Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 32

                             TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA Ở GIỮA CÁC ÔNG

LỜI CHÚA:   Lc 17,20-25

20 Khi ấy, người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời : “Triều Đại Thiên Chúa không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. 21 Và người ta sẽ không nói : ‘Ở đây này !’ hay ‘Ở kia kìa !’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”

22 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. 23 Người ta sẽ bảo anh em : ‘Người ở kia kìa !’ hay ‘Người ở đây này !’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo. 24 Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. 25 Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.”

SUY NIỆM

          Thánh Martin de Tours mất ngày 8 tháng 11 tại Candes (Touraine). Lễ nhớ được mừng từ thế kỷ VIII, vào ngày 11 tháng 11, là ngày ngài được an táng tại thành phố Tours. Nhưng ở Gaule, việc tôn kính ngài đã phổ biến từ thế kỷ V.

          Tên gọi Martin lấy từ tiếng Latinh Martinus = thần Marx nhỏ, thần chiến tranh. Theo ông Sulpice Sévère († 420), học trò và người viết tiểu sử ngài, ngài sinh tại Pannonie (Hungari) khoảng năm 317. Là con một sĩ quan Rôma, ngài được học hành tại Pavia (Ý) và được chiêu mộ vào đội cận vệ hoàng gia. Tuy cha mẹ ngài là dân ngoại, ngay từ tuổi nhỏ, ngài đã xin học đạo. Được gửi sang Gaule, người lính trẻ này khi đến cổng thành Amiens đã chia sẻ áo choàng của mình cho một người nghèo. Đêm hôm sau –Sulpice Sévère thuật lại– thánh Martin “thấy Đức Kitô mặc một nửa tấm áo choàng mà ngài đã phủ lên người nghèo khổ kia. Và ngài nghe Chúa Giêsu nói với các thiên thần bằng một giọng nói vang dội: Trong khi còn là người dự tòng, Martin đã mặc cho Ta tấm áo này.”

          Ngài rời bỏ binh nghiệp và chịu phép rửa tội năm 20 tuổi, rồi trở thành học trò của thánh Hilariô, giám mục thành Poitiers. Giám mục Hilariô ban chức trừ tà cho ngài. Khi giám mục của ngài bị phe lạc giáo Arius bắt lưu đày, thánh Martin đã đến tận Pannonie để cải hóa mẹ ngài theo đạo. Sau đó ngài trở lại Gaule qua vùng Illyria và Bắc Ý rồi đến Poitiers với thánh Hilariô, lúc đó đã từ nơi lưu đày trở về.

          Ở Ligugé, trong vùng Vienne, ngài lập tu viện đầu tiên ở Gaule. Nhờ lời cầu nguyện, ngài làm cho một người dự tòng đã chết sống lại, nhờ đó danh tiếng ngài lan rộng khắp vùng. Nhiều môn đệ đi theo ngài.

          Thánh Martin được chọn làm giám mục thành Tours năm 371: nhiệm kỳ giám mục của ngài đánh dấu sự phát triển của Kitô giáo trong vùng Gaule phía tây. Vì có ơn gọi tu sĩ, ngài lập gần thành phố Tours một tu viện tên là Marmoutier; từ đó ngài thường xuyên cư ngụ trong tu viện này. Các môn đệ qui tụ quanh ngài rất nhiều, trong đó phải kể đến Paulin của Bordeaux, sau này là giám mục Nole, và nhà chép sử Sulpice Sévère, tác giả cuốn Tiểu sử Thánh Mác-ti-nô, tác phẩm có công lớn trong việc phổ biến tiểu sử của vị thánh thành Tours. Công cuộc truyền giáo của thánh Martin mở rộng ra bên ngoài giáo phận. Ngài rảo qua khắp vùng Touraine, Berry, Auvergne. . . Người ta gặp ngài ở Autun, ở Paris. Trong những vùng đồng quê, ngài đã tổ chức những giáo xứ đầu tiên và nhiều tu viện được thiết lập với các tu sĩ truyền giáo theo gương thánh Martin, vừa chăm lo đời sống tu đức, vừa hăng say hoạt động rao giảng tin mừng.

          Là con người hoà bình, thánh Martin kết thúc cuộc đời ở Candes, gần thành phố Tours, nơi ngài đến để hoà giải hàng giáo sĩ đang chia rẽ. Hôm đó là ngày 8 tháng 11 năm 397. Ngài được an táng ở Tours, thành phố có toà giám mục của ngài, và phần mộ này đã trở thành trung tâm hành hương đầu tiên ở Gaule. Thánh Martin là một trong số các thánh đầu tiên được tôn kính mà không phải là một thánh tử đạo. Người ta kể ra rất nhiều phép lạ ngài đã làm; không vị thánh nào trong thời Pháp cổ xưa nổi tiếng như ngài. Bốn ngàn ngôi nhà thờ được dâng kính ngài và gần năm trăm làng mang tên của ngài.

          Các ảnh thánh về ngài rất nhiều, thường vẽ ngài dưới dạng một lính lê dương Rôma hay một giám mục với mũ gậy, hay như một người làm phép lạ. Truyền thống dân gian đã giữ lại kỷ niệm về ngài qua lễ hội Mùa hè của lễ thánh Martin: người ta đặt tên như thế cho những ngày đẹp trời cuối cùng mà người ta thường tổ chức quanh ngày 11 tháng 11.

           “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” Hầu hết Người Ki-tô hữu cầu nguyện bằng kinh lạy cha chí ít một tuần một lần khi tham dự thánh lễ Chúa nhật. Và lời cầu nguyện ấy bắt đầu bằng câu:

          Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước (triều đại) Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. (x. Mt 6, 9 – 11; Lc 11,2)

          Thường thì người ta cầu nguyện, người ta van xin khi khát khao, mong mỏi hoặc cảm thấy cấp thiết được đáp ứng một điều gì đó. Lời cầu nguyện đúng nghĩa phải là lời cầu nguyện phát xuất từ thẳm sâu tâm hồn con người; không câu nệ, không máy móc, không cảm thấy áp lực hoặc bị cưỡng ép. Chúng ta thường đọc kinh lạy Cha với tâm tình nào?

          Phải hiểu, phải cảm được sự tối cần thiết của nước Thiên Chúa trong cuộc sống con người thì con người mới khát khao mong mỏi ‘Nước Chúa hiển trị’. Nhưng trình thuật Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su cho chúng ta biết nước Thiên Chúa đã đến rồi: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (c. 21b). Vậy chúng ta cần hiểu triều đại Thiên Chúa như thế nào?

          Cha Tu viện trưởng Pierre, một người nổi tiếng trong việc chăm sóc giúp đỡ người nghèo ở Pa-ri, sống trong một tu viện rộng lớn với mười hai anh em. Vào một đêm trung tuần tháng giêng, khi băng giá và tuyết trắng bao phủ khắp mặt đất, một gia đình nghèo rét mướt bấm chuông cửa và xin cho được nương nhờ một góc nào đó trong tu viện để ngủ, nếu không thì tất cả gia đình họ sẽ bị  chết trong giá rét. Cha Bề trên Pierre rất băn khoăn vì mỗi phòng trong căn nhà đều đã đầy ắp người. Chỉ còn mỗi ngôi nhà nguyện nhỏ là còn trống. Vì vậy, cha đành kiệu Thánh Thể từ bàn thờ lên đặt trên căn gác mái, nơi mà không ai có thể ở được vì rét lạnh. Cha đã sắp xếp và đưa gia đình nghèo tội nghiệp kia vào ngủ trong căn phòng cầu nguyện duy nhất của Tu viện.

          Sáng hôm sau, các anh em vô cùng ‘shock’ khi thấy Thánh Thể ‘biến mất’, thay vào đó là một gia đình đang ngủ trên sàn nhà. Họ rất khó chịu vì cho đây là sự bất kính không thể chấp nhận được và giận dữ khi cha bề trên cho biết Thánh Thể được đặt trên gác mái, nơi gió tuyết có thể thổi xuyên qua mái nhà. Nhưng cha Tu viện trưởng giải thích: “Các anh em của tôi, Đức Ki-tô không cảm thấy lạnh hay nóng trong bí tích Thánh Thể, nhưng Đức Ki-tô trong mỗi con người sẽ cảm được điều đó trong chính họ!”

          Đức Ki-tô là hiện thân của nước Thiên Chúa. Đức Ki-tô đã đến. Người không những ở trong chúng ta mà còn ở giữa chúng ta nơi những người anh chị em sống chung quanh ta. Và hơn nữa, Người còn đồng hóa mình với những người nghèo nàn, bất hạnh. (x. Mt 25, 35 - 36)

          Vì vậy, chúng ta không thể chỉ tôn thờ Chúa trong nhà thờ hay khi đọc kinh cầu nguyện mà còn phải phục vụ Người trong cuộc sống, nơi tha nhân, nhất là những người chúng ta có bổn phận và trách nhiệm. Chúng ta khát khao ước ao nước cha hiển trị bởi vì đó là lẽ sống đích thực của chúng ta – sống trong nước tình yêu. Bởi vì bộ mặt thế gian này luôn qua đi, nhưng nước tình yêu của Thiên Chúa sẽ tồn tại mãi, nơi ấy chúng ta có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em với nhau.

          Vì thế nước Thiên Chúa không ở xa, nhưng ở giữa chúng ta, và mỗi người chúng ta có bổn phận trách nhiệm xây dựng nước ấy bằng tình yêu chân thực phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Đồng thời lời kinh lạy Cha mà chúng ta đọc có thể là rất nhiều lần trong một ngày “xin cho nước cha hiển trị” sẽ không là những lời máy móc, vô nghĩa, nhưng là lời khẩn nài tha thiết với ước vọng ơn Cha giúp cho Giáo hội, mọi Ki-tô hữu cũng như chính bản thân ta biết sống như là một công dân của nước trời làm sáng danh Thiên Chúa tình yêu và làm cho tình yêu ngự trị khắp vũ hoàn.

          “Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây này!’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo.” (c. 23) Ngược lại với lời Đức Giê-su, dường như thói thường chúng ta thường thích xem chuyện lạ, thích xem Chúa, Mẹ hiện ra; nghe ở đâu có chuyện lạ là ùn ùn đến ‘xem’; nhưng lại không muốn tuân giữ những điều Chúa dạy –  con người, đời sống chẳng có gì biến đổi. Niềm tin của chúng ta thật mong manh. Chúng ta đang đắm mình và hòa vào một thế giới loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài.  Cuộc sống chỉ còn là những ganh đua và cạnh tranh, lao theo những nhu cầu vật chất không bao giờ đủ.

           Vì vậy, lời Chúa hôm nay như một tiếng chuông cảnh tỉnh, mời gọi mỗi người Ki-tô hữu nhìn lại tâm linh, duyệt xét đời sống của mình xem chúng ta có còn tin Chúa thực sự để biết rằng chúng ta là con Thiên Chúa và chúng ta phải sống như là con cái Chúa, như là công dân của nước trời.

                                                                                                                         Lm. Anton Maria Vũ Quốc Thịnh.

 



Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên Năm B_Lm. Minh Anh, Tgp Huế
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên_Lm Minh Anh, Tgp. Huế
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXII Thường Niên B_Lm Anton Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường niên Năm B - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường niên Năm B - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXII Thường Niên B - Lm Đan Vinh HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư.OP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXII Thường Niên Năm A - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên_Lm. Nguyễn Cao Siêu, SJ