Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 32

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN B

1 V 17,10-16; Dt 9,24-28; Mc 12,38-44

ĐỂ “CỦA CHO” TRỞ THÀNH “CỦA LỄ” ĐẸP LÒNG CHÚA

I. HỌC LỜI CHÚA

cn32.jpg

1.TIN MỪNG: Mc 12,38-44

(38) Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. (39) Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. (40) Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”. (41) Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào hòm đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. (42) Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma. (43) Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. (44) Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó. Còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống.

2.Ý CHÍNH: Bài Tin Mừng hôm nay được chia làm hai phần tương ứng với hai hạng người tiêu biểu trong đạo Do thái là giới kinh sư và giới bà góa nghèo như sau: Trước hết, Đức Giê-su khiển trách thói đạo đức giả của các kinh sư Do thái, biểu lộ qua 4 thói xấu của họ như: ăn mặc đài các, tìm kiếm hư danh, tranh giành địa vị, đạo đức vụ lợi. Sau đó, Người đề cao lòng đạo đức của một bà góa nghèo, biểu lộ qua việc dâng cúng tiền bạc vào thùng Đền Thờ. Tuy số tiền bà dâng không bao nhiêu, nhưng nhờ có lòng hy sinh, nên bà đã được Đức Giê-su đánh giá là đã bỏ vào thùng nhiều hơn mọi người.

3.CHÚ THÍCH:

- C 38: + “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư”: Đức Giê-su cảnh giác dân chúng coi chừng kẻo bị lây nhiễm các thói xấu của các kinh sư hay luật sĩ.

             + xúng xính trong bộ áo thụng: Áo thụng là loại áo choàng dài chấm đất mà các tư tế sử dụng khi làm việc tế tự. Người Do thái luôn tôn kính các tư tế do các việc đạo đức họ làm. Các kinh sư cũng thích mặc loại áo thụng này để tỏ lòng đạo đức và cũng mong được người khác kính trọng như vậy. Đây chính là thói kiêu ngạo, tự cao tự đại (x. Mt 23,5).

                + thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng: Người Do thái hay chào hỏi các kinh sư, là những người giải thích Kinh Thánh tại các hội đường vào ngày Sa-bát. Danh hiệu “ráp-bi” có nghĩa là “đại nhân của tôi”, được dùng để xưng hô khi nói chuyện với các kinh sư. Vì muốn được chào hỏi tôn kính, nên các ông thích đi đi lại lại ở nơi đông người để được thiên hạ bái chào. Đây là thói xấu ham mê danh vọng.

- C 39-40: + chiếm ghế danh dự trong hội đường: Tại mỗi hội đường Do thái đều có một chiếc ghế danh dự đặt trước tủ đựng kinh sách. Đối diện với cộng đoàn là chỗ dành cho những bậc vị vọng. Ai ngồi ở đây thì không bị che khuất và mọi người trong hội đường dễ nhìn thấy họ. Các kinh sư vốn tự cao nên thích ngồi ở hàng ghế danh dự này. Đây là thói ham mê chức quyền.

                   + thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc: Tại đám tiệc, vị trí chỗ ngồi được xếp đặt rõ ràng. Chỗ danh dự nhất là ở bên phải gia chủ. Chỗ thứ hai là bên trái, và tiếp tục như vậy từ phải sang trái chung quanh bàn ăn. Người ta dễ dàng nhận ra thứ bậc của người khách, căn cứ vào chỗ ngồi được gia chủ sắp xếp cho họ ngồi trong bữa tiệc.

                  + nuốt hết tài sản của các bà góa: Các bà góa thường thiếu hiểu biết, nhẹ dạ nên được xếp vào hạng người cần được quan tâm giúp đỡ (x. Đnl 24,17.19). Mỗi khi bị bắt nạt chèn ép, các bà góa thường cậy nhờ các kinh sư bênh vực. Đây là cơ hội thuận tiện để một số phần tử xấu trong hàng ngũ kinh sư lợi dụng làm tiền, bằng cách chỉ vẽ Lề luật và hứa sẽ cầu nguyện cho.

                     + làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ: Các kinh sư và người biệt phái hay cầu nguyện dài dòng. Tuy nhiên những bài cầu nguyện ấy thường không nhằm dâng lên Thiên Chúa tâm tình yêu mến mà chỉ nhằm phô trương công đức trước mặt người đời. Do đó, họ cố tình cầu nguyện tại ngã ba đường, nơi mà người ta dễ thấy để ca tụng về lòng đạo đức của họ.

                       + họ sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn: Luật Mô-sê coi việc xử tệ với các người cô thế cô thân, trong đó có các bà góa là một trọng tội và sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc (x. Xh 22,21-23). Đức Giê-su cho biết: Những hành vi này của các kinh sư chỉ là hình thức đạo đức giả và vụ lợi, nên họ sẽ bị kết án nghiêm khắc trong ngày tận thế.

- C 41-42: + Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao: Giữa sân dành cho dân ngoại và sân dành cho phụ nữ là cửa Đẹp. Đức Giê-su đã đến ngồi tại đó sau khi đã tranh luận trong sân dành cho dân ngoại và tại hành lang Đền Thờ. Trong sân dành cho phụ nữ có đặt mười ba thùng đựng tiền của dân chúng tự nguyện đóng góp, dùng tiền này để làm bánh tế lễ, mua dầu đèn và các chi phí khác.

                   + bà góa nghèo: Một thân phận đáng thương vì bị cô thế cô thân không nơi nương tựa, nhất là còn nghèo tiền bạc vật chất.

                   + hai đồng tiền kẽm trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma: Đây là đơn vị tiền tệ nhỏ nhất, ám chỉ sự nghèo khó cùng cực của bà này. Sở dĩ tác giả chú thích hai đồng tiền kẽm trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma là nhằm giúp các độc giả La-Hy thời bấy giờ dễ hiểu hơn. Ở đây Mác-cô muốn nhấn mạnh đến sự tương phản giữa hai số tiền dâng cúng của hạng người giàu và kẻ nghèo hèn.

- C 43-44: + Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết: Nhiều hơn ai hết là theo cách đánh giá của Đức Giê-su khi xét theo tỷ lệ giữa tiền bà dâng cúng với tài sản của bà. Bà đã dâng ngay cả những cái cần cho cuc sống hằng ngày, giống như lời Đức Chúa nói với ngôn sứ Sa-mu-en khi ra lệnh cho ông xức dầu phong Đa-vít lên làm vua thay thế vua Sa-un: “Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 15,7).

                 + mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa: Của dư thừa ám chỉ sự dâng cúng kém giá trị, vì “của nhiều lòng ít”.

                + còn bà này thì rút từ cái túng thiếu của mình: Bà “của ít lòng nhiều”: Tuy tiền dâng ít nhưng kèm hy sinh bản thân nên đã được tăng giá trị lên nhiều lần.

4. CÂU HỎI:

1) Đức Giê-su đã quở trách bọn kinh sư và biệt phái về các thói xấu nào?

2) Người đánh giá thế nào về hai đồng tiền kẽm mà bà góa nghèo đã dâng Chúa trong Đền thờ? Tại sao?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Thầy bảo thật anh em: “Bà góa nghèo đã bỏ thùng nhiều hơn ai hết”(Mc 12,43).

2. CÂU CHUYỆN:

1) TRÁNH LÀM VIỆC BÁC ÁI ĐỂ TÌM HƯ DANH:

Một bà nọ là thành viên của một hội đoàn đạo đức chuyên đi làm công tác bác ái xã hội. Một hôm, bà nhận được giấy mời đến dự buổi họp mặt bất thường để quyên góp giúp đồng bào bị thiên tai lũ lụt vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Bà dự tính kỳ họp này sẽ tự nguyện đóng góp số tiền một triệu đồng. Nhưng trong buổi họp, khi thấy có nhiều Hội viên khác cũng đóng góp số tiền một triệu bằng với mình, bà muốn chứng tỏ lòng quảng đại hơn người, nên khi tới phiên, bà đã ghi vào sổ vàng cứu trợ số tiền hai triệu đồng. Rồi thay vì rút bao thư chứa hai triệu, thì bà lại rút nhầm bao thư trong đó có số tiền hai trăm USD tương đương năm triệu đồng mà bà định mang đi sau buổi họp mặt để mừng đám cưới cho con trai của bà bạn thân đã từng giúp đỡ bà trước đây.

