CHÚA NHẬT
XXII TN A :
THEO CHÚA, CHÚNG TA TÌM VÀ MONG ĐỢI ĐIỀU GÌ ?
Người
ta tìm thấy lá thư của một người tù Do Thái tại trại giam Auschwitz. Lá thư viết
bằng máu, được nhét trong một lọ thủy tinh. Lá thư có nội dung như sau : Tôi là
một người Do Thái, tôi tin vào Thiên Chúa của tôi, tôi yêu chuộng lề luật của
Ngài. Làm người Do Thái thì khổ lắm vì đã nhiều lần bị Thiên Chúa của mình hành
hạ gần như đến chết mới thôi. Thế nhưng, tôi vẫn tin và vẫn yêu mến Thiên Chúa
của tôi. Tôi thượng tôn lề luật của Ngài, dù có những lúc Ngài đánh tôi, hất hủi
tôi, nhưng tôi vẫn tin vào lề luật của Ngài, dù như có những lúc Ngài làm mọi
cách để tôi từ bỏ Ngài, từ bỏ lề luật đáng kính của Ngài, nhưng tôi vẫn yêu
Ngài, vẫn theo Ngài cho dù Ngài có bỏ tôi đi nữa….
Thưa
quý OBACE, đọc tâm sự trong lá thư trên của một người tù Do Thái đang cận kề với
cái chết trong trại tập trung kinh khủng nhất của nhân loại, mà ông vẫn thể hiện
lòng tin và sự trung thành với Thiên Chúa và lề luật của Ngài như thế, quả là
điều xúc động và đáng để chúng ta suy nghĩ. Ngày nay, nhiều người trong chúng
ta bị giằng co khi tin Chúa, theo Chúa. Nhiều người nghĩ rằng tin Chúa, theo
Chúa là tìm kiếm một chỗ dựa tinh thần, một cuộc sống thoải mái, dễ dãi, hoặc
nhìn Thiên Chúa không khác gì một người thủ kho hoặc người bảo vệ để canh gác
và là người giải quyết những khó khăn khi cần, mà quên mất đòi hỏi của Chúa khi
tin và theo Ngài. Theo Chúa, chúng ta tìm và mong đợi điều gì ? Chúa đòi chúng
ta điều gì ?
Tâm
sự của Giêrêmia trong bài đọc một cho thấy ông đã bị cuốn hút, bị khuất phục bởi
Thiên Chúa và bước đi theo sự dẫn dắt của Ngài. Tuy nhiên, ông cho thấy, theo
Chúa không phải là điều dễ dàng. Có thể nói rằng, trong tất cả các ngôn sứ,
Giêremia là một trong những người khổ sở nhất : Suốt ngày con đã nên trò cười
cho thiên hạ nhạo báng. Vì Lời của Chúa mà con đây bị xỉ nhục và chế giễu suốt
ngày. Có những lúc, vị tiên tri cảm thấy chán nản vì sứ vụ của mình và muốn bỏ
cuộc : Tôi tự nhủ là tôi sẽ không nghĩ đến Người nữa, cũng chẳng nhân danh Người
mà nói nữa. Thế nhưng, Lời Ngài cứ như ngọn lửa cháy bừng trong tim, âm ỉ trong
xương cốt khiến con phải hao mòn. Tâm sự của Giêremia có lẽ cũng là tâm trạng của
nhiều người trong chúng ta khi thấy mình tin Chúa, theo Chúa, giữ lề luật của
chúa mà dường như chỉ thấy gặp toàn điều xui xẻo ; có khi còn rơi vào cảnh tù
đày, bị hắt hủi, bị đề phòng hoặc rơi vào chán nản, thất vọng.
Tin
Mừng cho thấy, Chúa Giêsu đến là để đem lại niềm vui, hân hoan và hy vọng cho
cuộc sống này như khi Ngài hóa bánh ra nhiều, hoặc hóa nước thành rượu ngon, chữa
lành người què khiến cho dân chúng vui mừng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không hề hứa
hẹn, bảo đảm cho ai một cuộc sống dễ dãi, thoải mái ở đời này ; trái lại, Chúa
luôn đòi hỏi mọi người tin theo Chúa phải chấp nhận một sự từ bỏ dứt khoát để đạt
được hạnh phúc và niềm vui Nước Trời. Điều này không hề dễ dàng để chấp nhận,
ngay đến Phêrô cũng đã không muốn chấp nhận điều đó.
