Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 25

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXV Thường Niên C

Am 8,4-7 ; 1 Tm 2,1-8 ; Lc 16,1-13

LUÔN BIẾT KHÔN NGOAN CHUẨN BỊ CHO TƯƠNG LAI

chuavacanhdong.jpg

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 16,1-13

(1) Đức Giêsu còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông anh này đã phung phí của cải nhà ông. (2) Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh. Vì từ nay anh không được làm quản gia nữa”. (3) Người quản gia liền nghĩ bụng: Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cắt chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. (4) Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !”. (5)  Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?”(6) Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu Ôliu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. (7) Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một ngàn thùng lúa” Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”. (8) Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. (9) Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. (10) Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tin trong việc lớn. Ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. (11) Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? (12) Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? (13) Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ. Vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia. Hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”.

2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay dạy các môn đệ phải khôn ngoan, biết nhìn xa để chuẩn bị cho tương lai sau này. Đức Giêsu kể câu chuyện về một quản gia bất lương, đã lợi dụng những giờ phút cuối khi đang còn giữ chức quản lý, để làm ơn cho các con nợ của chủ bằng cách hạ thấp số nợ của họ xuống, với hy vọng sau này sau khi anh bị mất việc thì họ sẽ đền ơn đón anh về nhà họ. Cuối cùng Chúa dạy phải dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi giờ chết đến bị mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp vào chốn an nghỉ đời đời.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-4: + Một nhà phú hộ kia có một người quản gia: Theo luật Do thái thì người quản gia không phải thuộc hạng tôi tớ được trả lương. Anh ta có quyền thay mặt chủ lo liệu mọi sự. Trường hợp viên quản gia làm thất thoát tiền bạc của chủ, luật pháp cũng không có biện pháp nào bắt anh ta phải hoàn lại của cải đã bị thất thoát. Hình phạt cùng lắm chỉ là sa thải, kèm theo bị mất uy tín mà thôi. Sau khi nhận được giấy sa thải, người quản gia sẽ phải tính sổ sách, liệt kê tài sản. Trong thời gian này, người quản gia vẫn là đại diện cho chủ, và được hành động nhân danh chủ. Trong bài dụ ngôn, việc người quản gia đã phung phí tài sản của chủ để gây thiện cảm với các con nợ tức làm lợi cho mình. Có thể nói anh ta đã "mượn đầu heo nấu cháo"! Nhưng anh cũng là người khôn khéo biết lợi dụng thời gian ngắn đang còn tại chức để làm ơn cho các con nợ của chủ, hầu đến khi bị chủ cách chức thì anh hy vọng họ sẽ đền ơn giúp lại anh.

- C 5-7: + Một trăm thùng dầu: Thùng dầu là đơn vị chứa khoảng từ 21 đến 45 lít. + Một ngàn thùng lúa: Thùng lúa hay giạ lúa, một đơn vị có số lượng lớn gấp 10 lần thùng dầu nói trên.

- C 8-10: + Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo: Đức Giêsu khen việc biết chuẩn bị cho tương lai của anh quản gia là hành động khôn khéo. + Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại: Con cái đời này ám chỉ những kẻ thuộc về thế gian. Con cái ánh sáng là những người thuộc về Nước Trời. Con cái thế gian thường bén nhậy trong việc tìm kiếm tiền bạc vật chất, đang khi con cái Nước Trời lại thường khờ dại, không biết xử dụng ơn Chúa để lo cho mình được hưởng ơn cứu độ. + Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè: Người quản gia đã hành động khôn khéo. Còn các môn đệ là con cái sự sáng, cũng phải dùng tiền bạc mà mua lấy bạn hữu. Tiền của bất chính trong câu này không có nghĩa là có nguồn gốc bất chính như trộm cắp gian tham, nhưng bất chính vì tiền bạc thường làm cho người ta ra hư hỏng. Hãy sử dụng nó để giúp đỡ người nghèo, tức là biến nó trở thành đồng tiền có giá trị ở đời sau. + Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn: Tiền của là một vật để trắc nghiệm lòng trung tín. Ở đây Đức Giêsu dạy môn đệ phải trung thành trong việc nhỏ là sử dụng tiền bạc, để biến đồng tiền ấy trở thành của cải chân thật có giá trị lớn lao ở đời sau (x. Mt 25,21; Lc 19,17).

- C 11-13: + Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ: Đức Giêsu nhân cách hóa tiền bạc vật chất vì nó có thể sai khiến người ta như một tà thần. Kiểu nói “làm tôi” ở đây mang ý nghĩa “lụy phục”, “phượng thờ”, làm cho tiền của trở thành tà thần đối nghịch với Thiên Chúa. Vì thế Đức Giêsu đòi các môn đệ phải dứt khoát chọn tôn thờ một mình Thiên Chúa thay vì vừa tôn thờ Thiên Chúa lại vừa tôn thờ tiền của.

4. CÂU HỎI: 1) Tại sao người quản gia bị đánh giá là bất lương? 2) Đức Giêsu muốn các môn đệ của Người noi gương khôn khéo của người quản gia kia thế nào? 3) Khi nói: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè”, phải chăng Đức Giêsu dạy các tín hữu dùng tiền lừa đảo trộm cắp hay tham nhũng để giúp đỡ kẻ nghèo? 4) Khi nào tiên bạc trở thành ông chủ? Ta phải làm gì để biến nó nên đầy tớ của ta? 5) Tiền bạc sẽ đem lại hậu quả thế nào một khi trở thành ông chủ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13b).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CHỈ MUA ĐƯỢC BẰNG LOẠI “TIỀN CHO ĐI” MÀ THÔI:

Một người kia suốt đời chỉ biết thu gom tiền bạc chứ không chịu chi ra, nên ông ta ngày một giàu thêm. Rồi một hôm ông ta bị đau nặng sắp chết. Trước khi nhắm mắt, ông cho gọi vợ con lại bên giường và trăn trối như sau: “Khi tôi chết, bà nó hãy đem tất cả số vàng tôi đã dành dụm bấy lâu bỏ vào trong quan tài cho tôi, vì tôi sẽ cần dùng tới nó trong thế giới bên kia”. Sau khi ông ta chết, vợ ông đã làm y như lời trăn trối của ông. Trên đường về thế giới bên kia phải đi ngang qua một cái chợ, ông nhà giàu ghé vào xem và thấy người ta mua bán nhiều thứ rất ngon, giống như các chợ dưới trần gian. Ông ta chỉ vào một ký thịt bò tươi và hỏi cô bán hàng giá bao nhiêu. Cô ta trả lời: “Giá một đồng”. Ông nghĩ bụng: “Rẻ thật !”. Ông lại quay sang hỏi nhiều món hàng khác đang bày bán chung quanh, và vật gì giá cũng chỉ một đồng. Ông nhẩm tính với số tiền mang theo khi chết ông sẽ có thể sống sung sướng trong cả ngàn năm nữa. Nhưng đến khi trả tiền để lấy hàng, ông nhà giàu bỡ ngỡ khi người bán không chịu nhận đồng tiền của ông. Cô ta nói với ông rằng: “Ở đây chỉ xài loại “tiền cho đi” mà thôi ! Còn tiền của ông là loại “tiền thu vào”, không có giá trị thanh toán !” Bấy giờ ông nhà giàu rất buồn rầu và thất vọng, vì tiền của bấy lâu nay ky cóp giờ chẳng còn chút giá trị nào cả ! Qua câu chuyện trên, chúng ta rút ra bài học này: Chỉ những “đồng tiền cho đi” mới là “đồng tiền để dành” có giá trị thanh toán ở đời sau và mới thực sự đem lại hạnh phúc đời đời cho ta.

