NIỀM TIN VÀ LÒNG BIẾT ƠN
LỜI CHÚA: Lc 17, 11-19
11 Trên đường lên Giêrusalem, Đức
Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. 12 Lúc Người vào
một làng kia, thì có mười người mắc bệnh phong đón gặp Người. Họ dừng lại đàng
xa 13 và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng
tôi!” 14 Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế”.
Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một
người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh
Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta
lại là người Samari. 17 Đức Giêsu mới nói: “Không phải cả
mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? 18 Sao
không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại
bang này?” 19 Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của
anh đã cứu chữa anh”.
SUY NIỆM
Trong cuộc sống, người ta ai cũng dễ đón những điều tốt đẹp từ người khác,
nhưng không phải ai cũng biết cám ơn. Biết ơn là một đức tính nền tảng và là
bài học nhân bản đầu tiên chúng ta phải học, phải thực hành để trở thành người.
Lời “Cám ơn”, “Xin lỗi” luôn phải có trên môi miệng chúng ta trong cách đối
nhân xử thế.
Chuyện kể về một thanh
niên đi lạc trong sa mạc nhiều ngày. Lúc thoát ra khỏi nơi nguy hiểm, anh kể
lại cho bạn bè rằng anh đã hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng anh có niềm tin nên đã
cầu khẩn Thiên Chúa giải thoát. Một người
bạn hỏi: - Thế
Chúa có cứu anh không? Anh trả lời : - Ồ không! Trước khi Chúa ra tay cứu
thì tình cờ một nhà thám hiểm xuất hiện chỉ đường cho tôi.
Thay vì tạ ơn Chúa, anh thanh niên chỉ nghĩ đó là sự tình cờ xuất hiện của nhà
thám hiểm. Anh không hiểu được rằng Chúa vẫn luôn đồng hành và sẵn sàng giúp đỡ
khi con người gặp khó khăn. Chúa vẫn hiện diện và trợ giúp chúng ta qua những
người xung quanh, cả trong những điều như có vẻ tình cờ. Chúa luôn gửi đến cho
ta những con người, tạo cơ hội tốt nhất để giúp ta vượt qua những nghịch cảnh.
Trong trích đoạn Tin Mừng hôm
nay, Đức Giêsu đã chữa lành cho mười người bệnh phong. Trong đó, có một người
đã quay trở lại tạ ơn Đức Giêsu, mà anh ta lại là người Samari. Thánh sử Luca
nhiều lần nhấn mạnh đến Samari. Đây là vùng đất nằm giữa Giuđê và Galilê.
Samari được hình thành bởi sự pha trộn giữa người Do Thái và dân ngoại cho nên
họ có văn hóa khác biệt và thờ cúng nhiều thần ngoại. Người Do Thái luôn kỳ thị
và loại trừ người Samari vì họ không phải là dân Do Thái thuần chủng. Từ Giuđê
lên Galilê buộc phải đi ngang qua Samari nhưng họ không đi mà vòng theo thung
lũng sông Giođan. Đi vòng xa hơn 40 cây số và phải đối diện với cái nóng của sa
mạc nhưng họ vẫn cứ đi vì không muốn va chạm với người Samari. Người Do Thái kỳ
thị người Samari đến nỗi khi một người nào đó bị gọi là người Samari thì đó là
một sự sỉ nhục.
Khi chữa lành cho mười
người bệnh phong, Đức Giêsu đã vượt qua khỏi “chướng ngại Samari” để minh chứng
về ơn cứu độ phổ quát. Nước Trời không chỉ dành riêng cho dân tộc nào nhưng cho
toàn thể nhân loại. Thái độ biết ơn của anh bệnh phong người Samari cho thấy
dân ngoại cũng được hưởng ơn cứu độ nếu họ có lòng tin và niềm khao khát. Khi
chữa cho mười người bệnh phong, Đức Giêsu không phải là người phá hủy lề luật,
Người đã đề nghị họ đi trình diện với các tư tế. Đang khi đi thì họ đã được
sạch. Điều này cho thấy, khi mang trong mình căn bệnh truyền nhiễm, họ bị tách
ra khỏi xã hội. Vì vậy khi được chữa lành về thể lý, họ cần được tái hòa nhập
với cộng đồng. Từ tình trạng bị loại trừ, Đức Giêsu đưa các bệnh nhân trở về
với cuộc sống bình thường, được hưởng sự bình đẳng, được tôn trọng và yêu
thương.
Đức Giêsu nhắc nhở
người bệnh phong hai điều quan trọng, đó là niềm tin và lòng biết ơn. Một khi
có lòng tin, con người có thể vượt qua mọi định kiến, mọi trở ngại để đến với
Thiên Chúa và anh chị em xung quanh. Một khi có lòng biết ơn, con người sẽ trở
lại sống gắn bó với Thiên Chúa hơn.
