Suy Niệm Lời
Chúa Chúa Nhật III Thường Niên C
CHÚA
GIÊSU KHAI MỜ ÁNH SÁNG HY VỌNG
VÀ
ƠN CỨU ĐỘ CHO MUÔN DÂN
Ngày
20 tháng Giêng đã trở thành ngày được quy định để các tân tổng thống Hoa Kỳ
tuyên bố nhận nhiệm vụ. Với tổng thống Donal Trump lần này, ông đã tuyên bố khởi
đầu nhiệm vụ bằng những lời hứa hẹn đưa đất nước Hoa kỳ trở lại vị thế của một
cường quốc kinh tế và quân sự. Các vị chủ tịch hoặc bí thư của Việt Nam trong
ngày nhận chức thường không đưa ra được điều gì mới mẻ cho đất nước, nhưng các
bài diễn văn của các vị tổng thống Hoa Kỳ luôn là những bài diễn văn gây được ấn
tượng mạnh đối với Hoa Kỳ và đối với cả thế giới. Các bài diễn văn này thường mở
ra một hướng đi cho Hoa Kỳ và cho cả thế giới.
Khác
với các chính trị gia, Chúa Giêsu xuất hiện công khai, Ngài không hứa hẹn một
đường lối chính trị hay ngoại giao, nhưng khai mở một vương quốc mới cho tất cả
nhân loại, đó là Vương quốc Nước Trời, vương quốc của ánh sáng và sự thật. Những
ai tin vào Chúa Giêsu như là một thủ lãnh, là Thiên Chúa và là Đấng cứu độ, người
đó sẽ được cứu độ, được gia nhập vào Nước Trời của Ngài.
Niềm
tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ duy nhất, luôn gặp những cám dỗ và thách thức.
Nhiều người tin vào Chúa Giêsu nhưng vẫn bị cám dỗ chạy theo và tin vào các thần
linh khác, hoặc vào một người khác không phải là Chúa Giêsu. Vào thời Chúa
Giêsu, có những người đã bị giằng co giữa việc đi theo Gioan hoặc đi theo Thầy
Giêsu. Bài Tin Mừng tuần trước và bài Tin Mừng hôm nay, quả quyết, sứ mạng của
Gioan đã chấm dứt, ông đã hoàn toàn rút lui và nay đã đến thới mới, thời của Đấng
Cứu Thế có tên là Giêsu. Ngài mới thực sự là ánh sáng dẫn đường cho nhân loại.
Chúa
Giêsu được thánh Matthew minh chứng, Ngài chính là ánh sáng, niềm vui và ơn cứu
độ cho mọi dân tộc. Nếu như trước đây vùng Davulun và Naptali bị coi như vùng đất
bị chúc dữ, bởi đó là vùng của dân ngoại và các thần minh của họ, thì nay Chúa
Giêsu lại chọn vùng đất này để khởi đầu cho sứ mạng của Ngài. Ngài đã biến vùng
đất tối tăm thành nơi đầy tràn ánh sáng, vùng đất chết chóc, bị nguyền rủa,
thành nơi được chúc phúc và sự sống. Với việc Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ tại
Caphanaum, khiến cho tác giả Tin Mừng nhận ra sự ứng nghiệm lời tiên tri Isaia
nói về vùng đất này: Hỡi đất Davulun và Naptali, con đường ven biển và vùng tả
ngạn sông Gioadan, Galilea, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong tối
tăm của sự chết đã được thấy ánh sáng huy hoàng.
Chúa
Giêsu đã khởi đầu sứ vụ tại vùng Caphanaum, sứ điệp đầu tiên của Ngài là lời mời
gọi: Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần. Lời mời gọi sám hối, là lời mời
được gửi đến với tất cả mọi người từ người Do Thái đến dân ngoại, từ người công
chính đến kẻ tội lỗi. Tất cả mọi người được mời gọi sám hối, tức là làm một cuộc
thay đổi và trở về. Thay đổi từ trong suy nghĩ đến hành động, từ nếp sống bên
ngoài đến tư tưởng bên trong tâm hồn, sao cho phù hợp với thời đại mới là Nước
Trời, mà Chúa Giêsu bắt tay vào xây dựng. Sám hối không chỉ là hành động ăn
năn, khóc lóc hối hận, của người có tội, nhưng còn là cố gắng trổ sinh những
hoa trái tốt lành xứng với tâm tình sám hối. Như thế, việc nở hoa công chính là
việc làm không chỉ của tội nhân, mà còn của những người công chính cũng cần phải
sinh nhiều hoa trái tốt lành hơn.
Thánh
Matthew cũng cho thấy những con người đầu tiên đáp lại lời mời gọi của Chúa
cách nhanh chóng, đó là các người đánh cá tại bờ hồ Galilea. Simon và anh là
Anre cũng như Giacobe và Gioan, họ là những con người đơn sơ chất phác, có nghề
nghiệp và gia đình ổn định. Tuy nhiên, những chàng trai này đang khát khao tìm
kiếm một điều gì đó cao hơn và xa hơn, mà nghề nghiệp và cuộc sống hiện tại
không thể làm các anh thỏa mãn. Vì thế, khi Chúa Giêsu đi ngang qua, bằng một mời
gọi ngắn gọn, nhưng mạnh mẽ : Hãy theo tôi! Và một lời hứa hẹn: Tôi sẽ làm cho
các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức, những chàng trai
này đã bỏ lại đàng sau tất cả tài sản, nghề nghiệp và cả mối liên hệ tình cảm
gia đình, để bước theo Chúa Giêsu, trở thành những công dân đầu tiên của Nước
Trời.