2) ĐẠO SĨ THAM TIỀN:

Có một nhà giàu kia đã mời mấy vị đạo sĩ tới nhà lập đàn để giải trừ tai nạn. Trong số đó có một đạo sĩ tính tình tham lam, muốn một mình được hưởng trọn số tiền công của chủ nhà, nên đã  nhận đứng ra bao thầu trọn gói việc lập đàn cúng bái. Sau đó ông ta một mình làm việc ngày đêm không hề ngơi nghỉ. Cứ như thế đến ngày thứ ba thì bị kiệt sức, ông ta tự nhiên bất tỉnh ngã vật ra đất. Chủ nhà sợ ông đạo sĩ chết ở nhà mình thì mang hoạ, liền thuê mấy người lao công đến khiêng ông về miếu. Đạo sĩ nghe chủ nhà trao đổi như vậy, dù đang kiệt sức nhưng ông ta vẫn cố ngước đầu lên thì thào như sau: “Ông chủ đừng mất công thuê người khiêng cáng cho tôi làm chi. Cứ đưa tiền thuê ấy cho tôi. Tôi sẽ tự bò về miếu cũng được mà !”

3) KHÁC BIỆT GIỮA HAI LOẠI KÍNH:

Một lần kia có một người giàu có nhưng keo kiệt đến gặp vị giáo trưởng của ông và xin giáo trưởng ban phép lành cho ông. Vị giáo trưởng đón tiếp ông nhà giàu một cách thân thiện và đưa vào phòng khách. Rồi giáo trưởng dẫn ông đến cửa sổ nhìn xuống đường phố và nói: “Ông hãy nhìn ra kia và nói cho tôi biết ông thấy gì”.

“Tôi thấy người ta đi qua, đi lại”, ông nhà giàu đáp.

Rồi giáo trưởng đem ông ta ra khỏi cửa sổ, dẫn ông ta đến trước một tấm gương to và nói: “Ông hãy nhìn vào tấm gương này và ông thấy gì”.

“Tôi thấy chính tôi”, ông nhà giàu đáp.

“Thế đấy, ông bạn, hãy để tôi giải thích ý nghĩa điều ấy cho ông. Cửa sổ làm bằng kính cũng giống như tấm gương này. Tuy nhiên, kính của tấm gương có tráng lên một lớp bạc. Khi ông nhìn qua kính thường, ông thấy người khác. Nhưng khi ông tráng bạc, ông không còn thấy người khác nữa mà chỉ thấy chính mình. Khi ông chỉ quan tâm đến tiền bạc, ông không còn thấy người khác nữa mà chỉ còn nhìn thấy bản thân mình”.

4) THÀ BỊ CHỘT MỘT MẮT CÒN HƠN MẤT TIỀN CHỮA TRỊ:

Bác sĩ A.J. Gordon kể: ngày nọ, có một ông nhà giầu keo kiệt đến khám mắt. Sau khi khám, bác sĩ cho biết ông ta phải chữa trị cả hai mắt, nếu không muốn bị mù. Ông ta liền hỏi :

- Giá chữa trị mỗi con mắt là bao nhiêu?

- Là 100 đôla. Bác sĩ trả lời.

Nghe vậy, ông nhà giầu thừ người ra suy nghĩ một lúc. Sau đó ông ta nói với bác sĩ: "Tôi chỉ yêu cầu bác sĩ chữa cho tôi một mắt với giá 100 đôla thôi. Vì tôi nghĩ: chỉ cần còn một mắt cũng có thể thấy đường đi và đếm được tiền rồi. Còn chữa hai mắt phải tốn tới 200 đôla là quá nhiều!

5) ANH LÍNH ỨNG XỬ KHÔN NGOAN:

Có một anh lính ba gai, không bao giờ làm hài lòng viên đại tá là cấp chỉ huy của mình. Mỗi lần trình diện đại tá, anh ta luôn bị quở trách: Khi thì đôi giày bẩn, lúc thì súng không chịu lau chùi, cũng nhiều khi lại đến tập họp trễ mấy phút. Môtỵ hôm được xả trại và được tự do đi chơi tới 20g00. Đến hồi 19g45 mà anh lính này vẫn đang lang thang trên đường phố. Bấy giờ đột nhiên anh thấy chiếc xe của đại tá đang tiến đến gần. Anh liền rẽ vào một con hẻm gần đó nhưng không kịp: Viên đại tá đã chạy xe kịp đến và dừng ngay trước mặt anh. Đại tá ra lệnh:

- Đúng 20g anh phải trình diện tôi tại bộ chỉ huy, nếu không anh sẽ bị giam 3 ngày.