Khi phát hiện ra đã đưa lộn phong bì, bà muốn đến bàn thu ngân xin lại số tiền đã góp dư kia, nhưng lại sợ bị mất thể diện trước mặt người khác. Cuối cùng bà đành cam chịu, nhưng vẫn tự trách mình đã bất cẩn không kiểm tra phong bì trước khi nộp cho thủ quỹ. Nhiều ngày sau đó mỗi lần nghĩ tới là bà lại thấy nuối tiếc số tiền đã cho đi ngoài dự tính để ủng hộ cho đồng bào bị thiên tai lũ lụt.

2) GÃ BÁN THỊT VÀ LÃO ĂN MÀY:

Kho tàng cổ tích Ả-rập có câu chuyện vui như sau: Một gã bán thịt nướng kia rất keo kiệt và khó tính. Một hôm một lão ăn mày từ nơi khác đến ngồi ăn xin bên cạnh quán thịt nướng của gã. Lão ăn mày đói bụng nhìn những miếng thịt nướng trên vỉ sắt đang bốc khói, chỉ biết hít thật sâu để đón nhận mùi thịt thơm bay vào mũi và liên tục nuốt nước miếng vì không có tiền mua thịt. Cuối cùng lão nghĩ ra một kế hay: lão ta móc trong bị ra một miếng bánh mì khô mua từ ban sáng, lẳng lặng đến gần lò than hơ miếng bánh trên vỉ thịt, với hy vọng khói thịt bốc lên sẽ ám vào miếng bánh. Sau đó, lão ta vui vẻ ăn hết miếng bánh đã được ám khói. Còn gã bán thịt đang ngồi trong quán thấy vậy liền chạy ra túm lấy áo lão ăn mày đòi trả tiền. Bấy giờ  lão ăn mày liền nói: “Lão đâu có lấy thịt nướng nào của anh. Khói thịt bay lên đâu phải là thịt”. Gã bán thịt hét lớn: “Khói từ thịt đang nướng bay ra là thuộc về miếng thịt, nên lão ăn bánh có ám khói thịt bay lên cũng phải trả tiền”. Hai người cự cãi không ai chịu thua ai. Cuối cùng họ đưa nhau ra toà yêu cầu quan tòa xét xử. Quan tòa liền truyền cho lão ăn mày lấy ra một đồng tiền cắc ném mạnh xuống nền nhà phát ra một tiếng “keng”. Rồi quan toà phán quyết cho hai người như sau: “Lão ăn mày được quyền hưởng khói bay ra từ miếng thịt, còn anh bán thịt sẽ hưởng tiếng “keng” phát ra từ  đồng tiền lão ăn mày”.

3) CÁI CHẾT CỦA CÔ GÁI BÁN DIÊM:

Vào một buổi tối mùa thu, nhà văn ANDERSON đi dạo phố một mình tại thủ đô Copenhague. Ông bỗng nghe một giọng nói yếu ớt từ đằng sau vọng lại: “ Chú ơi, mua hộ cháu bao diêm.” Nhà văn quay lại, chợt nhận ra một đứa bé gái, gương mặt xanh xao, quần áo nhầu nát bẩn thỉu. “Chú ơi mua hộ cháu bao diêm, cả ngày cháu chưa bán được một bao nào.” Giọng cô bé thật buồn. Nó bùi ngùi kể lại hoàn cảnh đáng thương của nó. Mẹ chết sớm, con bé phải ở với một người cha nghiện ngập và khá cc cằn, nhưng nó rất thương bố nó. Nó cố lê lết khắp nơi để bán diêm, kiếm chút tiền mua về cho bố bữa ăn ngon. Anderson xúc động đã cho con bé ít tiền. Con bé sáng rực đôi mắt và thầm nghĩ nó sẽ mua về cho bố tối nay một ổ bánh mì thật ngon. “Chú ơi sao chú tốt với cháu thế? Chú tên gì, và chú làm nghề gì?” – “Chú tên Anderson, và chú làm nghề này”. Nhà văn vừa nói vừa khoa tay vẽ vào khoảng không hình một cái bút, ám chỉ ông là nhà văn. Đứa bé không hiểu, tưởng ông làm nghề bán bút giống như nó đi bán diêm vậy. Anderson hẹn với đứa bé đến đầu năm tới, ông sẽ trở lại và cho nó một món quà, còn bây giờ đã đến lúc ông phải đi xa.

