Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
XXV Thường Niên C
HẠ CÁNH AN TOÀN
VÀO NƯỚC TRỜI
Hạ
cánh an toàn, đó là từ ngữ thường dùng trong các chuyến bay. Tại Việt nam, từ
ngữ ấy còn để ám chỉ các “đầy tớ của nhân dân”, sau thời gian làm công bộc, thu
nhiều lợi lộc, nay về hưu một cách an toàn, êm thắm, mọi sai lầm gian dối thời
đương chức được cho qua. Tuy nhiên, không phải quan chức nào cũng hạ cánh an
toàn. Có những vị khi đương quyền hách dịch, gây thù oán, khi về hưu cũng không
được an thân, bị truy cứu trách nhiệm dẫn đến tù tội. Ví dụ, có vị quan chức
trước khi nghỉ hưu đã bổ nhiệm hàng loạt đệ tử vào các vị trí quan trọng, với
mưu đồ sau này vẫn có kẻ cúng bái, thăm viếng thường xuyên. Ông này bị những kẻ
thù oán, có khi là đồng nghiệp trước đây tố cáo, ông bị thanh tra, thu hồi tài
sản. Ai cũng biết, các vụ tương tự như thế thường là do ghen ăn tức ở, phân
chia quyền lợi không đồng đều, trả thù trả oán nhau. Những điều này đang diễn
ra rất nhiều trong xã hội. Không chỉ ở Việt nam, các quốc gia khác cũng có những
vị tổng thống khi mãn nhiệm kỳ bị tuy tố dẫn đến tù tội.
Bài
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh một người quản lý đã biết khéo
léo thu xếp cho ngày “hạ cánh” của mình. Kể câu chuyện này, Chúa Giêsu không ca
ngợi về sự gian dối của anh, cũng không khuyến khích sự gian dối, nhưng Chúa chỉ
muốn nhắm đến một điều đó là: Nếu như người đời khôn khéo, biết nhìn xa trông rộng,
biết tận dụng cơ hội hiện tại để lo cho tương lai, biết dùng quyền hạn, thời
gian còn lại để lo cho mai sau, thì chúng ta cũng phải biết nhìn xa và tận dụng
thời gian, cơ hội Chúa ban để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau của mình như vậy.
Người
quản lý trong câu chuyện bị ông chủ gọi lên kiểm điểm và tuyên bố: Anh tính
toán sổ sách trả lại cho tôi, từ nay, anh không còn làm quản lý nữa. Ngay lập tức,
anh đã có phương án cho cuộc đời mình. Anh tận dụng khoảnh khắc vắn vỏi còn lại
trong chức vụ để xoay sở: Mình phải làm gì để khi mất chức quản lý, sẽ có người
đón mình vào nhà họ? Anh biết mình không thể cuốc đất, cũng thể đi ăn mày, anh
phải làm gì đó để anh vẫn được người khác đón tiếp với lòng trân trọng và biết
ơn, chứ không phải là kẻ sa cơ thất thế.
Việc
anh thực hiện là làm ơn cho người khác cho dù tài sản không phải là của anh.
Các con nợ là con nợ của chủ anh, nhưng anh vẫn dùng chút quyền hạn và thời giờ
còn lại để sắp xếp sao người khác kính trọng và biết ơn anh. Nói cách khác, anh
đã dùng sự khéo léo của mình để đánh đổi lòng yêu mến, biết ơn của người khác.
Anh gọi từng con nợ đến và hỏi: Ông nợ chủ tôi bao nhiêu? Người thứ nhất trả lời:
Một trăm thùng dầu. Anh quản lý ra lệnh: Hãy viết lại năm mươi thôi. Cũng vậy,
nợ một ngàn giạ lúa, thì viết lại tám trăm thôi.
Như
đã nói ở trên, Chúa không khen việc làm gian dối của người quản lý, nhưng khen sự
khéo léo của anh biết lấy lòng người khác để sau này có người sẽ đón tiếp anh.
Qua câu chuyện, Chúa Giêsu còn muốn nói: Hãy dùng tiền của ở trần gian để tạo
ra bạn hữu và dùng của cải trần gian để giành lấy cơ hội bước vào sự sống vĩnh
cửu.
Cuối
đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu nhắc cho chúng ta về vai trò là quản lý tài sản ở trần
gian. Tài sản chúng ta đang có là do Thiên Chúa trao cho chúng ta quản lý. Dù
nhiều hay ít, giàu hay nghèo, thì chúng ta cũng vẫn phải là người quản lý trung
thành và khôn ngoan. Trung thành để quản lý tài sản một cách công minh theo
đúng ý chủ, khôn ngoan để biết sử dụng đúng mục đích, sinh lợi cho chủ và cũng
để tạo được các tương quan tốt với mọi người. Chúa cũng cảnh báo: Các ngươi
không thể làm tôi hai chủ, vì sẽ gắn bó với chủ này mà khinh chủ nọ, không thể
vừa thờ Thiên Chúa vừa tôn thờ tiền bạc vật chất.