Câu
chuyên trong Tin Mừng cho thấy, sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu
: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống và ông đã được Đức Giêsu khen trước
mặt mọi người. Phêrô nghĩ rằng, ông đang đi trên con đường thênh thang, chỉ cần
tuyên xưng như thế là đủ mà không cần phải làm thêm việc gì nữa. Thế nhưng,
Chúa Giêsu cho thấy việc tuyên xưng của Phêrô chỉ là khởi đầu của một cuộc hành
trình theo Chúa cách quyết liệt, đó là phải cùng Ngài đi lên Giêrusalem, chịu
đau khổ do các kỳ mục gây ra, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Chính vì
thấy không được như mong đợi, Phêrô đã muốn can ngăn Chúa, hay đúng hơn, ông muốn
dắt Chúa đi theo suy nghĩ, con đường của ông và ước mộng của ông. Cho đến lúc
này, Phêrô và các tông đồ vẫn nuôi một hy vọng hết sức trần thế, đó là nếu Thầy
của các ông thành công thì chắc chắn các ông sẽ được chia sẻ quyền lực, danh vọng.
Đi theo Thầy, các tông đồ muốn tìm vinh quang trần thế hơn là tìm chính Chúa. Vì
thế, Phêrô đã đứng ra can ngăn Chúa, ông còn nhân danh Thiên Chúa để ngăn cản
Thầy của mình : Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy.
Lần
này, Chúa hết sức nặng lời với Phêrô khi mắng ông : Satan, hãy lui ra đàng sau
Thầy, anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên
Chúa. Vì muốn một cuộc sống vinh hoa của thế gian, nên Phêrô không muốn nghe
nói về đau khổ ; vì muốn cuộc sống dễ dãi, Phêrô không muốn thập giá. Hơn nữa,
vì không muốn theo ý Chúa nên Phêrô muốn Chúa theo ý mình, đáp ứng cho mình. Thấy
được tư tưởng của Phêrô như thế, Chúa đã không ngần ngại gọi ông là satan, là kẻ
cản đường. Lời trách mắng này muốn Phêrô tỉnh ngộ và trở về đúng với vị trí của
mình là môn đệ của Chúa : Hãy lui ra đàng sau Thầy. Vì ông không thể cho mình
là người dẫn đường cho Chúa, mà trái lại, Chúa mới là người dẫn đường, là người
đi trước và bất cứ ai muốn làm môn đệ của Chúa, thì phải đi sau Ngài và đi theo
con đường ấy.
Con
đường mà Chúa Giêsu muốn là con đường : từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà
theo Chúa. Đấy chính là điều kiện bắt buộc cho tất cả những ai muốn theo Chúa.
Chúa luôn để mở cho sự tự do của con người : Ai muốn theo tôi thì hãy từ bỏ
mình và vác thập giá mình mà theo. Khi đã muốn, đã quyết định, thì phải chấp nhận
hai bước quan trọng, đó là từ bỏ chính mình và kế đó là vác thập giá của mình
và bước theo. Chúa không ép buộc bất cứ ai, Ngài hoàn toàn tôn trọng tự do và
chọn lựa của con người, ai muốn thì chọn và khi đã chọn thì chấp nhận tất cả những
điều kiện kèm theo. Chúa cũng cho thấy những thử thách mà người theo Chúa gặp
phải, đó là chịu thiệt thòi, mất mát ở đời này thì sẽ được hạnh phúc đầy tràn đời
sau. Trái lại, nếu chỉ lo tìm kiếm vật chất đời này, tìm kiếm lợi lộc trần
gian, thì sẽ đánh mất hạnh phúc Nước Trời.
Từ
bỏ chính mình là từ bỏ những gì ? Thưa, đó là từ bỏ bản thân, là cái tôi ích kỷ
nhỏ nhen, là những dục vọng ham muốn, là những tham lam lợi lộc, là những bon
chen thiệt hơn, là sự tự ái, tự cao…. Kinh nghiệm cho thấy, có những người có
thể làm được nhiều việc to lớn, nổi danh nổi tiếng, nhưng lại không thể vượt
qua được bản thân mình, không thể làm chủ được con người của mình, hay đúng hơn
không từ bỏ được chính bản thân. Cái tôi hay còn gọi là bản thân mình là thứ
virus ở sâu trong mỗi con người. Nó như một thứ nội thù nằm bên trong mỗi người.
