Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần
Thánh
CÁI CHẾT MANG LẠI
SỰ SỐNG
Lời Chúa: Ga
18, 1-19
(1) Sau khi nói những
lời đó, Ðức Giêsu đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kítrôn. Ở đó, có
một thửa vườn, Người cùng với môn đệ đi vào. (2) Giuđa, kẻ nộp
Người, cũng biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ. (3)
Vậy, Giuđa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và
nhóm Pharisêu; họ mang theo đèn đuốc và khí giới. (4) Ðức Giêsu biết
mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi: "Các anh tìm ai?" (5)
Họ đáp: "Tìm ông Giêsu Nadarét". Người nói: "Chính tôi
đây". Giuđa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ. (6) Khi
Người vừa nói: "Chính tôi đây", thì họ lùi lại và ngã xuống đất. (7)
Người lại hỏi một lần nữa: "Các anh tìm ai?" Họ đáp: "Tìm ông
Giêsu Nadarét". (8) Ðức Giêsu nói: "Tôi đã bảo các anh là
chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này
đi". (9) Thế là ứng nghiệm lời Ðức Giêsu đã nói:
"Những người
Cha đã ban cho con, con không để mất một ai".
(10) Ông Simon Phêrô có
sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt
tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Mankhô. (11) Ðức Giêsu nói
với ông Phêrô: "Hãy xỏ gươm vào bao. Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy,
lẽ nào Thầy chẳng uống?"
(12) Bấy giờ toán quân
và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Dothái bắt Ðức Giêsu và trói Người
lại. (13) Trước tiên, họ điệu Ðức Giêsu đến ông Khanna là nhạc phụ
ông Caipha. Ông Caipha làm thượng tế năm đó. (14) Chính ông này đã
đề nghị với người Dothái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn.
(15) Ông Simon
Phêrô và một môn đệ khác đi theo Ðức Giêsu. Người môn đệ này quen biết vị thượng
tế, nên cùng với Ðức Giêsu vào sân trong của tư dinh vị thượng tế. (16)
Còn ông Phêrô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng
tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phêrô vào. (17) Người tớ gái
giữ cổng nói với Phêrô: "Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người
ấy sao?" Ông liền đáp: "Ðâu phải". (18) Vì trời lạnh,
các đầy tớ và thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó; ông Phêrô cũng đứng sưởi với
họ. (19) Vị thượng tế tra hỏi Ðức Giêsu về các môn đệ và giáo huấn của
Người.
Suy Niệm
Sau hai tuần cách ly toàn
xã hội, Việt Nam đang hồi hộp chờ đợi kết quả như mong đợi. Cho đến nay, số những
người nhiễm đã giảm tại Việt Nam, nhưng mầm bệnh có thể đã lan vào cộng đồng. Tuần
qua, người ta còn đang nỗ lực tìm kiếm bệnh nhân F0 là nguồn lây đầu tiên từ ổ
dịch bệnh viện Bạch Mai. Cho đến nay không biết người ấy là ai? Đi những đâu? Có
người nói người này giống như: Kẻ mang thần
chết đi chơi; người đi gieo rắc sự chết. Nguy hiểm của con Coronavirus là
nó có thời gian ủ bệnh dài và có thể lây nhiễm trước khi có dấu hiệu bệnh. Vì vậy
những người không biết mình mang mầm bệnh, đi đến đâu họ tiếp tục trở thành nỗi
sợ hãi cho nơi đó.
Hôm nay, chúng ta cùng với
Giáo Hội tưởng niệm cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu. Thập giá là một
dụng cụ hành hình dã man của người Roma, được áp dụng cho những kẻ nổi loạn. Nó
gây đau đớn tột cùng cho nạn nhân và gây sợ hãi đến ám ảnh cho những người chứng
kiến. Cái chết của Chúa Giêsu tại Giêrusalem năm đó quả là cái chết gây sợ hãi
cho rất nhiều người. Thế nhưng qua cái chết của Chúa Giêsu, thập giá không còn
là điều kinh khủng nữa, cái chết không còn là sự sợ hãi nữa mà nó đã mang một ý
nghĩa mới: Đó là cái chết đem đến niềm hy vọng, cây thập giá đã trở thành cây
thánh giá, cây đem lại sự sống. Thánh giá trở thành biểu tượng của tình yêu tha
thứ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Nhiều Kitô hữu còn mang thánh giá trên
mình với niềm tự hào là những kẻ thuộc về Chúa Kitô.
Tự nó, cây thập giá chỉ là
một dụng cụ hành hình, thế nhưng nhờ Đức Giêsu đã vác lấy và chịu treo trên đó,
trong sự hạ mình vâng phục hoàn toàn ý muốn của Thiên Chúa Cha và vì yêu nhân
loại, Ngài đã làm thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của đau khổ, sự chết và đem đến sự
sống mới cho nhân loại. Đức Giêsu vốn dĩ là một vị Thiên Chúa nhưng đã chấp nhận
mang thân phận con người, trở nên một người tôi tớ của Thiên Chúa. Tiên tri
Isaia đã nói về một người tôi tớ trung thành khiêm hạ như vậy: “Đây là người tôi trung mà Ta nâng đỡ…mọi người
sẽ sửng sốt khi thấy mặt mũi người tan nát chẳng còn hình tượng người nữa. Người
sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, các vua chúa phải im miệng. Người chẳng còn dáng vẻ oai phong đáng chúng
ta ngắm nhìn…Người đã mang lấy những thương tích của chúng ta, đã gánh lấy những
đau khổ của chúng ta.” Những lời tiên báo đó nhắm vào chính Đức Giêsu Kitô
mà hôm nay chúng ta cùng tưởng niệm cuộc thương khó của Ngài. Quả thật Ngài chịu
biết bao đau khổ không phải vì Ngài, nhưng vì mỗi người chúng ta. Ngài chịu mọi
cực hình, đau đớn, nhục nhã chỉ vì hai chữ “yêu
thương” mà thôi.
Tác giả thư Do Thái đã
chiêm ngắm, suy niệm cuộc khổ nan của Chúa Giêsu và nhận thấy rằng: “Chúa Giêsu chính là một vị Thượng tế đích thực
của Thiên Chúa.” Khác với các thượng tế Do Thái, phải dâng chiên cừu mỗi
năm, Chúa Giêsu dâng hy lễ một lần thay cho tất cả. Của lễ của Ngài không phải
là chiên cừu, mà là chính con người và mạng sống của Ngài. Ngài vừa là Thượng tế
vừa là của lễ và thập giá là bàn thờ. Ngài đã hiến tế một lần trên ngọn đồi
Golgotha, để từ đây và mãi mãi, ơn cứu độ, sự tha thứ và sự sống mới của Thiên Chúa
được tuôn ban cho toàn nhân loại. Chúa Giêsu là một vị Thiên Chúa, nhưng không
phải là một Thiên Chúa xa lạ. Trái lại, Ngài là một vị Thiên Chúa ở gần và chạnh
thương với các nỗi đau khổ của con người, vì Ngài cũng mang thân phận con người.
Vì thế, cho dù Ngài đã trở về trời với ngôi vị là một Thiên Chúa quyền năng,
thì Ngài vẫn còn mang nơi mình trái tim chạnh thương bằng thịt, để tiếp tục yêu
thương, bênh vực bào chữa cho những ai tin vào Ngài khỏi phải chết nhưng được sống
đời đời.
Thánh Gioan là một trong số
ít người đã theo sát Đức Giêsu trên chặng đường đau khổ thập giá và đã mô tả về
sự yêu mến vâng phục hoàn toàn của Chúa Giêsu. Mang thân phận con người, ai
cũng sợ chết, nhất là cái chết đã được biết trước, Chúa Giêsu cũng không phải
là trường hợp ngoại lệ. Chúa Giêsu đã vô cùng cô đơn và sợ hãi, Ngài đã đưa ba
môn đệ thân tín nhất đi với mình vào vườn Giêtsimani để có người thân ở bên cảm
thông chia sẻ, nâng đỡ. Tuy nhiên, các môn đệ dường như không quan tâm đến tâm
trạng của Thầy, các ông lăn ra ngủ, sau một bữa tiệc say. Chúa Giêsu vẫn chỉ có
một mình tìm đến sự an ủi nương tựa nơi Thiên Chúa Cha. Ngài cầu nguyện với
Chúa Cha cách thảm thiết: “Lạy Cha, nếu
có thể được thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, một xin
vâng ý Cha mà thôi.” Lời cầu nguyện cho thấy có sự giằng co rất mạnh mẽ
trong tâm hồn Chúa Giêsu. Là con người, cái chết thập giá trước mắt quả là kinh
sợ, nhưng với lòng vâng phục, Ngài vẫn xin vâng trọn ý Chúa Cha.
Chúa Giêsu đau đớn vì bị bỏ
rơi và bị phản bội: Khi giờ đã đến, Giuđa, một trong các học trò của Chúa Giêsu
đã dẫn những người Do Thái và quân lính đến bắt Thầy mình. Nếu như trước đây
Chúa Giêsu đã đau khổ vì bị cô đơn, thì giờ đây, Ngài lại thêm nỗi đau vì sự phản
bội. Sự phản bội này được ẩn mình dưới vẻ bề ngoài của một cái hôn, càng khiến
cho thêm đau đớn hơn. Cùng với sự phản bội của Giuđa là sự bội tín của các môn
đệ khác. Trong lúc khó khăn này, các môn đệ khác đã bỏ lại Thầy một mình với
đám người hung tợn. Simon Phêrô, người được tin tưởng nhất cũng chỉ phản ứng
bênh Thầy cách lấy lệ và chỉ dám đi theo thầy xa xa vì sợ liên lụy. Cuối cùng
ông cũng không vượt qua được sự sợ hãi, đã công khai chối Thầy ba lần trước mặt
một đứa đầy tớ gái.
Chúa Giêsu đau khổ vì bị loại
trừ: Quân dữ đã dẫn Ngài đến dinh thượng tế. Nơi đây, Ngài không những không được
tôn trọng, mà còn bị mọi người loại trừ khinh miệt. Họ xỉ vả nhạo cười và cả
đến những tên đầy tớ của thượng tế cũng tham gia vào việc hành hạ Người. Cuối
cùng vì sự ghen tương và vì lòng dạ gian ác, các thượng tế đã lên án tử cho
Ngài. Để thực hiện âm mưu này, họ đã muốn mượn tay người Roma để loại trừ Chúa
Giêsu, vì thế họ đã điệu Chúa Giêsu đến ding tổng trấn Philatô.
Tại dinh Philatô, các thượng
tế và luật sĩ đã thể hiện sự gian ác đến tận cùng. Họ đã xúi giục đám đông tìm
cách xuyên tạc cáo gian Đức Giêsu. Họ đã biến Chúa Giêsu trở thành như một tội
phạm chính trị với mưu đồ phản loạn. Cũng tại nơi đây, những người Do Thái đã
công khai tuyên bố họ hoàn toàn tùng phục quyền lực và luật lệ Rôma mà trước
đây họ tìm cách phản đối: “Chúng tôi
không có quyền xử tử ai.” Trong khi Philatô muốn tìm hiểu thêm về sứ mạng
Mesia của Chúa Giêsu, về Nước trời và nhìn Ngài như vua dân Do Thái, thì trái lại,
những người Do thái lại nhất mực phản đối và đòi phải đóng đinh Chúa Giêsu. Họ
đã hoàn toàn từ chối sự thiện để đứng về phía sự ác khi đòi tha Baraba, một tên
cướp của giết người và tử hình Chúa Giêsu. Họ công khai từ chối nước trời để lệ
thuộc vào nước trần gian, tuân phục quyền lực thế gian, khi tuyên bố: “Chúng tôi không có một vua nào khác ngoài
Cesare.” Cuối cùng, dường như sự ác đã thắng thế, sự lưu manh gian dối như
lên ngôi, khi Philatô đã chiều theo ý dân Do Thái và ra bản án tử hình thập giá
cho Chúa Giêsu.
Đám đông dân chúng đi theo
hò hét vì đã thực hiện được mưu đồ và thỏa mãn được cái ác trong tâm hồn. Chúa
Giêsu vác cây thập giá tiến lên đồi Calvê trong đau đớn cả thể xác và tâm hồn,
nhưng với một trái tìm đầy ắp yêu thương và cảm thông. Trên đồi Calvê quân dữ
đã đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Ngài đã bị treo giữa đất trời, trở thành
cầu nối, trung gian, giao hòa giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài đã giang rộng
đôi tay để ôm lấy toàn thể nhân loại vào trong vòng tay yêu thương của Ngài.
Ngài đã để cho mũi giáo mở toang cạnh sườn, chạm đến trái tim để toàn thể nhân
loại được thanh tẩy, được nuôi sống bằng dòng máu và nước tuôn trào, đồng thời
để nhân loại có thể đi vào tận trái tim thương xót của Chúa.
Cũng từ trên thập giá,
Chúa Giêsu đã xin ơn tha thứ cho nhân loại: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng, vì chúng lầm không biết.” Ngài còn biện
hộ cho sự gian ác của con người khi thưa với Chúa Cha: “Vì chúng lầm không biết.” Từ trên cây thập giá, lúc đau đơn đến tận
cùng, cận kề cái chết, Chúa Giêsu đã quên hết tất cả những đau khổ mà nhân loại
gây ra cho Ngài, Ngài đã trao phó toàn thể nhân loại cho Mẹ của Ngài là Đức
Maria và xin Mẹ đón nhận nhân loại làm con của Mẹ.
Cái chết của Chúa Giêsu là
cái chết vì tình yêu đến hy sinh mạng sống. Chính vì thế Thiên Chúa quyền năng
đã biến cái chết của Con Ngài thành nguồn sự sống cho nhân loại. Thiên Chúa đã
làm cho Đức Giêsu từ cõi chết sống lại để tiêu diệt sự chết và đem lại sự sống
mới cho toàn nhân loại. Xin cho chúng ta chiêm ngắm cái chết của Chúa hôm nay,
cảm nhận tình thương Chúa dành cho ta và xin cho cái chết của Ngài đem lại ơn cứu
độ và sự sống đời đời cho ta. Amen.
Lm. Giuse Đỗ
Đức Trí