Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 4

CHỦ NHẬT 4 TN

Chúa Giê su công bố các mối phúc thật

c.jpg

Chúa Giê su đã đến để thực hiện cuộc giải thoát con người khỏi điều kiện mà thế gian áp đặt để giúp họ đạt được hạnh phúc đích thực. Xã hội mới mà Chúa Giê su mời gọi chúng ta vào được liên kết với sự thay đổi các Giá trị, Nó giúp chúng ta sống một cách khác trong thế giới của chúng ta.

Sách tiên tri Xô phô nia  2, 3; 3, 12-13

Vương quốc Giu-đa bị hăm dọa tứ phía và sắp diệt vong. Tiên tri Sôphônia tin vào một sự trừng phạt những ai đã bỏ Chúa. Nhưng ông thấy rằng những người nghèo trên trần gian, những ai tin vào sự công chính sẽ thoát khỏi thảm họa và sẽ hình thành một “số Sót” mà một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ qui tụ trên núi thánh.

Thánh Vịnh 145

Khác với những nhân vật lớn trên trần gian, Thiên Chúa ban cho những người đơn sơ và nghèo khó một chỗ nương tựa. Người là đấng tái thiết trật tự trong một thế giới băng hoại.

Thư 1 Côrintô 1, 26-31

Tín hữu Côrintô phần lớn là những người đơn sơ, nghèo khó, nhưng lại chia rẽ thành phe phái đối nghịch nhau. Làm như thế họ bắt chước những người giàu có. Vì thế, qua họ, Thiên Chúa muốn bày tỏ những giá trị chân thực, và họ được mời gọi làm chứng sự khôn ngoan đích thực cho những ai tin rằng mình là quan trọng.

Tin mừng: Mt 5,1-12

NGỮ CẢNH

Mt gom các giáo huấn của Chúa Giê su vào trong năm diễn từ dài, và diễn từ thứ nhất từ chương 5 đến 12 thường được gọi là diễn từ trên núi.

Có thể đọc đoạn tin mừng theo bố cục sau đây:

1. Nhập đề 5,1-2

2. Các mối phúc 5,3-12

TÌM HIỂU

Núi: có thể là một ngọn đồi nào đó khá quen thuộc đối với độc giả tin mừng (x. Mc 3,13; Lc 6,12). Cũng có thể là ngọn đồi ở gần Caphacnaum, kinh thành của Chúa Giê su (4,13), mà ngày nay người ta gọi là “Núi Bát Phúc”. Mt gọi đó là núi vì muốn độc giả nhớ tới ngọn núi Si nai, nơi ông Mô sê lãnh nhận lề luật. Chúa Giê su sắp ban hành Luật mới trong tư cách là Mô sê mới.

Người ngồi xuống: đó là tư thế của vị thầy đang giảng dạy (23,2). Tư thế nầy cũng được nhắc đến trong các câu 13,1-2; 24,3. Điều mà Ngài sắp ban ra là một giáo huấn quan trọng. Để nhấn mạnh điều đó, Mt dùng kiểu nhập đề: “Ngài mở miệng dạy họ rằng:..”(5,2).

Phúc thay: sách Tin mừng chứa đựng một tin vui. Lời đầu tiên mà Chúa Giê su mang đến công khai nhắc nhớ điều đó.

Thông thường, những ai đã gặt hái nhiều thành công lớn lao cho cuộc sống được coi là người có phúc. Trái lại, các mối phúc của Chúa Giê su thì lại tán dương một vài cách sống mà bình thường chắc chắn không được ca ngợi. Tuy nhiên, đây không phải là những mâu thuẫn, nhưng là lời mời gọi đánh giá lại theo đức tin.

Tâm hồn nghèo khó: nghèo khó ở đây không nhất thiết là nghèo thật, khác với Lc 6,20. Khi nói: “tâm hồn nghèo khó", dường như ở đây Chúa Giê su muốn nói đến người không biến sự giàu có vật chất hay danh tiếng trong xã hội làm nơi nương tựa cho mình. Mặc cho số phận có vẻ tầm thường, họ đặt tất cả niềm hi vọng nơi một Thiên Chúa mà thôi. Chúa Giê su được mặc lấy Thánh thần và được uỷ thác đến trần gian để mang Tin Mừng cho những người ấy (Lc 4,18). Dưới hai hình thức khác nhau, những lời công bố đầu tiên nầy trong Mt và Lc đem tin vui đến cho những người giống nhau.

Nước Trời: chính là đỉnh cao cho các mối phúc (x.5,10). Điều nầy chứng tỏ rằng chính Nước Trời là đối tượng giáo huấn của Chúa Giê su. Nước Trời là trạng thái mới và quyết định cho các tương quan giữa con người và Thiên Chúa. Chúa Giê su không định nghĩa Nước Trời dù rất thường đề cập đến. Ngài tuyên các mối phúc cho người biết mở tâm hồn ra đón nhận Nước Trời: cho những ai mở rộng tâm hồn hướng về Thiên Chúa.

Ủi an: ngày trước tiên tri Isaia đã loan báo thời đại “an ủi lớn lao” ban cho Israel (Is 40,1), nghĩa là chấm dứt lưu đày; nối dài sự giải phóng mà Kyrô mang đến năm 538, cũng là sự an ủi mà đấng Messia, một Ky rô mới sẽ mang lại (x. Is 45,1) và sự an ủi mà những kẻ nghèo đợi trông, như ông già Simêông chẳng hạn (Lc 2,25).

Hiền lành: mối phúc nầy hướng về người lân cận. Từ “nghèo” và “hiền lành” thường dịch từ một từ Híp pri: người nghèo trước mặt Thiên Chúa đồng thời cũng là người hiền lành đối với anh em mình. Phúc nầy hứa cho những kẻ hiền lành những gì mà Thánh Vịnh 37,11 đã loan báo cho họ. Nhưng “đất” là biểu tượng của “đất mới” (mà Kh sẽ nói tới trong 21,1, sau Is 65,17;66,22), và cũng không khác với Nước Trời của mối phúc thứ nhất.

Như thế, ba mối phúc đầu tiên loan báo vương quốc thiên sai do Chúa Giê su thiết lập.

Nên để ý là trái với hai mối phúc kia, mối phúc thứ hai mô tả một thái độ bị động vì nói với những người buồn sầu. Cũng thế mối phúc thứ tám và cuối cùng diễn tả một thái độ bị động: không ai tự bách hại mình nhưng chỉ bị bách hại mà thôi. Do vậy giữa mối phúc thứ hai và thứ tám có nét tương tự.

Khát khao nên người công chính: sự công chính hệ tại ở điều gì mà lại mọi người phải khao khát? CƯ mong chờ đấng Messia như là đấng tái thiết sự công chính hoàn toàn (Is 9,6; 11,5; Gr 23,5; Tv 45, l4). Như thế, chúng ta hướng về đấng Messia được Thiên Chúa sai đến. Mối phúc nầy chỉ sự công chính của Thiên Chúa. Tuy nhiên, con người không chỉ ở yên bị động, nhưng trái lại hành động theo lề luật Thiên Chúa, tiếp nhận “sự công chính từ Thiên Chúa là ơn cứu độ” (Tv 24,5). Trong TƯ, sự công chính nầy bao gồm việc sống hoàn toàn phù hợp với lề luật, hoặc đúng hơn sự hoàn thành lề luật cũ mà phần trung tâm của diễn từ sẽ trình bày (5,17-7,12).

Xót thương người: Mối phúc nầy, như mối phúc thứ ba của nhóm thứ nhất, mô tả một lối cư xử trong tương quan với người lân cận, và bổ sung cho mối phúc trên: khi khát khao được công chính, người ta dễ tỏ ra nghiêm khắc với những ai không trải nghiệm sự khao khát cùng một mức độ như mình: những người trong sạch thường cứng cỏi. Mối phúc mời gọi họ phải có lòng thương xót đối với sự yếu đuối của anh em mình.

Tâm hồn trong sạch: như trong mối phúc thứ nhất người ta có thể diễn dịch: “trong sạch trong tâm hồn”. Tâm hồn (hay trái tim) đối với một người sê mít là nơi phát sinh ra ý tưởng. Người có tâm hồn trong sạch là người thực sự hướng về Thiên Chúa, như vế thứ hai xác định: “họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa”.

Xây dựng hoà bình: tư tưởng và hành động đi đôi với nhau: việc chăm chú tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa mời gọi thực hiện thánh ý của Người trong các mối tương quan của chúng ta với người lân cận.

Vì sống công chính: sự công chính được nhắc lại ở câu 5,6 và ở đây, đối với Mt là một chủ đề quan trọng, và sẽ được mô tả phong phú trong đoạn 5,17- 48, cho thấy sự vượt trội của luật mới. Đàng khác, sự công chính luôn đi  đôi với sự bách hại các môn đệ.

Phúc thay anh em: các câu 11 và 12 dùng để chuyển tiếp giữa ý tưởng bách hại và ý tưởng bành trướng khắp nơi (5,13-16). Hai câu áp dụng cho người môn đệ mối phúc thứ tám. Do đó, câu chuyển sang ngôi thứ hai số nhiều. Và thật bất ngờ, kiểu nói “vì sống công chính” (5,10) trở nên  cụ thể hơn: “vì cớ Ta”. Thật vậy, các tông đồ sẽ được hạnh phúc khi chịu đau khổ vì Đức Ki tô (Cv 5,41; Cl 1,25; Hr 10,34). Những sự bách hại nầy đưa tới hậu quả là làm cho Vưong quốc được lớn lên, điều được nói đến trong các câu tiếp theo (5,13-16).

SỨ ĐIỆP

Bài tin mừng hôm nay chúng ta đều thuộc lòng vì đã được nghe đi nghe lại nhiều lần. Nhưng nếu chúng ta chỉ nghe lướt qua thì có thể chúng ta sẽ đánh mất điều cốt yếu. Một trong những điều đầu tiên mà chúng ta phải đề ý là Chúa Giê su không nói về hạnh phúc của những người bần cùng. Đó sẽ là một xúc phạm đến Thiên Chúa là tình yêu. Sự khốn cùng, sự đau khổ, bệnh tật là những tai họa mà chúng ta phải chống lại bằng tất cả khả năng của chúng ta.

Để hiểu rõ sứ điệp của bài tin mừng nầy, cần phải biết rằng trong Kinh Thành, từ “nghèo” không có cùng nghĩa như trong ngôn ngữ hiện nay. Sự nghèo khó không có liên hệ gì đến tiền bạc cả. Người nghèo mà CƯ nói đến, đó là những người không có tâm hồn tự cao và cái nhìn tự phụ. Đó là những người bé nhỏ, khiêm nhường. Hoàn toàn ngược lại với những người đầy đủ, hài lòng về chính mình, tự hào về những hiểu biết và quyền lợi của mình.

Người nghèo khó thực sự theo Tin mừng là người nhận ra rằng mình còn thiếu một điều cốt yếu nào đó. Thế nên như tiên tri Sô phô ni a đã nói: Người nghèo tìm nơi ẩn náu bên Chúa, vì được nhận lãnh tất cả như quà tặng từ nơi Thiên Chúa. Nếu chúng ta đặt niềm tin cậy vào Thiên Chúa, Người sẽ ban cho chúng ta đầy mọi sự giàu samg. Nhiều người vui mừng bởi vì họ đã tìm và đã gặp Chúa, Nhưng chúng ta phải đặc biệt mừng vui bởi vì chính Thiên Chúa đã đến tìm chúng ta và Người đã gặp. Tất cả những gì chúng ta hiện có, đều là quà tặng Thiên Chúa ban cho, chứ không do một công trạng nào của chúng ta.

Bài tin mừng nầy giúp chúng ta nhận ra một sự khác biệt lớn lao với những gì mà chúng ta sống trong thế gian. Có nhiều người chạy theo của cải vật chất tiêu dùng. Họ nghĩ rằng những thứ đó là thiết yếu cho hạnh phúc của họ. Thế nhưng, rõ ràng là chúng không thể mang lại bình an trong tâm hồn là điều kiện cần thiết mang lại hạnh phúc thật. Chính đó là tin mừng mà những kẻ khôn ngoan và thông thái không muốn hiểu, nhưng có những ai có tâm hồn nghèo khó, bé nhỏ mới có thể tiếp nhận mà thôi.

Vì thế, Tin mừng nầy muốn nói với tất cả những ai đang bị chìm ngập trong đau khổ, nghèo khó, khốn cùng và bị bỏ rơi, đang càng ngày càng chiếm đa số. Các sách Tin mừng cho chúng ta thấy chính Chúa Giê su đã trở nên một người như họ, sống khó nghèo với những người nghèo. Ngài luôn ở bên cạnh họ, thậm chí còn tự đồng hóa với từng người trong họ.

Đồng hành với loài người nghèo khổ, Chúa Giê su muốn cứu thoát và giúp họ cảm nghiệm hạnh phúc mà Ngài đem đến cho họ. Họ được gọi là hạnh phúc không phải vì sự nghèo khó mà họ phải chịu, nhưng bởi vì Chúa Giê su hiện diện với họ và nhờ Ngài, cuộc đời của họ tìm được một ý nghĩa giúp họ có thể chỗi dậy và lên đường, vì tự sức riêng mình, không ai còn đủ sức để đứng dậy. Và mối phúc ấy như một lời mời gọi chúng ta phải hành động cho tin mừng. Tiếng kêu khổ đau của họ, chúng ta phải trân trọng. Đối diện với người chịu đau khổ, trước hết chúng ta phải im lặng để âm thầm lắng nghe. Thinh lặng và lắng nghe như vậy vì chúng ta muốn chứng tỏ lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Người hiện diện trên đường cuộc đời chúng ta. Ngài bảo đảm với chúng ta rằng Ngài ở với chúng ta hết mọi ngày cho đến tận thế.

Câu chuyện của Adema de Borros có thể giúp chúng ta hiểu điều đó. Đó là câu chuyện về một người đi trên bãi biển. Khi nhìn lại đằng sau để tổng kết toàn bộ quá khứ cuộc đời mình, Adema đã nhận ra những vết chân, vết chân của ông và của Chúa đan xen vào nhau. Nhưng ở một vài đoạn đường, chỉ có một vết chân. Thế mà khoảng thời gian đó lại trùng khớp với những ngày khó khăn nhất trong cuộc đời, những ngày lo âu, sợ hãi và đau khổ nhất. Bấy giờ anh ta hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã nói rằng Chúa ở với con mọi ngày trong đời con, và con đã chấp nhận ở với Chúa. Nhưng trong những lúc khó khăn nhất trong cuộc đời,  tại sao Chúa bỏ con một mình,?” Bấy giờ Chúa trả lời ông rằng: “Cha không bao giờ bỏ rơi con, những ngày mà con thấy chỉ có một vết chân trên cát đó là những ngày Ta mang con trên vai”.

Người nghèo trong tâm hồn đó là người nhận ra rằng mình đã nhận tất cả mọi sự từ Chúa, là người để cho Ngài mang đi, tin tưởng vào Ngài trong mọi lúc, đặc biệt trong những lúc khó khăn nhất trong cụôc sống.

Và hơn ai hết, Đức Ki tô qui tụ mọi phúc lành của Thiên Chúa. Ngài là người nghèo nhất, hiền lành và có tâm hồn khiêm nhường, luôn chờ đợi tất cả từ nơi Thiên Chúa Cha. Những mối phúc trên là cách mô tả Nước Trời. Đó là nơi mà sự khiêm nhu, hiền hòa, vui mừng, công chính, lòng thương xót, sự trong sạch và bình an ngự trị.

Trong Cựu Ước Đất Hứa, vùng đất chảy sữa và mật, nhận lấy sứ mạng là phản ảnh của Nước Trời, môt nơi chan chứa tình thân hữu, công chính và bình an. Đây là lúc mà chúng ta cần nhớ lại rằng mọi nơi ở của chúng ta trên mặt đất nầy cũng phải phản chiếu của Vương quốc, nơi chan hòa tám mối phúc thật. Chính khi chọn sống với Đức Ki tô mà chúng ta tìm được hạnh phúc đích thực. Một ngày kia Chúa Giê su nói với người phụ nữ Sa ma ri rằng: “Nếu chị biết ơn Thiên Chúa, thì chính chị phải là người xin tôi !”. Đó là ơn mà chúng ta được mời gọi lãnh nhận trong bí tích Thánh thể và chia sẻ cho những người chung quanh chúng ta.

ĐÀO SÂU

THIÊN CHÚA YÊU THÍCH NHỮNG NGƯỜI KHIÊM NHU KHÓ NGHÈO.

Xp 2,3.3,12-13 Thiên Chúa muốn một dân tộc khiêm nhưởng, nhỏ bé và khó nghèo

Tv 146,7 Phúc ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước trời là của họ

1Cr 1,26-31 Những người Thiên Chúa lựa chọn

Mt 5,1-12a Bài giảng trên núi, các mối phúc thật

1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?

THƯA: THIÊN CHÚA YÊU THÍCH NHỮNG NGƯỜI KHIÊM NHU KHÓ NGHÈO. Những người khiêm nhu ẩn náu nơi Thiên Chúa vì Ngài hứa ban bình an và hạnh phúc cho họ (Bđ1). Đó là những người được Đức Giê su tuyên phúc (BTM) và được Thiên Chúa lựa chọn (Bđ2).

2. HỎI: Tiên tri Xô-phô-ni-a là ai?

THƯA: Tiên tri Xô-phô-ni-a hoạt động trong vương quốc Giu-đa phía Nam vào thời Vua Giô-si-a thế kỉ thứ 7 trước Công Nguyên. Khi Giô-si-a vừa lên ngôi lúc 8 tuổi thay thế vua cha bị ám sát, Giê-ru-sa-lem phải sống trong thời điểm nhiều xáo trộn nhất.

3. HỎI: Sách Tiên tri Xô-phô-ni-a có đặc điểm gì?

THƯA: Sách Tiên tri Xô-phô-ni-a là một trong những sách ngắn nhất Kinh Thánh, chỉ có 3 chương, nhưng rất đặc biệt vì chứa đựng nhiều tương phản: vừa có những lời hăm dọa mạnh mẽ chống lại Giê-ru-sa-lem, vừa đưa ra những lời hứa đầy hy vọng.

4. HỎI: Bối cảnh bài đọc một (Xp 2,3; 12-13) thế nào?

THƯA: Vào thời đó, đế quốc Át-xi-ri đang bành trướng thế lực mạnh mẽ về phía Tây. Dưới áp lực đó, các Vua Ít-ra-ên thường chọn phương sách là đầu hàng trước. Điều đó đồng nghĩa là Giê-ru-sa-lem trở thành chư hầu của Ni-ni-vê. Các vua cho đó như là một kế sách hợp lí nhất đối với một nước nhỏ như Ít-ra-ên để khỏi bị biến mất hoàn toàn.

5. HỎI: Các tiên tri có lập trường như thế nào?

THƯA: Thế nhưng vì luôn muốn bảo vệ nền tự do chính trị cho dân Ít-ra-ên nên lập trường của các tiên tri khác hẳn. Có hai lí do chính: thứ nhất liên minh với vua trần thế là dấu chứng tỏ dân Chúa không còn tin tưởng vào Vua trên trời. Thứ hai, liên minh với dân ngoại thì sớm muộn gì cũng sẽ trở thành dân ngoại như họ. Vì thế các tiên tri khuyên hãy giữ vững liên minh với Thiên Chúa chứ đừng tìm một liên minh nào khác.

6. HỎI: Tại sao sách Tiên tri Xô-phô-ni-a đầy những lời hăm dọa?

THƯA: Vì những lí do trên Tiên tri Xô-phô-ni-a giận dữ trước thái độ của vua Ít-ra-ên và đưa ra những lời sấm đầy hăm dọa: “Ta sẽ dang tay đánh phạt Giu-đa và toàn thể dân cư Giê-ru-sa-lem. Ta sẽ tận diệt khỏi nơi này số còn sót lại của Ba-an, và xoá bỏ tên của hàng tư tế bất hợp pháp” (Xp 1,4).

7. HỎI: Ngoài những lời hăm dọa, sách Tiên tri Xô-phô-ni-a còn gửi sứ điệp gì nữa không?

THƯA: Sách Tiên tri Xô-phô-ni-a còn gửi sứ điệp an ủi đến với những người mà Ngài gọi là “Những kẻ khiêm nhu trong xứ sở”. Họ là những người không bị Thiên Chúa giận dữ: “Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở, những kẻ thi hành mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, anh em hãy tìm kiếm Người; hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường thì may ra anh em sẽ được che chở trong ngày thịnh nộ của ĐỨC CHÚA” (2,3).

8. HỎI: Thiên Chúa làm gì để giữ giao ước của Người?

THƯA: Khi tất cả mọi sự dữ được cất khỏi Giê-ru-sa-lem, thì Thiên Chúa chỉ để cho một Số Sót còn lại. Đó là những người trung thành với Thiên Chúa: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh ĐỨC CHÚA. Số dân Ít-ra-en còn sót lại sẽ không làm chuyện tàn ác bất công, cũng không ăn gian nói dối và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt. Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ” (3,12-13).

9. HỎI: Số sót của Ít-ra-ên là ai?

THƯA: Họ là những người khiêm nhu và nghèo khổ, chỉ biết cúi mình ẩn nấp nơi Danh Đức Chúa mà thôi. Chính họ giờ đây như men trong bột, sẽ mang lấy sứ mạng truyền giáo của dân Chúa là cho muôn dân biết kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

10. HỎI: Bài đọc 2 (1Cr 1,26-31) có nội dung như thế nào?

THƯA: Thánh Phao-lô đề cao sự khôn ngoan của Thiên Chúa khi chọn gọi tín hữu Cô-rin-tô vào Hội Thánh và Ngài khuyên họ hãy tự hào về điều đó.

11. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Mt 5, 1-12a) như thế nào?

THƯA: Sau khi kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên (4, 18-22) Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ của Ngài ở vùng Ga-li-lê (4, 23-25). Đến chương 5, Thánh Mát-thêu bắt đầu giáo huấn Bài giảng trên núi đưa ra những điều kiện đặc biệt để gia nhập và phát triển trong Nước Trời (cc.5-7) bắt đầu bằng các mối phúc thật (5, 1-12a). Có 2 ý chính: 1. Khung cảnh (5,1-2); 2. Các mối phúc (5,3-12a).

12. HỎI: Các mối phúc muốn đề trình bày điều gì?

THƯA: Bài giảng trên núi muốn đề cao Thiên Chúa như một gương mẫu mới cho cuộc sống. Con người sẽ nên hoàn thiện nếu họa lại được mẫu mực đó (Mt 5,48). Nói thế có nghĩa là con người không thể tìm thấy sự hoàn thiện ở nơi bản thân nhưng cần phải tìm ở nơi Thiên Chúa. Con người cần phải để cho Thiên Chúa chiếm ngự hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, các mối phúc trình bày chân dung của một con người hoàn thiện là Đức Giê-su. Ngài đã dâng cả cuộc đời cho Thiên Chúa và mở rộng với tha nhân.

12. HỎI: Tại sao thánh Mát-thêu đặt bài giảng trên một ngọn núi?

THƯA: Thánh Mát-thêu đặt bài giảng trên một ngọn núi vì muốn nhắc lại việc Thiên Chúa ban Lề luật cho ông Mô-sê trên núi Si-nai (Xh 24,9). Qua đó, ngài muốn coi Đức Giê-su chính là Mô-sê mới, và những gì Đức Giê-su nói chính là Lề luật mới ban cho Dân mới.

13. HỎI: Có mấy mối phúc?

THƯA: Thánh Mát-thêu nói tới 9 điều mang lại hạnh phúc thật cho con người. Nhưng truyền thống Công giáo quen gọi Tám mối phúc khi gộp mối phúc thứ 8 và thứ 9 lại làm một vì có nội dung tương tự nhau.

14. HỎI: Hạnh phúc mà Đức Giê-su nói đến là hạnh phúc gì?

THƯA: Đó là hạnh phúc đích thật, sâu xa, căn bản mà con người trong Kinh Thánh luôn qui về cho Thiên Chúa. Phúc ấy đặt con người trong tương quan đích thực với Thiên Chúa, và với toàn thể thực tại. ‘Phúc thay’ là lời chúc thường gặp trong Kinh Thánh.

