Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh
YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU – LÀM NHƯ THẦY
ĐÃ LÀM
Lời Chúa:
Ga 13, 1-15
(1) Trước lễ Vượt
Qua, Ðức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa
Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu
thương họ đến cùng.
(2) Trong bữa
ăn tối, ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Ítcariốt, ý định nộp Ðức
Giêsu. (3) Ðức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong
tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, (4)
nên bấy giờ Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt
lưng. (5) Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các
môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
(6) Vậy, Người
đến chỗ ông Simon Phêrô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại
rửa chân cho con sao?" (7) Ðức Giêsu trả lời: "Việc Thầy
làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu". (8) Ông
Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu
đâu!" Ðức Giêsu đáp: "Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng
được chung phần với Thầy". (9) Ông Simon Phêrô liền thưa:
"Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con
nữa". (10) Ðức Giêsu bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không
cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch,
nhưng không phải tất cả đâu!" (11) Thật vậy, Người biết ai sẽ
nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch".
(12) Khi rửa
chân cho các môn đệ xong, Ðức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có
hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? (13) Anh em gọi Thầy là
'Thầy', là 'Chúa', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. (14)
Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng
phải rửa chân cho nhau. (15) Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em
cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
Suy Niệm
Thứ năm, ngày
11/04 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gây "sửng sốt" cho cả thế giới.
Sau khi các nhà lãnh đạo phe phái đối lập tại Nam Sudan tham dự cuộc tĩnh tâm
do Đức Tổng Giám mục Anh Giáo đề xuất, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến phái
đoàn. Đức Thánh Cha tha thiết xin họ hòa giải để xây dựng hòa bình cho Nam
Sudan, một đất nước nội chiến triền miên, cướp đi sinh mạng hàng chục ngàn người
và đẩy nhiều trẻ em trở thành binh lính trong các cuộc xung đột đẫm máu. Ngài
đã quỳ xuống hôn chân các nhà lãnh đạo, trước sự ngỡ ngàng và xúc động của hết
mọi người, từ Tổng thống đến các thành viên đoàn tuỳ tùng. Ngài dứt khoát
hối thúc họ dừng cuộc nội chiến lại. Ngài nói với họ: “Tôi xin quý vị, là người anh em của nhau, hãy ở trong hòa bình. Tôi hết
lòng xin quý vị... tôi xin quý vị với hết cả tấm lòng, với tình cảm sâu đậm nhất
của tôi.”
Đức Thánh Cha
Phanxicô năm nay 82 tuổi, được các phụ tá giúp đỡ khi ngài khiêm nhường hạ mình
quỳ xuống cách khó khăn để hôn đôi giày của hai nhà lãnh đạo đối lập chính và một
số người khác trong đoàn.
Một lần nữa,
Đức Thánh Cha chỉ cho chúng ta thấy rằng, ngài được sai đến để phục vụ, phục vụ
bằng cả trái tim xót thương và khiêm nhường, chứ không phải để được phục vụ. Vì
hòa bình, vì hạnh phúc của các dân tộc, Đức Thánh Cha Phanxicô đã sẵn
sàng hạ mình quỳ xuống hôn chân các nhà lãnh đạo Nam Sudan để thống thiết
xin họ quyết định dừng chiến tranh và cùng nhau xây dựng Hòa Bình.
Cách đây hơn hai ngàn năm, cũng có một vị thầy, đã quỳ gối, cúi
xuống để rửa chân cho các môn đệ, trước sự ngỡ ngàng của mọi người và tha thiết
xin họ: “Các con hãy yêu thương nhau”.
Chiều hôm nay chúng ta cùng tưởng nhớ lại hành động yêu thương, hy sinh tột
cùng của Chúa Giêsu dành cho các tông đồ và cho nhân loại qua việc thiết lập Bí
Tích Thánh Thể và chức Linh Mục. Đồng thời, dạy chúng ta bài học yêu thương,
phục vụ khi Ngài quỳ gối rửa chân cho các môn đệ.
Câu chuyện diễn ra trong khung
cảnh ngày lễ vượt qua của người Do Thái, kỷ niệm việc Thiên Chúa giải thoát dân
Israel ra khỏi Ai Cập, được ghi dấu bằng việc giết chiên và ăn chiên vượt qua.
Sách Xuất hành kể lại chi tiết những việc người Do Thái phải thực hiện trong
đêm vượt qua lịch sử đó: Mỗi nhà phải giết một con chiên, lấy máu bôi lên cửa
làm dấu hiệu, nhà nào có dấu máu sẽ được cứu thoát. Cả gia đình và có thể mời
xóm giềng cùng tụ họp để ăn thịt con chiên trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì Chúa
đã giải thoát dân Người. Đây là việc làm được thực hiện hàng năm để tưởng nhớ
đến biến cố vĩ đại này. Kể từ đó, máu trở thành linh thiêng, là dấu hiệu của sự
sống và là sự bảo vệ của Thiên Chúa. Cũng vậy, bữa ăn vượt qua trở thành bữa
tiệc của sự quy tụ, của tình thân và là bữa ăn thánh, bữa ăn bồi bổ sinh lực
cho hành trình xuất hành phía trước.
Trong bầu khí linh thiêng và
ngập tràn tâm tình tôn giáo như trên, Chúa Giêsu và các môn đệ bước vào bữa tiệc
vượt qua với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Tin Mừng Gioan ghi nhận: “Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ
phải bỏ thế gian mà về với Cha. Người yêu thương những kẻ thuộc về mình, và
Người yêu thương họ đến cùng”.
Theo các Tin Mừng, Chúa Giêsu
đã thể hiện tình yêu đến cùng trước hết bằng việc: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các
môn đệ mà nói: Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy sẽ bị nộp vì
các con”. Việc làm và lời nói này của Chúa Giêsu hết sức bất ngờ đối với
các tông đồ, có lẽ các ông chưa thể hiểu. Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu đến
cùng bằng biệc chấp nhận trở nên của ăn được trao cho nhân loại. Ngài muốn
những kẻ được ngài yêu thương có thể cầm lấy, có thể ăn, để Ngài có thể được ở
mãi, ở cùng, được nên một và được đi vào tậm tâm hồn những kẻ Ngài yêu thương.
Khi yêu nhau, người ta không muốn rời xa nhau, cũng vậy với việc biến bánh trở
nên thịt mình, chúa Giêsu muốn hiện diện, muốn ở mãi và không bao giờ rời xa nhân
loại chúng ta.
Các môn đệ chưa hết bất ngờ,
thì chúa Giêsu lại cầm lấy chén rượu tạ ơn và trao cho các môn đệ: “Các con hãy cầm lấy mà uống, đây là chén
máu Thầy, máu đổ ra để tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu chứa đựng biết bao điều Ngài muốn nhắn gửi.
Trao ban thịt làm của ăn, giờ đây, Ngài lại trao ban máu Ngài làm của uống,
Chúa Giêsu đã chịu hiến tế ngay từ giây phút này, biến mình trở nên của ăn của
uống để đáp ứng cho nhu cầu căn bản thường ngày của con người. Nếu máu con
chiên ngày xưa bôi lên cửa làm dấu hiệu để được cứu sống, thì nay máu của Chúa
Giêsu có sức mạnh tẩy rửa tội lỗi, trao ban sức sống mới cho nhân loại.
Cùng với việc trao ban thịt máu
mình làm giá chuộc, của nuôi dưỡng linh hồn nhân loại, Chúa Giêsu còn chấp nhận
trở nên lệ thuộc hoàn toàn vào các tông đồ, khi trao cho các ông Chức Linh mục
và quyền: “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ
đến thầy”. Có thể nói, Chúa Giêsu đã hoàn toàn tín nhiệm vào các tông đồ,
dù Chúa biết các ông chỉ là những con người yếu đuối thấp hèn, còn ham danh ham
lợi, nhưng Chúa vẫn trao mình vào tay họ. Từ đây, mỗi lần lặp lại cử chỉ yêu
thương này, Chúa lại hiện diện cách bí tích, đích thực và sống động với nhân
loại, để ở lại mãi với con người, nâng đỡ cho hành trình đức tin của các tín
hữu.
Tin Mừng Gioan đã trình bày
tình yêu thương đến cùng của Chúa Giêsu qua việc: “Ngài đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn thắt lưng, đổ
nước vào chậu và cúi xuống rửa chân cho các tông đồ, rồi lấy khăn thắt lưng mà
lau”. Việc làm này của Chúa Giêsu khiến các tông đồ hết sức bất ngờ và
không thể tưởng tượng nổi. Thánh Gioan khi ghi lại từng việc làm của Chúa Giêsu,
cho thấy chúa Giêsu không chỉ rời khỏi bàn ăn, mà Ngài còn chấp nhận rời khỏi
địa vị của một vị Thiên Chúa, từ ngai trời bước đến với nhân loại. Ngài cởi bỏ
khỏi mình vinh quang danh dự của một vị Thiên Chúa quyền năng, để mang lấy thân
phận con người và còn thắt lưng như một đầy tớ để cúi xuống phục vụ con người.
Chỉ có nô lệ mới phải quỳ gối
rửa chân cho chủ, một con người tự do dù có làm đầy tớ cũng không phải làm
những việc như thế, vậy mà Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ. Simon Phêrô thấy
như thế thì đã phản ứng quyết liệt: “Thưa
Thầy, Thầy không thể rửa chân cho con như vậy được! Chúa Giêsu đã trả lời: Việc
Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau này con sẽ hiểu… Nếu thầy không rửa
chân cho con, thì con không được dự phần với Thầy”. Chắc chắn khi Chúa trả
lời, Simon cũng vẫn không thể hiểu, nhưng sau này, ông đã hiểu được thế nào là
được dự phần với Chúa. Dự phần với Chúa là được trở nên giống như Chúa, chia sẻ
cùng một con đường với Chúa. Dự phần là được cùng tham dự vào cuộc khổ nạn thập
giá của Chúa và được dự phần vào vinh quang phục sinh với Chúa. Sau này Simon
đã được diễm phúc đó.
Khi trở lại bàn ăn, Chúa Giêsu
giải thích cho các tông đồ về ý nghĩa và mục đích việc làm của Chúa: “Vậy, Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân
cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau… Anh em hãy làm như Thầy đã
làm cho anh em”. Như thế, Chúa muốn các môn đệ của Chúa cũng phải học để
sống yêu thương như Chúa đã yêu, dám chấp nhận yêu thương đến quên mình, hy
sinh cả mạng sống mình vì anh chị em. Chúa muốn các môn đệ của Chúa cũng phải
dám cởi bỏ cái tôi và cái tự ái của mình để cúi xuống phục vụ anh chị em cách
vô điều kiện.
Cử hành lễ Tiệc Ly hôm nay,
chúng ta tôn thờ và cảm nhận một tình yêu lớn lao mà Chúa Giêsu dành cho chúng
ta qua việc ban thịt máu mình làm của ăn cho chúng ta và còn muốn ở lại với
nhân loại cho đến ngày tận thế. Trở nên lương thực, Chúa Giêsu muốn chúng ta
đón nhận Chúa mỗi ngày. Như thân xác cần được nuôi dưỡng bằng cơm bánh, thì
linh hồn cũng cần phải được nuôi dưỡng bằng của ăn của uống là chính thịt máu
Chúa Giêsu. Qua việc đón rước Chúa mỗi ngày, Chúa bước vào tâm hồn, biến đổi
chúng ta nên giống như Chúa, qua đó, Chúa còn ban thêm sức mạnh để chúng ta có
thể bước đi trên hành trình theo Chúa.
Tham dự cử hành hôm nay, Chúa
cũng muốn chúng ta học nơi Chúa để biết hy sinh quên mình, cúi xuống phục vụ
anh em. Chúng ta cần thực hành bài học này của Chúa bắt đầu từ nơi gia đình:
Cha mẹ, vợ chồng âm thầm hao mòn từng ngày để yêu thương và phục vụ nhau và
phục vụ con cái, cho dù có những lúc bị phản bội hay bị tổn thương hoặc con cái
ngỗ nghịch khiến cho cha mẹ đau lòng.
Cũng như Simon Phêrô, chúng ta
xin Chúa không chỉ rửa chân mà còn thanh tẩy tâm hồn, cuộc sống của gia đình ta
mỗi ngày nên trong sạch hơn, ấm cúng hạnh phúc hơn. Và, xin Chúa cho chúng ta
được dự phần với Chúa trong hành trình vác thập giá mỗi ngày theo Chúa, để được
dự phần vào vinh quang phục sinh với Chúa. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Dức Trí