Nhiều tháng trôi qua, Anderson dường như đã quên lời hứa của mình. Một bữa nọ, tình cờ trở lại Copenhague và ông chợt nhớ con bé bán diêm, nên đã ghé mua cho nó một chiếc áo ấm, và đi tìm để tặng áo. Tuy nhiên người chủ tiệm bên đường đã cho biết con bé bán diêm đã chết: Ngày đầu năm, người ta thấy nó nằm chết cóng bên vệ đường. Nó nằm chết giữa một đống bao diêm, trong đó có một bao đã hết nhẵn. Có lẽ nó đốt diêm để sưởi cho bớt lạnh. Có điều là khi chết, khuôn mặt nó vẫn hồng hào và dường như đang mỉm cười chờ đợi một ai đó. Anderson đã đứng chết lặng khi nghe ông ta nói. Người chủ tiệm lại nói tiếp: “Khi mang xác nó đi người ta thấy trong túi áo của nó rơi ra một vật giống như chiếc quản bút làm bằng những que diêm. Chắc nó làm để tặng ai đó tên Anderson, vì trên quản bút có viết hàng chữ “tặng chú Anderson”.

Câu chuyện cảm động trên là một kỷ niệm buồn trong cuộc đời của nhà văn Anderson. Cô bé bán diêm tuy là người rất nghèo và bị xã hội bỏ rơi, nhưng lại giàu lòng quảng đại hiếu thảo và nhân ái.

4) GƯƠNG HY SINH PHỤC VỤ THA NHÂN TRONG TÌNH THƯƠNG:

Một cặp vợ chồng về quê thăm họ hàng trong ngày nghỉ lễ. Họ lái xe được một quãng đường thì trời đổ mưa tầm tã và xe thình lình bị hư dọc đường. Đêm đã khuya và lạnh mà họ thì lại không quen thuộc đường lối. Sau khi đã hết mưa, họ bèn bỏ xe, đi bộ đến gõ cửa một căn nhà gần đó có ánh đèn hắt ra. Khi họ bước vào thì gặp hai ông bà già. Trước lời xin trú ngụ qua đêm của cặp vợ chồng, hai ông bà đã vui vẻ nói: Được lắm, chúng tôi có sẵn một căn phòng trống. Sáng hôm sau, cặp vợ chồng dậy sớm và chuẩn bị ra đi. Vì không muốn quấy rầy chủ nhà, người vợ để một số tiền lên bàn, rồi rón rén mở cửa bước ra. Và họ thực sự bỡ ngỡ khi nhìn thấy hai ông bà già đang co ro nằm ngủ trên sàn nhà ngoài phòng khách. Thì ra hai ông bà già này đã nhường chỗ tốt cho cặp vợ chồng trẻ, còn mình thì sẵn sàng nằm ngủ dưới sàn nhà.

Câu chuyện này giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa cao quí của sự hy sinh và tình yêu thương của bà góa thời ngôn sứ Ê-li-a và bà góa trong Tin mừng. Các bà đã cho đi tất cả những gì mình có.      

5) QUẢNG ĐẠI TRAO TẶNG TẤT CẢ TÀI SẢN CHO NGƯỜI NGHÈO:

Báo New York Times vừa đưa tin bà OSENOLA MC CARTY: Biểu tượng “Lòng Từ Thiện” của nước Mỹ, vừa qua đời ngày 3-10-1999 ở tuổi 91.

Vào một ngày tháng 7 năm 1995, ông hiệu trưởng trường đại học phía Bắc Missisippi đã vô cùng ngạc nhiên, khi thấy một phụ nữ tên Osenola Mc Carty từ nơi xa đến để trao tặng số tiền 150.000 đôla làm quỹ học bổng cho các sinh viên nghèo của nhà trường. Bà không cần nhà trường phải ghi tên trên bức tưởng kỷ niệm hay tuyên bố công khai danh tính cho người khác biết. Ông hiệu trưởng lại còn ngạc nhiên hơn khi biết người phụ nữ ấy làm nghề giặt ủi, và số tiền kia là tiền dành dụm cả đời của bà.

Ngay khi biết câu chuyện bà Mc Carty đã tặng tất cả tiền bạc của mình có để làm quỹ học bổng cho trường, ông tỷ phú Ted Turner, trùm ngành kinh doanh truyền hình cáp của Mỹ, đã tuyên bố sẽ góp thêm một tỷ đôla cho quỹ học bổng này. Ông nói: “Người phụ nữ nhỏ bé ấy đã dám trao tặng tất cả những gì bà có, thì tôi thấy mình cũng phải đóng góp phần của tôi là một tỷ đôla”.

