Suy Niệm lời Chúa Thứ Hai Tuần XXVII Thường Niên
Lời Chúa: Lc 10, 25-37
(25) Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử
Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia
nghiệp?" (26) Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc
thế nào?" (27) Ông ấy thưa: "Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa,
Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn
ngươi và người thân cận như chính mình". (28) Ðức Giêsu bảo ông
ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống".
(29) Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng
Ðức Giêsu rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi?" (30)
Ðức Giêsu đáp: "Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị
rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc
người ấy nửa sống nửa chết. (31) Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi
xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. (32)
Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà
đi. (33) Nhưng một người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người
ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. (34) Ông ta lại gần, lấy dầu
lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên
lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. (35) Hôm sau, ông lấy
ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người
này, có tốn kém thêm bao nhiều, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại
bác". (36) Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân
cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?" (37) Người thông luật
trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy".
Ðức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy".
Suy Niệm
1. Có một
thái độ ngược lại với thái độ của vị thông luật: “Tôi chẳng hề quan
tâm tìm biết là sau cái chết, sự sống có tiếp tục chăng và chuyện này xảy ra
như thế nào. Tôi đang có khá nhiều chuyện bận bịu với cuộc sống hiện tại rồi,
nên không muốn nặng lòng với những mối bận tâm về sự sống đời đời. Đàng khác,
người ta không biết được gì chắc chắn. Tôi tìm cách thỏa mãn các nỗi niềm chờ
mong của tôi trong đời sống hiện tại, chứ không quan tâm đến một sự sống đời
đời có thể có”.
Một thái độ như thế
đã bị Đức Giêsu đánh giá là “ngu” (Lc 12,13-21). Người ta không thể giải quyết
một câu hỏi bằng cách nhắm mắt lại và không muốn chấp nhận nó. Người ta tránh
trả lời một cách có trách nhiệm câu hỏi về sự sống đời đời, bằng cách nói rằng
người ta không muốn dính dáng gì đến nó. Có 1001 cách để tránh các vấn đề!
2. Đối với Đức Giêsu,
sự sống đời đời là một thực tại quyết định. Bởi vì nếu không có sự sống đời
đời, nếu không có trách nhiệm trước Thiên Chúa hằng sống, thì rốt cuộc người ta
xử sự thế nào trên con đường đưa tới Giêrikhô cũng chẳng quan trọng
gì. Chẳng bao lâu người ta sẽ quên đi mọi sự. Sẽ chẳng có ai cật vấn tôi và tôi
sẽ chẳng phải trả lẽ với ai cả. Nhưng trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa không
phải là chuyện xa lạ với thế giới; trách nhiệm này đưa tới trung tâm của đời
sống hiện tại của chúng ta và quy định hình thức của đời sống này. Nó
quy định điều gì là đúng và điều gì là sai trên đường đưa tới
Giêrikhô. Không có trách nhiệm này, chỉ còn một vấn đề duy nhất là làm thế nào
sống càng lâu càng tốt và sống càng thoải mái càng tốt.
3. Ta không thể nói:
“Người thân cận của tôi có thể còn là người bà con đời thứ ba; người cư
ngụ cùng đường phố với tôi; người cùng làm việc trong một xí nghiệp
với tôi; người có thiện cảm với tôi, v.v.”. Đức Giêsu không chấp nhận
những giới hạn cho tình yêu thương đối với người khác. Tôi không được suy
nghĩ khởi đi từ chính bản thân:
“Tôi còn buộc phải
làm cho ai điều gì? Tôi [còn] phải giúp đỡ ai? Kể từ điểm đó, chuyện ấy không
còn dính dáng đến tôi nữa?”. Không phải là bậc họ hàng hoặc mối thiện cảm sẽ
quy định ai là người thân cận của tôi, nhưng là tình trạng cần được giúp đỡ
thực sự trong đó người kia đang lâm vào. Bất cứ ai xuất hiện trên đường tôi đi,
mà đang ở trong tình trạng quẫn bách, đều là người thân cận mà tôi phải
yêu thương và giúp đỡ.
4. Muốn thực sự giúp
đỡ người lâm nạn, người ta phải dấn thân vào trọn vẹn. Việc ấy có thể làm cho
ta phải mất thì giờ, tốn phí tiền bạc, gây phiền toái, làm xáo trộn sự yên tĩnh
cũng như chương trình, thậm chí có thể kèm theo một nguy hiểm cho mình nữa.
Nhưng đấy chính là thực sự yêu thương người thân cận, một tình yêu đưa đến sự
sống đời đời. Như thế, phải luôn mở mắt và có trái tim sẵn sàng để nhận ra được
rằng ai đang thật sự cần được tôi giúp đỡ và tôi phải giúp đỡ người ấy thế nào.
Hôm nay trên đường đời, vẫn còn có vô số “kẻ cướp”, nên sẽ còn vô số người rơi
vào tay “kẻ cướp”, nằm trên đường ta đi, và chờ đợi ta trợ giúp.
5. Câu hỏi về sự sống
đời đời đưa thẳng vào cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. Chúng ta phải chịu trách
nhiệm về lộ trình chúng ta theo hằng ngày, sao cho lộ trình này trở thành hành
trình đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Muốn thế, cần biết không vội vàng lo
cho bản thân và lo cho những dự phóng riêng tư, nhưng biết dừng lại để mau mắn
giúp đỡ những ai ở bên vệ đường đang cần được cứu giúp.
6. Đức mến phải phát
xuất từ tấm lòng của từng con người, phải thiết thực và hữu hiệu. Người
Samari đã dừng lại, băng bó vết thương, thanh toán mọi chi phí cho chủ
quán. Ông không cần tìm hiểu xem đây phải chăng là một người Do-thái, tức
một kẻ thù không đội trời chung. Ông chỉ cần biết đây là một người đáng thương
cần được cứu giúp, và ông đã cứu giúp.
Lm. PX Vũ Phan Long, ofm