Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 25

Suy Niệm Lời Chúa Nhật Tuần XXV Thường Niên Năm B

CHÚNG TA TIN VÀO CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH

1CN25 TNB.jpg

Ngày xưa, sau khi thấy Chúa Giêsu làm phép lạ, dân chúng đi theo Người rất đông. Họ đi theo vì chờ đợi Chúa Giêsu sẽ cho họ bánh ăn mà không cần làm việc. Cũng vậy, các môn đệ theo Chúa Giêsu vì họ ngưỡng mộ một người thầy trẻ trung, năng động, dám lên tiếng bênh vực cho sự thật và công lý. Các tông đồ mong đợi ngày nào đó Chúa sẽ khởi nghĩa thành công, xưng vương, các ông sẽ được chia sẻ vinh quang và quyền lực với Chúa. Tuy nhiên, khi Chúa nói với mọi người về sứ mạng của Ngài không phải là giành lại ngai vàng và quyền lực tại trần gian, mà là đón nhận cái chết thập giá, thì đã có nhiều người, kể cả các môn đệ dường như thất vọng. Họ không muốn theo một vị Thầy sẽ phải chết trong thất bại đau đớn nhục nhã như vậy, vì thế họ bỏ đi. Không vì bất cứ lý do gì khiến Chúa Giêsu thay đổi chọn lựa của Ngài, Chúa Giêsu chọn đi theo con đường mà Thiên Chúa Cha đã muốn, đó là con đường khiêm hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhân loại.

Bước vào trần gian, Chúa Giêsu đã sống và đi hoàn toàn ngược lại với xu hướng và dòng chảy của thế gian. Người đời tìm kiếm vinh dự, quyền lực, tiền bạc, danh vọng, Chúa Giêsu lại chọn để trở nên một người tôi tớ của Thiên Chúa. Mang thân phận là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu không giữ lại cho mình vinh dự nào, Ngài chấp nhận mang lấy thân phận tôi đòi, bị người đời hành hạ nhục mạ, như tiên tri Isaia đã mô tả trong bài ca về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó làm vướng chân ta, cản trở công việc của ta, nó chống lại những việc ta làm. Nếu nó là người công chính, Thiên Chúa chắc chắn sẽ cứu nó khỏi tay địch thù. Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó để biết nó hiền lành làm sao, thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. Ta hãy kết án cho nó chết nhục nhã, vì như nó nói, Thiên Chúa sẽ cứu nó”. Những lời tiên báo này được nói trước đó năm trăm năm, nay được ứng nghiệm nơi cuộc đời của Chúa Giêsu. Tiên tri Isaia đã thấy trước về sứ mạng Đức Giêsu trải qua trong đau đớn, khổ nhục, bị người đời khinh chê, khạc nhổ, loại trừ.

Các môn đệ cũng giống như những Người Do Thái khác, họ mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng lại là Đấng Cứu Thế theo ý của họ. Hôm nay, vì muốn cho các tông đồ có thể bình tâm đón nhận được sự thật, Chúa Giêsu tách riêng các môn đệ ra khỏi đám đông dân chúng để Ngài dạy họ: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ba ngày sau Người sẽ sống lại”. Tác giả Tin Mừng nhận định: Các môn đệ không hiểu và sợ không dám hỏi lại. Lời mặc khải này, Chúa Giêsu nói về chính bản thân mình. Chúa nói trước cho các tông đồ biết việc Chúa sẽ bị bắt, bị nộp vào tay người đời và bị giết chết. Theo lẽ tự nhiên, đang lúc thành công không ai muốn nói về thất bại, đang lúc khỏe mạnh không ai muốn nói về cái chết. Chúa Giêsu lại làm ngược lại, Ngài nói về thất bại đang lúc rất thành công, Ngài nói về cái chết đang khi mọi người tung hô và các môn đệ đặt hết hy vọng vào Ngài. Điều đó chứng tỏ rằng, Chúa không mị dân, không lấy những thành công bên ngoài để lôi kéo người khác, nhưng Ngài luôn chỉ cho thấy sự thật về sứ mạng của Ngài là phải bị bắt bớ, đau khổ và bị giết.

Chúa Giêsu không dừng lại đó, Ngài còn mặc khải thêm một điều hết sức quan trọng và cũng là mặc khải chính yếu, đó là: Ngài sẽ sống lại sau ba ngày. Sống lại sau cái chết là mục đích của chương trình cứu chuộc của Chúa chứ không dừng lại ở đau khổ. Thập giá, đau khổ và cái chết chỉ là phương thế để đạt đến sự phục sinh. Đó là điều các tông đồ chưa thể hiểu và cũng chưa thể chấp nhận được. Vì thế, các ông sợ không dám hỏi lại Chúa, hay đúng hơn, các ông không muốn hỏi lại vì không muốn đón nhận đau khổ thập giá.

Các tông đồ dường như đang muốn trốn tránh sự thật về mặc khải của Chúa, các ông không muốn nghe, không muốn đón nhận, nên đã bàn qua chuyện khác. Các ông bàn nhau xem trong anh em ai là người lớn hơn, ai sẽ được trao quyền lực nhiều hơn. Thấy các học trò của mình đang tìm cách tránh né sự thật như vậy, khi về đến nhà, Chúa Giêsu đã gọi nhóm Mười Hai lại, yêu cầu các ông ngồi xuống quanh Ngài và Ngài chấn chỉnh lại suy nghĩ và ham muốn tìm kiếm quyền lực và danh vọng nơi các ông bằng bài học phục vụ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm kẻ phục vụ mọi người”. Khi dạy như thế, Chúa Giêsu đã hoàn toàn đảo lộn suy nghĩ và quan niệm của các tông đồ trước đây. Các tông đồ theo Chúa với mục tiêu tìm kiếm quyền lực và địa vị, thì giờ đây Chúa muốn các ông phải trở thành rốt hết và là những con người dám phục vụ người khác. Đòi hỏi của Chúa Giêsu là một nghịch lý và cũng là một thách thức cho tất cả những người tin theo Chúa.

Kế đó, Chúa Giêsu xác định lại cho các tông đồ biết mục tiêu và thái độ khi đi theo Chúa là gì? Là phải có một tâm hồn đơn sơ, tín thác vào Chúa như một trẻ nhỏ và đón nhận chính Chúa vào trong cuộc đời của mình. Chúa muốn các môn đệ của Chúa phải có một tâm hồn mở rộng để đón nhận người khác, kể cả các em nhỏ là tầng lớp bị coi thường trong xã hội. Trẻ nhỏ là những người không có gì để trả lại, trẻ nhỏ luôn cần sự trợ giúp của người lớn. Khi dám đón nhận người khác giống như đón nhận một em nhỏ tức là đón nhận người khác một cách vô vị lợi không tình toán và còn sẵn sàng để cho người khác làm phiền mình, chiếm thời gian, sức lực của mình. Chúa Giêsu muốn mỗi chúng ta cũng dám đón nhận Chúa như vậy. Khi dám đón nhận Chúa một cách quảng đại và sẵn sàng phục vụ Chúa như đón nhận trẻ nhỏ, Chúa Giêsu kể như đón tiếp chính Thiên Chúa Cha - Đấng đã sai Ngài.

Thưa quý OBACE, người tín hữu chúng ta không đi tìm đau khổ thập giá, mà là đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu lại chấp nhận trải qua con đường đau khổ thập giá để bước vào trong vinh quang phục sinh. Vì vậy, muốn theo Chúa Giêsu, chúng ta không thể đi đường tắt, cũng không thể đi một con đường nào khác ngoài con đường chúa đã đi. Vì một khi cố tìm kiếm một con đường nào khác, chúng ta sẽ đi lạc, không thể gặp được Đức Giêsu.

Đức Giêsu đã bước vào con đường thập giá vì lòng yêu mến và sự vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha. Qua hành trình đau khổ và cái chết thập giá, Thiên Chúa đã muốn diễn tả tình yêu tột cùng Ngài dành cho nhân loại; và qua cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã thể hiện quyền năng tuyệt đối của Ngài vượt trên sự dữ và sự chết. Do đó, những ai tin và bước theo Chúa Giêsu, tức là dám bước theo Chúa trên hành trình thập giá vì lòng yêu mến và vâng phục thì cũng được chia sẻ vào vinh quang phục sinh với Chúa.

Trong thực tế, chúng ta không dễ dàng để đối diện với đau khổ và chết chóc, chúng ta tìm cách tránh né. Lời Chúa hôm nay cho thấy: một khi tin Chúa, theo Chúa, Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh và lòng can đảm để ta đương đầu với đau khổ và sự chết. Chúng ta không tìm kiếm đau khổ nhưng khi gặp đau khổ, chúng ta dám sống trong phó thác và tin rằng chúng ta không phải đương đầu một mình, nhưng có Chúa cùng đồng hành và trợ giúp chúng ta.

Chúa không hứa hẹn cho chúng ta cuộc sống dễ dãi, nhưng Người chắc chắn những ai dám vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa, sẽ được cùng chia sẻ vinh quang phục sinh với Chúa. Theo Chúa, không phải để tìm kiếm danh vọng hay địa vị, nhưng là dám học nơi Chúa để cúi mình phục vụ anh chị em như một người tôi tớ. Các linh mục tu sĩ được mời gọi phục vụ cộng đoàn theo bậc sống của mình; các người sống đời gia đình được mời gọi phục vụ trước hết cho gia đình, kế đến là những người chung quanh mình. Cha mẹ, vợ chồng con cái phục vụ nhau, hy sinh cho nhau và cùng vác thập giá vì nhau bước đi cùng với Chúa, Chúa sẽ làm cho từng nhịp sống của gia đình trở thành những cung điệu yêu thương.

Xin Chúa giúp chúng ta dù sống trong bậc nào, là tu sĩ, linh mục hay sống đời gia đình, là người già hay người trẻ, đều biết đón nhận Đức Giêsu chịu đóng đinh làm gương mẫu và dám vác thập giá cuộc đời của mình bước theo Ngài. Nhờ đó, chúng ta cùng chia sẻ vinh quang phục sinh với Ngài . Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên Năm A- Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên - Lm . Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Matthêu, Tông Đồ - Lm Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXV Thường Niên Năm A - Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên- Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên- NT Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên-Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên_Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên_Nt. Maria Thúy An SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên_L.m Micae Vũ An Lộc
     Có cái nhìn theo luận lý tình yêu thương xót của Thiên Chúa là Cha
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên C- Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên Năm C_Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên C
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên_Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai tuần XXV Thường Niên C_ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền