Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên
Năm B
ĐỨC GIÊSU – ĐẤNG QUYỀN NĂNG
Trong những
tuần vừa qua, các bài đọc Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta: Đức Giêsu là Đấng Cứu
Thế Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại. Ngài đã đến để khai mở Nước Trời, kêu
gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng. Chúa nhật hôm nay, Tin Mừng giới thiệu
cho chúng ta: Đức Giêsu chính là một vị Thiên Chúa quyền năng. Quyền năng của
Ngài khiến cho mọi tà thần, ma quỷ phải khiếp sợ.
Quyền
năng của Đức Giêsu hoàn toàn khác với quyền lực của thế gian. Thế gian dùng quyền
lực để thống trị, uy hiếp người khác và bảo vệ cho địa vị của mình. Còn quyền
năng của Đức Giêsu là uy quyền của một vị Thiên Chúa, Đấng tạo thành và làm chủ
mọi loài mọi vật trên vũ trụ này. Ngài dùng quyền năng để xua trừ ma quỷ và tội
lỗi, đem lại niềm vui, giải thoát và hạnh phúc cho nhân loại.
Trong ký ức
của người Do Thái, ông Mose vừa là một thủ lĩnh tài ba, vừa là một vị đại ngôn
sứ uy thế trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Mose được coi như một vị anh hùng
thay mặt Chúa, đứng ra để lãnh đạo dân thực hiện cuộc xuất hành khỏi Ai Cập. Biến
cố xuất hành đã thay đổi hoàn toàn số phận của dân Israel. Từ một dân nô lệ,
Israel trở thành dân tự do, từ một dân du mục, trở thành những người được định
cư tại miền đất hứa. Không những thế, trong suốt bốn mươi năm vượt sa mạc, Mose
còn được coi như là nhà tổ chức và người lập luật cho dân tộc này. Bộ luật của
Mose (Ngũ Kinh) vẫn còn ảnh hưởng trên dân Do Thái cho đến ngày hôm nay.
Bài đọc một
cho thấy, lúc Mose đang được tôn trọng như một ngôn sứ vĩ đại, ông đã tiên báo
rằng: Thiên Chúa hứa, từ giữa anh em, Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một vị ngôn sứ
như tôi để giúp anh em. Anh em hãy nghe lời vị ấy. Vị ngôn sứ này sẽ trở thành
trung gian nói lời của Thiên Chúa cho dân và chính Ngài sẽ là hình ảnh của
Thiên Chúa giữa muôn dân: Ta sẽ đặt lời ta trong miệng người ấy, Vị đó sẽ nói với
các ngươi những gì ta truyền cho các ngươi. Vì thế, kẻ nào không nghe lời ta
truyền qua miệng của vị đó, kẻ ấy sẽ phải chết. Lời tiên báo của Mose đã được
các tác giả Tin Mừng thấy ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Vì thế, Tin Mừng hôm nay
muốn giới thiệu cho chúng ta, Đức Giêsu chính là một Mose mới, là một vị ngôn sứ
quyền năng đã được Mose cũ tiên báo.
Ngay những
ngày đầu tiên xuất hiện công khai rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa tại vùng
Caphanaum, Đức Giêsu đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều người. Họ tin Ngài
như là một ngôn sứ và còn hơn hẳn các ngôn sứ trước đây, kể cả Gioan Tiên Hô, Đức
Giêsu đã giảng dạy với uy quyền của một vị Thiên Chúa, khiến cho dân chúng kinh
ngạc.
Dân thành
Caphanaum không chỉ kinh ngạc về lời và cách thức giảng dạy của Chúa Giêsu, mà
các việc làm của Ngài còn khiến dân chúng kinh ngạc hơn. Lúc đó, trong hội đường,
có một người bị thần ô uế ám. Khi thấy Đức Giêsu, thần ô uế la lên: Hỡi ông
Giêsu Nazareth, chúng tôi có can chi đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?
Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Chi tiết này cho thấy,
nếu như trước đây, nhân loại bị ràng buộc dưới quyền lực thống trị của ma quỷ
và các thần xấu, hôm nay, với sự xuất hiện của Đức Giêsu, ma quỷ phải khiếp sợ,
thế lực của nó bị đẩy lui và bị tiêu diệt. Chính ma quỷ đã phải thú nhận điều
đó, sự xấu đã phải đầu hàng trước sự thánh thiện, thần ô uế phải trốn chạy trước:
Đấng Thánh của Thiên Chúa.
Chúa
Giêsu đã không dung tha cho ma quỷ, không thỏa thuận, thỏa hiệp với thế lực sự
xấu, Ngài đã quát mắng và ra lệnh cho chúng: Câm miệng, và xuất khỏi người này.
