Suy Niệm
Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Thường Niên
GIA ĐÌNH THIÊNG LIÊNG
Lời Chúa: Mc 3, 31-35
(31) Mẹ và anh em Ðức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra.
(32) Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với
Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm
Thầy!" (33) Nhưng Người đáp lại: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh
em tôi?" (34) Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh
và nói: "Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. (35) Ai thi hành ý
muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi."
Suy Niệm
Khi nghe câu trả lời của Chúa
Giêsu trong Tin mừng hôm nay, thoạt nghe
người ta dễ hiểu lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã mất gia
đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa đám đông,
có kẻ nói với Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy tìm Thầy”. Chẳng những
Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: “Ai là mẹTa? Ai là anh em Ta?
Chính những ai thi hành ý Thiên Chúa, người ấy là Mẹ Ta và là anh em Ta”.
Thật ra qua câu nói này, Chúa Giêsu
gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người toàn thân theo ý Chúa, Mẹ đã hiểu rõ xứ mạng của Chúa Giêsu, con của
Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên
nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi ý Chúa. Chúa
Giêsu là Con Một Thiên Chúa đồng bản
tính với Chúa Cha; còn chúng ta được trở lên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa
Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ tình
yêu Chúa, chúng ta được kết hợp với nhau trong một quỹ đạo mới, một tình nghĩa
mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, chị em ruột thịt.
Chắc chắn một điều là Chúa không chối
bỏ tình máu mủ ruột thịt tự nhiên của gia đình trần thế đâu, bởi vì chính Chúa
đã sinh ra, lớn lên, đã sống 9/10 cuộc đời trần thế nơi một gia đình của nhân
loại tại Nazareth (Lc 2,51). Và Chúa đã chết đi trong một gia đình nhân loại và
được Mẹ Người đem đi an táng.
Ngoài ra trong đời tông đồ truyền giáo,
Chúa Giêsu đã xác nhận giới răn thứ tư. Chúa yêu thương các trẻ em là hoa quả của
gia đình, Chúa ẵm bế, ban phép lành cho trẻ em, cho trẻ em chết sống lại...(x.
Mc 9,33; Mt 19,13; Lc 8,49). Chúa Giêsu đã dự tiệc cưới Cana để bảo vệ hôn nhân
(Ga 2,1-11). Chúa lập luật bất khả phân ly để bảo vệ gia đình tự nhiên (Mt
19,3-9). Trên đỉnh thánh giá, Chúa Giêsu còn trao gởi mẹ hiền cho Gioan (Ga
19,27). Tất cả những chứng cứ đó nói lên rằng Chúa tôn trọng gia đình. Tình yêu
gia đình máu mủ không thể xóa được. Nhưng Chúa Giêsu hôm nay cho chúng ta thấy
còn có một thứ gia đình thiên quốc, mà hồi lên 12 tuổi Chúa đã minh chứng cho
cha mẹ Ngài (Lc 2,49), đó mới là tình yêu thiêng liêng cao cả phải đạt tới. Sau
này Chúa Giêsu đã ra định luật cho kẻ theo Ngài : “Kẻ nào theo Ta mà không bỏ
cha mẹ, vợ con, anh chị em và chính cả đời sống mình nữa thì không thể làm môn
đệ của Ta” (Lc 14,33).
Những đoạn Kinh thánh trên đây minh
chứng cho chúng ta thấy lập trường của Chúa Giêsu:
1.
Đồng ý tình yêu gia đình ruột thịt không thể xóa mờ, nhưng tình yêu lý tưởng là
hiến thân cho Thiên Chúa qua ơn kêu gọi của mỗi người và tình yêu ấy đã không
làm giảm sức tình yêu gia đình, có khi còn gia tăng trên lãnh vực ơn thánh. Cho
nên nếu như trường hợp tình yêu gia đình ngăn cản ơn kêu gọi, Chúa buộc người
ta phải hy sinh và kể cả sự sống mình cho Chúa.
2.
Chúa Giêsu hé mở cho chúng ta thấy ngoài tình yêu gia đình trần thế còn có một
gia đình thiên quốc cao quí hơn, siêu việt hóa gia đình ruột thịt trần gian.
Gia đình trên trời có Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau, có các thánh.
3.
Người ta tự hỏi không biết trên trời còn có gia đình, gia tộc gì không. Thưa
còn. Nhưng tình yêu gia đình trần thế lúc ấy sẽ mờ đi trước tình yêu Thiên Chúa
Ba Ngôi. Chúng ta nhớ lại trường hợp người đàn bà bảy đời chồng. Chúa trả lời rằng
kẻ sống lại mai sau sẽ sống như các thiên thần chứ không còn những tham vọng
sân si như ở trần gian này nữa.
CẦU NGUYỆN
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải thực thi Lời Chúa để có thể trở thành thành
viên trong gia đình của Thiên Chúa. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết noi
gương Mẹ Maria khi luôn lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa trong cuộc sống hàng
ngày. Amen.
Lm.
J.P