Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên B
«Còn
anh em, anh em nói Thầy là ai ?»
Lời Chúa: Lc 9, 18-22
(18) Hôm ấy,
Ðức
Giêsu cầu
nguyện
một
mình. Các môn đệ
cũng
ở
đó với
Người,
và Người
hỏi
các ông rằng: "Ðám đông nói Thầy
là ai?" (19)
Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy
Giả,
nhưng
có kẻ
thì bảo
là ông Êlia, kẻ
khác lại
cho là một
trong các ngôn sứ
thời
xưa
đã sống
lại". (20) Người
lại hỏi: "Còn anh em, anh em
bảo Thầy
là ai?"
Ông Phêrô thưa: "Thấy là Ðấng Kitô của
Thiên Chúa".
(21) Nhưng Người nghiêm giọng truyền
các ông không được
nói điều
ấy
với
ai.
(22) Người bảo rằng: "Con Người phải chịu đau khổ
nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ
ba sống lại".
Suy
Niệm
1. Đức
Giê-su cầu nguyện
«Khi ấy Đức Giê-su cầu
nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người». Như vậy, chính trong bầu khí
cầu nguyện, mà Đức Giê-su hỏi các môn đệ về căn tính của mình: «Dân chúng nói
Thầy là ai ?», «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?», và loan báo
cuộc Thương Khó sẽ đến: «Con Người phải chịu đau khổ nhiều». Tại sao vậy ?
Có lẽ đó là vì, chỉ trong cầu nguyện Đức Giê-su mới từ từ khám phá ra mình là
ai, trong tương quan với Thiên Chúa Cha, và trong tương quan với loài người chúng
ta; và cũng chính trong cầu nguyện, mà Ngài khám phá ra con đường Ngài phải đi
để bày tỏ căn tính thần linh của mình, theo ý muốn của Chúa Cha. Đó là con
đường được bày tỏ trong Kinh Thánh, nghĩa là trong lịch sử cứu độ đầy thử
thách, thăng trầm và chi phối nặng nề bởi tội và sự dữ. Con đường Người phải đi
là mang lấy mọi «mọi bệnh hoạn tật nguyền » của loài người chúng ta, là «con
đường của hạt lúa mì».
Chúng ta được mời gọi noi
theo gương của Đức Giê-su: cầu nguyện thân mật với Chúa, để khám phá ra căn
tính của mình, ơn gọi của mình, con đường mình phải đi cho suốt đời, và cho
từng giai đoạn và cho từng ngày sống.
2. Đức
Giê-su là ai ?
a. «Dân chúng nói Thầy là ai?»
Với câu hỏi thứ nhất
này của Đức Giê-su, các môn đệ đồng thanh trả lời: «Họ bảo Thầy là ông Gio-an
Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các
ngôn sứ thời xưa đã sống lại». Câu trả lời tuy chưa đúng với điều Người thực sự
là trong tương quan với Thiên Chúa và với loài người, nhưng lại diễn tả một
cách thật khách quan cách sống của Người, và nhất là phù hợp với con đường qua
đó Người bày tỏ căn tính đích thật của mình.
Thật vậy, Đức Giêsu đã
chọn lựa ứng xử giống như những người đi trước Ngài, mỗi người một chút: một
chút của Gioan, một chút của ngôn sứ Elia hay của một ngôn sứ thời xưa ;
Ngài hòa nhập vào một truyền thống, hay đúng hơn, Ngài xuất phát từ một truyền
thống, từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo của dân tộc Ngài. Ngài không từ trên trời
nhảy xuống cách ngoạn mục, để mọi người thán phục, như ma quỉ gợi ý. Nếu làm
thế Ngài, chắc hẳn Ngài cũng sẽ được nhìn nhận là Con Thiên Chúa, nhưng là Con
Thiên Chúa theo kiểu của ma quỉ. Ngài đến để mang lấy và làm cho hoàn tất, chứ
không phải hủy bỏ.
Ngài ứng xử giống với
nhiều người đi trước Ngài, như Gioan, như Elia, như Giêrêmia…; và tất cả đều là
ngôn sứ. Như chính Ngài đã nói về mình: «Không một ngôn sứ nào được đón nhận
nơi quê của mình». Số phận của các ngôn sứ loan báo số phận của Đức Giêsu, mà
gần Ngài nhất là số phận của Gioan. Và theo mặc khải Cựu Ước, Người Tôi Tớ đau
khổ là hình ảnh thâu tóm thân phận của tất các các ngôn sứ thuộc mọi thời đại.
Đức Giêsu đến để hoàn tất cách trọn vẹn
và duy nhất thân phận của Người Tôi Tớ đau khổ và cả niềm hi vọng được
Thiên Chúa tôn vinh nữa, nơi chính cuộc đời hướng tới mầu nhiệm Vượt Qua của
mình. Và chỉ một mình Đức Giê-su mới có thể hoàn tất như thế. Chính vì thế,
ngay khi ông Phê-rô trả lời đúng về căn tính của Người, Đức Giê-su nói về mầu
nhiệm Vượt Qua và mời gọi Phê-rô và tất cả mọi người đi con đường của mầu nhiệm
Vượt Qua.
b. «Còn
anh em, anh em nói Thầy là ai?»
Tuy nhiên, trong tương quan thiết thân với Người, Đức Giê-su
mời gọi các
môn đệ, và đến lượt chúng ta hôm nay, vượt qua điều «người ta» nói về Ngài đến
đi đến điều chính «tôi» nói về Ngài. «Người ta» có thể hiểu là những người nói
không đúng hay không đủ về Chúa, nhưng cả những người nói đúng nữa. Nghĩa là
chúng ta được mời gọi vượt những công thức có sẵn, hay đúng hơn, đi vào kinh
nghiệm thiêng liêng và đích thân, từ đó các công thức được phát biểu. Tương tự
như khi chúng ta hát bài tán tụng Magnificat,
chúng ta được mời gọi có cùng một kinh nghiệm của Đức Maria, người “Nữ Tì hèn
mọn”, về Thiên Chúa và về ân huệ lớn lao và nhưng không của Người.
Vì thế, khi Đức Giê-su đặt câu hỏi
thứ hai, cũng cho tất cả các môn đệ, nhưng chỉ có một mình Phêrô trả lời :
“Thầy là Đấng
Kitô của Thiên Chúa”. Trong khi, với câu hỏi thứ nhất, các môn đệ đã đồng thanh
trả lời. Như thế, với câu hỏi này, ai cũng cảm thấy mình phải
trả lời một cách đích thân ; mỗi người được mời gọi đến một lúc nào đó,
không nói theo người khác (cho dù là rất đúng, rất hay), không nói theo công
thức có sẵn (cho dù đó là giáo lý, tín lý, là truyền thống), nhưng đích thân
công bố Đức Giê-su là ai đối với mình; và khi công bố bằng lời Đức Giêsu là ai
đối với mình, mỗi người được mời gọi cư ngụ trong câu trả lời của mình, dấn
thân trong điều mình nói, đến độ mình và điều mình nói là một ; bởi vì câu
hỏi của Đức Giê-su không liên quan đến kiến thức chúng ta có về Ngài, nhưng
liên quan đến tương quan thuộc về: «Thầy là ai đối với con, đối với con tim
con, đối với cuộc đời, đối với ơn gọi của con ?», «Khi trả lời Thầy là ai,
con có đi theo Thầy không, có sẵn sàng thuộc về Thầy suốt đời không ?»
Sau bằng đó năm đi
theo Chúa, trong ơn gọi Ki-tô hữu hay trong ơn gọi dâng hiến, chúng ta đã nghe
Chúa đặt ra câu hỏi này cho mình chưa ? Và tôi đã trả lời thực sự và dứt
khoát cho Chúa chưa? Hay tôi mới chỉ nghe và trả lời giống như mọi người mà
thôi, chứ chưa đích thân nghe được tiếng Chúa và đích thân trả lời cho Chúa như
một người lớn. Và nếu như tôi nghe được tiếng Chúa hỏi hôm nay, ở đây và lúc
này, tôi, tôi trả lời làm sao cho Chúa. Hay tôi chưa sẵn sàng, và muốn khất lại
sau này? Dĩ nhiên, mỗi người chúng ta có thể trả lời như Phêrô: “Thầy là Đấng
Kitô của Thiên Chúa”; nhưng những lời ngày có nghĩa gì đối với tôi? Đâu là cách
thức hay con đường Ngài trở nên Đấng Kitô?
3.
« Con Người phải chịu đau khổ nhiều… »
Đấng Ki-tô là ai và
đâu là cách thức ngài bày tỏ «căn tính Ki-tô» của Ngài? Cách Đức Giê-su hiểu và
muốn và cách các môn đệ hiểu và muốn, chắc chắn không giống nhau. Và cũng vậy
đối với mỗi người chúng ta. Vì thế, ngay sau lời tuyên xưng của Phê-rô, Đức
Giê-su nghiêm giọng truyền cho các môn đệ không được nói với ai, và Ngài nói
cho các môn đệ biết con đường Ngài phải đi: «Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư
loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy».
Theo Tin Mừng Mác-cô,
thì Đức Giêsu dạy các môn đệ: “Con
người phải chịu đau khổ…”. Chúng ta hãy dừng lại thật lâu ở động từ «dạy» :
Ngài giảng dạy, chứ không chỉ loan báo, hay báo trước. Chúng ta có thể tự
hỏi : tại sao Ngài còn giảng dạy, chứ không chỉ loan báo ? Đức Giêsu giảng
dạy, điều này có nghĩa là những gì sẽ xẩy ra cho Ngài không chỉ thuộc bình diện
số phận phải đón nhận, nhưng còn là một mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa,
hoàn tất mọi sự, sáng tạo và lịch sử:
Ø Mặc khải sự dữ đang hoành hành nơi con người và cách Thiên Chúa chiến thắng
sự dữ.
Ø Mặc khải lòng thương cảm của Thiên Chúa đối với thân phận con người và nhất
là lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi.
Ø Mặc khải thân phận con người, từ thủa tạo thiên lập địa, không phải là hình
phạt và cũng không phải là con đường dẫn đến sự chết, nhưng là đến sự sống,
ngang qua sự chết.
Ø Và mặc khải, vì tình yêu nhưng không, Thiên Chúa muốn thông truyền sự sống
cho con người, sự sống giới hạn đời này và sự sống viên mãn đời sau ; và
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, cho dù, trong lịch sử, con người lại phải trải qua
đầy thăng trầm, phải sống thân phận chóng qua của mình, số phận bi đát, đầy tai
họa, đầy thử thách, tội lỗi, và nhất là một lịch sử bị chi phối nặng nề bởi Sự
Dữ.
Xin cho chúng ta, như
thánh Phao-lô, nhận ra và cảm nếm sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa nơi
mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô.
Lm Giuse Nguyễn Văn
Lộc