THỨ HAI TUẦN IX
THƯỜNG NIÊN
LÒNG
NHÂN TỪ CỦA THIÊN CHÚA
LỜI CHÚA: Mc 12, 1-12
1 Khi ấy, Đức
Giêsu bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, kinh sư và kỳ mục. Người
nói: “Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp
nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 2 Đến mùa,
ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. 3
Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. 4 Ông lại sai một đầy
tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. 5 Ông sai một người khác
nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người
thì họ giết. 6 Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người
cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: ‘Chúng sẽ nể con ta’. 7 Nhưng bọn tá điền
ấy bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về
tay ta’. 8 Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. 9 Vậy
ông chủ vườn nho sẽ làm gì? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho
cho người khác. 10 Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng đá thợ xây nhà
loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. 11 Đó chính là công trình của Chúa, công
trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!” 12 Họ tìm cách bắt Đức Giêsu, nhưng lại sợ
dân chúng; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là
họ để Người lại đó mà đi.
SUY NIỆM
Trong xã hội, mối quan hệ giữa ông chủ và các đầy tớ thường có
sự cách biệt đáng kể. Các ông chủ doanh nghiệp hay ức hiếp đối xử tệ với những
người làm công. Cụ thể trong xã hội phong kiến, những tá điền, nô lệ phải làm
việc cực nhọc như thân trâu ngựa để sinh tồn. Đó là chưa kể số phận của họ hoàn
toàn do vua chúa quan lại định đoạt. Thế nhưng trong dụ ngôn “Ông chủ vườn nho
và những tá điền” thì hoàn toàn ngược lại.
Thánh sử Matcô miêu tả ông chủ vườn nho là một người rất hào sảng
và tốt bụng. Ông bỏ nhiều công sức đầu tư vườn nho rộng lớn với hàng rào giậu
chung quanh. Ông còn xây bồn đạp nho, tháp canh và tin tưởng giao cho các tá điền
chăm bón. Trong lúc đi công tác xa, ông sai đầy tớ đến gặp tá điền để thu hoa lợi.
Tên tá điền bất hảo không chịu nộp hoa lợi mà còn đánh đập đầy tớ của ông chủ.
Không nản lòng, ông chủ sai thêm nhiều đầy tớ khác nhưng đều bị tên tá điền
đánh đập và sát hại. Không còn cách nào khác ông chủ sai chính người con yêu dấu
của mình nhưng tên tá điền vẫn không tha mạng. Cuối cùng những tên tá điền đã
phải trả giá cho hành động bất nhân của mình và ông chủ giao vườn nho cho người
khác canh tác.
Dụ ngôn “Ông chủ vườn nho và những tá điền” mang nhiều ý nghĩa
về sự công bằng và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Ông chủ vườn nho chính là Thiên
Chúa. Các tá điền sát nhân là các thượng tế, kinh sư và kỳ mục và vườn nho là
những gì thuộc về Israel. Tiếc thay các giới chức lãnh đạo Do Thái không biết
canh tác vườn nho mà còn sát hại chính Người Con được Thiên Chúa sai đến là Đức
Giêsu. Vì thế vườn nho đã được giao cho dân ngoại.
Thiên Chúa là Đấng nhân từ nhưng cũng rất công bằng, Người thưởng
phạt đúng người đúng việc. Thiên Chúa sẽ trả lại cho ta tất cả những gì ta đã
làm cho người khác. Cái kết của dụ ngôn cho thấy những toan tính nhỏ hẹp của
loài người không giống những dự phóng lớn lao của Thiên Chúa. Đó là lý do tác
giả thánh vịnh 118 đã xác tín “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên tảng đá
góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng
ta!” Suốt dòng lịch sử, dân tộc Israel đã nhiều lần đi hoang phản bội lại tình
thương của Thiên Chúa, nhưng Người không bỏ mặc đoàn dân mà còn sai các ngôn sứ
đến nói cho biết về lời hứa ban Đấng Cứu Độ. Biết bao lần dân Israel tỏ ra cứng
đầu, họ nhiễm các thói xấu của dân ngoại là thờ cúng ngẫu tượng. Từ thời Cựu Ước,
dân Do thái đã phải sống trong cảnh lưu đày suốt 40 năm dài ở Babylon, trước mắt
họ là con đường dài thăm thẳm tối tăm. Vì thế họ hằng ấp ủ trong lòng khát vọng
sớm được giải thoát, được trở về đoàn tụ nơi quê cha đất tổ.
Hình ảnh ông chủ vườn nho cho chúng ta liên tưởng đến lòng nhân
từ của Thiên Chúa biểu hiện qua con người Đức Giêsu. Từng lời, từng chữ, từng cử
chỉ hành động của Đức Giêsu đều biểu lộ tình thương bao la của Thiên Chúa như người
cha nhân hậu mở rộng vòng tay đón đứa con đi hoang trở về, như người mục tử nhân
lành dám hiến mạng vì đoàn chiên. Nếu lầm lỗi là bản tính của loài người thì
yêu thương tha thứ là bản chất của Thiên Chúa. Người luôn chăm sóc bao bọc chở
che đoàn dân nhưng đoàn dân cứ muốn vùng vẫy thoát ra khỏi vòng tay Thiên
Chúa.
Vị thiền sư nọ luôn thực hành đức nhân ái đối với mọi người,
ngay cả với những con vật nhỏ bé. Có lần nhìn thấy một con bọ cạp bị rơi xuống
vũng nước sâu, ông liền đưa tay ra định cứu nó. Không ngờ vừa mới đụng vào, ông
đã bị nó cắn vào tay. Vị thiền sư vẫn không sợ hãi, lại cho tay vào, nhưng một
lần nữa lại bị con bọ cạp hung hăng cắn. Vừa lúc đó, có một người đi ngang qua thấy
vậy liền lên tiếng trách: - Con vật này xưa nay hay cắn người, vậy tại sao ngài
phải cứu nó? Thiền sư ôn tồn đáp: - Cắn người là bản tính của nó, còn thiện là
bản tính của tôi, sao tôi lại vì bản tính của nó mà quên mất bản tính của mình
được chứ!
Cổ nhân ta có câu “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Con người ta
lúc mới sinh còn là trẻ em ngây thơ như tờ giấy trắng chưa biết oán hận. Khi lớn
lên cùng với các mối tương quan trong xã hội, con người bắt đầu tích chứa sự hiềm
thù nên dễ dàng phản kháng lại người khác, ngay cả những người làm ơn cho mình.
Thái độ của vị thiền sư đối với con bọ cạp cho ta liên tưởng đến lòng thương
xót của Thiên Chúa.
Thuở ban đầu, Thiên Chúa tạo dựng loài người mang hình ảnh và
bản tính tốt lành giống Thiên Chúa. Vì tội lỗi nhập vào trần gian làm hình ảnh ấy
hoen ố và mất dần vẻ đẹp nguyên sơ. Đúng lúc đó Thiên Chúa cho các ngôn sứ xuất
hiện kêu gọi dân ăn năn sám hối hướng lòng về triều đại mới. Ngôn sứ Xôphônia đến
khơi lên niềm hy vọng về ngày của Chúa: “Reo vui lên hỡi thiếu nữ Xion. Hỡi thiếu
nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi. Án lệnh phạt ngươi, ĐỨC CHÚA đã rút lại,
thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa. ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi đang ngự
giữa ngươi. Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng
hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi” (Xp 3, 14-17). Đức
Giêsu đã đến như một vị vua, Người mở cho dân một con đường sống tự do thênh
thang. Người đã đến hoàn trọn lời các ngôn sứ loan báo. Từ đây ánh sáng cứu độ
đã bừng lên xua tan bóng tối sự chết, cất đi cái ách nô lệ nặng nề tủi nhục.
Là kitô hữu, chúng ta được mời gọi đi làm vườn nho cho Chúa.
Qua Giáo hội chúng ta lãnh nhận muôn vàn hồng ân, ước gì chúng ta biết trân trọng
và sinh lời những nén bạc Chúa ban, đừng để Chúa trao gia tài Nước Trời cho người
khác. Điều này không dễ thực hiện bởi lẽ con người chúng ta còn mang đầy tính ích
kỷ, cố chấp nên không đón nhận lời dạy bảo yêu thương của Chúa. Hãy nhìn lên Chúa
Giêsu là khuôn mẫu của tình yêu. Tình yêu ấy chính là động lực cho con người
can đảm lướt thắng mọi nỗi yếu đuối.
Lạy Chúa Giêsu là nguồn cội tình yêu, xin biến đổi quả tim
chai đá của chúng con nên giống con tim hiền hậu nhân từ của Chúa. Bản chất của
Thiên Chúa là yêu thương không giới hạn và tha thứ mãi mãi, xin cho chúng con
biết gắn kết cuộc đời trong tình yêu Chúa, để mỗi ngày chúng con biết mở lòng
đón nhận và yêu thương tất cả mọi người. Không có gì cao quý hơn tình yêu
thương. Thế giới này chỉ có được niềm vui trọn vẹn, có sự an hòa hạnh phúc khi
mọi người biết đối xử với nhau bằng tình yêu thương. Amen.
Nt. Maria Anh Thư, OP