Kẻ
gắn bó với vật chất tiền bạc thì đặt vật chất tiền bạc như là chủ, là chúa của
mình. Cuộc đời của những người này chỉ biết kiếm tiền, làm giàu mà không nghĩ đến
người khác, không nhìn thấy sự hiện diện đói khổ của người khác. Cũng có thể vì
tiền bạc của cải khiến họ giẫm đạp lên người khác, coi thường người khác, nhất
là người nghèo. Bài đọc một tiên tri Amos đã lên án những hạng người giàu có vô
lương tâm trong đất Israel, ông gọi họ là kẻ đàn áp người cùng khổ, kẻ tiêu diệt
người nghèo hèn. Qua những việc làm, họ đang giết chết người nghèo, đang làm
cho cuộc sống cơ cực của họ thêm cơ cực hơn: Các ngươi chỉ mong cho ngày lễ mau
qua để bán hàng, các ngươi làm cân gian cân dối để lừa thiên hạ, lấy đôi dép mà
đổi lấy người nghèo, lấy tiền mà mua kẻ cơ bần. Ta là Thiên Chúa, Ta sẽ không
bao giờ quên những hành vi gian ác ấy.
Bài
đọc hai, Thánh Phaolô khuyên chúng ta cầu nguyện cho mọi người, đặc biệt cho
các bậc vua chúa chính quyền. Họ là những người đang được trao quyền quản lý đất
nước, nhưng họ lại cho mình là chủ, là người có quyền trên đất nước, đặt quyền
lợi cá nhân trên quyền lợi đất nước. Vì thế, thay vì lo cho việc an cư lạc nghiệp,
cuộc sống êm ấm hạnh phúc của người dân thì họ lại lo thu vén cho cá nhân và
gia đình nhiều hơn. Không chỉ lo cho cuộc sống cơm áo của dân, các nhà lãnh đạo
còn phải chịu trách nhiệm về đời sống đạo đức của xã hội, giúp mọi người dân sống
trong an bình và lương thiện. Khi họ làm tốt nhiệm vụ đó, thì dù họ không biết
Chúa, nhưng họ vẫn làm đẹp lòng Chúa. Chúng ta có nhiệm vụ lên tiếng đòi họ phải
chu toàn tốt nhiệm vụ quản lý đất nước, song cũng đừng quên cầu nguyện cho họ,
để họ biết nhận ra và sống theo chân lý và sự thật như Thánh Phaolô đã nhắc
trong bài đọc hai.
Mỗi
người, dù ở bậc sống nào, lứa tuổi nào, cũng đều là những người quản lý cho
Chúa. Trước hết, mỗi người chịu trách nhiệm quản lý cuộc đời của mình và quản
lý những nhiệm vụ mình đang đảm nhận. Vì thế, mỗi người cần phải biết tận dụng
tối đa thời gian, khả năng, điều kiện hiện tại để mưu cầu, tìm kiếm hạnh phúc đời
đời cho bản thân. Chỉ khi biết sử dụng của cải, thời gian hiện tại để sắp xếp
cuộc đời mình, thiết lập những tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và tạo tương
quan yêu thương với anh chị em, thì đó mới là người quản lý khôn ngoan.
Cuộc
sống của mỗi người trên trần gian đều có hạn, vì thế đừng chỉ chú tâm tìm kiếm
của cải vật chất, đừng vì tham lam mà đánh mất tình nghĩa gia đình, anh em, xóm
giềng. Mỗi người hãy dùng thời gian và điều kiện hiện tại để làm giàu tình yêu
thương, để gia tăng bạn hữu, bằng những việc bác ái chia sẻ, làm cho cuộc sống
của mình thêm phong phú và có ý nghĩa. Khi chúng ta biết sống mở ra với mọi người
như thế, chúng ta sẽ đạt được niềm vui và hạnh phúc ngay ở đời này và nhất là đạt
được gia nghiệp Nước trời mai sau. Ngày ấy, Thiên Chúa sẽ thay những người
nghèo khó, những người mà chúng ta từng yêu thương giúp đỡ đón chúng ta vào nhà
Cha trên trời.
Chúa
nhật 04-9-2016 vùa qua, tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC cử hành lễ phong
Thánh chọ mẹ Têrêsa Calcutta và cũng là lễ kết thúc cuộc hành hương Năm Thánh
Lòng Thương Xót dành cho những người hoạt động trong các tổ chức bác ái Công
giáo, những công việc của lòng thương xót. Với việc phong thánh cho Mẹ, Giáo Hội
nhìn nhận Mẹ như là một tấm gương sống động của lòng thương xót trong thế giới
hôm nay. Từ một phụ nữ có lòng trắc ẩn đối với người nghèo, Mẹ đã trở thành một
nữ tu dành cả cuộc đời để chăm sóc cho người nghèo tại Ấn Độ. Nói nghư ngôn ngữ
của bài Tin Mừng hôm nay, Mẹ Têrêsa là một người quản lý khôn ngoan, Mẹ đã dùng
tình yêu thương, lòng quảng đại để đổi lấy người nghèo. Mẹ đã được chính phủ Ấn
Độ đón nhận như một người con của đất nước, mặc dù Mẹ là người Albani. Ngày Mẹ
qua đời không chỉ đất nước Ấn Độ than khóc mà cả thế giới thương nhớ và biết ơn
Mẹ, nhất là chính Thiên Chúa đã thay cho tất cả những người nghèo mà Mẹ đã từng
yêu thương phục vụ, đón Mẹ vào nhà Cha trên trời.
Xin
Chúa qua lời bầu cử của tân hiển thánh Têrêsa Calcutta giúp chúng ta noi gương
Mẹ, hết lòng yêu thương và phục vụ anh chị em, nhất là những người đang cần đến
sự giúp đỡ yêu thương của chúng ta. Amen.