Bằng một mệnh lệnh đầy uy quyền của một vị Thiên Chúa, đã khiến cho ma quỷ và
tà thần buộc phải câm miệng và xuất ra. Thần ô uế dằn vặn người bị nó ám, thét
lên và xuất ra khỏi người bị ám. Việc làm này của Chúa Giêsu chứng tỏ rằng: Nước
Trời và quyền năng của Thiên Chúa đã thực sự lan tỏa trên mặt đất, giải thoát
và đem đến cho con người sự tự do. Những ai tin vào Đức Giêsu là Đấng quyền
năng, thì sẽ được quyền năng của Ngài bảo vệ. Với sự xuất hiện của Đức Giêsu,
nhân loại và vũ trụ này sẽ được giải thóat khỏi sự sợ hãi, ràng buộc, nô lệ của
ma quỷ và các thế lực bóng tối và được tự do, sống trong ánh sáng.
Tin Mừng
Marcô đã ghi nhận phản ứng của dân chúng khi chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu thực
hiện. Dân chúng sững sờ, ngạc nhiên, họ đặt ra nhiều câu hỏi để tìm hiểu về con
người và việc làm của Chúa Giêsu. Họ suy nghĩ về ý nghĩa và lời giảng của Ngài.
Họ nhận định: Lời giảng của Ngài thì mới mẻ; người giảng thì có uy quyền. Dân
chúng đã đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi hết sức quan trọng: Ngài là ai mà lại
ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh?
Mặc dù
tác giả Tin Mừng đã không ghi nhận câu trả lời của dân thành Caphanaum, nhưng lại
cho thấy niềm tin của họ, đó là, những người này đã tin và loan truyền danh tiếng
của Ngài cho khắp vùng Galilea. Phải chăng khi không ghi lại câu trả lời của những
người dân thành Caphanaum, tác giả Tin Mừng muốn mỗi chúng ta ngày nay tự tìm
câu trả lời cho riêng mình: Đức Giêsu là ai đối với tôi ?
Ngày nay chúng nhận biết Chúa Giêsu, từng chứng
kiến bao việc lạ lùng Ngài đã thực hiện cho mình và gia đình, nhưng nhiều người
vẫn không thán phục và không đặt trọn niềm tin nơi Ngài. Nhờ Bí Tich Rửa tội,
chúng ta trở nên công dân Nước Trời, nhưng nhiều người vẫn không suy phục quyền
năng của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu. Họ không chạy đến cầu xin Người mỗi khi bị
thử thách, bị tội lỗi vây bủa, giam hãm, mà lại tìm kiếm, cậy dựa vào thế lực của
ma quỷ, tối tăm như: xem thày- bà, bói- toán. Nhiều người đã không tin Thiên
Chúa quyền năng luôn làm mọi điều tốt đẹp, luôn bảo vệ và gìn giữ chúng ta, nên
đã thực hành tin kiêng, mê tín, theo kiểu dân ngoại, coi ngày coi giờ, kiêng mồ,
kiêng mả.
Nhiều người
đã để gia đình mình trống rỗng, không có Chúa, không có việc đạo đức, không có
giờ kinh sớm tối, trở thành chỗ cho ma
quỷ và các sự xấu xâm nhập. Ma quỷ không thể làm điều tốt, chúng chỉ có thể đem
đến sự bất hòa bất thuận, chúng gieo sự hồ nghi vào trong gia đình. Ma quỷ và sự
lười biếng là thủ phạm gây ra cãi vã, rạn nứt; sự lười biếng dẫn đến say sưa,
nhàn cư vi bất thiện, khiến nhiều gia đình đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ, bất
hòa.
Để khôi
phục lại sự tin tưởng lẫn nhau và sự êm ấm trong gia đình, đòi các thành viên,
từ cha mẹ đến con cái, phải suy phục, tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa.
Mỗi người phải không ngừng khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời
và gia đình, đặt Chúa Giêsu vào vị trí trung tâm của đời sống cá nhân và gia
đình. Thiên Chúa sẽ không thể hiên quyền năng khi chúng ta từ chối không tin
Ngài. Vì thế muốn Thiên Chúa làm chủ và xua đuổi sự dữ, sự xấu ra khỏi gia đình
và cuộc sống, mỗi người cần khiêm tốn và hoàn toàn đặt trọn niềm tin nới Chúa;
để cho Ngài hướng dẫn và vâng theo sự hướng dẫn của Ngài. Siêng năng dâng lễ và
rước Chúa vào tâm hồn là cách tốt nhất để mời Chúa về gia đình. Giờ kinh tối là
cách để cho Lời Chúa uốn nắn điều khiển gia đình. Khi chuyên chăm như thế,
Thiên Chúa sẽ thực hiện quyền năng của Ngài và những điều kỳ diệu trong gia
đình.
Xin Chúa
giúp chúng ta luôn ý thức rằng, chúng ta cũng được “chia sẻ vào quyền năng” của
Thiên Chúa để đem lại hạnh phúc cho người khác. Vì thế, xin cho chúng ta biết sống
tâm tình suy phục, biết ơn Thiên Chúa và dùng khả năng Chúa ban để phục vụ anh
em đồng loại, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho người chung quanh. Amen.
Lm. Giuse
Đỗ Đức Trí.