3. THẢO LUẬN: Trong những ngày này mỗi người chúng ta có thể chia sẻ những gì cụ thể trong tầm tay của mình cho những người nghèo đói bất hạnh để thực hành giới răn yêu người như ý Chúa muốn?

4. SUY NIỆM:

1) Hãy quảng đại dâng cho Chúa mọi sự thuộc về mình:

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã lên án thái độ giả dối của các kinh sư Do thái và Người dạy môn đệ phải biết quảng đại cho đi, noi gương bà góa nghèo đã dâng hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma, là số tiền nhỏ bé bà có thể nuôi bản thân trong một ngày. Bà đã được Đức Giê-su đánh giá cao như sau: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào thùng. Còn bà này, thì đã rút từ sự túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tài sản, tất cả những gì bà có để sống” (Mc 12,43b-44).

2) Giá trị của một hành động bác ái từ thiện hệ tại chỗ nào?

- Giá trị ở sự hy sinh: Không hệ tại ở số tiền dâng cúng, mà ở cái giá mà người đó phải trả. Không phải là tầm cỡ lễ vật, mà là sự hy sinh của người dâng. Việc dâng nói đây không chỉ là dâng của cải vật chất, mà còn bao gồm cả cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn: Sáng sớm nghe chuông lễ, thay vì ngủ tiếp, nhưng chúng ta hy sinh đi dự lễ. Bạn bè rủ đi ăn nhậu, nhưng chúng ta hy sinh đi dự họp nhóm học sống Lời Chúa...

- Của ít lòng nhiều: Của nhiều mà lòng ít thì không quý bằng của ít lòng nhiều. Hai bà góa thời ngôn sứ Ê-li-a và thời Đức Giê-su sở dĩ được đề cao là do lòng yêu mến đối với người của Đức Chúa và với công việc nhà Chúa. Chính lòng yêu mến đã làm cho hành động của hai bà có giá trị trước mặt Chúa. Và Chúa Giê-su đã khen bà góa trong Tin Mừng hôm nay tuy chỉ bỏ vào thùng hai đồng kẽm, nhưng đã dâng Chúa nhiều hơn tất cả những người khác đã bỏ nhiều tiền. Vì những người kia chỉ dâng số tiền dư, còn bà goá này dâng Chúa tất cả những gì bà đang cần để sống

- Cần cho đi với lòng mến Chúa yêu người:  Việc lành của chúng ta chỉ thực sự tốt khi nó được thực hiện với lòng mến. Câu chuyện về một người đàn bà dâng tiền ủng hộ đồng bào bị lũ lụt: Ban đầu bà đã quyết định tốt khi dự định bỏ thùng ủng hộ một triệu đồng. Nhưng khi thấy nhiều người khác cũng bỏ vào thùng một triệu như vậy, thì bà liền tăng số tiền ủng hộ lên gấp đôi để chứng tỏ mình có lòng quảng đại hơn người khác. Sau đó việc rút nhầm bao thơ 200 đôla Mỹ tương đương năm triệu đồng bỏ vào thùng là ngoài ý muốn của bà, thể hiện qua việc bà tiếc nuối và muốn đến đòi lại số tiền dư kia. Nhưng do thói sĩ diện hão, nên cuối cùng đành chấp nhận số tiền đã lỡ bỏ thùng hơn gấp nhiều lần. Số tiền bà này cho đi sẽ không có giá trị trước tòa phán xét vì như lời Chúa phán: “khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi” (x. Mt 6,2)

3) Về ba loại người cho và giá trị của ba cách cho:

- Một là người cho cách bất đắc dĩ: Do muốn tránh bị quấy rầy, nên dù cho mà trong lòng cảm thấy bực bội. Loại người này thường phân trần với bạn bè: “Mình ghét hắn ta, nhưng đành phải “thí” cho hắn ít tiền cho xong, để hắn mau biến cho khuất mắt!”.

- Hai là người cho để làm xong bổn phận: Loại người cho này dù đã cho mà vẫn không thấy vui. Họ thường nói với bạn bè: “Mình bị rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”: “Bỏ thì thương mà vương thì tội!” Thôi thì đành giúp đỡ hắn cho xong của nợ ! ”.