Một khi chúng ta không thắng nó, không từ bỏ được nó thì sẽ bị nó làm chủ và biến
chúng ta thành nô lệ, và chúng ta không thể nhẹ nhàng để bước theo Chúa Giêsu
được.
Vác
thập giá mình hằng ngày là vác những gì ? Chúa không đòi chúng ta phải vác thập
giá của Chúa. Chúa cũng không buộc chúng ta phải vác thập giá cho anh em, nhưng
Chúa muốn chúng ta vác thập giá của chính mình. Thập giá của ai, vừa vai người ấy.
Thập giá của chính mình chính là những bổn phận thường ngày của mỗi người, là sự
khiếm khuyết cùng với sự bất toàn, bất túc của con người. Thập giá của mình là
những hoàn cảnh hiện tại của bản thân, của gia đình. Đó có thể là cái khổ của sự
sung túc, bệnh tật, nghèo khó, hoặc là những trách nhiệm làm ông bà, cha mẹ, vợ
chồng, con cháu cùng với khó khăn vất vả, mồ hôi nước mắt. Khi chúng ta đón nhận
thập giá ấy với lòng yêu mến và vui vẻ bước theo Đức Kitô thì chúng ta mới có
thể trở thành môn đệ của Ngài.
Thưa
quý OBACE, theo Đức Kitô luôn là một đòi hỏi và là một thách thức. Là đòi hỏi
vì con đường này chắc chắn sẽ là con đường hẹp, đòi hỏi phải hy sinh, phải từ bỏ,
chứ không phải là con đường dễ dãi, thoải mái. Theo Chúa là phải dám chấp nhận
bước vào con đường của Chúa, không thể đi đường ngang hay đi tắt đón đầu, mà là
một hành trình cố gắng bước đi từng ngày, theo sát Đức Kitô từng bước, nên giống
Đức Kitô, sau cùng là chịu đóng đinh cùng với Đức Kitô. Theo Chúa luôn là một thách thức, vì không phải bất cứ ai cũng có thể
bước theo, mà phải là những người được Chúa tuyển chọn, những người đặt niềm
tin vào Chúa, cùng với sự cố gắng, quyết tâm vượt lên chính mình, làm chủ bản
thân cùng những dục vọng trong con người của mình. Là một thách thức, vì khi
theo Chúa, có nghĩa là bước vào một cuộc chiến đấu liên tục, đương đầu với ma
quỷ dục vọng, thế gian là những kẻ thù khi ẩn khi hiện, là kẻ thù giấu mặt nguy
hiểm.
Là
những người được chọn để trở nên môn đệ Chúa Kitô, chúng ta không tìm kiếm lợi
lộc của thế gian này làm gia nghiệp, mà là tìm Đức Kitô làm gia nghiệp, là hạnh
phúc đời đời. Vì thế, chúng ta không thể tránh né thập giá, cũng không thể từ
chối con đường của Đức Kitô. Chúa đang muốn các linh mục tu sĩ vác thập giá của
bản thân và đi qua con đường tu trì tận hiến, tuân giữ những lời khuyên Phúc âm
để bước theo Chúa. Chúa đang muốn các tín hữu khác đi qua con đường gia đình,
tuân giữ giới răn lề luật của Chúa, bước theo Chúa. Vì thế, mỗi chúng ta đừng
chần chừ, cũng đừng đứng đắn đo, mà hãy vui vẻ đón nhận hoàn cảnh và cuộc sống
hiện tại của mình, chu toàn thật tốt đẹp nhiệm vụ là linh mục tu sĩ, là cha mẹ
vợ chồng, con cháu, cùng nhau bước theo lời mời gọi của Đức Kitô. Chúng ta sẽ
tìm được niềm vui, và hạnh phúc cùng với sự sống đời đời Chúa ban tặng cho những
ai đi trọn con đường Chúa muốn. Amen.
Lm.
Giuse Đỗ Đức Trí
Gp.
Xuân Lộc