Thái
độ dứt khoát của các chàng ngư phủ này cho thấy, sự cấp bách và đòi hỏi dứt
khoát của nước trời. Sự thay đổi nhanh chóng của các ông chính là thái độ sám hối
mà thầy Giêsu rao giảng. Muốn trở nên môn đệ của thầy Giêsu và trở nên công dân
của Nước Trời, cần phải mạnh dạn từ bỏ nếp sống cũ, thói quen cũ, từ bỏ các ham
muốn và lôi kéo của tiền bạc của cải và các mối dây tình cảm, để chấp nhận một
nếp sống mới, một con người mới, thuộc về Chúa Giêsu và đi theo Chúa Giêsu.
Nếu
các tông đồ Simon, Anre Giacobe và Gioan là những người được chọn để trở thành
công dân đầu tiên của Nước Trời, thì cũng còn những người đầu tiên khác được
đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc Chúa chữa lành bệnh tật thể
xác và tâm hồn. Đây cũng chính là sứ vụ đầu tiên của Chúa Giêsu. Ngài đến thế
gian không phải như một vị khách đi tham quan, nhưng là để bước đến và cúi xuống
trên những người bệnh tật thể xác và tâm hồn, để tha thứ và chữa lành cho họ. Nếu
như người Do Thái cho rằng, mọi bệnh tật của con người đều do tội lỗi gây ra,
thì Chúa Giêsu đã thể hiện tình thương, bằng việc tha thứ tội lỗi là nguyên
nhân gây đau khổ và bệnh tật, cũng như chữa lành đau đớn thể xác cho con người.
Thánh
Phaolô cho thấy, một khi đã tin nhận Đức Giêsu và gia nhập vào Nước Trời, chúng
ta trở thành thành viên trong gia đình của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta phải loại
trừ tất cả các nguyên nhân và tình trạng chia rẽ trong cộng đoàn; sống hòa thuận
thương yêu nhau, nhìn nhận nhau như anh em một nhà, con cùng một Chúa một cha.
Đừng vì bất cứ một sự tự ái hay lợi ích cá nhân nào, để dẫn đến sự chia bè kết
phái, chống đối chỉ trích lẫn nhau; đừng nhân danh đạo đức hoặc mượn danh
Phaolo hay Apolo, đừng vì vị này vị nọ dẫn đến chia rẽ chỉ trích lẫn nhau. Vì
chúng ta chỉ có một Chúa Giêsu Kitô, một phép rửa, một đức tin duy nhất mà
thôi.
Ánh
sáng Tin Mừng, ánh sáng chân lý của Chúa Giêsu đã được đem đến cho thế giới,
nhưng thế giới ngày nay dường như không muốn đón nhận Chúa Giêsu và Tin Mừng của
Ngài, bởi vì sống ánh sáng của Chúa Giêsu luôn đòi mỗi người phải sám hối, tức
là phải thay đổi. Ánh sáng của Chúa Giêsu chính là ánh sáng của công lý và sự
thật, là điều xã hội đang thiếu và đang cần, thế nhưng, người ta vẫn không muốn
để cho công lý và sự thật trở thành người dẫn đường. Xã hội tránh né ánh sáng sự
thật và công lý, bởi vì người ta đã quen sống trong sự tối tăm của giả dối và bất
công, họ dễ dàng làm những điều gian dối, độc ác, trong bóng tối, vì thế họ e sợ
ánh sáng sư thật.
Chúa
Giêsu cũng đã khai mở một lối đi cho đời sống gia đình, để gia đình có thể đạt
được mục đích của mình, đó là con đường tình yêu, con đường của lòng thương
xót, bao dung và tha thứ. Tuy nhiên, nhiều gia đình đã không muốn để cho ánh
sáng yêu thương của Chúa chiếu tỏa trong gia đình, bởi vì từ trong tâm hồn của
mỗi thành viên, còn quá nhiều bóng tối và góc khuất của tự ái, giận hờn, nóng nảy
bạo lực bạo hành. Muốn bước vào con đường của tình yêu và tha thứ, đòi các
thành viên phải liên tục sám hối, tức là liên tục nhìn lại đời sống và hành động
của mình, dưới ánh sáng sự thật của Tin Mừng, để có thể điều chỉnh bản thân cho
phù hợp.
Như
các môn đệ đầu tiên đã quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa, Chúa Giêsu cũng
mời gọi các bạn trẻ: Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các bạn trở thành các ngư phủ
chài lưới người. Theo Chúa, Chúa không làm thiệt hại chúng ta, nhưng Chúa sẽ
làm cho vòng tay của chúng ta rộng hơn, trái tim của ta lớn hơn, và đôi mắt của
ta tinh tường hơn, để chúng ta có thể thấy, có thể đưa tay ra và có thể đón nhận,
yêu thương, một cách quảng đại hơn.
Xin
cho chúng ta luôn cảm thấy vui và tự hào vì mình là những môn đệ của Chúa, là
người thuộc về Chúa Kitô và là thành viên trong vương quốc Nước trời của Ngài.
Amen.
Linh mục
Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc