Suy
Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Thường Niên
DÂNG
CHÚA TRONG ĐỀN THỜ
CON CÁI LÀ QUÀ TẶNG CỦA THIÊN CHÚA
Ở Việt nam ngoài hai mùa mưa và nắng còn có một mùa mà
không nơi nào trên thế giới có, đó là mùa phá thai cuối năm: Phá thai để về quê ăn tết. Một bài viết
được đăng trên trang Tin Công Giáo hôm đầu năm vừa qua cho thấy, mùa này được
diễn ra sau những ngày lễ hội, các cuộc đi chơi dịp tết. Sau những cuộc vui
dài, nhiều bạn trẻ đã ôm nỗi buồn, lo sợ vì không biết xử lý với cái thai bất
ngờ của mình, họ đã tìm đến những điểm phá thai để loại bỏ đứa con của mình,
cho kịp về quê ăn tết để cha mẹ khỏi biết.
Con số do Tổng cục Thống kê Việt Nam đưa ra ngày 23/9
cho thấy tại Việt Nam mỗi năm có hơn 300.000-350.000 trường hợp phá thai ở độ
tuổi 15-19 được báo cáo chính thức từ
các bệnh viện, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Nếu kể cả những con số tại
các điểm phá thai tư nhân và các độ tuổi khác, thì con số thực sẽ lớn hơn rất
nhiều. Việt Nam từng bị Tổ chức Y Tế Thế giới WHO xếp hạng là một trong những
quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất trên thế giới và đứng đầu Châu Á.
Thưa quý ÔBACE, trong lúc chúng ta hân hoan cử hành lễ
Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ, chúng ta đem con đến nhà thờ để tạ ơn và
dâng con cho Chúa, thì những nơi khác có biết bao nhiêu người cha, người mẹ
đang tước đi quyền được sống của con mình. Họ muốn giành quyền của Thiên Chúa,
định đoạt mạng sống của con cái đứa này được sống, đứa kia phải chết.
Truyền thống dâng con trong đền thờ, thể hiện một niềm
tin sâu xa vào Thiên Chúa là Đấng quyền năng, Đấng làm chủ sự sống, Ngài đã ban
cho các mẹ được cộng tác với Ngài trong việc thông truyền sự sống. Nghi lễ này
của người Do Thái bắt nguồn từ biến cố Xuất Hành, khi Thiên Chúa cho thần huỷ
diệt giết chết tất cả các con trai đầu lòng của người Ai Cập, từ loài người cho
đến loài vật, từ hoàng tử nhà vua cho đến con cùa người nô lệ, còn con của người
Do Thái thì được cứu sống. Sau biến cố này, vua Ai Cập đã để cho người Do Thái
ra khỏi đất Ai cập, đi tế lễ Thiên Chúa. Từ đó, để lưu truyền mãi biến cố này
cho con cháu, người Do thái dâng con trai đầu lòng cho Thiên Chúa để bày tỏ
lòng biết ơn và nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng làm chủ sự sống và đứa bé là thuộc
về Thiên Chúa.
Giuse Maria nhận ra Trẻ Giêsu là quà tặng của Thiên
Chúa dành cho gia đình, sau khi sinh con bốn mươi ngày, ông bà đem con lên đền
thờ để tạ ơn và dâng con cho Thiên Chúa, từ đây đứa trẻ hoàn toàn thuộc về
Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng làm chủ mọi sự sống trên trần gian này.
Thiên Chúa trao ban sự sống cho vật nào thì vật đó có sự sống. Thiên Chúa đã muốn
cho các cha mẹ được cộng tác với Chúa trong việc thông truyền sự sống cho con
cái; được tham dự vào công trình sáng tạo và quan phòng của Thiên Chúa để duy
trì sự sống trên trái đất này. Vì thế con cái mãi mãi là quà tặng từ nơi Thiên
Chúa ban cho các gia đình, để trong môi trường gia đình, sự sống được bảo vệ,
con cái được chăm sóc yêu thương bởi cha mẹ.
Gia đình Giuse Maria đã thể hiện lòng biết ơn Thiên
Chúa bằng viêc dâng tặng chính người con mà Chúa ban làm của lễ tạ ơn Thiên
Chúa. Mặc dù không phải là gia đình giàu có, Maria lo việc nhà, chăm con mọn,
Giuse là lao động chính trong gia đình, ông rất vất vả để lo liệu cho vợ con có
đủ cái ăn cái mặc. Tuy nhiên cái nghèo khó và sự vất vả không khiến cho gia
đình này bỏ qua việc đạo đức và những quy định của lề luật. Trái lại Tin Mừng
cho thấy, dù nghèo, dù vất vả, hai ông bà vẫn chu toàn cách vuông tròn luật của
Chúa. Họ đem con lên đền thờ dâng cho Chúa, kèm theo một lễ vật rất nhỏ của người
nghèo, đó là một đôi chim bồ câu. Việc làm này thể hiện thái độ biết ơn và tấm
lòng yêu mến của Giuse và Maria đối với Thiên Chúa; biết ơn vì món quà sự sống
là hài nhi Chúa ban, yêu mến vì được Chúa cho sinh con và làm cha làm mẹ.
Giuse Maria hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa vì thế,
Thiên Chúa tin tưởng vào gia đình của Giuse Maria, nên đã trao gửi Đấng Cứu Thế,
con Thiên Chúa vào trong gia đình này. Khi Thiên Chúa trao gửi Con của Ngài
trong gia đình của Giuse Maria, trẻ Giêsu được bảo vệ, chăm sóc, nhất là được dạy
dỗ cho đến khi khôn lớn. Thư Do Thái đã quả quyết: Đức Giêsu được đầu thai trong cung lòng Đức Maria và được sinh ra trong gia đình, đã trở nên hoàn toàn
giống như chúng ta, trở nên anh em với chúng ta trong gia đình nhân loại. Giuse
và Maria đã chu toàn xuất sắc nhiệm vụ nuôi dưỡng dạy dỗ trẻ Giêsu khôn lớn và
trưởng thành trong đời sống tự nhiên và đời sống siêu nhiên. Trong đời sống tự
nhiên Đức Giêsu được lớn lên khoẻ manh, khôn ngoan thông thái khiến mọi người nể
phục. Trong đời sống siêu nhiên trẻ Giêsu được huấn luyện bằng gương sáng của
cha mẹ để trở thành một chàng trai đạo đức, nhiệt thành với việc nhà Chúa. Tin
Mừng nhiều lần kể lại việc dân chúng và những luật sĩ và biệt phái không thể
tranh luận với Đức Giêsu vì sự thông thái của Ngài. Tin Mừng cũng cho thấy đời
sống đạo của Giuse và Maria đã ảnh hưởng sâu đậm trên chàng trai Giêsu khi kể lại:
Giuse Maria mau mắn chu toàn các quy định của lề luật; hằng năm có thói quen
lên đền thờ hành hương. Sau này thánh Luca cũng ghi nhận Chúa Giêsu vào hội đường mỗi ngày Sabat theo thói quen thường làm.
Chắc chắn thói quen thường làm của Đức
Giêsu, chính là thói quen tốt mà Giuse và Maria đã tập cho con trẻ Giêsu từ khi
còn nhỏ.
Khi gia đình sống thánh, chu toàn bổn phận với Chúa
thì mọi người sẽ nhận ra Chúa trong gia đình đó. Tin Mừng kể lại việc hai cụ
già Simeon và và Anna đã nhận ra Thiên Chúa nơi gia đình trẻ này. Giuse và Maria
đem con lên đền thờ để dâng cho Thiên Chúa cũng giống như nhiều gia đình khác
trong dân Do Thái vẫn làm. Thế nhưng hôm nay khi hai ông bà đem con lên đền thờ,
thì cụ gia Simeon và bà Anna, tuy tuổi đã cao, mắt đã mờ, nhưng họ vẫn nhìn thấy
và nhận ra hài nhi đang nằm trong tay của Maria là đấng Cứu Thế, là Thiên Chúa.
Cả hai người này đều là những người cao niên, đạo đức, chuyên cần cầu nguyện và
ước ao được nhìn thấy đấng Cứu Thế. Thiên Chúa đã đáp ứng cho hai cụ già ước ao
này: Họ đã xin ẵm bế hài nhi và dâng lời chúc tụng Thiên Chúa: Muôn lạy Chúa, giờ đây, theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ
Chúa dành sẵn cho muôn dân. Trong khi đó cụ bà Anna: Cảm tạ Thiên Chúa và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ
ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.
Thưa các bậc làm cha mẹ, hôm nay chúng ta đem con đến
đây dâng cho Chúa, chúng ta cũng mang cùng một tâm tình cảm tạ như Giuse và
Maria. Cảm tạ Chúa vì hồng ân sự sống Chúa ban cho chúng ta và con cái; Cảm tạ
Chúa vì Chúa đã cho được cộng tác với Chúa để sinh ra những người con. Con cái
là quà tặng của Thiên Chúa; các em là những thiên thần của Thiên Chúa được gửi
đến trong các gia đình, để đem lại cho các gia đình niềm vui. Tin nhận như thế,
để mỗi người biết không ngừng cảm tạ Thiên chúa và chăm lo cho con cái với hết
lòng tin yêu. Cho dù việc chăm lo cho con cái không luôn là điều dễ dàng, nhưng
đó là vinh dự và là điều Thiên Chúa cậy nhờ.
Khi xác tín rằng, con cái là quà tặng của Thiên Chúa,
sự sống thuộc chủ quyền của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi tôn trong sự sống,
yêu thương, bảo vệ con cái ngay từ giây phút đầu tiên khi chúng được hình thai
trong lòng mẹ cho đến khi chết cách tự nhiên. Bất cứ hành vi nào cố ý xúc phạm,
làm tổn thương, huỷ hoại sự sống của các thai nhi, trong bất cứ giai đoàn nào,
lý do nào, đều là tội ác, tội giết người và là tội vô ơn xúc phạm đến Thiên
Chúa.
Nhận ra con cái là quà tặng Chúa ban, là các thiên thần
nhỏ của Chúa, là hình ảnh của Chúa, các bậc làm cha mẹ nuôi dưỡng chăm sóc, bảo
vệ con cái với tinh thần trách nhiệm và với tất cả lòng yêu mến đối với Chúa và
với con cái của mình. Ngoài ra, các cha mẹ còn phải tạo một bầu khí gia đình
thánh thiện, vui tươi và hạnh phúc để con cái không chỉ được nuôi bằng cơm
bánh, mà con được nuôi bằng tình yêu, bằng đời sống đạo đức của cha mẹ nữa.
Xin Chúa chúc lành cho các cha mẹ hôm nay và gìn giữ
con cái của chúng ta. Xin mẹ Maria và Thánh Giuse xưa đã bảo vệ Hài Nhi Giêsu
thế nào, thì nay, xin các Ngài cũng gìn giữ bảo vệ con cái chúng ta khỏi sự tấn
công lôi kéo của ma quỷ và những cám dỗ của xã hội hôm nay. Amen.
Lm Giuse Đỗ Đức Trí