Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IV Thường Niên
Lời
Chúa: Mc 6: 1-6
(1) Ðức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các
môn đệ đi theo. (2) Ðến ngày sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong
hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: "Bởi đâu ông ta
được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm
được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? (3) Ông ta không phải là
bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon
sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?" Và họ
vấp ngã vì Người. (4) Ðức Giêsu bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng,
thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và
trong gia đình mình mà thôi." (5) Người đã không thể làm được
phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. (6)
Người lấy làm lạ vì họ không tin.
Suy
Niệm
Trong tương quan hàng ngày, tâm lý người
Việt dễ thường biểu lộ “cá mè một lứa” hay “gần quá hóa bùn”. Chúng ta dễ dàng
thần tượng hóa những thành công của người xa lạ, trái lại khó đón nhận những
thành quả của những người thân cận hay xung quanh. Có lẽ sự gần gũi và quá biết
thân thế, xuất xứ của nhau nên dẫn đến tâm lý cào bằng, coi thường, “gần chùa gọi
bụt bằng anh” là như vậy.
Những suy nghĩ thiển cận ấy, những thái
độ coi thường ấy cũng đã từng tồn tại nơi những người Do thái xưa kia. Hôm nay Tin
mừng kể lại việc Chúa Giê-su trở lại quê hương xứ sở, ngày Sa-bát, Ngài vào đền
thờ đọc Kinh thánh và giảng dạy Lời Chúa. Thánh sử Mác-cô cho thấy chính những
người thân thuộc, bà con lối xóm tỏ ra lãnh đạm, thờ ơ với Lời Chúa; thậm chí họ
còn chỉ trích, lên án và coi thường về thân thế và gia đình của Ngài. Vì thế
Chúa Giê-su chỉ chúc lành trên một vài người và Ngài cũng không làm một phép lạ
nào tại đó.
Sở dĩ Chúa Giê-su không làm một phép lạ
nào tại đó, bởi vì phép lạ chỉ xảy ra khi xuất phát từ niềm tin, lòng cậy trông
và sự tín thác. Những yếu tố này đã không có nơi những người thân cận, xóm giềng
của Chúa Giê-su. Như vậy, với lối suy nghĩ “xấu đều hơn tốt lỏi”, “quen quá hóa
bùn” đã làm họ đánh mất cơ hội để được lắng nghe Lời Gia-vê khuyên dạy, để được
chính Đấng Cứu Độ trần gian chúc phúc và cứu chuộc họ.
Trong đời sống thường ngày, sự thiếu
tôn trọng đối với những người thân cận làm cho chúng ta bỏ qua nhiều cơ hội
thăng tiến và xây dựng tình huynh đệ nồng thắm. Trong đời sống Giáo hội cũng vậy,
sự gần gũi với những người có trách nhiệm như hàng giáo phẩm, các tu sĩ đối với
giáo dân đôi khi cũng bị bóp méo, “quen quá hóa bùn” đưa đến lối hành xử “cá đối
bằng đầu”, tệ hại hơn là “bới vết tìm sâu”. Những cách hành xử thiếu nhân bản
và khách quan như vậy đã làm cho sinh hoạt của cộng đồng thêm rối bời, thiếu đi
sự hợp nhất và yêu thương tự tại của nó.
Những cách cư xử theo kiểu “quen quá
hóa bùn” hay “gần chùa gọi Bụt bằng anh” cũng ảnh hưởng không tích cực nơi đời sống đức tin của người
Ki-tô hữu? Tham dự Thánh lễ hàng ngày như một công thức, siêng năng tham dự các
Bí tích nhưng thiếu tinh thần học hỏi và trân trọng. Thiếu một trong hai giá trị
này dễ làm cho những Thánh lễ và các Bí tích giảm đi sự thánh thiêng vốn có của
nó. Bởi lẽ tâm tình tạ ơn, thái độ đáp trả và tinh thần tin yêu nơi Chúa phải
là ưu tiên hàng đầu và trên hết của mỗi người Ki-tô hữu. Chúng ta đừng bao giờ
để cho sự “quen quá hóa bùn” ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày nói chung, cách
riêng là đời sống đức tin. Tương quan, sự gần gũi, thân quen luôn là ưu tiên,
là hơi thở, là sự sống nơi cộng đồng. Năng cận năng thân, càng gần gũi, càng phải
hiểu biết và trân trọng hơn. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng vào một cộng đồng
tình yêu và an bình ngay tại thế này. Amen.
Lm Micae Vũ
An Lộc