Anh lính liền suy nghĩ: Từ lúc này đến 20g00 chỉ còn 15 phút nữa. Nếu ta chạy nhanh vẫn không về kịp, mà đón xe ngoài thì giờ này không còn xe nào chạy. Thế là anh liền chạy nhau đi sau chiếc xe díp của ông đại tá. May thay cốp xe phía sau vẫn đang mở và anh vừa kịp leo lên rồi chui vào trong xe mà ông đại tá vẫn không phát hiện ra. Ông đại tá cho xe díp chạy vòng vòng qua mấy ngã đường rồi trở về doanh trại vào đúng 20g00. Khi chiếc xe vừa dừng lại thì anh lính cũng vừa nhảy xuống xe và đến trình diện vị đại tá. Bấy giờ đại tá xem đồng hồ và khen cậu lính như sau:

- Anh đã hành xử khôn ngoan đó anh lính trẻ. Hôm nay tôi không thể phạt anh. Nhưng từ nay trở đi anh cũng phải biến biến báo không ngoan để duy trì được kỷ luật tập thể nghe không?

3. SUY NIỆM:

Có người đã phát biểu về giá trị tương đối của đồng tiền như sau: “Tiền bạc có thể mua vỏ bọc ngoài của các sự vật nhưng không thể mua được điều cốt lõi của chúng được. Nó có thể đem đến cho bạn thức ăn nhưng không đem đến sự ngon miệng; có thể mang thuốc men nhưng không phải mang sức khỏe, mang sự quen biết nhưng không mang bạn bè, mang tôi tớ giúp việc nhà nhưng không phải là lòng trung tín, mang đến những ngày đầy lạc thú xác thịt nhưng không phải là sự bình an và hạnh phúc”. (Henrik Ibsen)

Nhìn vào thế giới ngày nay, chúng ta cũng thấy còn đầy dẫy những bất công: Có những người giầu có lối sống hưởng thụ xa hoa hoang phí đang khi nhiều người nghèo ăn không đủ no, mặc không đủ ấm và còn thiếu tất cả những nhu cầu tối thiểu. Sở dĩ có sự giàu nghèo bất công như vậy một phần là do hoàn cảnh xã hội tạo ra, nhưng chủ yếu là do lòng tham của con người, khi mà người giàu chỉ biết ích kỷ để tìm lo cho bản thân, mà không biết nghĩ đến những người nghèo đói bất hạnh ở ngay bên cạnh mình. Qua dụ ngôn về người quản gia bất lương trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn các môn đệ và các tín hữu chúng ta cũng phải có thái độ khôn ngoan để biết nhìn xa và có những hành động phù hợp có lợi cho tương lai của mình sau này.

Qua dụ ngôn người quản lý bất lương nhưng khôn ngoan trong bài Tin Mừng, chúng ta cần lưu tâm mấy chi tiết sau:

1) Tội tham nhũng tiền bac: Hằng ngày qua các phương tiện truyền thông nghe nhìn, chúng ta thấy nhiều người đã phải vào tù ra khám vì đã phạm tội tham lam, ăn cắp tài sản của người khác hay thâm lạm vào công quỹ. Những người này không thuộc diện đói nghèo, mà trái lại, họ còn là những kẻ giàu có dư ăn dư mặc. Căn bệnh của họ là lòng tham tiền bạc của cải bất chính.

2) “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó?: Người quản gia trong dụ ngôn hôm nay có nhiệm vụ điều hành mọi việc nhà của chủ, và cũng có quyền đại diện cho chủ để giao dịch làm ăn buôn bán. Tuy nhiên, anh quản lý này đã lợi dụng sự tín nhiệm của ông chủ: Thay vì làm lợi cho chủ, anh ta lại cắt xén bớt tiền bạc của chủ để làm lợi riêng cho bản thân mình. Cuối cùng việc làm bất chính của người quản gia đã bị phát hiện. Chủ cho gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh. Vì từ nay anh không được làm quản gia nữa” (Lc 16,2).

