vô nghĩa.
Do đó, trong ngày chủ nhật nầy, chúng ta đặt cho mình những câu hỏi thiết yếu: hành vi tôn giáo của chúng ta có thực không? Chúng có phát xuất từ tận đáy lòng không? Ngày hôm nay chúng ta nghe lời sấm tiên tri được Chúa Giê su lặp lại: “Cách thờ phượng của chúng đối với ta thật vô ích..”. Mỗi người phải tự hỏi
về những thực hành tôn giáo của mình: lối thờ phượng vô ích mà chúng ta dành cho Thiên Chúa, đó là gì? Thỉnh thoảng chúng ta nghe người khác chỉ trích chúng ta: “Chủ nhật nào cũng thấy anh đi lễ nhưng lúc nào cũng nghe anh chỉ trích người lân cận”. Chúng ta đừng quên rằng mọi điều răn của Thiên Chúa đều qui về giới luật yêu thương.
Cũng là lối thờ phượng vô ích khi chúng ta chỉ bằng lòng với một chương trình tối thiểu để lương tâm yên ổn, khi người ta làm vừa đủ điều phải làm để giữ đúng luật, khi người ta nghĩ
rằng chỉ cần đến nhà thờ là đã tham dự sốt sắng thánh lễ chủ nhật. Khi hành động như thế, người ta đo lường điều mà người ta sắp hiến ban cho
Chúa.
Làm
như thế, người ta quên một điều, đó là Thiên Chúa đã không đo lường tình yêu của Người đối với chúng ta, mà trái lại, Ngài hiến ban đến cùng.
Điều mà Thiên Chúa chờ đợi chúng ta, là làm sao cho cả cuộc sống chúng ta được lắp đầy bằng sự hiện diện và tình yêu của Người. Trong Kinh
nguyện Thánh thể thứ 3, chúng ta đọc: “Xin Chúa Thánh Thần biến
chúng
con thành của lễ muôn đời tôn vinh Chúa...” Lời kinh ấy rất có ý nghĩa vì nó giả thiết rằng chúng ta muốn dành cho Chúa vị trí ưu tiên trong đời sống và để Người hành động. Nếu Người lên án sự giả hình, không phải là để nhận chìm mà là để chữa lành chúng ta, nâng chúng ta lên và giúp chúng ta biến cuộc
sống trở thành hiến tế đẹp lòng Người.
Hãy tiếp nhận bài tin mừng nầy như là một tin vui cho phép chúng ta định hướng lại cuộc đời. Điều quan trọng chính là động cơ sâu xa, là sống thực với Thiên Chúa, với người khác và với chính mình. Chúa Giê su không
muốn một thứ tôn giáo chỉ bằng lòng với những hành vi hay nghi thức bên ngòai. Đối với Người, chính nội tâm con người là nơi phát xuất sự thiện và sự ác; chính từ thâm tâm con người, trong nơi bí ẩn mà con người hòa hợp với Thiên Chúa.
Như người ki tô hữu trưởng thành, tất cả chúng ta được sai đi để làm chứng cho đức tin và niềm hi vọng hướng dẫn cuộc
đời
chúng
ta. Vấn đề là cần phải để cuộc sống của chúng ta ăn khớp với chứng từ
mà
chúng
ta muốn thể hiện. Ước gì tâm hồn chúng ta được trong sáng và sẵn sàng làm theo Thánh ý Thiên Chúa.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Sách Đệ nhị luật là sách gì?
THƯA: Đó là quyển sách thứ năm, quyển cuối cùng trong Bộ Ngũ thư, chép lại những lời ông Mô sê nói với dân Ít ra ên ở bên kia sông Gio đan trước khi ông qua đời. Ông Mô sê ôn lại cuộc hành trình bốn mươi năm trong sa mạc
dưới sự che chở và dìu dắt của Thiên Chúa, rồi ông nhắc lại Giao Ước. Bài đọc hôm nay trích từ huấn từ thứ nhất của
ông
Mô
sê,
thường được gọi là “Đoạn mở đầu Công bố lề luật cho dân Ít ra ên”.
2. HỎI: Bài đọc thứ nhất nói về điều gì?
THƯA: Ông Mô sê lúc đó đã già yếu,
gần qua đời được Thiên Chúa truyền dạy phải tái công bố lề luật mà ông đã nhận lãnh trên núi Si nai. Ông nói với thế hệ người Ít ra ên thứ hai, chỉ mới 20 tuổi
khi bắt đầu ra khỏi Ai cập. Qua việc nhắc lại lề luật, Thiên Chúa muốn cho họ nhớ lại rằng
Giao Ước Ngài đã kí với toàn dân Ítraên (29,13) cả hiện tại và tương lai: đó là Giao Ước đời đời.
3. HỎI: Giao
Ước có nghĩa gì?
THƯA: Giao Ước có nghĩa là Thiên Chúa đã dấn thân cho dân tộc nhỏ bé của Ngài. Ngài đã hứa ban đất hứa, và Ngài đã giữ lời.
4. HỎI: Thiên Chúa ban đất hứa cho dân để làm gì?
THƯA: Thiên Chúa ban đất hứa
cho họ để họ nên thánh. Trong Kinh thánh, ‘thánh’ có nghĩa là ‘khác’. Đất thánh có nghĩa là ‘đất khác’, một mảnh đất ban cho dân để cho họ sống một cách khác biệt. Đó là cả một chương trình!
6. HỎI: ‘Sống một cách khác biệt’ là như thế nào?
THƯA: ‘Sống một cách khác biệt’ có ba nghĩa: một là Thiên Chúa ban đất hứa cho dân là để dân được ‘hạnh phúc’. Hai là đất ấy được gọi là đất ‘công lý và bình an’. Và ba là đất ấy được hứa ban cho dân là để dân ‘sống theo Lề luật’.
7. HỎI: Tại
sao Thiên Chúa ban đất hứa là để cho dân Ngài được ‘hạnh phúc’?
THƯA: Thứ nhất vì tất cả những gì Thiên Chúa làm cho con người đều nhắm mục đích là để cho con người được hạnh phúc. Thứ hai, khi nhóm người do thám đất hứa trở về đều nói rằng vùng đất mà Thiên Chúa ban cho họ là một xứ sở tốt lành, nghĩa là sẽ đem lại hạnh phúc. Đó là vùng đất ‘chảy sữa và mật’, vừa phong phú, vừa tốt lành.
8. HỎI: ‘Đất hứa’ mà Thiên Chúa ban sẽ trở thành vùng đất công chính và bình an nghĩa là làm sao?
THƯA: Ngay từ lúc mới định cư ở Canaan, con cái Ít ra ên được Thiên Chúa dạy rằng họ không phải là dân tộc cô độc trên thế giới nhưng phải sống
chung hòa thuận với các dân khác. Vì thế họ được mời gọi biến vùng đất hứa trở thành đất công chính và bình an.
9. HỎI: Đất ấy
được hứa ban cho dân là để dân ‘sống theo Lề luật’ nghĩa là làm sao?
THƯA: Đất hứa là nơi dân Thiên Chúa phải sống
chung với các dân thờ lạy bụt thần nên phải đối diện thường xuyên với cám dỗ mạnh mẽ bắt chước họ.
Vì
thế dân Chúa được mời gọi phải cố gắng sống
sống theo Lề luật Thiên Chúa. Nhờ đó họ mới được hạnh phúc.
10. HỎI: Tại
sao phải trung tín giữ Luật Thiên Chúa?
THƯA: Vì ba lí do: lí do thứ nhất:
Lề luật mà Thiên Chúa ban cho con cái Ít ra ên là luật tốt nhất trên trần gian đến nỗi các dân tộc khác đều ao ước. Lý do thứ hai: lề luật mang
lại khôn ngoan và tài trí cho dân Chúa trước mắt các dân khác.
Và lí do cuối cùng: là cuộc sống thân ái êm đềm với Thiên Chúa trongGiao Ước.
11. HỎI: ‘Sống thân ái êm đềm’ với Thiên Chúa trong Giao Ước nghĩa là gì?
THƯA: Kinh nghiệm độc nhất mà dân Chúa được diễm phúc hơn các dân khác là: ‘Không một dân tộc nào được các thần ở bên cạnh mình như Chúa là Thiên Chúa chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, khi chúng ta kêu cầu Người’ (Đnl 4,7). Đó chính là điều mang lại hạnh phúc nhất cho Dân Chúa.
12. HỎI: Lòng trung tín với Thiên Chúa được diễn tả như thế nào?
THƯA: Lòng trung tín với Thiên Chúa đã đưa con cái Ít ra ên ra khỏi Ai cập được diễn tả bằng việc thực
hành
các
giới răn và phán quyết mà Ngài nhờ Mô sê truyền lại cho Dân: ‘Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân’.
13. HỎI: Bài đọc một liên kết với bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Người Do thái (cả chúng ta nữa!) thường có khuynh hướng coi tôn giáo hay việc thờ phượng Thiên Chúa trước tiên là vấn đề giữ các nghi thức và truyền thống (Bđ 1). Nhưng Chúa Giê su nhắc
chúng
ta nhớ rằng tâm hồn mới là điều ưu tiên cần phải quan tâm (BTM).
14. HỎI: Ngữ
cảnh bài Tin mừng (Mc 7,1-8.14-15.21-23) như thế nào?
THƯA: Bài tin mừng nằm trong phân đọan Mc 7, 1-23 bàn về những truyền thống người
Pha ri sêu. Sau khi đã chữa bệnh cho đám đông dân chúng (6,53-56), một lần nữa
Chúa
Giê
su khiến cho lãnh đạo tôn giáo phải bực mình vì lập trường của Ngài đối với thói quen rửa tay sạch trước
khi ăn. Sau đó, Mc tường thuật hoạt động của Chúa Giê su trên đất dân ngọai (7,24-37).
15. HỎI:
Chuyện rửa tay trước khi dùng bữa là tập tục đặc biệt của Ít ra ên?
THƯA: Đúng thế. Người Ít ra ên coi đó là truyền thống phong phú để lại từ cha ông họ. Từ ngàn xưa họ lo lắng tìm lối sống đẹp lòng Thiên Chúa để truyền lại cho con cháu qua những qui định, tập quán tỉ mỉ đến từng chi tiết trong đời sống hằng ngày. Thế nên đối với họ, chuyện rửa tay
trước khi ăn là điều cốt yếu họ phải chu toàn để giữ gìn cốt cách (căn tính) của dân Ít ra ên.
16. HỎI: Cốt
cách của Ít ra ên là gì?
THƯA: Đó là việc Ít ra ên được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của Ngài. Dân Ít ra ên coi việc họ
được
tuyển chọn là bắt buộc phải sống riêng biệt và tránh mọi tiếp xúc với dân ngoại đều làm cho họ trở nên ô uế.
17. HỎI: Tục
lệ rửa tay trước khi ăn có ý nghĩa như thế nào?
THƯA: Rửa tay không phải vì lí do vệ sinh hay lịch sự mà vì có ý nghĩa tôn giáo: đó là một nghi thức thanh tẩy.
Trong sách Xuất hành 30, 17tt luật buộc các thầy tư tế phải rửa tay
trước khi dâng hi tế. Sau nầy truyền thống mở rộng luật buộc ấy
cho tất cả mọi người trước khi ăn, nhằm đem lại một ý nghĩa tôn giáo cho các bữa ăn. Nghi thức thanh
tẩy là một biểu tượng sự trong sạch luân lí mà một người phải có khi đến gần Thiên Chúa (Tv 24,3; 51,4,9) Nhưng
người Pha ri sêu chỉ chú trọng đến nghi thức hoàn toàn bên ngoài. Bằng cách không rửa tay, Chúa Giê su tái lập ý nghĩa nguyên thủy của các lề luật mà mục tiêu là dạy thờ phượng Thiên Chúa một cách đúng đắn (Ga 4,24).
18. HỎI:
Truyền thống tiền nhân là gì?
THƯA: Truyền thống tiền nhân là kho tàng khôn ngoan của tiền nhân để lại trong cố gắng khám phá cách sống làm đẹp lòng Thiên Chúa, bao gồm những giải thích, chỉ dẫn mà các thầy dạy luật đưa ra để giải thích và áp dụng lề luật. Đó là một luật lệ không thành văn, nhưng có giá trị và có tính bó buộc ngang hàng với lề luật
Thánh
(Gl 1,14). Người Do thái nào không tuân giữ truyền thống nầy thì bị xem như vi phạm chính Lề luật.
19. HỎI: Tại
sao người Biệt phái và luật sĩ lại coi trọng luật trong sạch đến thế?
THƯA: Đối với họ, lề luật về
trong sạch là thiết yếu giúp cho người Do thái bảo toàn căn tính Do thái của mình. Người Do thái quan niệm việc Thiên Chúa tuyển chọn họ là tách biệt họ, để họ riêng ra khỏi các dân tộc khác. Vì thế, mọi tiếp xúc đụng chạm với dân ngoại (hoặc những đồ vật mà dân ngoại chạm đến) đều khiến họ ra ô uế, nghĩa là không còn xứng đáng với sự tuyển chọn ấy nữa.
20. HỎI: Chúa Giê su có trả lời cho họ không?
THƯA: Chúa Giê su không trực tiếp
trả lời cho họ, nhưng như theo thường lệ, Ngài trích dẫn lời sấm tiên tri Isaia 29,13, rồi phê
bình lối sống đạo của họ là giả hình, chỉ giữ hình thức bên ngoài mà không thực sự thờ phượng Thiên Chúa trong tâm hồn.
21. HỎI: Trọng
tâm lời Chúa Giê su dạy là gì?
THƯA: Chúa Giê su không cắt nghĩa
vì
sao các môn đồ của Ngài không rửa tay trước khi dùng
bữa, nhưng vạch ra cho người Pha ri sêu và luật sĩ biết đời sống của họ không tốt lành gì đâu, mà còn xấu xa là đàng khác. Vì họ đã gạt lệnh truyền của Thiên Chúa qua một bên, và chỉ giữ lệ truyền của loài người. Và họ chỉ chú trọng làm cho sạch bên ngoài mà không lo thanh
tẩy lòng trí bên trong.
22. HỎI: Sự
trong sạch trong tâm hồn là gì?
THƯA: Sự trong sạch là khả năng đến gần Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là tình yêu và tha thứ, nhiều tiên tri đã nói và lặp đi lặp lại điều đó. Vì thế, sự trong sạch đích thực là tư cách tâm hồn biết xót thương; sự ô uế mà Chúa Giê su trách cứ nơi người Pharisêu và Luật sĩ chính là “tâm hồn chai đá”, vô cảm của họ .
23. HỎI: Bảng
liệt kê các tính xấu có mục đích gì?
THƯA: Bảng liệt kê cho thấy tâm hồn xấu xa là kho tàng chất chứa mọi thứ đồi bại gian ác. Những suy tính xấu xa (21 a) và những điều bậy bạ (23) gồm 12 thứ
là
những thứ thực sự gây ra ô uế, khiến người ta bất xứng.
Việc kê ra nhiều thói hư như thế có mục đích cho thấy lòng người có tiềm năng đáng sợ như thế nào. Các bảng tương tự có thể tìm thấy trong thư Galát 5,19-21; Rôma 1,29-31; Thư 1 Phê rô 4,3.
24. HỎI: Tính xấu nào đáng sợ nhất?
THƯA: Đó là tính ngông cuồng, hay vô lương tri được kê ra ở cuối bảng liệt kê. Nó là nguồn gốc mọi sự ác vì làm cho người ta đánh giá sai lạc thực tại
trước mặt Chúa. Người ngông cuồng, vô lương tri là người ngu si, không biết Thiên Chúa, quên Thiên Chúa và khinh bỉ Ngài (Tv 10,3t; 14,1).
25. HỎI: Đâu là Sứ điệp Tin mừng hôm nay?
THƯA: Chúa Giê su muốn mọi người
phải kiểm điểm đời sống tôn giáo và đạo đức của mình. Ngài khuyên hãy bắt đầu thanh tẩy tâm hồn mình để từ nguồn phát sinh trong sạch ấy mới có những tư tưởng và hành vi tốt lành.