Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên
PHÓ THÁC
Lời
Chúa: Lc 9, 1- 6
(1) Ðức
Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ
mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. (2) Người sai các ông đi rao giảng
Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. (3) Người nói: "Anh em
đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng
có hai áo. (4) Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và từ đó
mà ra đi. (5) Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi
thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ". (6) Các
ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.
Suy
Niệm
Cách đây khoảng gần 2000 năm, Đức Giêsu sai các Tông đồ
đi rao giảng Tin Mừng thế nào, thì ngày nay, Ngài cũng mời gọi và sai chúng ta
ra đi như vậy. Vì “ Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như
vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13, 8).
Chúa Giêsu quy tụ các ông lại và sai các ông đi, đó là
uy quyền của một Vị Thầy, nhưng cũng là thái độ tự nguyện của người môn đệ.
Chúa quy tụ các ông lại, để các ông được học hỏi, được
sống cùng, sống với Thầy Giêsu. Chúa sai các ông đi công bố niềm vui mà chính các
ông cảm nếm khi được sống thiết thân với Thầy.
Ngài sai các ông đi với lời căn dặn: “Anh em đừng mang
gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.
Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì cứ ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi.” ( Lc 9,
3-4)
Lời căn dặn của Thầy thật là khó hiểu, ngược hẳn với
những căn dặn thông thường của con người. Chẳng hạn như con cái đi đâu cha mẹ
thường hay dặn: “đem theo ít tiền để phòng thân, ít thuốc, ít dầu, ít bánh…”,
người yêu thì căn dặn: “đem theo tấm hình, chiếc khăn mùi xoa, một cái gì đó rất
gần gũi để có cái nhớ, cái thương”. Còn vào nhà người ta thì cũng phải cẩn thận
kẻo gặp phải người xấu mà mang họa vào thân… Vì thế, lời căn dặn trên của Đức
Giêsu như sai các môn đệ dùng “tay không mà đánh hổ”. Thật mạo hiểm.
Đòi hỏi của Chúa Giêsu có quá không?
Như thánh Vincent mà Giáo
Hội mừng kính ngày hôm nay, xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo xứ Gascony.
Dù ngài nổi tiếng là bạn của những người nghèo, nhưng trong thời tuổi trẻ ngài
đã dùng mọi phương tiện để vươn lên khỏi nguồn gốc nông dân thấp kém của mình.
Con đường duy nhất để vươn lên là con đường đi tu làm linh mục. Là một người
rất thông minh và hoạt bát, sau khi chịu chức linh mục ngài cố tìm một chức vị
có nhiều bổng lộc. Chỉ trong một thời gian sau ngài trở thành tuyên úy cho Nữ
Hoàng Margaret de Valois. Vẻ duyên dáng và linh lợi của ngài đã đưa ngài nhập
cuộc với giới thượng lưu. Sau đó ngài còn là thầy dạy riêng và tuyên úy cho gia
đình De Condis, giàu có bậc nhất Paris. Đến tuổi trung
niên một biến cố đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của ngài. Trong lúc giải tội
cho một nông dân nghèo khổ trong nông trại của gia đình Condis, sau khi ban
phép tha tội, người nông dân đã nói với ngài thà rằng chết trong tội lỗi còn
hơn là xưng tội với một linh mục hờ hững như ngài. Từ đó ngài nhận thức về ơn
gọi linh mục của mình, từ bỏ những bám víu nơi thế gian để
nương tựa vào một mình Chúa và dấn thân làm việc để giúp đỡ người nghèo. Chính
trong sự từ bỏ và cống hiến cuộc đời cho người nghèo mà hôm nay chúng ta mừng
kính vị “đại thánh của người nghèo”.
Vì thế, Chúa Giêsu không đòi hỏi ở người môn đệ điều
gì mà chính Ngài đã không làm, không sống điều ấy. Chính cuộc sống của Ngài đã
diễn tả lời Ngài nói. Việc làm của Ngài minh chứng cho điều Ngài dạy. Ngài cũng
đã từng sống theo kiểu: “ Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người
không có chỗ tựa đầu” ( Lc 9, 58). Ngài đã chấp nhận mạo hiểm để đi vào cuộc
phiêu lưu theo Ý Cha trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, đến độ chính bản
thân Ngài tự nguyện từ bỏ cho đến tột cùng.
Nghe nói đến mạo hiểm, phiêu lưu, nhiều khi cảm thấy sợ,
nhưng chính trong những điều ấy, ta mới khám ra những điều bí ẩn, kỳ diệu và mới
lạ của nó.
Người môn đệ một khi đã chấp nhận bước vào cuộc phiêu
lưu với Chúa, cũng là lúc chấp nhận những đòi hỏi mà chính Thầy đã trải qua. Trong
việc này thì đúng là: “ trứng không khôn hơn vịt”, và “trò không hơn Thầy”. Do đó, hành trang kồng kềnh
chỉ thêm nặng nề và cản trở. Nó làm cho bước chân của người môn đệ trở nên chậm
chạp chưa nói đến còn muốn dừng chân. Sự đòi hỏi của Thầy giúp cho người môn đệ
có một lòng tín thác, cậy trông sự trợ giúp từ Thiên Chúa hơn là cậy vào những
tài năng, của cải, gia thế, địa vị… mà con người vẫn kiếm tìm và cậy dựa.
Hơn nữa, sự thanh thoát về của cải và tình cảm, là cơ
hội tốt giúp cho người môn đệ sống khiêm tốn. Chính sự khiêm tốn ấy, người môn
đệ nhận ra sự gần gũi và trợ giúp của Thiên Chúa, Đấng đã từng hứa: “đừng sợ,
Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 10,8).
Cũng trong sự khiêm tốn ấy là cơ hội tốt giúp người
môn đệ sống chan hòa với mọi người. Từ đó, giúp họ nhận ra lòng tốt của những
người xung quanh, những người xa lạ những người mà thật ra đều là con cùng một
Cha, điều mà người môn đệ thầm nhắc đi nhắc lại trong lòng qua lời kinh Lạy Cha
mà nay có cơ hội được thể hiện.
Lạy Chúa Giêsu, Đức Vua của lòng con. Xin ban cho con
trái tim thanh thoát với của cải để con chỉ biết cậy trông và tín thác vào sự
chăm sóc quan phòng của Chúa. Xin ban cho con trái tim siêu thoát với tình cảm
để trái tim được mở rộng chạm đến Trời và đất. Amen.
Nt.
Maria Thúy An SSS