Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Thường Niên
HẠT
GIỐNG TIN MỪNG
Lời Chúa: Lc 10, 1-9
10,1 Sau đó, Chúa chỉ định
bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất
cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông : "Lúa chín đầy đồng mà
thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như
chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.
Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói :
"Bình an cho nhà này !" 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình
an của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với
anh em. 7 Hãy ở lại nhà ấy, và người
ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả
công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp
đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và
nói với họ : "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông."
Suy niệm
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh
em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Như thế có nghĩa rằng, hạt
giống Tin mừng đã được Thiên Chúa gieo rắc khắp mọi nơi, và bây giờ những hạt
giống ấy đã trỗ bông, sinh hoa kết trái và chín vàng đang cần người gặt hái.
Khi suy niệm về điều này, tôi bị đánh động bởi 2 hình ảnh: một là người thợ gặt,
hai là hạt giống Tin mừng.
1.
Thợ gặt
Chúa
Giêsu đã sai 72 môn đệ khác, sau khi đã sai 12 tông đồ đi rảo giảng, nó như một
dấu chỉ (biểu tượng) khác để nói lên ơn gọi phổ quát của người môn đệ Chúa, đó
là tất cả những ai đang nhiệt tâm đi rao giảng Tin mừng. Những môn đệ này được
sai đi làm thợ gặt, tức là thu gom hoa lợi mà mình đã không nhọc công gieo trồng.
Chính lẽ đó, Đức Giêsu răn bảo họ, hãy ra đi với một tinh thần tín thác hoàn
toàn vào Thiên Chúa: “Đừng mang theo túi
tiền, bao bị, giày dép…vào nhà nào ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức
gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công.” Hành trang
họ cần gọn nhẹ, với tinh thần nghèo khó để không bị vật chất quyến luyến và bằng
một thái độ sẵn sàng chấp nhận hiện tại “đừng
đi hết nhà nọ đến nhà kia” như lời cảnh báo, để họ không vì khó khăn mà tìm
nơi tiện nghi hơn.
Cùng
với lòng tín thác nơi Thiên Chúa, điều thật quan trọng khác là họ cần phải có
lòng can đảm, kiên trung vì Nước Trời, vì sự khó khăn của sứ vụ mà chính Đức
Giêsu cảnh báo: “Này Thầy sai anh em đi
như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Họ đi vào thế gian, như những con chiên
đi vào giữa bầy sói; sẽ bị bắt bớ và ngược đãi nhưng đừng vì thế mà sợ hãi, vì
ơn Chúa thì luôn đủ cho mỗi người.
Thêm
nữa, việc họ cần làm là thực thi tình yêu thương của Thiên Chúa cho
muôn dân và công bố triều đại của Ngài: Hãy
chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các
ông." .
Đó
là tinh thần của một người thợ gặt, một môn đệ biết từ bỏ bản thân để làm công
việc cho Chúa là mang Chúa đến cho muôn dân. Khi họ ra đi như thế, thì cũng
chính họ trở nên những hạt giống mới gieo vào thửa đất trần gian để tiếp tục
sinh hoa trái.
2.
Hạt giống Tin Mừng
Như
lời mời gọi của Đức Giêsu khi về trời “anh
em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). Những hạt giống
Tin mừng đầu tiên đã được gieo vào thế gian, các nhà truyền giáo mang Tin mừng
đến những miền đất mới và cứ tiếp diễn như thế cánh đồng truyền giáo trở nên
bao la. Chính những hạt giống đó làm trỗ sinh nhiều bông hạt, thành những cánh
đồng rộng lớn là những người đang khát khao chân lý sự thật, chân lý cứu độ của
Thiên Chúa, và cần những thợ gặt để mang họ về với Chúa.
Trong
đời sống đức tin của người kitô hữu, làm thợ gặt họ cho Chúa theo nghĩa là một
nhà truyền giáo thì không phải ai cũng có thể làm được, nhưng làm sứ giả của
Chúa như “hạt giống” được gieo vào giữa muôn dân thì người tín nào cũng có thể.
Quả vậy, chính những nơi xa lạ mà người tín hữu hiện diện lại trở nên mô mẫu hữu
hiệu để giới thiệu Chúa cho anh chị em lương dân.
Miền
truyền giáo Tây bắc mà tôi đang phục vụ nói rõ điều đó. Những kitô hữu rời quê
hương để đến một miền đất xa lạ, có thể qua hôn nhân, có thể qua quân ngủ, có
thể qua mưu sinh... tất cả sống âm thầm trong một miền đất hầu như không Công
giáo. Họ như bị vùi vào lòng đất với bao nhiêu sự sâu xé của thế tục, với sự cấm
cách, với sự diễu cợt đầy ác ý của kẻ khác, với sự tàn bạo của những kẻ chống
Ki-tô. Đôi lúc họ có cảm tưởng như mất hết ơn Chúa, sống như kẻ vô thần. Nhưng
rồi một lúc nào đó, với ơn Chúa hạt giống ấy lại nẩy mầm trong chính gia đình của
mình, thôn bản của mình và không chỉ họ mà cả gia đình, người thân, những người
hàng xóm tìm đến Chúa. Lớp giáo lý dự tòng và hôn nhân cho những đôi rối hôn phối
vừa qua một bằng chứng sống động. Một lớp học đặc biệt với 5 sắc tộc anh em (Thái,
Hmong, Dao, Tày và Kinh), và người lớn nhất là 75 tuổi với nhiều thành phần. Họ
đến với Công giáo qua hôn nhân, và khi họ tin rồi thì không chỉ họ mà con cái của
họ, hàng xóm của họ, thôn bản của họ... cũng tìm đến Chúa cho dù chính quyền có
cấm cách, đe dọa..., cho dù những kẻ chưa tin Chúa diễu cợt, tìm cách cô lập họ.
Một lớp học đa văn hóa, đa sắc tộc cho tôi nhiều xúc động và thán phục họ, thán
phục ơn của Chúa nơi họ.
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh
em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Không chỉ là một lời mời gọi
những người khác sống giá trị Tin mừng, nhưng là một lời khẩn nguyện hiến thánh
mỗi một người kitô hữu nên “hạt giống Tin mừng” cho muôn dân, nhất là môi trường
mình đang sống. Hãy nhớ rằng, Chúa đã nói với Phao-lô và cũng đang nói với mỗi
chúng ta: “Ơn Ta thì đủ cho con”.
Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô ban dồi dào trên mỗi người tín hữu, để nhờ
Thánh Thần ta được biến đổi nên “hạt giống Tin mừng” cho muôn dân. Amen!
Thầy
Louis Đào Xuân Hà