Suy Niệm Lời Chúa Thứ
Năm Sau Lễ Tro
«Ai muốn theo tôi,
phải từ bỏ chính mình,
vác thập giá mình hằng ngày mà theo»
Lời Chúa: Lc 9, 22-25
22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều,
bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ
trỗi dậy."
23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn
theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.24
Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình
vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất
chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”
1. Luật và tương quan ơn huệ/tình yêu
Kết
thúc hành trình dài đi trong sa mạc và chuẩn bị bước một giai đoạn mới, tiến
vào Đất Hứa, dân Israel được ông Mô-sê mời gọi làm một cuộc chọn lựa :
Ø « Hôm
nay, tôi truyền cho anh em phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi
theo đường lối của Người và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của
Người » (c. 16)
Ø « Hãy
yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, nghe tiếng Người và gắn bó với
Người » (c. 20).
Và theo
ông Mô-sê, nếu dân lựa chọn yêu mến Đức Chúa, dân sẽ nhận được nhiều ân huệ, mà
chúng ta có thể gọi là phần thưởng hay lương bổng :
Ø Dân được sống và được hạnh phúc (c. 15)
Ø Dân được sống, được thêm đông đúc, và được Đức
Chúa chúc phúc (c. 16)
Ø Dân được sống, sống lâu trên đất Đức Chúa đã
thề với cha ông (c. 20)
Chọn
lựa yêu mến Đức Chúa và giữ Lề Luật của Ngài sẽ mang lại nhiều ân huệ ;
nhưng thực ra, Đức Chúa đã ban ơn cách nhưng không cho dân rồi, trước khi mời
gọi dân giữ luật của Ngài, bởi lẽ ơn huệ luôn đi trước lề luật và việc giữ
luật ; điều này đúng trong sáng tạo (x. St 2, 4b-17), trong lịch sử cứu độ
(x. sách Xuất Hành), trong cuộc đời của mỗi người, trong hành trình ơn gọi đi
theo Đức Ki-tô, ngang qua đời sống dâng hiến hay hôn nhân. Và điều này cũng
đúng, ngay cả trong tương quan giữa việc giữ luật và phần thưởng : nếu giữ
luật thì sẽ « được sống », ơn này được nhắc đi nhắc lại 3 lần, thì ơn
sự sống đã được ban trước rồi, để cho người ta có thể giữ luật !
Như
thế, Đức Chúa hoàn toàn không phải là Đấng xa lạ, áp đặt lề luật và ban ơn với
điều kiện ; nhưng Ngài là « Thiên Chúa của anh em », đã diễn tả
tình yêu của Ngài một cách nhưng không ; và bây giờ Ngài mời gọi dân lựa
chọn yêu mến Ngài, không phải yêu mến chung chung, nhưng yêu mến trong khuôn
khổ của một giao ước gồm các điều luật. Thế mà, tình yêu tự bản chất là nhưng
không, nghĩa là tự do và bình an với « phần thưởng » hay « lương
bổng ». « Nghe tiếng Ngài và gắn bó với Ngài » để ở lại cách
nhưng không trong tình yêu nhưng không của Ngài ; đó cũng sẽ là lời mời
gọi của Đức Giê-su ngỏ với các môn đệ của Ngài.
Đặt lề
luật trong « tình sử », nghĩa lịch sử của cả một tình yêu nhưng không
sẽ giúp chúng ta vượt qua vấn nạn, phải chăng Thiên Chúa thất hứa hay bất công
khi mà, trong lịch sử, Dân Chúa có biết bao nhiêu người công chính chọn con
đường yêu mến Đức Chúa nhưng không được hưởng lời hứa (x. Tv 22 ; Is 52,
13 – 53, 12) ; và ở mức độ tập thể, chính Israel cũng có thể được coi là
Người Tôi Trung của Đức Chúa, nhưng có một số phận thật bi đát ! Và Đức
Giê-su Ki-tô là Người Công Chính tuyệt hảo, là Người Tôi Trung tuyệt hảo, nhưng
lại có một số phận đau khổ tận cùng, như chính người loan báo trong bài Tin
Mừng :
Con
Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục,
thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết. (c. 22)
Nơi
Ngài hội tụ cách trọn vẹn số phận bi đát của mọi người chọn yêu mến Đức Chúa
hay chúng ta có thể nói rộng hơn, mọi người chọn sống theo nhân tính thuộc mọi
thời, trước Đức Ki-tô và sau Đức Ki-tô ; và cũng chính ở nơi Ngài, mà loài
người chúng ta nhận được lời đáp tối hậu của Thiên Chúa : sự sống viên mãn
đến sau sự chết và sự sống này làm cho chúng ta được tự do hôm nay, giữa lòng
thử thách và đau khổ dẫn đến sự chết ! Chính kinh nghiệm tình yêu Thiên
Chúa ngang qua việc nhận biết ân huệ, và ân huệ đầu tiên và nhưng không tuyệt
đối, đó là ân huệ sự sống, sẽ giúp chúng ta hiểu đúng về Thiên Chúa, bình an
trong mọi hoàn cảnh và có được niềm hi vọng mạnh hơn sự chết. Đó chính là con
đường của Đức Giê-su và Ngài mời gọi chúng ta đi theo Ngài hôm nay.
2. Sống Giao Ước
Đức
Giê-su nói với mọi người: «Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập
giá mình hằng ngày mà theo». Chúng ta thường hiểu, lời mời gọi này của Đức
Giê-su chỉ dành cho những người đi tu. Nhưng, như chúng vừa nghe trong bài Tin
Mừng, Đức Giê-su ngỏ lời mời gọi này với mọi người. Và hôm nay, chúng ta đang ở
những ngày đầu của Mùa Chay, Ngài mời gọi một lần nữa với từng người trong
chúng ta “một cách đặc biệt”. Đặc biệt là bởi vì, khác với những người nghe
trực tiếp Đức Giê-su xưa kia, chúng ta là Ki-tô hữu, nghĩa là những người thuộc
về Đức Ki-tô, những người đi theo Đức Ki-tô, trong đời sống gia đình hay trong
đời sống dâng hiến. Vì thế, con đường của Đức Giê-su đã đi, cũng sẽ là con
đường của chúng ta.
Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều cảm thấy lời mời gọi
này của Đức Giê-su thật khó hiểu: tại sao lại phải từ bỏ chính mình? Tại sao
lại phải vác thập giá hằng ngày? Và không chỉ khó hiểu, nhưng còn khó sống nữa.
Khó hiểu và khó sống, nhất là trong bối cảnh của thời đại chúng ta; bởi lẽ,
thời nay, người ta, và có khi là chính chúng ta nữa, ưa chuộng và tìm cách tôn
vinh bản thân mình, hơn là từ bỏ chính mình, ưa chuộng và tìm cách hưởng thụ
những lạc thú, hơn là vác thập giá của mình hằng ngày vì lòng mến Đức Ki-tô và
để đi theo Đức Ki-tô.
Nhưng
kinh nghiệm sống của các thánh, của những vị đi trước chúng ta trong Giáo Hội,
trong ơn gọi của Hội Dòng, của cha mẹ chúng ta, và của chính chúng ta nữa, cho
thấy rằng lời gọi này của Đức Giê-su chỉ có thể hiểu được và sống được trong
tương quan giao ước mà thôi, giao ước của chúng ta với Chúa và giao ước của
chúng ta với nhau. Giao Ước hiểu theo nhiều cấp độ khác nhau, đó là hôn phối,
lời khấn, cam kết, tuyên hứa, hay đơn giản là bổn phận hay tình bạn. Trong khi
đó, con người thời nay, lại không thích sống theo giao ước, nhưng chuộng sống
theo cảm xúc, vui thì ở, còn buồn thì đi, thì đoạn tuyệt. Nhưng chúng ta nên
biết điều này, sống theo giao ước là sống theo nhân tính, được dựng nên theo
hình ảnh của Thiên Chúa, là Đấng « muôn
ngàn đời vẫn trọn tình thương » (x. Tv 136).
Thật
vậy, để sống với nhau và sống cho nhau, trong gia đình hay trong cộng đoàn tu
trì theo giao ước, chúng ta luôn phải ra khỏi mình để hướng về người khác, phải
quên đi chính mình để lo cho người khác, phải mang vào mình những khó khăn và
khổ đau, phải trung thành với nhau và với ơn gọi khi thịnh vượng cũng như lúc
gian nan, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi vui cũng như lúc buồn, khi
thấy nhau dễ thương cũng như lúc thấy nhau khó thương.
3. Sự sống mới
Cách
sống này có vẻ khắc khổ, sầu bi, đầy vất vả và đau khổ, nhưng nếu được sống
bằng tình yêu, sự trung tín, lòng mến, tình thương, tình bạn, thì một cách sống
như thế sẽ biến thành niềm vui và hạnh phúc sâu xa và bền vững. Như thánh
Au-gus-ti-nô nói, trong tình yêu thì không có đau khổ; và nếu có đau khổ, thì đau
khổ này đã được yêu rồi.
Hơn nữa, đó chính là con đường duy nhất dẫn đến sự sống,
như Đức Giê-su nói : “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều
mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Như thế, cho đi
sự sống, chính là cách thức để nhận lại sự sống. Điều này thật là nghịch lí,
nhưng đó lại là qui luật muôn đời của chính sự sống và ai trong chúng ta cũng
biết và thậm chí có kinh nghiệm về qui luật này của sự sống.
Ø Đó là
hạt lúa mì, vốn phải chịu chôn vùi và nát tan, để nẩy mầm, lớn lên và trổ sinh
nhiều hạt khác. Và đó cũng là con đường của « tấm bánh ».
Ø Đó là sự cho đi chính bản thân mình của cha mẹ, để sự sống được lưu truyền
nơi những người con.
Ø Đó là đời dâng hiến, là sự hy sinh cuộc đời của các linh mục, tu sĩ nam nữ,
để chính Thiên Chúa làm phát sinh ra hoa trái sự sống gấp trăm nơi nhiều người.
Để cho sự sống được tiếp tục, được sinh sôi, để phục vụ cho sự sống, phải
chia sẻ, trao ban, cho đi và hi sinh chính sự sống của mình. Đó chính là qui
luật muôn đời của sự sống. Đức Giê-su Kit-ô, Con Thiên Chúa cũng không đi con
đường lạ lùng nào khác ngoài con đường muôn đời của sự sống, nghĩa là con đường
của hạt lúa mì:
“Con Người phải chịu
đau khổ nhiều, bị các kỳ mục,
thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết,
và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”
* *
*
Và Chúa vẫn trao ban sự sống của mình cho chúng ta hằng ngày trong Thánh
Lễ, ngang qua Lời và Mình Thánh của Ngài, dù chúng ta có như thế nào, để cho
chúng ta ở lại trong tình yêu của Ngài, ngang qua một giao ước cụ thể, và để cho
chúng ta được sống dồi dào hôm nay và mãi mãi.
Lm Giuse
Nguyễn Văn Lộc