3) “Mình sẽ làm gì đây?”: Trong hoàn cảnh sắp bị sa thải, anh quản gia thuần suy tính: “Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !” (Lc 16, 3-4). “Cái khó ló cái khôn”, cũng may trong thời gian tại chức vắn vỏi này, anh vẫn còn có tư cách đại diện cho ông chủ. Anh đã quyết định giảm nợ cho các con nợ của chủ: Từ Một trăm thùng dầu Ôliu, anh cho giảm nợ xuống còn năm chục; Từ một ngàn giạ lúa anh hạ xuống còn nợ tám trăm thôi (Lc 16, 5-7). Qua lối hành xử khôn khéo này, anh đã làm ơn cho các con nợ của chủ vời hy vọng họ sẽ đền ơn lại cho anh sau khi anh bị mất việc. Đức Giêsu đã khen anh ta hành động khôn khéo vì đã biết dùng tiền bạc của chủ để làm lợi cho tương lai của mình.

3) Khôn ngoan là biết dùng tiền của bất chính để tạo ra bạn bè: Đức Giêsu không khen hành động gian dối ích kỷ hại nhân của người quản gia bất lương, nhưng khen thái độ biết khôn ngoan tiên liệu của anh ta bằng cách sử dụng tiền của bất chính để tạo thêm bạn hữu cho mình như lời Đức Giêsu kết luận: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9); Hơn nữa, Đức Giêsu cũng dạy chúng ta phải biết khôn ngoan trong việc sử dụng tiền của ở đời này, hãy biến đồng tiền trở thành đầy tớ, chứ đừng để nó biến thành ông chủ của chúng ta, vì: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13). Đồng tiền sẽ là một đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ xấu.

4) Học sống Lời Chúa hôm nay:

- Trung thực trong việc quản lý tiền bạc: Điều Đức Giêsu muốn dạy các tín hữu chúng ta hôm nay là phải có lối hành xử công chính về tiền bạc. Có người đã nói: «Lấy lửa thử vàng; lấy vàng thử đàn bà; và lấy đàn bà thử đàn ông». Một người không trung thực về tiền bạc không thể là một người tốt, thành thật và đáng tín nhiệm được. Một người được người khác nhờ cậy giao tiền cho một người thứ ba, đã gửi số tiền ấy vào ngân hàng để lấy lãi cho mình, thì người đó không thể có lòng đạo đức thực sự. Hiện nay, có nhiều người giữ những địa vị cao trong xã hội, nhưng lại thiếu trung thực trong việc quản lý tiền bạc của tập thể. Đức Giêsu đã đưa ra tiêu chuẩn: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?”. Qua đó, Chúa muốn dạy chúng ta rằng: Công bình là nền tảng của bác ái, và bác ái là nền tảng của một lòng đạo đức thực sự.

- Phải hành động cách khôn khéo: Nếu “con cái đời này” mà còn biết cách làm lợi cho bản thân mình, thì tại sao “con cái sự sáng” lại không biết sử dụng của cải Chúa ban trong giây phút hiện tại để lo cho phần rỗi đời đời của mình sau này? Nếu người quản gia bất lương biết dùng tiền của bất chính để mua lấy bạn hữu, đề phòng khi mất việc…, thì tại sao người tín hữu chúng ta lại không biết sử dụng của cải chóng qua đời này bằng cách quảng đại chia sẻ cho người nghèo khổ để có thêm bạn hữu, hầu đến giờ chết những người đó sẽ đi đón rước chúng ta vào hưởng Nước Trời là hạnh phúc vĩnh hằng?

