SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN III THƯỜNG NIÊN A
LỜI CHÚA: Mc 3, 12 – 30
22 Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng
Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.
24 Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ:
"Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể
bền;25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững.26 Vậy
Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã
tận số.27 Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của
được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
28 "Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người,
kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng
còn được tha.29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời
nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời".30 Đó là vì họ đã
nói "ông ấy bị thần ô uế ám."
SUY NIỆM
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết câu châm ngôn
‘Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết’ hoặc câu tục ngữ ca dao ‘một cây làm chẳng
nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’. Bên cạnh đó, dân gian có rất nhiều
những câu chuyện ngụ ngôn nói lên ý nghĩa của sự đoàn kết như ‘câu chuyện mắt,
tay, chân, miệng’, ‘câu chuyện bó đũa’, ‘kiến và voi’, ‘cừu và chó sói’… để cho
thấy sức mạnh cũng như điều kiện thiết yếu trong cuộc sống của đoàn kết. Trình
thuật Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su dùng dụ ngôn để đáp lại những
Kinh Sư từ Giê-ru-sa-lem xuống xuyên tạc, cho rằng Đức Giê-su bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế
quỷ vương mà trừ quỷ:
"Xa-tan
làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền;25 nhà
nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững.26 Vậy Xa-tan mà chống
Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.”
Tại sao các Kinh Sư – bậc thầy trong dân Do-thái
lại có những biểu hiện chống đối Đức Giê-su trong suy nghĩ và lời nói như vậy?
Thưa, vì trong họ đầy ắp những định kiến, ghen tương và đố kị. Họ chê ‘xuất
thân’ của Đức Giê-su; họ cho rằng ‘ở Na-a-rét thì có gì hay đâu’ (x. Ga 1, 41;
7, 52). Từ việc đề cao bản thân và coi thường xuất thân của Đức Giê-su, sự ghen
tương đã dấy lên trong lòng họ khi họ thấy đông đảo dân chúng theo để nghe Đức
Giê-su giảng dạy vì ‘Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền chứ không như các
kinh sư’ (x. Mc1,22). Từ ghen tương trở thành đố kỵ, và sự đố kỵ ấy ngày càng
mạnh mẽ hơn khi Đức Giê-su công khai chỉ trích những thói kiêu căng, giả hình
của họ, đến nỗi họ đã quyết định giết chết Người.
Trong cuộc sống, có lẽ bạn và tôi cũng đã có những
lúc mắc sai lầm như vậy khi chúng ta nhìn dáng vẻ bên ngoài mà đánh giá một con
người; hay có lúc chúng ta cũng có những định kiến, kỳ thị vùng miền, chúng ta
chỉ chơi với những người ‘đồng phe’, đồng quan điểm hay ‘đồng hương đồng khói’…
mà loại trừ người khác. Bên cạnh đó, tâm địa nhỏ nhen, con người tự mãn khiến chúng ta ghen tương với tài năng và
thành quả của tha nhân dẫn đến những lời nói hành, nói xấu, bôi nhọ, xúc xiểm
làm tổn hại đến thanh danh tiếng tốt của họ. Mỗi khi nói xấu ai đó thì ngấm
ngầm ta muốn đề cao bản thân (tôi không tệ như họ). Và điều tồi tệ nhất là
chúng ta có thể trực tiếp hoặc dán tiếp làm tổn hại đến con người cũng như cuộc
sống của tha nhân.
Ngày nay, với phương tiện thông tin vượt bậc của
mạng lưới truyền thông, người ta có thể dùng nó để tiêu diệt những đối thủ
‘cạnh tranh’ bằng những thông tin xuyên tạc khiến nhiều người dở khóc, dở cười
và thậm chí tiêu tan sự nghiệp, rơi vào tuyệt
vọng; không thiếu những Showbiz Việt đã dùng mạng truyền thông để công
kích nhau khi thì huỵch toẹt, khi thì bằng những lời nói bóng bẩy theo kiểu
‘mật ngọt chết ruồi’ chỉ với mục đích muốn đề cao bản thân và dìm người khác
xuống, nhưng cho dù là kiểu chi thì cũng chẳng hay ho gì.
Mầu nhiệm Mê-si-a của Đức Giê-su đã được tỏ lộ qua
lời người giảng dạy, qua những phép lạ Người làm, đặc biệt việc xua trừ ma quỉ.
Người là Đấng cứu độ, và chỉ khi tin vào Người, gắn bó cuộc sống với Người, cậy
dựa ở nơi Người, con người chúng ta mới thực sự được giải thoát khỏi ma quỉ và
những cám dỗ do chúng bày ra luôn rình rập xung quanh chúng ta. Hơn bao giờ
hết, sức mạnh của ác thần đang giương móng vuốt bốn phương tám hướng, nhiều khi
đã được ngụy trang tinh vi khéo léo, thành những viên thuốc độc bọc đường… chực
chờ chộp lấy và cấu xé tâm linh và cuộc sống chúng ta. Vì vậy hơn bao giờ hết,
chúng ta cần đến Đức Giê-su, cần đến ơn sủng của Người, cần ánh sáng lời Người
như sức mạnh để chiến đấu, như ngọn đèn soi bước trong đêm, và như trạng sự khôn ngoan giúp ta phân định.
Khi còn tại thế, Đức Giê-su biết rõ giá trị của sự
hiệp nhất vượt trên cả sự đoàn kết; vì người ta có thể chỉ đoàn kết với nhau để
cùng chống lại kẻ địch, nhưng vẫn có thể quay lại tiêu diệt nhau. Và Người đã
mời gọi các môn đệ của Người sống tinh thần hiệp nhất đó trong mầu nhiệm hiệp
thông sâu xa với tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa; nó chính là biểu hiện của tình
yêu được tỏ bày và là sự sống, là sức mạnh chống lại thế lực sự ác. Do đó,
Người đã tha thiết cầu xin cho các môn đệ được hiệp nhất nên một (x. Ga 17, 20
- 26). Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta thấy vẫn còn đó sự chia rẽ, phe phái
ngay trong Giáo hội, giáo xứ, các đoàn thể…. Vì vậy, chúng ta hãy tha thiết cầu
xin và tích cực xây dựng hòa bình, hiệp nhất ngay trong gia đình, khu xóm, giáo
xứ, nơi cơ quan làm việc… để chúng ta trở nên tác nhân và là chứng nhân tình
yêu hiệp nhất của Chúa trong cuộc sống.
Lạy Chúa
Giêsu là Đấng Cứu độ chúng con, con tin tưởng nơi Chúa.
Xin Chúa
thương đến tất cả những ai đang sống trong tội lỗi, những ai đã và đang đánh
mất niềm tin, những người chưa nhận biết Chúa, cho chúng con được ơn ăn năn sám
hối trở về với Chúa, tìm lại được niềm tin nơi Chúa, được ơn nhận biết Chúa,
yêu mến Chúa và sẵn sàng làm tông đồ phục vụ nước Chúa.
Xin chữa
lành căn bệnh cố chấp, tính kiêu căng tự mãn của chúng con giúp chúng con trở
nên những người kiến tạo hòa bình, xây dựng nước tình thương của Chúa. Amen.
Nt. Maria
Chinh Anh