- Ba là cho vì yêu thương: Do tự nguyện cho người nghèo nên trong lòng người cho sẽ  cảm thấy vui vẻ. Trường hợp người được cho vì một lý do nào đó không nhận, thì người cho sẽ cảm thấy buồn. Loại người cho này thường hay nói với những người chịu đau khổ  bất hạnh: “Tôi có thể giúp gì được cho bạn?” hoặc: “Tôi sẵn sàng chia sẻ những khó khăn bạn đang gặp phải”. Cách cho thứ ba này mới đẹp lòng Chúa và chúng ta cần thực hiện mỗi ngày, để của lễ chúng ta dâng sẽ bay lên trước tôn nhan Chúa và mang lại hạnh phúc đời đời cho chúng ta trước toà phán xét.

4) Hãy tập quảng đại cho đi để noi gương Chúa Cha:

- Thiên Chúa Cha chúng ta đã biểu lộ một tình yêu quảng đại để nêu gương cho chúng ta như sau:

+ Chúng ta chỉ cần một bông hoa, mà Ngài lại ban cả cánh rừng.

+ Chúng ta chỉ cần vài ngụm nước, mà Ngài lại ban cho cả dòng suối.

+ Chúng ta chỉ cần vài hạt cát, mà Ngài lại cho cả bãi biển rộng dài.

+ Chúng ta chỉ xin lương thực hàng ngày, mà Ngài lại ban cả Mình Máu Thánh của Chúa Giê-su.

- Chúa Giê-su phán: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Mỗi ngày chúng ta nên thực hiện một số việc quảng đại như PHĂNG-SÍT BAN-PHUA (Francis Balfour) đã liệt kê một số việc cụ thể mà các tín hữu chúng ta nên thực hiện như sau:

+ “Món quà đẹp nhất tặng cho kẻ thù ghét ta là lòng khoan dung tha thứ;

+ Quà tặng cho bạn bè là thái độ trung tín và chân thành;

+ Quà cho các em nhỏ là tấm gương bác ái và khiêm nhường phục vụ;

+ Quà tặng cho ông bố trong gia đình là thái độ tôn kính và vâng lời,

+ Quà cho bà mẹ là trái tim cháy lửa yêu thương và chia sẻ với bà công việc nội trợ;

+ Và cuối cùng, quà cho mọi người chung quanh là nụ cười thân thiện kèm theo cái bắt tay thân ái, một lời khen thành thật, cùng thái độ lắng nghe và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu noi gương Đức Giê-su”.

5. NGUYỆN CẦU

Lạy Chúa Giê-su. Cách đánh giá của Chúa trong Tin Mừng hôm nay khác hẳn cách nhìn nhận sự việc của chúng con. Vì “Loài người nhìn mặt, còn Chúa lại nhìn lòng!” (1 Sm 16,7). Chúa khen bà góa nghèo đã bỏ tiền dâng cúng nhiều hơn ai hết. Dù số tiền của bà nhỏ bé, nhưng bà “đã dâng tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”. Bà dâng do lòng mến Chúa thôi thúc, nên đã được Chúa đánh giá: “Bà đã bỏ thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12,43).

Về phần chúng con: Nhiều khi chúng con dễ bị chán nản buông xuôi không làm việc tốt, khi không được nhiều người biết đến và khen ngợi... Xin Chúa thanh luyện ý hướng khi làm việc lành của chúng con. Chúng con tin rằng: “Hữu xạ tự nhiên hương” (x. Mt 6,1-4), nếu công việc chúng con làm thực sự tốt thì sớm muộn cũng sẽ được người chung quanh nhận biết và họ sẽ cùng chúng con ca ngợi tình yêu của Thiên Chúa là Cha chúng con (x. Mt 5,14-16).

X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. –Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXII Thường Niên Năm B_Lm Anton Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên Năm B_Lm. Minh Anh, Tgp Huế
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên_Lm Minh Anh, Tgp. Huế
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXII Thường Niên B_Lm Anton Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường niên Năm B - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường niên Năm B - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư.OP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXII Thường Niên Năm A - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên_Lm. Nguyễn Cao Siêu, SJ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường Niên C_LM ĐAN VINH
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên- Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXII Thường Niên- Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên. Lm. Anton Nguyễn Cao Siêu SJ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên- Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc