Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 23

CHÚA NHẬT XXIII TN C:

THEO CHÚA LÀ MỘT QUYẾT ĐỊNH DỨT KHOÁT

san-sang-theo-chua.jpg

Có một vài người đặt vấn đề: Theo đạo Chúa khó quá, các đạo khác như đạo Tin Lành hoặc như đạo Phật dễ lắm. Người khác lại cho rằng đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, vậy thì theo đạo khác cho khỏe…

Tuần trước, chúng ta đã nghe lời mời gọi của Chúa Giêsu, ai muốn theo Chúa phải từ bỏ mình, bước vào con đường hẹp. Chúa không hứa cho những người theo Chúa một cuộc sống dễ dãi. Thường thì những kết quả đạt được do sự dễ dãi, không cần phải cố gắng thì không có giá trị. Ví dụ : Chiếc huy chương vàng Olympic của người xạ thủ phải đánh đổi bằng nhiều ngày tháng khổ luyện. Chúa Giêsu cũng không tô vẽ màu hồng cho những người đi trên con đường của Chúa, nhưng Ngài chỉ cho thấy đó là con đường chông gai, đường đau khổ của thập giá.

Vì thế, quyết định theo Chúa phải là một quyết định có hiểu biết và chọn lựa một cách dứt khoát, không thể là quyết định bồng bột a dua theo đám đông. Theo Chúa là phải chấp nhận từ bỏ, không thể đi hai hàng, bắt cá hai tay: Ai đến với tôi mà không bỏ cha mẹ vợ con, anh em và mạng sống mình thì không thể làm môn đệ tôi. Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ của tôi. Chúa không bắt ép ai, Chúa để chúng ta hoàn toàn tự do, nhưng một khi đã muốn theo Chúa thì phải đáp ứng các điều kiện của Chúa.

Đòi hỏi từ bỏ như thế có khó quá không? Khi nói đến bỏ cha mẹ vợ con, anh em ruộng vườn.. Chúa không nói chúng ta bỏ bê cha mẹ người thân, nhưng muốn nói, việc theo Chúa phải là ưu tiên tuyệt đối. Nếu phải cân nhắc giữa tình cảm ruột thịt với hạnh phúc đời đời thì phải can đảm chọn con đường đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Cũng vậy, theo Chúa Giêsu không thể chọn một con đường nào khác, nhưng phải bước vào con đường của Chúa, vác thập giá mình theo Chúa. Theo Chúa Giêsu không thể từ chối thập giá. Chúa không đòi chúng ta vác thập giá của Ngài hoặc của một người nào khác, nhưng là vác thập giá của chính mình mỗi ngày.

Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người xây tháp và ông vua trước khi khởi quân đánh trận để so sánh. Nếu muốn xây tháp thành công, người ta phải đầu tư, tính toán đến khả năng tài chính. Ông vua ra trận, nếu muốn thành công phải tính toán đến khí lực, tài lực, chiến thuật. Nếu thấy mình không đủ khả năng, điều kiện, thì cần phải có một kế hoạch khác phù hợp hơn kẻo bị chê cười hoặc bị tổn thất quân lực.

Nếu chỉ nghe những đòi hỏi như thế, hẳn có nhiều người trong chúng ta cũng cảm thấy e ngại vì nghĩ rằng, không biết mình có thể theo Chúa với những điều kiện Chúa đưa ra hay không ? Với khả năng sức lực của cá nhân mỗi người, chúng ta rất khó có thể đáp lại được những đòi hỏi của Chúa. Thế nhưng, Chúa không bao giờ để chúng ta bước đi một mình, trái lại, Người luôn đồng hành với chúng ta và ban ơn nâng đỡ, giúp chúng ta thành công.

Bài đọc hai đã minh chứng rằng: Chúng ta có thể thực hiện những đòi hỏi của Chúa nếu biết cậy dựa vào Ơn Chúa. Trước hết là tấm gương của Phaolô, một con người uyên bác giỏi giang, có đầy đủ mọi điều kiện để trở thành người thành đạt nổi tiếng trong xã hội. Thế mà, ông đã chọn theo tiếng gọi của Đức Giêsu, đã chấp nhận bỏ lại đàng sau tất cả. Từ một con người thế giá, ông trở thành kẻ bị người ta bắt bớ đánh đập vì danh Giêsu. Từ một công dân Rôma với đầy đủ quyền miễn khởi tố, ông trở thành kẻ bị tù đày vì Tin Mừng. Từ một người biệt phái được mọi người kính trọng, nay ông trở thành trò cười cho thiên hạ. Thế nhưng trong cái tưởng chừng như bất hạnh thiệt thòi đó, Phaolô vẫn cảm nhận được Chúa ở bên ông. Ông luôn hạnh phúc vì được biết Chúa Giêsu, được phục vụ Ngài và tự hào vì bị tù tội vì Ngài.

Trong thư gửi cho Philêmon, Phaolô cũng muốn Philêmon có một thay đổi trong suy nghĩ và cách ứng xử thông thường. Phaolô đề nghị Philêmon có một chọn lựa quyết liệt, đó là đón nhận Ônêximô như một người anh em. Điều này thật khó tưởng tượng trong thời điểm xã hội lúc đó, vì Ônêximô là một nô lệ của Philêmon, nhưng anh đã bỏ trốn. Theo luật lúc bấy giờ, nô lệ bỏ trốn có thể sẽ bị đánh đập hoặc giết chết. Ônêximô khi trốn chủ đã gặp Phaolô. Anh đã nghe Phaolô giảng, đã tin theo Chúa Kitô và chịu phép rửa. Sau một thời gian ở lại với Phaolô, nay Phaolô trả người nô lệ này lại cho Philêmon. Trong thư gưi kèm, Phaolô yêu cầu Philêmon không những không trừng phạt người nô lệ này, mà còn đón nhận anh ta như một người bạn, một người ruột thịt, người con của Chúa.

Sự kiện trên cho thấy chọn lựa bước theo Chúa Giêsu đòi mỗi người phải quyết liệt từ bỏ những cách sống và đối xử thông thường để đối xử với nhau theo cách của Tin Mừng. Theo Chúa là dám lội ngược dòng, dám loại bỏ những gì cản trở mình trên con đường theo Chúa, cho dù sự loại bỏ đó có thể gây đau đớn, mất mát. Câu kết luận của Chúa Giêsu hôm nay khẳng định chắc chắn như thế: Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

Là môn đệ của Chúa Giêsu, nhận mình là người Công Giáo, nhưng nhiều người vẫn ngại ngùng trước đòi hỏi của Chúa. Theo Chúa, nhưng chúng ta vẫn muốn chiều theo con người của mình, muốn thu vén về cho mình hơn là từ bỏ. Sự từ bỏ vật chất, các mối tương quan đã là một thách thức, việc từ bỏ bản thân càng là một thách thức khó hơn. Như đã chia sẻ ở trên, từ bỏ không có nghĩa là biến mình trở thành nghèo khó rách rưới, nhưng là biết siêu thoát khỏi sự ràng buộc, lệ thuộc vào vật chất, tiện nghi. Từ bỏ không biến mình thành kẻ đơn độc, nhưng biến mình trở nên mọi sự cho mọi người, dám quên mình để phục vụ và yêu thương.

Hãy bắt đầu từ bỏ bản thân, bỏ đi những tự ái, nóng nảy, giận hờn, là nguyên nhân gây căng thẳng cãi vã với nhau.  Kế đến là bỏ đi sự kiêu căng ngạo mạn, cho mình là nhất, để biết sống khiêm tốn, lắng nghe sự góp ý, chỉ bảo của người khác. Trong gia đình, có nhiều cha mẹ đã đánh lừa lương tâm của mình, nhắm mắt làm ngơ trước những việc làm ăn sai trái, buôn bán gian lận, không dám lên tiếng khi thấy con mình sai lỗi. Sống từ bỏ trong gia đình là bỏ đi những cãi vã, từ bỏ cái tôi để biết đón nhận nhau, từ bỏ những gì là gian dối, những thói quen xấu để tái lập một nếp sống mới tốt hơn.

Mỗi người được mời gọi vác thập giá mình hằng ngày để theo Chúa. Thập giá của các bậc cha mẹ không chỉ là lo miếng cơm manh áo cho con cái, mà quan trọng hơn là làm cho gia đình nên ấm cúng hạnh phúc và nên thánh. Thập giá của cha mẹ còn là chính những đứa con Chúa trao cho mỗi gia đình. Con cái vừa là triều thiên của cha mẹ vừa là thập giá cho cha mẹ. Nếu cha mẹ chuyên tâm giáo dục con cái trưởng thành trong đức tin và trong đời sống nhân bản, thì thập giá ấy trở nên vinh dự cho cha mẹ. Trái lại, nếu không chu toàn nhiệm vụ nuôi và dạy con nên con người và con Chúa, thì con cái quả là một thập giá vô cùng nặng nề.

Thập giá của các bạn trẻ là trách nhiệm làm con trong gia đình đối với cha mẹ già. Thập giá còn là trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân. Các bạn được mời gọi làm cho bản thân, cuộc sống mỗi ngày thăng tiến đúng với phẩm giá con người và xứng đáng là con Chúa. Để được như thế, chúng ta phải cố gắng mỗi ngày, phải chiến đấu với sự ươn lười uể oải để ham học hỏi và làm nhiều việc tốt, hữu ích cho bản thân và cho bạn hữu hơn. Là tín hữu Công giáo, có nghĩa là chúng ta phảm dám sống giống Đức Giêsu, sống yêu thương, quảng đại và không ngại phục vụ người khác vì tình yêu đối với Đức Kitô.

Xin Chúa cho chúng ta nhận ra và vác thập giá mình hằng ngày một cách vui tươi theo Chúa Giêsu, để nhờ bước theo Người trên đường thập giá, chúng ta cùng được bước vào vinh quang phục sinh với Người. Amen.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên_Maria Phạm Thực, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIII Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên_Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên - Lm. JP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên - Sưu Tầm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ SáuTuần XXIII Thường Niên -Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên - Lm . Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIII Thường Niên - Sưu Tầm

Các bài viết cũ hơn
     CHỦ NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     LỜI NGUYỆN TÍN HỮU CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN (C)
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên B. Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIII Thường Niên B: "THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG CỦA THA NHÂN VÀ CHÍNH MÌNH"Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang_
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên B: "ĐỨC ÁI TRỌN HẢO"_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng. OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên B: "Phúc cho anh em…"_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIII Thường Niên B: Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXIII Thường Niên B: "Vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh"_Thiên An
     Các Bài Đọc Chúa Nhật Lễ Suy Tôn Thánh Giá
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên A: TẠI SAO ANH EM GỌI THÀY: LẠY CHÚA LẠY CHÚA! MÀ ANH EM KHÔNG LÀM ĐIỀU THÀY DẠY?. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí