Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 4

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Mùa Thường Niên

«Người ban cho các ông quyền trừ quỷ»

thứ 5 tuần IV TN.jpg

Lời Chúa: Mc 6, 7-13

7 Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.

8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng;9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.10 Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi.11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”

12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

Suy Niệm:

(A) «Người ban cho các ông quyền trừ quỷ» (c. 7)

(B) Lời của Đức Giê-su (c. 8-11)

(A’) «Các ông trừ được nhiều quỷ» (c. 12-13)

Trung tâm của trình thuật Tin Mừng là «Lời của Đức Giê-su» (phần B : c. 8-11). Lời «chỉ thị» các môn đệ, khi Người sai phái các môn đệ đi rao giảng Nước Thiên Chúa; và những lời chỉ thị này phát xuất từ Đấng vốn là «Ngôi Lời Thiên Chúa, và nhờ Người mọi sự được tạo thành» (x. Ga 1, 3).

Chính vì thế, Tin Mừng mà Người rao giảng là Tin Mừng Sự Sống: chữa bệnh và nhất là «trừ quỷ» (phần A và A’: c. 7 và c. 12-13). Để rao giảng và làm Nước Thiên Chúa hiện diện, nghĩa là duy trì sự sống và làm cho chúng ta được sống dồi dào, Đức Giê-su giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, như chúng ta cầu cầu nguyện mỗi ngày trong Kinh Lạy Cha: «Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ ». Ngày nay và hơn bao giờ hết, sự sống của loài người chúng ta cần được giải thoát khỏi sự dữ biết bao!

1. «Ăn năn sám hối»

Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại và sai các ông đi từng hai người một, để “rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (c. 12). Như thế, các Tông Đồ được sai đi rao giảng, rao giảng “Tin Mừng Nước Thiên Chúa” như chính Người đã rao giảng ngay từ khởi đầu đời sống công khai của Người:

Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1, 14-15)

Triều Đại Thiên Chúa mà Đức Giê-su rao giảng mời gọi thực hiện hành trình sám hối. Bởi vì, để đón nhận Nước Trời đang đến, chúng ta phải từ bỏ tất cả những gì ngăn cản chúng ta đón nhận Nước Trời, phải giữ khoảng cách với tất cả những gì không thuộc về hay không giúp hướng về Nước Trời.

2. Tin Mừng Sự Sống: nhưng không, chữa bệnh và quyền trừ quỷ

Các Tông Đồ được sai đi rao giảng Tin Mừng, và dấu chỉ của Tin Mừng Triều Đại Thiên Chúa đang đến là sứ vụ phục vụ cho sự sống của con người: “Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ” (Mc 1, 34; và các bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô của những tuần vừa qua).

Chính vì thế, khi được sai đi rao giảng, các Tông Đồ được chia sẻ sứ vụ phục vụ cho sự sống của Đức Giê-su:

Người ban cho các ông quyền trừ quỷ…

Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh. (c. 7 và 12-13)

Như thế, chúng ta có thể nói, Tin Mừng Triều Đại Thiên Chúa là Tin Mừng mang lại sự sống, là “Tin Mừng Sự Sống”. Như chính Đức Giê-su, hiện thân của Tin Mừng Nước Trời, nói về sứ vụ của Người: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Chính vì thế, Tin Mừng Nước Trời của Đức Giê-su Ki-tô mang lại “Niềm Vui”, như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đặc biệt nhấn mạnh trong Thông Điệp “Niềm Vui Tin Mừng” (Gaudium Evangelii) và Tông Huấn về Năm Đời Sống Thánh Hiến.

a. Theo lời kể của thánh Mát-thêu, các môn đệ được mời gọi phục vụ cho sự sống, trong tâm tình nhưng không :

Anh em đã được cho không,
thì cũng phải cho không như vậy.
(Mt 10, 8)

Và không ở đâu sự nhưng không được thể hiện cách tuyệt đối, như ở ơn huệ sự sống. Như thế, Nước Trời gắn liền với sứ mạng phục vụ cho sự sống cách nhưng không. Bởi vì Nước Trời là Nước của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là Nhưng Không, vì Người là Tình Yêu.

b. Về sự sống của loài người và của từng người chúng ta. Chúng ta thường bị ấn tượng và ưa thích những phép lạ chữa bệnh, vì bệnh tật làm cho con người khốn khổ. Tuy nhiên, bệnh tật lại thuộc về thân phận con người, đã là người thì phải trải qua, không tránh được: sinh lão bệnh tử ; con người không chỉ bị bệnh vì tuổi tác, nhưng có thể bị bệnh bất cứ lúc nào, vì những lý do khác nhau (di truyền, môi trường, tai nạn, dịch bệnh do truyền nhiễm, chẳng hạn dịch bệnh do virus Corona)... Chúng ta cùng cảm thông và cầu nguyện mỗi ngày cho biết bao nhiều người đau khổ vì bệnh tật, trong đó có những người thân yêu của chúng ta.