Những người bệnh phong
đã can đảm vượt qua khỏi mặc cảm tội lỗi, mặc cảm văn hóa dân tộc mà đến với
Đức Giêsu. Vì thế họ đã lãnh nhận được ơn cứu độ. Cách nào đó, mỗi chúng ta cũng
có thể đang mang một chứng bệnh. Chúng ta có dám vượt qua những vật cản trong
lòng mình mà tin tưởng vào tình thương và ơn chữa lành của Chúa chưa?
Giáo hội dạy chúng ta rằng việc con người ca tụng và cám ơn Chúa không làm
cho Chúa thêm vinh hiển, nhưng nhờ đó Chúa lại ban nhiều ân sủng cho ta. Đức
Giêsu đã bỏ Ngôi vị Con Thiên Chúa, bỏ vinh quang, đánh đổi tất cả để chuộc lấy
con người. Hiểu được giá trị của con người mà Thiên Chúa đã tác tạo và yêu
thương đến cùng, chúng ta phải hết lòng cám ơn Chúa. Trong huyền nhiệm tình yêu
ấy, chúng ta không bao giờ suy cho cạn, hiểu cho thấu vì trái tim ta hạn hẹp,
tư tưởng ta u tối. Ta cần cám ơn Chúa vì biết bao lần trong sa mạc mênh mông của
cuộc đời, Chúa đã yêu thương gửi đến cho ta những con người, những dấu chỉ giúp
ta biết đường đi tới.
Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Khi vui
cũng như lúc buồn, khi thuận lợi cũng như lúc gặp gian nan. Trong lúc phục vụ
người nghèo, mẹ Têrêsa Calcutta luôn luôn có trên môi điệp khúc Tạ ơn Chúa. Bất cứ việc gì kể cả chuyện
không may xảy đến mẹ cũng tạ ơn Chúa một cách trân trọng. Khi đón nhận một người
sắp chết bị bỏ rơi bên đường, mẹ cũng tạ ơn Chúa. Khi được trao giải thưởng
Nobel hòa bình, mẹ cũng tạ ơn Chúa. Cả cuộc đời mẹ là một lời tạ ơn tha thiết.
Tác giả thánh vịnh 8 đã ca ngợi: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn
trăng sao Chúa đã an bài. Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến. Phàm nhân là gì
mà Chúa phải bận tâm?” Thật vậy, nỗi bận tâm lớn nhất của Thiên Chúa là yêu
thương cứu chuộc loài người. Vũ trụ này xinh đẹp, tầng trời cao xanh, hoa trái
ngọt lành, những tia nắng ấm, cơn mưa mát mẻ...tất cả đều được tạo nên vì con người.
Tiếc thay trong lịch sử cứu độ, đã bao lần Chúa dẫn dân ra khỏi sa mạc nhưng họ
chẳng biết cám ơn Chúa mà lại chạy theo các thần ngoại, lại lỗi ước quên thề.
Suốt dọc dài lịch sử nhân loại là những bất trung phản bội, là những mảnh tình
ngang trái với tạo vật. Thế nhưng đó lại là kế hoạch cứu độ, là lời giao ước và
thi ân, là cuộc kiếm tìm và tha thứ, của vỗ về yêu thương.
Lòng biết ơn của chúng ta
còn phải thể hiện ra bằng việc làm cụ thể, đó là dành một ly nước cho người
đang khát, một miếng bánh cho người đang đói, một lời cảm thông an ủi cho người
muốn ngã lòng như Lời Chúa Giêsu khẳng định “...mỗi lần các ngươi làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của
Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).
Trong con người chúng ta luôn tồn tại hai ước muốn: vừa
muốn điều thiện mà cũng vừa bị kéo ghì bởi thói ích kỷ và những đam mê xấu xa.
Đó là hai xung năng liên tục giao tranh trong nội tâm khiến chúng ta phải vất vả
chiến đấu không ngừng. Một mặt chúng ta ước muốn làm điều thiện, muốn yêu
thương và khiêm tốn phục vụ mọi người, mặt khác chúng ta cũng thèm muốn của cải
vật chất, quyền lực và danh vọng trần gian. Càng muốn vươn lên thì dường như
chúng ta lại càng bị kéo ghì xuống. Hôm nay chúng ta thắng được một trận, nhưng
có thể ngày mai chúng ta sẽ thất bại ê chề. Điều đó cho thấy thế gian có sức lôi
kéo mạnh mẽ, nó len lỏi vào mọi ngõ ngách của tâm hồn. Ước gì mỗi ngày chúng ta
biết khêu lại ngọn đèn đức tin của mình để dù có gặp nghịch cảnh đau thương chết
chóc chúng ta vẫn vững tin vào tình thương và quyền năng Thiên Chúa. Tin thì sẽ
được sống.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng
chúng con yêu mến, xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để nhờ đó chúng con can
đảm dấn bước ra đi làm chứng cho Chúa giữa thế giới này. Xin cho chúng con biết
cậy dựa vào ơn Chúa, dám đảm nhận trách nhiệm của cuộc đời mình và đi trọn con
đường Chúa đã mời gọi. Amen.
Nt. M. Anh Thư, OP