15. HỎI: Hạnh phúc Đức Giê-su tuyên phán hệ tại ở điều gì?

THƯA: Hạnh phúc mà Đức Giê-su tuyên phán chính là việc được tham dự vào Nước Trời sắp đến trong một tương lai không xa. Tuy nhiên, người thụ hưởng chẳng có một danh nghĩa nào để đáng được hạnh phúc ấy, mà chỉ mở rộng lòng sẵn sàng đón nhận Nước Trời như một ân huệ hoàn toàn nhưng không.

16. HỎI: Người nghèo là ai?

THƯA: Xét về mặt xã hội, người nghèo, trẻ nhỏ và tội nhân làm thành giai cấp khốn cùng, bị khinh dễ nhất. Nhưng xét về mặt tôn giáo, họ là những người rất ý thức về tình trạng khốn cùng của mình để hướng về Thiên Chúa, đấng sẽ giải cứu họ. Vì thế họ sẵn sàng mở ra cho Thiên Chúa và tiếp nhận Người.

17. HỎI: Thế nào là sự nghèo khó trong tinh thần?

THƯA: Nghèo khó trong tinh thần là không gắn bó nhưng biết từ bỏ và siêu thoát bên trong đối với của cải. Do đó, sự nghèo khó trong tinh thần không tương phản với việc sở hửu của cải, nhưng hoàn toàn tự do và lòng không dính bén với của cải.

18. HỎI: Tại sao người nghèo lại được tuyên phúc?

THƯA: Người nghèo được Đức Giê-su tuyên phúc vì họ có tinh thần khiêm tốn trước mặt Chúa (x. Is 66,2), biết thoát ra khỏi chính mình để chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa. Sự khó nghèo về tài sản vật chất trong Bài Giảng Trên Núi chỉ là một dấu hiệu biểu lộ sự tín thác hoàn toàn nơi sự quan phòng của Cha trên trời, Đấng đã nuôi chim trời và trang điểm cho hoa cỏ ngoài đồng nội.

19. HỎI: Hiền lành là sao?

THƯA: Hiền lành là nhân từ khiêm tốn và thương xót người khác

20. HỎI: Những kẻ sầu khổ là ai?

THƯA: Những kẻ sầu khổ là những người biết than khóc vì cảm thấy phải lìa xa Thiên Chúa do tội lỗi mình. Họ ý thức một cách đau đớn tội mình đã phạm và nỗi khổ tinh thần do chúng gây nên (c. 1 Cr 5,2; 2Cr 12,21; Gc 4,9).

21. HỎI: “Khát khao sự công chính” là sao?

THƯA: Sự ‘công chính’ là ý định của Thiên Chúa, kế hoạch cứu độ của Người: “tiên vàn anh em hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (6,33). Đức Giêsu đã hiến dâng hoàn toàn cuộc đời để phụng sự chương trình của Chúa Cha, lấy đó là mối bận tâm duy nhất. Khát khao sự công chính là nhiệt thành ao ước sống theo ý Thiên Chúa mà Đức Giê-su đã truyền dạy.

22. HỎI: “Có tâm hồn trong sạch” là sao?

THƯA: Đó là hiến dâng trót đời cho Thiên Chúa bao hàm cả việc dành trót tâm tư cho Người. Người có tâm hồn trong sạch là người sống ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa từ trong thâm cung của cõi lòng, chỉ cốt tìm vinh quang Thiên Chúa và biểu lộ lòng thương xót của Người (x. Mt 6,4.6.18; 23,26). Do đó, người có tâm hồn trong sạch là kẻ đã dâng trót con tim cho Chúa, không tìm kiếm lợi lộc riêng tư cho mình.

23. HỎI: Các mối phúc đầu liên hệ với các mối phúc sau như thế nào?

THƯA: Các mối phúc đầu (1-5) xác định con người trong mối tương quan với Thiên Chúa. Khi để cho Thiên Chúa chiếm đoạt toàn thể cuộc sống của mình, thì những mối tương giao với tha nhân cũng được biến đồi. Đó là ý nghĩa của những mối phúc sau: “xót thương”, “xây dựng hòa bình”, và “chịu bách hại” khi cho thấy chân dung của một con người muốn tỏ tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

24. HỎI: Có lòng thương xót là sao?

THƯA: Thiên Chúa là đấng hay thương xót, chậm giận, giàu tình thương và lòng thành tín. Người tỏ lòng khoan nhân khi xét xử. Người nào đã bị Chúa chiếm đoạt thì cũng sẽ hành xử như Ngài: họ sẽ biết xót thương mọi người.

