THẬT
LÒNG TRỞ VỀ VỚI THIÊN CHÚA
Có thể nói, hôm nay đã tròn một năm chúng ta sống trong
sự đe dọa của dịch Covid. Mùa Chay năm trước, năm 2020 là thời điểm đánh dấu một
thời kỳ sợ hãi, hoảng loạn của mọi người, khi bắt đầu đợt cách ly lần thứ nhất.
Ngày cuối cùng các nhà thờ có Thánh Lễ, Thánh Lễ nào người tham dự cũng chật
kín nhà thờ. Mọi người kéo nhau đi xưng tội như thể tận thế sắp đến; nhiều người
bỏ nhà thờ, bỏ xưng tội lâu năm nay cũng tranh thủ đi xưng tội, đi lễ. Có nhiều
nơi được phép của các Đức Giám Mục đã phải giải tội tập thể như thời chiến
tranh đe dọa. Nhưng chỉ sau đó ít tuần, khi lệnh cách ly được dỡ bỏ, cuộc sống
gần như trở lại bình thường, thì đời sống đạo của nhiều người cũng lại trở lại
như cũ, không có gì thay đổi. Lần cách ly thứ hai xảy ra, thì dường như mọi người
đã quen với việc cách ly, không còn cảnh chen nhau xưng tội hoặc dự lễ nữa và
vì quen với lễ trực tuyến, nhiều người không đến nhà thờ nữa. Những việc như xưng
tội, rước lễ trong đợt cách ly lần thứ nhất vào dịp mùa chay năm trước, có phải
là sám hối thật không? Mọi người đến với Thánh Lễ vì thấy cần ơn Chúa hay chỉ
vì sợ hãi; đến với Bí tích Giải tội vì thấy mình đã làm Chúa buồn hay chỉ để
cho lương tâm đỡ cắn rứt, cho cảm giác an toàn?
Năm nay, lại một lần nữa, chúng ta cùng với Giáo Hội bước
vào Mùa Chay trong sự đe dọa của đại dịch Covid. Lời
Chúa hôm nay kêu mời chúng ta khẩn thiết hơn: “Hãy thật lòng trở về với Chúa”. Đây không phải là thời Chúa đe dọa
hay trừng phạt mà là thời Chúa thi ân, là
mùa để ta nhận ra tình yêu thương tha thứ của Chúa. Chúa muốn chúng ta quay về với Chúa cách thật lòng, đừng vì sợ
hãi, để làm mới lại cuộc sống của mình, để tập lại những thói quen tốt mà ta đã
bỏ từ lâu.
Lời sách tiên tri Giôen có thể nói là lời mời gọi tha
thiết của Thiên Chúa như một người Cha, khi thấy con mình đã bỏ xa đường lành để
lún sâu vào đường xấu xa tội lỗi. Đây cũng là lời đầy cảm thông của một vị Thiên
Chúa đã nhiều lần chịu đựng sự bất tín bất trung, thay lòng đổi dạ của con người:
“Các ngươi hãy hết lòng trở về với ta,
hãy ăn chay, khóc lóc và than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo, hãy trở về cùng
Đức Chúa là Thiên Chúa anh em bởi vì Người từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu
tình thương”. Những lời này là những lời phát xuất từ trái tim tuôn tràn
lòng thương xót của Thiên Chúa đã nhiều lần chứng kiến sự giả dối, hai dạ, hai
lòng của con người, nhưng Ngài vẫn nhẫn nại chờ đợi để tha thứ.
Tiên tri Giôen đã chỉ ra những việc sám hối cụ thể để
chứng tỏ sự thật lòng trở về của mỗi người, đó là hãy sống chay tịnh, chế ngự
thân xác và những đam mê ham muốn; cùng nhau tụ họp đại hội để tôn vinh chúc tụng
Thiên Chúa. Việc sám hối không chỉ dành riêng cho người tội lỗi, mà là cho tất
cả mọi người, từ cụ già đến thiếu nhi, từ nhà vua, các tư tế đến dân chúng, mỗi
người cần từ bỏ những vui thú cá nhân để quay trở về với Chúa. Mọi người cùng hợp
nhau kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa cho mình, cho cộng đoàn và cho thế
giới. Mỗi người được mời gọi sống một nếp sống mới phù hợp với tư cách là những
người thuộc về Chúa, kẻ được Chúa chọn. Mỗi người cần sống sao để không trở nên
cớ vấp phạm cho ngươi khác, không làm cớ cho dân ngoại cười chê: “Đừng để dân ngoại có cớ nói rằng: Thiên
Chúa của chúng ở đâu rồi?” Đó là những lời mời gọi tha thiết của Chúa chúng
ta đã nghe trong bài đọc một.
Cùng một tâm tình như tiên tri Giôen, thánh Phaolô
trong thư Corintô cũng đã dùng những lời hết sức tha thiết như van nài mỗi
chúng ta: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi
nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa”. Vì Thiên Chúa - Đấng vô tội mà
Ngài lại muốn Đức Giêsu mang thân tội của nhân loại, để làm cho nhân loại nên
công chính. Đó là lý do thánh Phaolô mời gọi mỗi người phải làm hòa với Thiên
Chúa. Vì Thiên Chúa luôn mong muốn được gặp, được trò chuyện, được yêu thương
chăm sóc cho con người, nhưng con người cứ cố tình quay lưng lại và từ chối
tình yêu của Ngài. Chính tội lỗi nơi con người là thủ phạm gây nên sự ngăn cách
với Thiên Chúa. Giờ đây Thiên Chúa chỉ muốn con người quay lại với Ngài thật
lòng để xin lỗi, để Ngài tha thứ và thanh tẩy.
Qua Bài Tin Mừng, Chúa
Giêsu chỉ cho chúng ta thái độ sống thật, sám hối thật và trở về với Chúa cách
thật lòng qua thực hành việc bố thí cầu nguyện và chay tịnh. Chúa không thích
các hình thức đạo đức phô trương bên ngoài mà không có tâm tình bên trong. “Khi bố thí, đừng khua chiêng đánh trống…cốt
để người ta khen. Khi bố thí thì đứng cho tay trái biết việc tay phải làm”. Con
người chúng ta bị cám dỗ tìm kiếm lời khen, tìm cách đánh bóng tên tuổi mình,
muốn tên mình phải được ghi trên bảng vàng, bia đá. Vì thế, nhiều người làm việc
bác ái giúp đỡ người khác không phát xuất từ trái tim chạnh thương, nhưng để
tìm kiếm tiếng khen cho mình mà thôi. Các người biệt phái đã rơi vào thái độ
này. Chúa muốn người môn đệ của Chúa làm việc bác ái phải từ trái tim đến đôi
tay, tức là làm vì lòng thương xót trắc ẩn và phải làm cách kín đáo, tế nhị,
tôn trọng người mình giúp đỡ, không để
tay trái biết việc tay phải làm.
Việc thứ hai chúng ta thực hiện để tỏ lòng sám hối đó
là cầu nguyện. Cầu nguyện là nối lại mối dây thân tình với Chúa, là trò chuyện
với Chúa như con cái thưa chuyện với cha mẹ và lắng nghe sự dạy bảo của cha mẹ.
Vì thế, việc cầu nguyện phải phát xuất từ tâm hồn đơn sơ chân thành, tìm đến và
gặp gỡ tiếp xúc với Chúa, trình bày cho Chúa những nỗi niềm riêng tư và lắng
nghe sự hướng dẫn của Chúa. Vì thế, người tín hữu không thể mang hình thức như
người Biệt phái cầu nguyện ở ngã tư đường để mọi người khen mình đạo đức. Cầu
nguyện là một trong những thực hành căn bản của đời sống đạo, người tín hữu
không cầu nguyện thì không còn là tín hữu nữa. Vì không cầu nguyện là tự mình cắt
đứt mối dây liên hệ với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa muốn chúng ta đến với Chúa, cầu
nguyện với Chúa cách riêng tư thân mật như hai người bạn, như cha với con, để
giãi bày và để lắng nghe được tiếng Chúa.
Việc thứ ba chúng ta được kêu gọi thực hiện cách cụ thể
trong mùa chay đó là việc chay tịnh. Khác với các tôn giáo khác, việc chay tịnh
của người Công Giáo không nhắm đến việc kiêng loại này hay loại nọ, cũng không
hẳn là ăn no hay ăn đói, nhưng là để tập làm chủ bản thân mình. Ăn uống có thể
trở thành một thứ đam mê khiến cho nhiều người bị lệ thuộc vào nó. Chay tịnh
chính là hy sinh, để tập ý chí, chiến đấu với sở thích của bản thân mình, bắt
thân xác quy phục ý chí và cũng là để dành bớt chi tiêu ăn uống, chia sẻ với
anh chị em chung quanh. Qua việc chay tịnh, thân xác cảm nhận được cái đói,
thèm ăn, cũng là dịp để cho thấy rằng linh hồn mỗi người cũng cần được nuôi dưỡng,
được cho ăn bằng các việc đạo đức.
Thưa quý OBACE, lát nữa đây chúng ta sẽ tiến lên nhận một
nhúm tro được rắc trên đầu với lời nhắc nhở: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” hoặc: “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro”. Lời này nhắc cho chúng ta nhớ
đến thân phận mỏng manh của con người và sự mau qua chóng hết của thời gian và
của thế gian. Vì thế, chúng ta được mời gọi tận dụng thời gian hiện tại để tìm
kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu đem lại hạnh phúc đời đời cho bản thân
mình. Sám hối và tin vào Tin Mừng là hành động cấp thiết mà Chúa kêu gọi chúng
ta.
Chúng ta được mời gọi sống Mùa Chay bằng những quyết
tâm cụ thể, dẹp bỏ những tính hư tật xấu, những thói quen lâu ngày bằng việc tập
làm nhiều việc lành việc tốt. Ví dụ: Mỗi người quyết tâm bớt một ly rượu, một
điếu thuốc, một lon bia. Chúng ta cũng có thể quyết tâm không nói những lời tục
tĩu, kiềm chế để không nóng nảy, không xúc phạm đến nhau, nhưng cùng nói với
nhau bằng những lời dễ nghe, dễ thương hơn. Quyết tâm làm những việc nhỏ như thế,
chúng ta sẽ làm được những việc lớn hơn, sẽ thay đổi được gia đình và những người
chung quanh. Bên cạnh việc kiềm chế tật xấu, tránh xa tội và các dịp tội, chúng
ta còn được mời gọi làm nhiều điều tốt, nhiều việc bác ái trong Mùa Chay này. Mỗi
ngày sống là mỗi ngày chúng ta làm thêm nhiều việc tốt cho nhau, cho gia đình
cho vui hơn, ấm cúng hơn yêu thương gắn bó với nhau hơn.
Xin Chúa giúp ta cùng sống Mùa Chay thánh này bằng cách
sống siêu thoát, buông bỏ. Siêu thoát, buông bỏ khỏi những cám dỗ bám víu vào của
cải vật chất và những cảm xúc tự nhiên, tìm kiếm, thu tích và hưởng thụ để bước
theo sát Chúa Giêsu hơn và nên giống Chúa Giêsu hơn. Amen.
Lm Giuse Đỗ Đức Trí