Suy Niệm Lời Chúa Tứ Tư Mồng Hai
Tết Kỷ Hợi
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN ÔNG BÀ CHA MẸ
Ngày
xưa, với nền văn hóa nông nghiệp, có nhiều thời gian nông nhàn, việc nghỉ tết,
ăn tết, vui xuân kéo dài cả tháng. Ngày nay xã hội công nghiệp, mọi sự đều phải
rút ngắn thời gian, vì thế những ngày nghỉ tết, vui tết cũng bị rút ngắn lại.
Cùng với sự rút ngắn thời gian, các giá trị văn hóa, tập tục truyền thống ngày
tết cũng bị đơn giản lại hoặc bị bào mòn. Ví dụ: Trước đây ngày ba mươi và mồng
một tết hầu như không ai ra khỏi nhà, mọi người dành trọn vẹn cho tổ tiên, ông
bà, cha mẹ và gia đình. Đêm ba mươi cùng với việc tạ ơn trời, người Việt nam
còn mời tổ tiên về ăn tết. Vì vậy đêm ba mươi, mọi người đều phải quy tụ trước
bàn thờ tổ tiên để đón ông bà. Ngày mồng một, nén nhang, hoa trái, bánh kẹo đầu
tiên được dâng lên tạ ơn trời, kế đến là cúng ông bà với lòng biết ơn để xin trời
đất, ông bà phù hộ. Sau đó trọn ngày mồng một dành để chúc tuổi ông bà nội ngoại
hai bên. Từ mồng hai trở đi sẽ là ngày đi chúc tuổi chú bác cô dì, họ hàng.
Ngày
nay, các sự kiện được tổ chức vào đêm ba mươi để kéo mọi người ra khỏi nhà, cướp
mất giờ phút linh thiêng giao thừa bên gia đình. Có nhiều người còn “trốn tết”
bằng những cuộc du lịch dài ngày ngay từ ngày mồng một; những cuộc thăm viếng
ông bà cha mẹ, họ hàng chỉ còn là thủ tục phải làm cho qua lần. Cứ như thế,
tương quan gia đình ngày càng lỏng lẻo, liên hệ họ hàng ngày càng mờ nhạt, dẫn
đến tình cảm và bổn phận thảo hiếu cũng bị vơi cạn, lâu dần các giá trị đạo đức
cũng bị bào mòn. Có lẽ vì thế, thỉnh thoảng trên mạng lại loan truyền những đoạn
clip con cái bạo hành cha mẹ, bất hiếu đuổi cha mẹ ra đường, đùn đẩy trách nhiệm
chăm lo cho cha mẹ.
Ngày
mồng một chúng ta được mời gọi hướng tâm hồn lên Chúa với tâm tình tạ ơn và phó
dâng năm mới cho Chúa, cầu xin cho gia đình được an vui. Bước qua mồng hai tết,
Giáo Hội nhắc chúng ta bổn phận kính nhớ và bày tỏ lòng thảo hiếu biết ơn tổ
tiên, ông bà, cha mẹ, những người còn sống và những người đã qua đời.
Sách
Huấn ca dạy chúng ta bày tỏ lòng biết ơn bằng việc học hỏi thực hành những điều
cha ông truyền dạy và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp các
ngài để lại: Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi
các vị danh nhân cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Công đức của các
ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài
quý báu đó là lũ cháu đàn con. Như thế, lòng biết ơn đối với tiền nhân là
tiếp nối truyền thống đạo đức của cha ông mà các ngài đã dày công xây dựng, vun
đắp cho gia đình và dòng họ. Là hậu sinh, chúng ta được mời gọi lưu giữ và bảo
vệ thanh danh cho gia đình và dòng họ, giữ gìn nếp sống đạo hạnh mà cha ông đã
tạo lập nên. Trong xã hội hiện đại, gia đình nào duy trì và vun đắp được những
giá trị đạo đức truyền thống, như việc thảo hiếu, lễ phép, kính trên nhường dưới,
trên thuận dười hòa, gia đình xum họp, con cháu thảo hiền, gia đình dòng họ đó
sẽ êm ấm hạnh phúc. Cũng theo sách Huấn Ca: Khi các gia đình sống thư thế là
chúng ta thể hiện lòng biết ơn đối với tiền nhân cách tốt đẹp nhất và cũng là
cách chúng ta làm vẻ vang tổ tiên của gia đình hơn là xây các mồ mả cho to cho
đẹp.
Trong
bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu phản đối lối sống bất hiếu vô ơn đối với cha mẹ
của những người Do Thái. Những người Biệt phái đến trách Chúa Giêsu vi phạm
truyền thống của tiền nhân khi không thanh tẩy chén bát, đồ dùng trước khi dùng
bữa. Chúa Giêsu chỉ cho những người này thấy giá trị truyền thống đích thực,
không phải là các tập tục rửa tay, rửa bình, nhưng là phải chu toàn bổn phận thảo
hiếu với ông bà cha mẹ. Chính việc thảo hiếu, tôn kính, biết ơn ông bà cha mẹ mới
là giá trị truyền thống tốt đẹp và hơn nữa đó còn là giới răn lề luật của Thiên
Chúa. Các luật sĩ và biệt phái đã đưa ra một điều luật thay thế bổn phận thảo
hiếu là: Khi một người tuyên bố dâng cúng tất cả tài sản của mình cho đền thờ,
thì được miễn mọi bổn phận phụng dưỡng báo hiếu, thờ cha kính mẹ. Việc dâng tặng
lại cho nhà Chúa hoa trái và thành quả lao động của mình là điều tốt, đáng khuyến
khích, nhưng Thiên Chúa không chấp nhận lễ dâng với sự vô ơn bất hiếu với cha mẹ
như thế.
Chúa
Giêsu đã phản đối điều luật này vì nó vi phạm trầm trọng đến giới răn thứ bốn của
Thiên Chúa: Hãy thảo kính cha mẹ. Theo quan điểm của Chúa Giêsu, không có bất cứ
thứ gì có thể đánh đổi hoặc thay thế được giới răn này của Thiên Chúa. Vì cha mẹ
chính là những người được Thiên Chúa cho cộng tác với Chúa để sinh ra chúng ta.
Cũng qua cha mẹ, Thiên Chúa tiếp tục yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ chúng ta.
Vì thế, tất cả mọi người đều có bổn phận hiếu thảo, thờ cha kính mẹ, ai không
chu toàn bổn phận này thì cũng là lỗi giới răn Thiên Chúa.
Qua
thư Ephêsô, thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta bổn phận đối với cha mẹ: Hỡi những
người làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải
đạo. Hãy tôn kính cha mẹ, đó là điều răn thứ nhất kèm theo lời hứa: Để ngươi được
hưởng thọ trên mặt đất này. Vâng lời cha mẹ không chỉ thể hiện sự thảo hiếu
ngoan hiền đối với cha mẹ, mà vì cha mẹ là những người luôn yêu thương ta, hy
sinh cả cuộc đời cho ta, chỉ dạy ta những điều tốt lành. Cha mẹ nhiều kinh nghiệm
hơn ta và luôn muốn điều tốt cho ta. Nghe lời cha mẹ, chúng ta sẽ học được sự
khôn ngoan và trưởng thành.
Mỗi
người chúng ta mắc nợ cha mẹ về công sinh thành dưỡng dục. Kể sao hết công cha
nghĩa mẹ vì chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm và nhiều năm dài nuôi ta khôn lớn;
đong sao hết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, sức lực các ngài đã phải hao mòn vì
con cái; đếm sao được biết bao đêm mất ngủ, biết bao ngày lo toan khi ta đau yếu
bệnh tật vv. Phận làm con, khi khôn lớn, ta có bổn phận phải chia sẻ gánh nặng
gia đình với cha mẹ, chia sẻ với các ngài những lo toan của cuộc sống kinh tế
gia đình, để các ngài bớt phần vất vả. Khi cha mẹ lớn tuổi, chúng ta phải chăm
sóc, yêu thương, kính trọng và phục vụ các ngài. Khi các ngài yếu đau, trí nhớ
giảm sút, con cái phải hết sức kiên nhẫn và lễ phép với cha mẹ, vì khi ta còn
nhỏ, các ngài cũng đã hết sức kiên nhẫn và quảng đại với chúng ta. Cha mẹ đã đổ
biết bao nước mắt vì chúng ta, khi cha mẹ về già, chúng ta phải đem niềm vui đến
cho các ngài đừng để các ngài phải đổ thêm những giọt nước mắt khổ đau buồn tủi
nữa.
Thưa
quý OBACE, ngày tết là ngày đoàn viên xum họp gia đình, ông bà, cha mẹ, con
cháu quây quân bên nhau. Gia đình nào cũng mong ước có một bầu khí ngày tết xum
vầy như thế. Tuy nhiên, không phải tất cả các ông bà, cha mẹ đều có được niềm
vui hạnh phúc trọn vẹn bên con cháu. Thời nay, con người trọng tiền hơn trọng
tình. Vì thế, nhiều người con đã rất thiết sót bổn phận với cha mẹ, bổn phận thảo
hiếu phụng dưỡng cha mẹ được tính toán theo giá đất, được quy ra thành tiền. Có
nhiều người phụng dưỡng cha mẹ không phải vì biết ơn, mà vì ngóng trông phần
hơn, khi chia tài sản của cha mẹ. Khi cha mẹ nghèo khó, hết tiền, hết của, con
cái đùn đầy nhau trách nhiệm trông coi, nuôi dưỡng. Có những người con đem cha
mẹ mình quăng ra đường hoặc hắt hủi cha mẹ như con ăn đầy tớ trong nhà.
Ngày
mồng hai tết, Giáo Hội nhắc lại bổn phận kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ, để mỗi
người rà soát lại xem mình đang chu toàn bổn phận thảo hiếu cách vuông tròn
chưa. Chắc chắn cha mẹ sẽ không sống mãi với chúng ta, vì thế ai còn cha mẹ hãy
làm cho cha mẹ cảm thấy an vui hạnh phúc trong tuổi già. Những ai đã không chu
toàn hoặc đã từng đối xử tê bạc với cha mẹ, cần điều chỉnh lại thái độ của mình
với cha mẹ.
Ngày
hôm nay cũng nhắc cho chúng ta nhớ đến các bậc đã qua đời bằng việc chu toàn việc
đọc kinh, cầu nguyện, xin lễ và nhắc cho con cháu cầu nguyện thường xuyên cho
ông bà. Nhắc cho con cháu biết ơn ông bà cách riêng các dịp giỗ chạp; chăm sóc
cho bàn thờ tổ tiên trong gia đình, đừng để tắt hương lạnh khói vì sự vô ơn hay
vô tình của mình. Hôm nay ta chu toàn bổn phận thảo hiếu, biết kính trong cha mẹ
ông bà, sau này con cái cũng theo gương đó mà kính trọng biết ơn ta.
Xin
Chúa ban niềm vui và bình an xuống trên tổ tiên, ông bà cha mẹ của chúng con,
vì các ngài dã một đời hy sinh vất vả vì chúng con. Xin Chúa ban cho các gia
đình được anh phúc trên thuận dưới hòa, con cháu thảo hiền Amen.
Lm.
Giuse Đỗ Đức Trí.