Nhưng sự sống của con người còn bị quấy phá, bị chi phối bởi ma quỉ, bởi thần dữ, trong mức độ ma quỉ gieo vào lòng con người và vào tương quan giữa người với người sự nghi ngờ, loại trừ, bạo lực, ham muốn, ghen tị, dục vọng… Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những sự dữ này còn phá hoại sự sống của chúng ta hơn cả bệnh tật. Chỉ có Lời Chúa, và tuyệt đỉnh là Lời Thập Giá (x. 1 Cr 18, 1) mới có thể chữa lành, giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ[1].

3. Lời Chúa là Thần Khí

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi sai các môn đệ đi rao giảng, Đức Giê-su căn dặn rất chi tiết và triệt để, chi tiết và triệt để đến độ không thể thực hiện được:

Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”. (c. 8-10)

Bởi vì, nếu chúng ta làm theo y như lời dặn này của Đức Giê-su, chúng ta không thể rao giảng được mấy ngày, thậm chí đi tĩnh tâm cũng không được! Tuy nhiên, nếu chúng ta không sống theo lời của Đức Giê-su, thì chúng ta sẽ giống như người xây nhà trên cát (x. Mt 7, 24-27), sẽ chẳng sinh hoa kết quả để tôn vinh Thiên Chúa (x. Ga 15, 5; 21, 3-6).

Đức Giê-su cố ý nói thật triệt để như thế, để một đàng chúng ta không thể biến lời của Ngài thành lề luật, hiểu theo chữ viết, đàng khác mặc khải cho chúng ta một năng động được thúc đẩy và lôi cuốn bởi Thần Khí. Bởi lẽ, Lời Chúa là thần khí (x. 2 Cr 3, 17). Những lời của Đức Giêsu không mô tả cho chúng ta những hành vi phải thực hiện cách chính xác, nhưng mời gọi chúng ta hướng tới, nếu cần thiết, thật xa theo năng động mà lời của Ngài gợi ra. Lời dặn của Đức Giê-su muốn nhắc nhở chúng ta rằng, sứ vụ của chúng ta phải được thi hành dựa trên ơn ban nhưng không của Chúa, chứ không phải là dựa trên các phương tiện và tài năng của chúng ta; và nếu có các phương tiện và tài năng, thì tất cả là ơn huệ Chúa ban cách nhưng không.

*  *  *

Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể hiểu được lời này, và mọi lời nói của Đức Giê-su, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua mà thôi. Thực vậy, trong cuộc thương khó và nhất là trên thập giá, Đức Giê-su hoàn toàn không có gì, không có dép, gậy, áo, thậm chí chân cũng không đạp đất; nhưng đó lại là lúc:

Ø  Người hoàn toàn sống bằng sự sống của Chúa Cha, và nên một với Chúa Cha bằng tình yêu.

Ø  Người tự do với phương tiện, quyền lực, danh vọng, mà ma quỉ gợi ý và con người chờ đợi, để cảm thông và nên một với loài người ở mức độ thấp nhất: đau khổ trong thân xác, đau khổ vì bị bỏ rơi và chính sự chết, chết như một tử tội và ở giữa những tử tội.

Ø  Người bày tỏ khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa: Thiên Chúa là ánh sáng, sự sống, hiền lành khiêm tốn, sự thiện, có sức mạnh đánh tan bóng tối, sự chết, bạo lực, sự dữ và ma quỉ, để dẫn đưa loài Người về với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần.

Như thế, Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay nói về mầu nhiệm Vượt Qua mà Người sẽ sống và mời gọi tất cả những ai tin, yêu và đi theo Người sống mầu nhiệm này mỗi ngày: đó là để cho Sự Sống mạnh hơn sữ dữ và sự chết của Thiên Chúa và lòng thương xót của Người được tỏ hiện, nơi những gì nhỏ bé giới hạn yếu đuối của chúng ta.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc



[1] Có thể đọc Tông Huấn GAUDETE ET EXSULTATE của ĐTC Phanxicô, về lời kêu gọi nên thánh trong thế giới hôm nay (19/03/2018), chương năm: CHIẾN ĐẤU, TỈNH THỨC và PHÂN ĐỊNH, số 158-175.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Thường Niên_Lm Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần V Thường Niên Năm C - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Thường Niên_Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IV Thường Niên_Lm. JP
     uy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai IV Thường Niên_Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Thường Niên_Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Thường Niên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IV Mùa Thường Niên- Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Mùa Thường Niên -Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng Dòng Đa Minh Thánh Tâm
     Suy Niệm Lời Chúa Mồng Ba Tết Kỷ Hợi_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Mồng Ba Tết_LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư Tuần IV Quanh Năm (Mồng 2 Tết)_MM Tân, SJ