Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm
Tuần XXV Thường Niên
ĐỨC GIÊSU VÀ
HÊRÔĐÊ
LỜI CHÚA: Lc 9, 7-9
7 Khi tiểu vương Hêrôđê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra,
thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy”. 8 Kẻ khác nói: “Ông Êlia xuất hiện đấy!” Kẻ khác
nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại”. 9 Còn vua Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan, chính ta
đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi
vua tìm cách gặp Đức Giêsu.
SUY NIỆM
Trong
lịch sử nhân loại, có những vị vua được mến mộ vì khí tiết anh minh, đức độ cao
dầy, đã gầy dựng triều đại vững bền. Trái lại, cũng có những vị vua bị xem là nỗi
nhục quốc gia khiến thần dân khiếp sợ.
Kinh
Thánh từng nhắc đến tên tuổi của thánh vương Đavít hay Salômôn như những vị vua
khôn ngoan xuất chúng. Bên cạnh đó cũng có Hêrôđê Antipát được nhắc đến như một
vị vua đồi bại hèn nhát. Theo sử liệu, Hêrôđê Antipát là một trong ba người con
của Hêrôđê Cả, ông được vua cha cho cai quản xứ Galilê và Pêrê từ năm 4 trước
công nguyên đến năm 9 công nguyên. Là một bạo chúa khát máu và nhiều thủ đoạn, Hêrôđê
tô điểm cho triều đại mình với đầy sự gian xảo và tàn bạo. Vì muốn giữ được
“chiếc ghế” của mình, ông tỏ ra là người sùng bái đến hèn nhát khúm núm trước
người La Mã.
Trong
thời gian cai quản, ông có xây dựng một số công trình công cộng như chợ, nhà
hát, đấu trường và có tái thiết đền thờ. Tuy nhiên những việc làm đó không đủ
phủ lấp được đời sống luân lý đồi bại của ông. Ông luôn bị căm ghét và có rất
nhiều thù địch, vì thế ông rất lo sợ cho ngai vàng của mình nên sẵn sàng sát hại
những ai nghi ngờ có ý định chống lại ông. Lịch sử không thể nào quên được hành
động dã man của Hêrôđê khi ông Gioan Tẩy Giả chỉ vì muốn làm vui lòng một vũ nữ
là con gái bà Hêrôđia.
Khi Gioan rao giảng, đám đông dân chúng
hết sức ngưỡng mộ và đầy hy vọng vì họ biết Đấng Thiên Sai đang đến gần. Trước
tình hình đó, vua Hêrôđê sợ họ nổi loạn ảnh hưởng đến “chiếc ghế” của ông. Vấn
đề sâu xa bên trong là vì Gioan đã thẳng thắn lên án Hêrôđê về tội ông đã bỏ vợ
mình để cưới bà Hêrôđia, vợ của anh trai ông là Philípphê. Vì thế Đức Giêsu đã
gọi Hêrôđê là “con cáo” gian xảo (x. Lc 13,32).
Gioan đã chết vì một ông vua hèn nhát
và thói ích kỷ của người đàn bà lăng loàn trắc nết. Hêrôđê đã đánh đổi số phận
của một vị ngôn sứ chỉ vì một vũ nữ. Còn Gioan, ông đã làm tròn sứ mạng của một
người dọn đường cho Đấng Thiên Sai.
Sau khi sát hại Gioan, Hêrôđê tưởng rằng
đã diệt hết các mối nguy cho đến khi Đức Giêsu xuất hiện. Ông tỏ ra phân vân vì
một nhân vật mới còn trổi vượt hơn cả Gioan. Ông nghe ngóng dư luận và tìm hiểu
để biết Đức Giêsu là ai? Có phải đó là Êlia hay một ngôn sứ mới nào đó. Từ đó
ông tìm cách gặp Đức Giêsu.
Hơn ai hết, Đức Giêsu biết rõ lòng dạ
và những ý nghĩ của Hêrôđê. Ông rất sợ các ngôn sứ, vì các vị là người dám lên
án những hành vi tội lỗi của ông. Đức Giêsu hiểu rõ sự chai đá và tham vọng của
Hêrôđê. Ông chỉ xem Đức Giêsu như là một mối nguy hơn là khát khao muốn đạt đến
sự khôn ngoan đích thực. Trước tòa tổng trấn Philatô, Hêrôđê đã được đối diện với
Đức Giêsu nhưng ông không khai thác được gì ngoài sự im lặng. Ông đã kết thân với
Philatô để làm nhục Đức Giêsu (x. Lc 23, 9-12).
Trong đời sống thiêng liêng, có những lúc
chúng ta cũng hành động điên rồ như Hêrôđê. Chúng ta đến với Chúa chỉ để xem những
phép lạ như đám đông dân chúng hiếu kỳ. Chúng ta không dám đối diện với lòng
mình, không dám để cho Chúa cật vấn lương tâm, không dám từ bỏ thói kiêu căng
ích kỷ của mình. Thử hỏi, chúng ta đã có thái độ nào khi phạm lỗi. Chúng ta có
nghe lời cảnh báo hay tiếp tục để mình chìm sâu trong tội lỗi và những thói hư
tật xấu.
Lời Chúa nhắc nhở chúng ta hãy hun đúc
cho mình nỗi khát khao tìm gặp Chúa như là cùng đích của cuộc đời mình. Một khi
được Lời Chúa nhắc nhở cảnh báo, chúng ta hãy khiêm tốn đón nhận, nếu không
chúng ta sẽ trượt ngã từ lỗi lầm này đến lỗi lầm khác.
Lạy Chúa Giêsu, trải qua các thời đại,
con người hôm nay vẫn còn tìm hiểu và tự hỏi “Ngài là ai?”. Con Người Giêsu vẫn
luôn là một người xa lạ cho những kẻ kiêu căng ích kỷ, nhưng Ngài cũng là một mầu
nhiệm đầy yêu thương cho những ai khiêm tốn tìm kiếm. Xin mở cho con đôi mắt
tâm hồn để chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi những người xung quanh.
Xin mở cho con đôi tai để lắng nghe tiếng Chúa, nhất là nhu cầu của những người
đang cần chúng con chia sẻ giúp đỡ.
Lạy Chúa Giêsu, nói một cách nào đó,
chúng con cũng là những con ‘cáo già hêrôđê’ đang làm tổn thương đến những người
xung quanh. Xin Chúa đến chữa lành những vết thương ấy và chúng con hoán cải trở
về với bến bờ yêu thương là chính Chúa. Amen.
Nt. Maria Anh Thư, OP