 - Đồng tiền cho đi: Nên nhớ rằng: Chúng ta sẽ không trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa với những đồng tiền “nhận lãnh”, nhưng là với những đồng tiền “cho đi”. Chỉ khi biết quảng đại ban phát của cải cho những kẻ thiếu thốn, chúng ta mới thực là những người quản gia trung tín và khôn ngoan biết làm theo ý chủ. Chỉ khi biết coi tiền của là phương tiện phục vụ tha nhân, chúng ta mới chứng tỏ mình là tôi trung của Thiên Chúa. Các Rabbi Do thái có câu này: “Kẻ giàu giúp kẻ nghèo ở đời này, nhưng kẻ nghèo sẽ giúp kẻ giàu ở đời sau”. Khi chú giải truyện người giàu ngu dại xây kho vựa lớn hơn để tích trữ nhiều của cải, thánh Ambrosiô đã nói: “Bụng của người nghèo, nhà của bà goá, miệng của trẻ nhỏ là những kho vựa tồn tại mãi ở đời đời.” Người Do thái tin rằng của bố thí cho kẻ nghèo được ghi vào trương mục đời sau của kẻ cho. Do đó, sự giàu có thật của con người không hệ tại ở những gì mình đang nắm giữ, nhưng căn cứ ở những gì mình quảng đại cho đi. 

- Làm chủ hay đầy tớ đồng tiền?: Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi hiện đang làm chủ hay đang làm đầy tớ cho đồng tiền?

Tôi sẽ là chủ đồng tiền nếu dám chia sẻ số tiền mình đang có cho người khác, dám cho vay mượn, dám lập tức trả lại cho chủ của khi phát hiện ra đồng tiền mình đang chiếm giữ không phải của mình. Nhất là khi bị mất cắp, tôi sẽ không quá đau buồn như kẻ mất hồn, đến nỗi chẳng còn thiết tha làm bất cứ việc gì khác!

Tôi sẽ là đầy tớ đồng tiền nếu năng nghĩ đến nó, thích mang ra nhìn ngắm và đếm đi đếm lại nhiều lần trong ngày; Năng đề cập đến tiền bạc trong câu chuyện và đề cao sức mạnh vạn năng của nó; Có thái độ tôn trọng đồng tiền hơn mọi thứ có giá trị khác; Sẵn sàng làm bất cứ việc gì dù vi phạm luật pháp hoặc bất công và bất nghĩa… miễn sao có nhiều tiền cho đầy túi tham.

4. THẢO LUẬN: 1) Bạn có đồng ý với lời nhận định: “Đồng tiền là một người đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ xấu” không? 2) Hiện giờ bạn đang làm chủ hay đang làm tôi cho đồng tiền? 3) Bạn cần làm gì để tiền bạc trở thành đầy tớ phục vụ cách đắc lực cho các nhu cầu chính đáng của bạn và của tha nhân?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊSU. Hôm nay Chúa đã lưu ý chúng con về việc sử dụng tiền bạc của cải. Trước tiên Chúa dạy chúng con phải phụng thờ một mình Thiên Chúa. Chúa cấm chúng con gian lận, nhưng dạy chúng con phải khôn khéo xử dụng đồng tiền trần gian để biến nó thành của cải thiêng liêng có giá trị ở đời sau.

- LẠY CHÚA GIÊSU, từ nay chúng con sẽ qui hướng trọn cuộc sống về cho Thiên Chúa, từ việc nhỏ đến việc lớn. Xin Chúa giúp chúng con dứt khoát nói “không” với bất cứ cám dỗ nào xui giục chúng con tìm kiếm những đồng tiền bất chính, để chúng con xứng đáng trở thành những môn đệ thực sự của Chúa: luôn sống theo Lời Chúa dạy và mãi mãi thuộc trọn về Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên Năm A- Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên - Lm . Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Matthêu, Tông Đồ - Lm Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXV Thường Niên Năm A - Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên- Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên- NT Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên-Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXV Thường Niên C: HẠ CÁNH AN TOÀN VÀO NƯỚC TRỜI_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     CHỦ NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN_Lm Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN B_Nt. Chinh Anh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên B: «Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ?»_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên B_Nt. Chinh Anh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên B: “Ông này là ai?”_Lm Giuse Nguễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên B: "HÀNH TRANG LÀ TÍN THÁC"_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng. OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên B: "NHỮNG AI THỰC SỰ THUỘC GIA ĐÌNH ĐỨC GIÊSU"_Xuân Hạ, OMI
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXV Thường Niên B: THÁNH MÁT-THÊU TÔNG ĐỒ_ Nữ Tỳ Thánh Thể
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXV Thường Niên B: BÀI HỌC VÀ GƯƠNG PHỤC VỤ_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí