Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 3

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng C

PHÉP RỬA CỦA GIOAN

1324578921_trang-tri-giang-sinh.jpg

LỜI CHÚA: Mt 21, 23-27

23 Khi ấy, Đức Giêsu vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người mà hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” 24 Đức Giêsu đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. 25 Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’ 26 Còn nếu mình nói: ‘Do người ta’, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ”. 27 Họ mới trả lời Đức Giêsu: “Chúng tôi không biết”. Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy”.

SUY NIỆM

Có hai người đàn ông đi thám hiểm và bị lạc vào rừng sâu. Suốt ba ngày ròng rã họ đã hết lương thực và nước uống. Giữa lúc đó họ bất ngờ phát hiện một con suối nhỏ với dòng nước trong vắt. Người thứ nhất reo lên sung sướng: - Ôi ! Tạ ơn Chúa, chúng ta sẽ không phải chết. Nói xong ông cởi bỏ hành lý, xuống suối múc nước uống và tắm rửa.

Thấy người bạn đồng hành vẫn đứng trên bờ, ông liền gọi lớn: - Này anh bạn, sao không xuống thưởng thức dòng nước mát của trời cho. Người đàn ông thứ hai trả lời: - Anh có biết nguồn nước này từ đâu chảy ra không? Ở đây đất đá khô cằn làm sao có nguồn nước sạch được, tôi sợ đó là nước thải, uống vào sẽ chết. Người đàn ông thứ nhất liền giải thích: - Tôi nghĩ dòng suối này là do những mạch nước ngầm chảy ra từ các khe nứt của núi đá, uống vào cảm thấy mát ngọt sảng khoái. Người đàn ông thứ hai nhất định không chịu uống nước, ông vẫn đứng trên bờ băn khoăn tự hỏi mạch nước này phát xuất từ đâu và sẽ chảy đi đâu? Cuối cùng ông bị kiệt sức và ngất xỉu bên dòng suối mát.

Thái độ nghi ngờ của người đàn ông trên phần nào giống thái độ của các thượng tế và kỳ mục Do thái khi thấy Chúa Giêsu làm được những việc phi thường, họ ghen tức tiến đến có ý để gài bẫy, họ hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” Chúa Giêsu không trả lời vào câu hỏi nhưng chất vấn ngược lại: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Tất cả các thượng tế và kỳ mục đều né tránh và không dám trả lời. Họ biết rõ quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa nhưng vì kiêu căng và ích kỷ khiến con mắt họ mù quáng, con tim họ lạnh lùng khép kín.

Câu hỏi của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở những người cứng lòng tin biết khiêm tốn nhìn nhận quyền năng của Thiên Chúa. Trong lịch sử cứu độ, ông Gioan là nhân vật đầu tiên của Tân ước, là nhịp cầu nối giữa Giao ước cũ và Giao ước mới. Gioan có vai trò đặc biệt quan trọng, là vị tiền hô đến trước để dọn đường cho Chúa, ông chính là “phông nền” làm nổi bật chân dung của Đấng Mêsia. Ông Gioan có mối liên hệ sâu sắc trong sự mặc khải về căn tính của Chúa Giêsu trước hết qua bà Êlisabét và qua phép rửa nơi dòng sông Giođan.Ông đến trước chuẩn bị lòng dân sám hối, làm phép rửa bằng nước để họ đón nhận ơn cứu độ. Sau khi hoàn thành sứ mạng, ông Gioan liền lui vào bóng tối để choánh sáng Đức Giêsu xuất hiện.

Dân Do thái xưa đã trải qua hàng ngàn năm cơ cực sống kiếp lưu đày trên phần đất của dân ngoại. Mang thân phận nô lệ, họ phải cúi đầu gánh chịu những luật lệ hà khắc của đế quốc. Vì thế họ khát khao sớm được giải thoát và thiết tha khẩn cầu “Lạy Đức Chúa là Đấng Cứu Chuộc chúng con, xin Ngài mau trở lại. Xin Ngài xé trời mà ngự xuống cho núi non rung chuyển trước thánh nhan”. Thế nhưng khi Đấng Mêsia xuất hiện họ lại không nhận ra Người. Họ cầu mong một Đấng Mêsia theo nghĩa trần gian. Đấng ấy phải có đầy sức mạnh, đánh đông dẹp tây thu phục thiên hạ bá tánh. Vì thế khi đối diện với một Đức Giêsu nghèo hèn khiêm tốn, một con người quảng đại yêu thương người nghèo khổ thì họ không tin nhận.

Thái độ cứng tin của những thượng tế và kỳ mục Do thái vẫn tồn tại trong cuộc sống hôm nay. Biết bao lần chúng ta cũng cầu mong Chúa đến giải thoát khỏi gánh nặng của phận người yếu đuối tội lỗi. Đáng tiếc khi Chúa đến chúng ta cũng không nhận ra. Đó là vì chúng ta thiếu niềm tin và lòng yêu mến. Niềm tin là điều cần thiết giúp chúng ta nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa. Người sống không niềm tin chẳng khác nào con thuyền trôi lênh đênh trên biển lớn không biết đâu là bến bờ. Muốn đi tới đích người ta phải chọn cho mình một hướng đi đúng và phải tin tưởng đó là đích đến của hành trình. Niềm tin như ngọn hải đăng soi cho người lữ khách tiến bước mà không sợ lạc lối. Con người có thể sống thiếu cơm thiếu áo nhưng không thể sống nếu thiếu niềm tin. Cuộc đời con người là một hành trình dài ra đi và trở về. Ra đi là để trở về với cội nguồn, với bản chất nguyên sơ của chính mình. Con người phát xuất từ Thiên Chúa và phải trở về với Thiên Chúa. Trong cuộc đi và về ấy đều phải có niềm tin dẫn dắt, nếu không chúng ta sẽ chẳng đạt được ước nguyện của cuộc đời mình.

Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta thấy ông Abraham đã được Chúa gọi ra đi. Trong hành trình ấy, ông đã được Thiên Chúa mở cho nhiều lối, đó là lối về với chính mình và lối gặp gỡ Thiên Chúa. Ra đi ông mới thấy liều lĩnh, mạo hiểm lao mình về phía trước, dám đánh đổi vận mệnh của cả một dân tộc đi theo lời Chúa hứa. Nhờ niềm tin, Abraham ra đi bỏ lại sau lưng tất cả cơ nghiệp  ruộng đất để ông được lớn lên, già dặn với gió sương và trưởng thành trong chọn lựa. Nhờ tin tưởng và phó thác, Abraham đã gặp gỡ được chính Thiên Chúa, trái tim ông được đổi mới và thêm can trường trước mọi thử thách, trước viễn cảnh tương lai mờ mịt. Nhờ niềm tin ông đã đi từ chỗ hữu hạn đến nơi vô hạn, đi từ không đến có, từ bấp bênh đến vững bền trong giao ước để rồi không ngần ngại dâng cho Chúa đứa con trai nhỏ duy nhất. Đức tin đã làm cho Abraham can đảm để ra đi, khiêm tốn để phục vụ, an bình để từ bỏ, nhẫn nại để chịu đựng, hy vọng để phó thác và đạt đến hạnh phúc đích thực.

Bên cạnh niềm tin, đức mến ví như một thứ men giúp ngọn lửa nhiệt thành của chúng ta luôn cháy sáng và bền bỉ qua mọi khó khăn thử thách. Chúng ta dễ dàng theo Chúa khi cuộc sống thuận buồm xuôi gió êm chèo mát mái nhưng sẵn sàng từ chối Chúa khi gặp cuồng phong bão tố. Con người chúng ta luôn bị tác động bởi ngoại cảnh và dễ bị lôi cuốn bởi vẻ hào nhoáng của thế gian. Vì thế chúng ta phải xác tín vững vàng và phải dựa vào ân sủng của Chúa để tiến bước. Chúa vẫn song hành với chúng ta trên mọi nẻo đường nhưng chúng ta không nhận ra. Chúng ta chỉ biết đặt ra những câu hỏi nhưng lại không tìm sự thinh lặng để lắng nghe câu trả lời. Đôi lúc Thiên Chúa không trả lời một cách hiển nhiên nhưng gián tiếp qua những biến cố, qua Giáo hội và các bí tích. Để nhận ra những mặc khải của Thiên Chúa, chúng ta phải có lòng khát khao và khiêm tốn thực sự. Ước gì chúng ta biết mở lòng ra trước những mặc khải của Thiên Chúa,

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến và cư ngụ giữa thế gian nhưng chúng con vẫn chưa tin nhận vì tâm hồn chúng con còn đầy ắp thói kiêu căng tự phụ nên không đón nhận những mặc khải của Chúa. Chúng con khép kín lòng mình và không để cho Chúa đi vào cuộc đời. Xin nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng con để chúng con can đảm tuyên xưng và làm chứng cho Chúa giữa trần gian. Xin thắp lên trong tâm hồn chúng con ngọn lửa tin yêu để chúng con lướt thắng những yếu đuối của phận người mà vươn lên vui sống. Xin tẩy rửa tư tưởng chúng con khỏi mọi nghi ngờ dối trá để chúng con vững tin Chúa là nguồn Chân Lý đích thực vì chỉ có Chúa mới lấp lầy mọi nỗi khát vọng của chúng con. Amen.

Nt. Maria Anh Thư, OP

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng _Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng C – Nt. Thiên Thảo, SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng C – Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Mùa Vọng – Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Mùa Vọng C_Nt. Anna Têrêsa Thiên Hoàng, O.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng Năm C_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng Năm C_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng Năm C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng C_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Vọng C: CHIA SẺ TÌNH THƯƠNG VÀ NIỀM VUI CỦA CHÚA CHO THA NHÂN_ LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa vọng C: SỐNG VUI VÌ BIẾT MÌNH ĐƯỢC YÊU THƯƠNG_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Vọng C_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Tin Mừng thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng: Vâng Phục Để Bàn Tay Chúa Thi Ân. Thiên An
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Mùa Vọng: "Thiên Thần Gabriel báo trước việc Gioan Tẩy Giả sinh ra". Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Mùa Vọng: NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI. Nt. Maria Phương Trâm, Dòng Đa Minh Mân Côi
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng: GIA PHẢ ĐỨC GIÊSU KITÔ. Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng: HAI THÁI ĐỘ SỐNG. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ hai tuần III Mùa Vọng.
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng B: NIỀM VUI ĐỢI CHỜ. Lm Giuse Đỗ Đức Trí