Điều kiện để theo Chúa
LỜI CHÚA: Lc 9, 22 – 25
(22)
Người bảo rằng: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng
tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại".
(23)
Rồi Ðức Giêsu nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình,
vác thập giá mình hằng ngày mà theo. (24) Quả vậy, ai muốn cứu mạng
sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được
mạng sống ấy. (25) Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất
chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? (26) Ai xấu hổ vì
tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự
đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.
SUY NIỆM
1. Phêrô vừa thay mặt
anh em tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa (Mt 9,18-21), thì Đức
Giêsu bắt đầu loan báo cho các môn đệ về con đường cứu thế của Ngài, là con
đường tử nạn và phuc sinh, đồng thời Ngài cũng loan báo về điều kiện phải có để
theo Ngài.
Trong bài Tin Mừng, Đức
Giêsu cho biết rõ hơn con đường của Chúa là con đường gì: đó là con đường dẫn
tới vinh quang phục sinh, nhưng trước đó phải qua đau khổ của thập giá; ai muốn
đi theo Ngài thì cũng phải đi qua con đường thập giá, thậm chí phải vác thập
giá hằng ngày.
2. Phải biết lựa
chọn.
Trong việc theo Chúa.
Ngài đòi chúng ta phải lựa chọn và lựa chọn trong tự do. Cuộc sống là một chuỗi
những lựa chọn. Mà chọn thì phải bỏ, bỏ cái này để được cái kia. Nên nhớ là
chúng ta đã chọn Chúa và con đường của Chúa. Đó là sự lựa chọn căn bản, nhưng
lựa chọn căn bản ấy phải thể hiện trong những lựa chọn hằng ngày theo cùng
chiều hướng đó. Mùa Chay là thời gian chúng ta xét mình lại về những lựa chọn
của mình, đồng thời lặp lại lựa chọn căn bản: chọn Chúa, chọn con đường thập
giá, chọn từ bỏ.
3. “Ai muốn cứu
mạng sống mình thì sẽ mất...”
Chúng ta thấy có mối
tương quan biện chứng giữa “mất đi” và “được lại”. Người Kitô
hữu chỉ thưc sự hạnh phúc khi dám đánh mất đi cái tạm bợ để được lại
cái vĩnh hằng, dám mất đi cái mau qua để được cái trường tồn. Người Kitô hữu
chỉ thực sự khôn ngoan khi sằn sàng “mất đi” sự sống hay chết để “được lại” sự
sống đời đời. Và Đức Giêsu đã kết luận bài giáo huấn của Ngài bằng những lời
này: “Nếu được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống mình, thì nào có lợi
gì”?
Truyện: Người ta kể
rằng: Trần Bình, vốn là một mưu thần của nhà Hán, thời Hán Sở tranh hùng. Một
hôm, khi trốn Sở về đầu Hán, Trần Bình phải đi qua một con sông lớn. Người lái
đò đưa khách qua lại vốn là một tay cướp giật, giết người khét tiếng. Hắn nghĩ
Trần Bình là người giầu có, định ra tay hãm hại để trấn lột tiền của. Biết ý
định của tên lái đò, trước khi xuống thuyền, Trần Bình đã cởi bỏ hết quần áo,
mình trần như nhộng, và đến xin tên lái đò cho chèo phụ giúp hắn. Nghĩ rằng một
người trần truồng như thế không phải là một người giầu có, tên lái đò để yên
cho Trần Bình. Thế là ông đã thoát nạn.
4. “Hãy từ bỏ
chính
mình”.
Bước theo chân Chúa mà
phải từ bỏ những thứ bên ngoài, những cái làm ngăn trở con người theo Chúa, cái
đó đã khó, nhưng bỏ mình, tức là bỏ đi cái “tôi” của mình còn khó biết bao. Ở
đây, Đức Giêsu nói rõ “bỏ mình”. Bỏ mình chính là bỏ cái tôi của mình, đó là sự
từ bỏ khó khăn nhất. Hoàng đề Alexandre từng nói: “Thắng được
vạn quân dễ hơn là thắng được chính mình”. Cái tôi chính là cá tính của
mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên người, muốn thể hiện chính mình, muốn
người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục vụ tha nhân. Nhưng đó
lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá làm bằng chất liệu khiêm tốn và
phục vụ.
5. “Vác thập giá
hằng ngày mà theo”.
Theo Chúa phải vác thập
giá. Vác thập giá không phải chỉ là dấu hiệu của đau đớn và xỉ nhục,
nó còn là dụng cụ của sự chết. Đức Giêsu biết thế nào là đóng đinh vào thập
giá.
Khi Ngài còn là cậu bé
11 tuổi, thì Giuđa, người gốc Galilê đã cầm đầu một cuộc nổi dậy chống
Rôma. Ông đã đánh cướp kho vũ khí của vua tại Sepphoris, chỉ cách Nazareth có
6,4 cây số. Rôma trả thù tức khắc. Sepphoris bị san phẳng bình địa, dân chúng
bị bán làm nô lệ, 2000 loạn quân bị đem đóng đinh vào thập giá dựng theo dọc
hai bên lề đường cái để cảnh cáo cho những ai dám chống lại bạo quyền.
Vác thập giá mình có
nghĩa là chúng ta phải sẵn sàng đối diện với những hình khổ như vậy vì lòng trung
thành với Chúa. Vác thập giá có nghĩa là sẵn sàng chịu đựng mọi thứ đau khổ
loài người có thể làm cho chúng ta vì lẽ chúng ta thành tâm đi theo Chúa Giêsu.
6. Cách vác Thập
giá cho đỡ nặng.
John Newton đã đề
nghị chúng ta cách vác thập giá cho có hiệu quả: Chúng ta biết rằng những khổ
sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc
chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra,
rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc
nữa, và hôm sau tiếp tục... Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người
lại không làm như thế: chẳng những họ chất lên vai khúc củi của ngày hôm nay và
còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác
nổi.
7. Truyện: Biến
bại thành thắng.
Người ta kể câu chuyện
ngụ ngôn như sau: trong một khu rừng có một con hổ lớn và dữ tợn. Lũ khỉ ghét
con hổ này lắm. Một ngày kia, chẳng may, con hổ bị sa xuống hố do người
thợ săn đào sẵn. Không còn cách nào thoát thân, con hổ chỉ còn biết
ngồi chờ thần chết đến.
Lũ khỉ qua thấy thế
mừng lắm, chúng chế diễu và thay nhau lấy đá, lấy đất và bẻ cành cây ném
xuống đầu con hổ cho bõ ghét. Con hổ chỉ còn biết ngồi chịu trận, không
còn biết làm cách nào khác. Thấy thế, lũ khỉ thích chí càng ném hăng, ném
mãi không chán, nhưng không ngờ, chính những hòn đá, cành cây vứt xuống nhiều
quá, làm cho hố cứ đầy dần lên, đến nỗi con hổ có thể nhờ đó mà nhảy ra ngoài
hố được.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm