THỨ
HAI TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
VỀ QUÊ CŨ
LỜI CHÚA:
Lc 4, 16-30
16 Khi ấy,
Chúa Giêsu đến Nadarét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như
Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho
Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra gặp đoạn chép rằng: 18 Thần Khí Đức
Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng
cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được
tha, cho người bị mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19
công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.
20 Đức
Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Trong hội
đường, trăm con mắt đều đổ dồn về phía Người. 21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm
nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe”. 22 Mọi người đều tán
thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.
Họ bảo
nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” 23 Người nói với họ: “Hẳn
là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả
những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại
đây, tại quê ông xem nào!” 24 Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một
ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương
mình.
25 “Thật
vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm
sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà góa ở trong nước Israen; 26
thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp
bà góa thành Xarépta miền Xiđôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êliasa, thiếu gì
người phong hủi ở trong nước Israen, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có
ông Naaman, người xứ Xyri thôi.
28 Nghe vậy,
mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành –
thành này được xây trên núi để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa
họ mà đi.
SUY NIỆM
Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay thuật lại cho
chúng ta biết, sau một thời gian bôn ba khắp nơi giảng dạy và chữa bệnh cho
thiên hạ, ngày nọ Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về quê nhà Nagiarét với hy vọng
giúp ích được gì cho những người thân vì Người không muốn cảnh “làm phúc nơi
nao để cầu ao rách nát”.
Thánh sử Luca ghi nhận Chúa Giêsu chính là Đấng
Thiên Sai cứu độ trần gian. Sứ vụ đó là đến để yêu thương và ban ơn cứu độ cho
nhân loại. Đó là mở ra thời đại mới của công lý và hòa bình, của tự do và bác
ái.
Để thi hành sứ vụ ấy, ngay khi vừa trở về Nagiarét
Chúa Giêsu đã tiến thẳng vào hội đường và trân trọng đọc lại lời ngôn sứ Isaia
đã được ghi chép trong Sách Thánh: “Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã
xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai
tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người bị mù biết họ được
sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức
Chúa”. Không phải sự tình cờ mà Chúa Giêsu đọc đoạn sách này nhưng là lần đầu
tiên Người trở lại quê nhà Nagiarét để giới thiệu cho những người đồng hương biết
Người là ai?Thế nhưng Đức Giêsu đã thất vọng ê chề vì thái độ khinh miệt và cứng
lòng tin của người dân địa phương. Lửa nhiệt tình nơi Chúa đã bị dập bởi một
gáo nước lạnh và Người không ra khỏi vòng cương tỏa của con người với quan niệm
“Bụt nhà không thiêng”.
Khi giảng dạy ở vùng dân ngoại, Chúa Giêsu được
nhiều người ngưỡng mộ vì những giáo huấn khôn ngoan và các phép lạ kèm theo. Thế
nhưng tại quê nhà, Chúa Giêsu không làm phép lạ nào tại đó. Trong đoạn mở đầu
Phúc âm thứ tư, thánh sử Gioan cũng ghi nhận về sự thờ ơ của loài người đối với
Con Thiên Chúa: “Ngài đã đến nhà mình nhưng người nhà đã chẳng chịu đón tiếp
Ngài” (Ga 1, 11). Đây quả là một bi kịch khi một dân tộc được tuyển chọn trở
thành dân riêng của Thiên Chúa nhưng chính Con Thiên Chúa lại trở nên “kẻ xa lạ
giữa những người quen biết” vì Chúa Giêsu đã không làm thỏa mãn những tham vọng
trần thế của họ. Hơn nữa, họ đã nặn ra một vị Thiên Chúa theo ý riêng của họ
nên không thể chấp nhận một vị Thiên Chúa làm bạn với những người nghèo, người
đau khổ, bệnh tật và người tội lỗi.
Họ tra hỏi về nguồn gốc thân thế gia đình,
anh em họ hàng của Chúa Giêsu. Họ tỏ thái độ khinh miệt trong câu hỏi: “Ông này
không phải là con ông Giuse đó sao?” Sở dĩ Chúa Giêsu không được đón nhận vì gia
đình cha mẹ của Người chỉ là dân lao động bình thường chẳng có gì đặc biệt. Điều
đó cho thấy họ ngầm phủ nhận thiên tính của Chúa Giêsu. Số phận của Chúa Giêsu
cũng không khác gì những ngôn sứ khi xưa. Người sẽ phải gánh chịu những phản ứng
bắt bớ của người đời đến độ bị sát hại. Số phận của Chúa Giêsu là số phận của một
người Tôi Tớ đau khổ, phải gánh chịu mọi sự khinh miệt của con người, nhất là những
người họ hàng và những môn đệ thân tín nhất.
Giáo Hội, hiện thân của Chúa ở trần gian có
con số tín hữu còn ít ỏi mặc dù Giáo Hội đã nỗ lực rất nhiều với công tác truyền
giáo và là dấu chỉ gây ngạc nhiên cho nhiều người. Thực tế cho thấy ở những nơi
được xem là xứ đạo “gốc”, hạt giống Tin Mừng lại thiếu điều kiện để nảy mầm và
đơm bông kết trái.“Gần chùa gọi bụt bằng anh”, đôi lúc chúng ta cũng có thái độ
giống người đồng hương của Chúa Giêsu khi tỏ ra coi thường quyền năng, những ơn
lành và tình thương của Thiên Chúa. Là môn đệ của Chúa, chúng ta cũng không thể
tránh khỏi những phản ứng tiêu cực của người đời, sẽ gặp thất bại ê chề ngay
trên “sân nhà”. Óc địa phương, óc kỳ thị, dửng dưng ích kỷ đã ăn sâu vào tâm thức
khiến chúng ta không bỏ được những thói xấu ấy.
Nhìn vào xã hội hôm nay, người ta chuộng
“hàng ngoại”, chạy theo những gì là “đẳng cấp”, “kỹ thuật số” làm sao để được
hưởng thụ vật chất cho thật nhiều mà quên rằng giá trị đích thực của đời sống
là tin vào Thiên Chúa. Người ta dễ dàng chạy theo những phong trào, những lối sống
“không ngày mai” mà quên rằng nơi Chúa Giêsu mới đem lại niềm hạnh phúc đích thực.
Với lối nghĩ “giải thiêng tục hóa”, người ta coi Chúa Giêsu chỉ là một người
bình thường, thế nhưng họ lại thần tượng những ngôi sao ca nhạc hay những danh
thủ bóng đá . Người ta loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống để thay vào đó là tôn
thờ danh vọng, quyền lực và mọi thứ hưởng thụ khác.
Thái độ của những người đồng hương Nagiarét
cũng là thái độ của mỗi người chúng ta. Đôi lúc chúng ta cũng từ chối Chúa khi
chúng ta không tiếp nhận và yêu thương tha nhân. Chúng ta vẫn cầu nguyện nhưng
khéo léo xin Chúa thực hiện theo sự sắp đặt của chúng ta. Chúa vẫn hiện diện
trong những người anh chị em xung quanh nhưng chúng ta cố tình không nhận ra
nên còn đối xử bất công với người khác. Khi chúng ta sống trong tội lỗi, trong
sự hận thù ghen ghét, đố kỵ là chúng ta đang đi ngược với ý muốn của Thiên
Chúa. Một lần nữa, lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta khám phá ra hình ảnh của
Thiên Chúa nơi những người xung quanh để có thái độ sống bác ái hơn, tôn trọng
và yêu thương người đồng loại nhiều hơn.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng đến cứu độ trần gian,
xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa qua những ân sủng thiêng liêng
và nhất là qua tha nhân.Xin cho chúng con biết thay đổi thái độ sống hẹp hòi
ích kỷ, nhưng luôn sống theo sự dẫn dắt của Chúa để được hưởng nguồn ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn chúng con. Amen.
Nt. Maria Anh Thư, OP