Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 4

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Thường Niên

Lễ Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thánh

t6t4.jpg

LỜI CHÚA: Lc 2, 22-40

22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa,23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa",24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

29 "Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài."

33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người.34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."

36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm,37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê.40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

SUY NIỆM

Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Thánh Gia, ngang qua ba mầu nhiệm: dâng Hài Nhi Giê-su cho Đức Chúa trong Đền Thánh, tìm được Đức Giê-su 12 tuổi trong Đền Thánh và đời sống ẩn dật. Và trình thuật kể về mầu nhiệm Hài Nhi Giê-su được dâng cho Thiên Chúa trong đền thánh, mà chúng ta mừng kính hôm nay, nói cho chúng ta về Thánh Gia sống một cuộc sống bình thường về mặt Luật đạo sau biến cố Giáng Sinh; trình thuật Giáng Sinh, đến từ việc Thánh Gia sống theo luật đời.

Như thế, Thánh Gia dù được Thiên Chúa tuyển chọn và ban những ơn huệ đặc biệt để thực hiện những sứ mạng lớn lao trong chương trình cứu độ, nhưng vẫn sống cuộc sống như mọi người về mặt xã hội và tôn giáo, không có gì đặc biệt cả. Vì thế, trong trình thuật này, hoàn toàn không có gì lạ lùng. Và chính trong những điều nhỏ bé và bình thường, chúng ta được mời gọi nhận ra những điều phi thường và lớn lao.

(A) Thi hành Lề Luật (c. 21-24)

(B) Ngôn sứ Si-mê-on (c. 25-35)
      và ngôn sứ An-na (c. 36-38)

(A’) “Hoàn tất” Lề Luật (c. 39-40)

1. Theo Luật Chúa truyền (c. 21-24)

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Luca, khi kể lại mầu nhiệm Hài Nhi Giê-su được cha mẹ đem đến Đền Thánh để dâng cho Thiên Chúa, nói đến Lề Luật nhiều lần (c. 22, 23, 24, 27 và 39):

Bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa", và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.

(c. 22-24)

Theo Lề Luật được ghi lại trong các sách Xuất Hành, Lê-vi và Dân Số, có ba nghi thức dành cho người mẹ sinh con trai đầu lòng: lễ cắt bì (St 17 và Lv 12, 3), dâng của lễ thanh tẩy người mẹ (Lv 12, 6-8), và thánh hiến cho Đức Chúa mọi con đầu lòng (Xh 13, 2). Về lễ thanh tẩy người mẹ sau khi sinh, luật buộc phải dâng một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, nếu nhà nghèo thì dâng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Như thế, Thánh Gia thuộc diện gia đình nghèo, như thánh sử Luca kể lại: “Và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.” (c. 24)

Về người con trai đầu lòng, Đức Chúa phán với ông Mô-sê: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Ít-ra-en, dù là người hay là thú vật, nó thuộc về Ta” (Xh 13, 2) Tuy nhiên, vì lòng thương cảm, ông Mô-se đã cho chuộc lại:

Mọi con đầu lòng của giống lừa, ngươi sẽ lấy một con chiên mà chuộc lại; nếu ngươi không chuộc lại, thì đánh gãy ót nó đi. Còn mọi con đầu lòng của loài người trong số con cái ngươi, thì ngươi sẽ chuộc lại. Vậy mai ngày con của ngươi có hỏi: “Điều đó nghĩa là gì?” Thì ngươi sẽ nói với nó: “ĐỨC CHÚA đã dùng cánh tay mạnh mẽ của Người mà đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ…”  

(Xh 13, 13-15;
có thể đọc thêm Xh 34, 20 và Ds 18, 15-16)

Như thế, Luật không buộc dâng tiến con trai cho Đức Chúa, nhưng Đức Maria và thánh Giuse vẫn tiến dâng hài nhi Giêsu cho Đức Chúa. Như thế, các ngài đã “hoàn tất” lề luật bằng cách “vượt qua” lề luật, nghĩa  là chu toàn lề luật bằng lòng biết ơn và lòng mến (chứ không phải vì bị ép buộc), và được thúc đẩy bởi lòng biết ơn và lòng mến; vì thế, các ngài đã làm hơn cả sự đòi hỏi của luật. Đó chính là cách mà sau này Đức Giê-su mời gọi chúng ta “hoàn tất” Lề Luật (x. Mt 5, 17-48).

Trong cuộc sống, nhất là trong đời sống dâng hiến, chúng ta luôn được mời gọi không chỉ sống theo lề luật những còn chọn sống theo một năng động, năng động qui về Chúa hay năng động qui về mình hoặc “những sự khác”, bởi vì Luật không thể qui định hết mọi việc phải làm hay phải tránh. Vì thế, trong truyền thông đời tu, ngày lễ Dâng Hài Nhi Giê-su cho Thiên Chúa, thường được chọn để tổ chức lễ khấn; hoặc bài Tin Mừng này thường được chọn cho ngày lễ khấn.

Trong mầu nhiệm Truyền Tin, Đức Maria đã nói lên lời xin vâng: « Tôi đây là nữ  tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như như lời sứ thần nói ». Lời này của Đức Maria phát xuất từ năng động của lòng biết ơn và yêu mến; vì thế, Mẹ ước ao những gì xẩy ra cho mình không còn theo ý mình, chương trình của mình nữa, nhưng là theo ý muốn của Thiên Chúa. Và chính trong tâm tình của lời “xin vâng”, mà Mẹ được mời gọi dâng lại cho Thiên Chúa chính người con mình sinh ra, giống như Abraham, người con từ xương thịt máu huyết của mình, để cho người con thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, chứ không phải của mình; và nếu theo kế hoạch của Thiên Chúa, thì Mẹ phải chịu thử thách và đau khổ nhiều, như cụ Si-mê-on tiên báo: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (c. 35) Như thế, Mẹ Maria đã học biết dâng con mình cho Đức Chúa ngay lúc sinh ra. Và phải sống điều này từng ngày (biến cố 12 tuổi là dấu chỉ). Thế mà, Đức Giêsu đối với mẹ là yêu quí nhất, thiết thân nhất, gắn bó nhất, và như là chính bản thân mình.

Còn chúng ta, dĩ nhiên chúng ta không có « người con duy nhất », nhưng chúng ta luôn có những điều yêu quí, thiết thân, gắn bó như chính bản thân mình. Luật không buộc chúng ta phải dâng tiến đời mình trong đời tu, dâng tiến những gì mình có và mình là, dâng tiến ý riêng, quyền làm cha làm mẹ, quyền sở hữu. Nhưng chúng ta, giống như Đức Maria, chúng ta dâng tiến tất cả vì lòng biết ơn và yêu mến. Nếu không có lòng biết ơn và lòng yêu mến, chúng ta không thể sống đời tu, còn được gọi là « đời sống thánh hiến ».

2. Ngôn sứ Si-mê-on và ngôn sứ An-na (c. 25-38)

a. Ngôn sứ Si-mê-on (c. 25-35)

Chính trong hành động dâng tiến điều quí giá nhất, là Hài Nhi Giê-su, mà ơn cứu độ được nhận ra và tuyên xưng bởi ngôn sứ Si-mê-on. Ông là người công chính và sùng đạo, mong chờ niềm an ủi của Israen, và cũng là của chính ông (được diễn tả qua lời chúc tụng). Đặc biệt « Thánh Thần ngự trên ông » (« Thánh Thần » được nói tới 3 lần), ông là con người thiêng liêng. Ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng :

Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi,
vì chính mắt con được nhìn thấy ơn cứu độ.

(c. 29-30)

Chắc chắn ông đã phải chờ đợi biến cố này rất lâu. Chúng ta cũng cần học ở nơi ông sự kiên nhẫn chờ đợi ơn an ủi. Như chúng ta đều biết, lời chúc tụng của ngôn sứ Si-mê-on trở thành lời kinh tối hằng ngày của chúng ta, bởi vì mỗi tối nhắc nhớ chúng ta thời điểm cuối cùng của cuộc đời chúng ta, tất yếu sẽ đến và không biết đến lúc nào ; và chúng ta được mời gọi như ngôn sứ Si-mê-on, cũng nói lên niềm vui được nhìn thấy ơn cứu độ.

Khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa, lòng ước ao của chúng ta và Thánh Thần làm cho chúng ta nhận ra, gặp gỡ, lắng nghe, học tập để hiểu biết và yêu mến Chúa, ngang qua những gì rất « nhỏ bé và đơn sơ », đó là Lời Kinh Thánh.

Chúng ta được mời gọi nhận ra sự tương phản : một bên là em bé mới sinh, yếu đuối, nhỏ bé, bất lực ; một bên là niềm tin thật lớn và niềm vui cũng thật lớn : ông nhìn thấy ơn cứu độ nơi Đức Giêsu bé nhỏ. Ơn cứu độ mà ông nhìn tận mắt là gì, là ai: một em bé, trong tay vợ chồng trẻ đơn sơ bình dị (bố là thợ mộc, mẹ là nội trợ; giống như cha mẹ nhiều người trong chúng ta). Nhưng niềm vui đến từ xác tín thật là lớn. Chúng ta chứng kiến và đón nhận nhiều hơn thế, nhưng chúng ta ít vui bằng.

Các mục đồng được các thiên thần loan báo tin trọng đại, nhưng điều mà họ nhìn thấy, chỉ là một hài nhi bọc tả. Sau này, các môn đệ, và cả loài người chúng ta được mời gọi nhìn ra ơn cứu độ nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, cũng yếu đuối, nhỏ bé và bất lực. Nhưng điều chúng ta tin, lại là sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa.

Vị ngôn sứ cũng loan báo khó khăn của Đức Giêsu, nhưng đồng thời đó cũng là cuộc “thương khó” của Đức Maria: “Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng… Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” Con tim của Mẹ sẽ tan nát, khi mất đi người con. Nhưng mẹ đã học để mất từ từ rồi và ngay ở đây, khi dâng Người Con yêu dấu và duy nhất cho Đức Chúa. Nhưng chính khi cho là lãnh nhận, lãnh nhận gấp trăm ; thực vậy, Mẹ sẽ nhận lại Người Con rạng ngời trong mầu nhiệm Phục Sinh cùng với « một đàn con đông đúc ».

b. Nữ ngôn sứ An-na (v. 36-38)

Vị nữ ngôn sứ ở tuổi tám mươi, không nói gì cả, chỉ sống hi sinh âm thầm mà thôi. Trong khi đó ông Simon thì nói nhiều! Bà sống như một nữ tu kín thật lâu: cứ cho là bà lấy chồng lúc 20 tuồi, 7 năm sau thì ở góa, và đến nay đã ở góa được năm mươi bảy năm! Bà là hình ảnh sống động của sứ điệp mà trình thuật Tin Mừng muốn truyền đạt cho chúng ta: đó là dâng lại cho Đức Chúa tất cả. Thật vậy, như bài Tin Mừng diễn tả, “bà không rời bỏ đền thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa”. Chính vì thế mà bà cũng được ơn nhận ra ơn cứu độ nơi hài nhi Giêsu.

Và sau khi gặp gỡ hài nhi, bà “nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem”.

3. Hoàn tất Lề Luật (v. 39-40)

Sau khi hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, Thánh Gia trở về cư ngụ ở làng Nadarét, miền Galilê. Tiếp theo là đời sống ẩn dật kéo dài suốt 30 năm, và các Tin Mừng hầu như không kể lại gì về thời gian này. Tại sao? Đơn giản là vì, đời sống này rất đỗi bình thường, như cuộc đời của chính chúng ta. Chẳng có gì đặc biệt để có thể viết thành sách hồi kí với những tình tiết và giai đoạn sóng gió, li kì.

Bình thường, nhưng cũng rất lạ lùng, vì sự kì diệu của ngôi vị Đức Giêsu trong lời nói và việc làm sau này được chuẩn bị từ thời gian âm thầm này. Chẳng hạn, cách Ngài nói về Chúa Cha, cách Ngài giảng bằng các dụ ngôn, cách Ngài tiếp xúc với những người bệnh tật, thấp hèn, tội lỗi, nhỏ bé… chắc chắn xuất phát từ kinh nghiệm sống sâu xa và sự học hỏi bền bỉ trong những năm tháng dài của đời sống ẩn dật. Theo gương Đức Giê-su Hài Đồng và Niên Thiếu, chúng ta được mời gọi đón nhận tối đa thời gian chuẩn bị, huấn luyện, học tập, thực tập… thay vì để lãng phí, và nhất là thời gian tĩnh tâm cầu nguyện.

Và trong thời gian này, “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan” (c. 40). Ngài đầy khôn ngoan, nhưng là sự khôn ngoan nào?

Chúng ta được mời gọi cảm nhận nơi Ngài sự khôn ngoan thần linh, được tỏ bày trong lời nói và việc làm của Ngài, và nhất là nơi Thập Giá. Thập Giá dưới mắt của con người là điên rồ và sỉ nhục, nhưng đối với chúng ta, những người được Chúa kêu gọi, lại là Khôn Ngoan thần linh (x. 1Cr 1, 24).

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Thường Niên_Lm Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần V Thường Niên Năm C - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Thường Niên_Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Thường Niên_Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IV Thường Niên_Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Thường Niên-Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên Năm B- LM ĐAN VINH- HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên Năm B-Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     CHỦ NHẬT V TƯỜNG NIÊN_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Thứ Bảy tuần IV Thường Niên: NGHỈ NGƠI BÊN CHÚA_ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     LỄ ĐỨC MẸ DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH: DÂNG HIẾN CHÍNH MÌNH CHO CHÚA VÀ SỐNG THEO ÁNH SÁNG CỦA CHÚA- Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IV Thường Niên: HÃY TRÂN TRỌNG NHAU- Tam Thái
     Suy niệm Lời Chúa thứ ba tuần IV Thường Niên: LUẬT CẦU NGUYỆN: LÒNG TIN- Louis Hà, O.M.I