Ngày 13 tháng
11 năm 2021
Thứ bảy, sau Chúa Nhật XXXII Thường Niên
“Phải cầu nguyện luôn,
không được nản chí”
(Lc 18, 1-8)
Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca
của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su kể dụ ngôn “Bà góa bị ăn hiếp và ông quan tòa
bất chính”, để dạy các môn đệ và qua các môn đệ dạy chúng ta hôm nay, “phải
cầu nguyện luôn, không được nản chí” (c. 1).
Hiểu dụ ngôn của Đức Giê-su với hai
nhân vật chính bà góa và ông quan tòa, trong tương quan với việc cầu nguyện
kiên trì, phải làm cho chúng ta ngạc nhiên.
1. Bà góa bị ăn hiếp
Điều gây ngạc nhiên đầu tiên, là hình
ảnh bà góa “bị ăn hiếp". Để dạy các môn đệ bằng một dụ ngôn, phải cầu nguyện
luôn và không được nản chí, Đức Giê-su không dùng một hình ảnh người bệnh,
người già, người nghèo, một đấng bậc, nhưng dùng hình ảnh người phụ nữ góa bụa!
Hình như Đức Giê-su thương các bà góa cách đặc biệt, chẳng hạn bà góa thành
Na-in có đứa trai nhỏ duy nhất bị chết sớm (x. Lc 7, 12), bà góa bỏ vào thùng
tiền quên góp trong Đền Thờ, tất cả những gì mình có, là hai đồng tiền nhỏ (x.
Lc 21, 2).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức
Giê-su đề cao hình ảnh bà góa, có lẽ đó là vì người phụ nữ là hình ảnh đẹp nhất
và đúng nhất để nói lên cung cách cầu nguyện liên lỉ, tín thác và cầu nguyện
đến quên mình. Và hình ảnh người phụ nữ cầu nguyện tuyệt vời nhất, chính là Đức
Maria; và ở bình diện xã hội, Mẹ cũng là một bà góa!
Tuy nhiên, lí do quan trọng nhất của
sự kiện Đức Giê-su thích dùng hình ảnh bà góa, đó là vì hình ảnh này nói lên
tốt nhất thân phận của loài người chúng ta. Giống như bà góa trong dụ ngôn, yếu
thế trước sức mạnh của những người muốn hãm hại và trục lợi, loài người chúng
ta cũng yếu thế trước sức mạnh của của Tội Lỗi, của Sa-tan, của Sự Dữ. Chính vì
thế, điều khiến bà góa nhiều lần đến với ông quan tòa kêu xin sự minh xét,
chính là tình cảnh bị ăn hiếp, chứ không phải là những nhu cầu, những yếu kém
hay những khó khăn khác.
Trong thành
đó, cũng có một bà goá.
Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông:
“Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho”.
(c. 3)
Bị sự dữ ăn hiếp, như lúc con rắn,
biểu tượng của sự dữ, ăn hiếp bà Eva trong vườn E-đen, chính là tình cảnh của
cả loài người và của từng người chúng ta. Tình cảnh này cho thấy rằng sự dữ
mạnh chúng ta, và chúng ta thật đáng thương trước mặt Thiên Chúa, hơn là đáng bị
lên án và trừng phạt.
Như thế, chúng ta cần Thiên Chúa biết
bao để được thương xót, được minh xét, được giải thoát khỏi tội lỗi, ma quỉ và
sự dữ, vì nếu sự dữ mạnh hơn chúng ta, thì Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ.
2. Ông quan tòa bất chính
Điều gây ngạc nhiên thứ hai, là chính
là hình ảnh ông quan tòa bất chính. Để dạy các môn đệ bằng một dụ ngôn, phải
cầu nguyện luôn, không được nản chí, Đức Giê-su không dùng một hình ảnh thật
đẹp đẽ, thật đạo đức thánh thiện, nhưng lại dùng hình ảnh ông quan tòa bất
chính:
Trong thành kia, có một ông quan toà.
Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa,
mà cũng chẳng coi ai ra gì.
(c. 2)
Nhất là thái độ này của ông được nói
tới hai lần trong lời kể của Đức Giê-su (c. 2 và 4). Và điều càng gây ngạc
nhiên hơn nữa, khi Đức Giê-su không ngần ngại so sánh ông quan tòa này với
chính Thiên Chúa!
Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy
chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày
đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?
(c. 6-7)
Người chưa hoàn thiện như chúng ta, người
bất chính như ông quan tòa, còn biết đối xử tốt với người khác, huống hồ là
Thiên Chúa tình yêu, nhân hậu và giàu lòng thương xót. Như thế, hình ảnh ông
quan tòa bất chính được Đức Giê-su dùng trong dụ ngôn, chính là để làm bật lên sự
tương phản tuyệt đối giữa:
Ø Một bên là vị quan tòa bất chính, còn
bên kia là Thiên Chúa vô cùng công chính và thánh thiện, vô cùng bao dung và
thương xót.
Ø Một bên là bà góa xa lạ đối với vị
quan tòa, còn bên kia là “những người Thiên
Chúa đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu
cứu với Người” (c. 7), là người thân của Chúa, là chính chúng ta; vì
như thánh Phao-lô nói, chúng ta được tuyển chọn làm nghĩa tử từ trước muôn đời
trong Đức Ki-tô.
Ø Một bên vị quan tòa minh xét cho bà
góa để khỏi bị quấy rầy, còn bên kia, Thiên Chúa đoái nghe và minh xét cho
những người Ngài đã tuyển chọn, không phải để đừng bị quấy rầy, nhưng vì tình
thương và lòng thương xót.
Vẫn chưa hết, như chúng ta đều biết
và thậm chí có kinh nghiệm, các vị quan tòa xét xử chưa chắc đã công minh và tôn
trọng sự thật. Nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ như thế, bởi vì Thiên Chúa là
sự thật, và còn hơn cả sự thật, Ngài là Tình Yêu thương xót.
3. “Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh”
Hai hình ảnh bà góa và ông quan tòa
đã làm cho chúng ta ngạc nhiên, mời gọi chúng ta nhớ lại hình ảnh Đức Giê-su
Ki-tô chịu đóng đinh, là hình ảnh diễn tả cho chúng ta khuôn mặt đích thật của Thiên
Chúa, và mãi mãi phải làm cho chúng ta ngạc nhiên.
Thật vậy, Thiên Chúa đã minh xét cho chúng ta rồi bằng tình yêu và
lòng thương xót, nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên Thánh Giá, như thánh Phao-lô
nói:
Không có gì tách chúng ta ra khỏi
tình yêu của Thiên Chúa,
được biểu lộ ra nơi Đức Ki-tô.
(Rm 8, 39)
Chúng ta chỉ cần kêu xin ơn giải
thoát, đón nhận và sống tín thác đến cùng trong những thử thách của cuộc đời và
của đời người.
* * *
Nhưng vẫn còn điều đáng ngạc nhiên
thứ ba nữa, đó là câu nói sau cùng của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng:
Nhưng khi Con Người ngự đến,
liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?
(c. 8)
Đáng ngạc nhiên, vì phải chăng Đức
Giê-su lo ngại rằng, lòng tin sẽ mai một đi nơi chúng ta và những thế hệ tương
lai? Nếu là như vậy, chúng ta được mời gọi hiểu và sống (hơn là biết như kiến
thức) mạnh mẽ hơn lòng tin của chúng ta bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ. Nhất
là với những hoa trái Chúa ban cho Giáo Hội và cho từng người chúng ta trong
Năm Thánh về Đức Tin và Năm Thánh về Lòng Thương Xót, chúng ta được mời gọi để
cho Chúa và Lòng Thương Xót của Người đi vào trong tâm hồn và trong cuộc sống
của chúng ta, nhất là trong lựa chọn, và chúng ta được mời gọi lưu truyền lòng
tin này cho mọi người hôm nay.
Bởi vì lòng tin nơi lòng thương xót
của Chúa có sức mạnh cứu độ, như chính Đức Giê-su đã nói:
Lòng tin của con đã cứu con.
(Lc 7, 50)
Lm. Giuse
Nguyễn Văn Lộc