25. HỎI: Lòng thương xót tỏ hiện như thế nào trong hai phúc cuối cùng?

THƯA: Trong khi xây dựng hòa bình là một hình thức biểu lộ lòng xót thương và tình liên đới với tha nhân, thì việc tha thứ cho kẻ bách hại thực hiện lòng xót thương cách anh hùng. Kẻ ấy noi theo Thiên Chúa xót thương, bởi vì Người không quan tâm tới sự bội bạc của con người nhưng không ngừng tha thứ và giáng phúc thi ân.

26. HỎI: Như thế các mối phúc đề ra mẫu người mới nào?

THƯA: Các mối phúc trình bày chân dung của một con người biết để cho Thiên Chúa hoàn toàn chiếm đoạt. Họ đặt tin tưởng nơi Thiên Chúa, dành trọn cuộc đời để phụng sự chương trình của Người và phản ánh đường lối cư xử của Người khi giao tiếp với tha nhân. Chính nhờ thế nên họ xác tín rằng chỉ có Thiên Chúa mới mang lại được hạnh phúc đích thực và trường cửu mà thôi.

27. HỎI: Sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Thiên Chúa muốn cho con người được hạnh phúc và đã chỉ con đường đưa đến hạnh phúc đích thực là được thông phần bản tính Thiên Chúa (2 Pr 1,4) và sự sống đời đời ( x. Ga 17,3 ). Chúng ta hãy quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi. 2. Tiền bạc cần thiết cho cuộc sống nhưng có thể cản bước chúng ta đến gần Thiên Chúa và anh em, vì thế ‘sống tinh thần nghèo khó’ là phương thế tuyệt vời để được Thiên Chúa chúc phúc. 3. Xin Chúa cho chúng ta được tận hưởng niềm vui ‘bị bách hại vì Chúa’, vì sẽ được Nước Trời làm gia nghiệp.

GLCG 520 459 359 2607.Suốt đời Đức Giê-su đã nên mẫu mực cho chúng ta: là "con người hoàn hảo" (x. GS 38). Người mời gọi chúng ta trở nên môn đệ và bước theo Người. Người tự hạ và nêu gương cho chúng ta noi theo (x. Ga 13,15), Người cầu nguyện và lôi cuốn chúng ta đến đời sống cầu nguyện. Người sống nghèo để kêu mời chúng ta tự do đón nhận thiếu thốn và bách hại (x. Mt 5,11-12). 1716. Các mối phúc là trọng tâm của những lời Chúa Giê-su rao giảng. Khi công bố các mối phúc, Người lặp lại các lời Thiên Chúa hứa với dân tuyển chọn từ thời Áp-ra-ham. Người kiện toàn những lời hứa này bằng cách hướng chúng về Nước Trời, chứ không còn là việc chiếm một vùng đất nào nữa. 1721 260.Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để nhận biết, phục vụ, yêu mến Người và nhờ đó được hưởng phúc Thiên Đàng. Hạnh phúc đích thực là được thông phần bản tính Thiên Chúa (2 Pr 1,4) và sự sống đời đời ( x. Ga 17,3 ); nhờ đó, con người được đi vào trong vinh quang của Đức Ki-tô và hưởng cuộc sống của Ba Ngôi.

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Thường Niên_Lm Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần V Thường Niên Năm C - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Thường Niên_Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IV Thường Niên C: BIẾT LẮNG NGHE. Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ 5 Tuần IV Quanh Năm C: "Nước Trời và Sự Sống"_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ 4 Tuần IV Quanh Năm C: "VỀ QUÊ"_Nt. Maria Phương Trâm, OP
     Cha mẹ hãy cho con tình thương
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV thường Niên C: Tin vào lòng xót thương_Lm. Mi-ca-e Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Thường Niên C: NGHE VÀ ĐÓN NHẬN LỜI SỰ THẬT_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Thường Niên C: THI HÀNH SỨ VỤ NGÔN SỨ HÔM NAY_ Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Thường Niên C. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa NGÀY 23 THÁNG 12 (MV): "SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ"_Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần IV Thường Niên B: VÀO NƠI THANH VẮNG. Thiên Thảo SJP