LỄ ĐỨC MẸ DÂNG CHÚA GIÊSU
TRONG ĐỀN THÁNH
DÂNG
HIẾN CHÍNH MÌNH CHO CHÚA VÀ SỐNG THEO ÁNH SÁNG CỦA CHÚA
LỜI CHÚA: Lc 2, 22-40
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ
Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép
trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh
thuộc về Chúa". Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật
Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.
Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon,
là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel.
Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không
chết, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền
thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ
của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
"Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa
ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu
độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các
lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về
Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: "Ðây
trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được
đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi
gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!"
Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel,
thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy
năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ,
đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền
chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn
cứu chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa,
thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh
mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.
2.SUY NIỆM:
Anrê Corsinô, ngay từ khi mới sinh đã được cha mẹ giáo dục
cách đặc biệt. Mẹ Anrê đã dâng con mình cho Đức Mẹ Maria cách riêng và hướng dẫn
con trên đường đạo đức. Nhưng vừa khôn lớn, Anrê đã ảnh hưởng những trẻ em vô
giáo dục mà trở nên chơi bời hư đốn. Cha mẹ cậu hết sức đau buồn, ngày đêm tha
thiết cầu nguyện cho con mình được cải thiện đời sống.
Một hôm bà vừa khóc vừa bảo con:
"Anrê con ơi, con chính là con chó sói mà mẹ đã mơ thấy
ngày xưa. Trước khi sinh con, mẹ nằm mơ thấy một con chó sói chạy vào nhà thờ Đức
Mẹ ở Carmes, khi trở ra, nó đã trở nên hiền lành như con chiên. Cha mẹ đã hiến
dâng con cho Đức Mẹ, nhưng cách sống của con rõ ràng đúng như giấc mộng mẹ đã
thấy, ít là phần đầu. Mẹ sẽ sung sướng chừng nào, nếu trước khi nhắm mắt, mẹ được
thấy phần thứ hai của giấc mơ".
Những lời nói tha thiết đó làn Anrê cảm động. Biết mình đã
thành con riêng của Đức Mẹ, Anrê lo cải thiện đời sống, tránh xa dịp tội, thời
gian sau, cậu từ bỏ trần đời, dâng mình trong tu viện tại Carmes, sau cùng cậu
trở thành thánh Giám mục Anrê Corsino.
Hôm nay Giáo Hội
mừng kính lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh. Chúng ta cùng theo Mẹ
Maria và thánh Giuse lên đền thờ để được thanh tẩy và dâng hiến chính mình cho
Thiên Chúa và luôn sống theo ánh sáng của Chúa Kitô.
1.Ý nghĩa lịch sử:
Theo luật Do
Thái, khi người mẹ sinh con trai, nhất là con đầu lòng, sau 40 ngày, cha
mẹ phải đưa đến Đền thờ, trước là dâng con cho Chúa, sau là chính mình làm lễ
tẩy uế (x.Lc 2, 22).
Mẹ Maria đã vâng
theo lề luật Do Thái, Mẹ đã dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh theo luật định: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa"
(Lc 2, 23).
Dâng con trong đền thờ
chính là để thánh hiến người con cho Thiên Chúa và cha mẹ có thể thế chân bằng
cách dâng cúng của lễ như chim bồ câu hay chiên bò.
Thánh lễ 40 ngày sau lễ
Giáng Sinh đã xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ V tại Giêrusalem. Mãi đến năm 650,
thánh lễ này mới du nhập vào Rôma.
Giáo hội Đông phương hiểu
Thánh lễ này như lễ gặp gỡ của Chúa: Đấng Mesia tiến vào Đền thờ và gặp đại diện
dân Chúa của Cựu ước qua ông già Simêon và bà tiên tri Anna. Còn Giáo hội Tây
phương lại cử hành Thánh lễ này để mừng kính Đức Maria: Thanh tẩy theo
luật Do thái.
Khi sát nhập vào Phụng vụ
Rôma, Đức Giáo Hoàng Sergiô I (678-701) lại thêm vào Nghi thức rước
nến và kiệu nến vào nhà thờ như cuộc đón rước Chúa Giêsu là Ánh Sáng của
muôn dân. Vì thế, từ thế kỷ thứ VIII, thánh lễ được gọi là Lễ Nến. Nghi thức làm
phép và thắp sáng trong ngày lễ này, tượng trưng cho ánh sáng và vinh quang của
Chúa Giêsu.
Từ cuộc canh tân Phụng vụ
năm 1960, Giáo Hội cử hành thánh lễ này đã qui hướng về Chúa Giêsu, hơn là Đức
Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ.
Lễ Nến, nhắc nhở
các Kitô hữu đón nhận nguồn sáng linh thiêng từ Nến Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô
để thắp sáng trong từng tâm hồn, từng gia đình và toàn thể xã hội loài người,
vì Chúa Giêsu Kitô chính là ánh sáng cho trần gian.
2.Áp dụng vào đời sống:
1).
Theo gương Mẹ Maria, mỗi người chúng ta cần phải thanh tẩy tâm hồn cho xứng đáng khỏi những tội lỗi, yếu đuối của
bản thân. Bởi vì, chúng ta đang sống trong bóng tối của tội lỗi, có nghĩa là
chúng ta đang sống trong bóng tối, nô lệ ma quỉ và chúng ta sẽ chết. Tuy nhiên,
nếu chúng ta biết nhận ra tội lỗi của mình. Biết sám hối, hoán cải và canh tân
đổi mới đời sống, chúng ta sẽ sống trong trong ánh sáng cứu độ của Chúa Giêsu.
2).
Giáo hội mời gọi chúng ta hãy luôn đón
nhận ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô là nguồn sáng cho nhân loại. Ánh sáng
chân lý của Chúa chính là Tin Mừng, là Lời Chúa mà chúng ta được nghe đọc hằng
ngày. Chính Tin Mừng của Chúa soi sáng và hướng dẫn chúng ta đi theo đường công
chính của Ngài.
3).
Như chính Đức Maria ngày xưa hiến dâng
Chúa Giêsu vào đền Thờ, thì ngày nay chúng ta cũng hiến dâng linh hồn, thân xác
và cả cuộc sống của chúng ta cho Thiên Chúa. Điều này thật ý nghĩa cho những ai
đang sống trong đời sống tu trì. Đó là những Giám mục, linh mục, và tu sĩ nam
nữ đã quảng đại hiến dâng chính mình để phụng sự Chúa, phục vụ Giáo Hội và loan
báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các người trẻ hôm
nay, cũng hãy can đảm bước theo con đường tu trì, sống đời hiến dâng và phục
vụ.
4). Mẹ Maria và Thánh Giuse bồng ẵm Chúa Hài Đồng
lên đền thờ và dâng cho Thiên Chúa là hình ảnh diễn tả một mẫu gương cho các gia đình Công Giáo hôm nay. Thiên
Chúa đã ban cho mỗi gia đình trở thành cộng đoàn yêu thương, nâng đỡ nhau trong
tình vợ chồng, và cha mẹ luôn lo lắng
chăm sóc cho con cái được mạnh khỏe, ngoan ngoãn, đạo đức và thánh
thiện. Điều này đòi hỏi qua các bậc cha mẹ phải luôn chu toàn bổn phận giáo dục
con cái. Những người con như một quà tặng sự sống vô giá, chúng ta xin Chúa
chúc lành cho tuổi thơ của các em được lớn lên trong tình thương của Chúa, của
cha mẹ và mọi người một cách trọn vẹn. Bởi thế, Năm Mục vụ Gia đình, Giáo Hội
đặc biệt chú trọng đến việc huấn luyện cho các người trẻ chuẩn bị bước vào đời
sống hôn nhân, để khi bước vào thực tế cuộc sống gia đình, họ sẽ trở thành
những người cha, mẹ gương mẫu, nên gương sáng cho con cái, av2 chính gia đình
của họ sẽ rất tốt lành.
Lạy Chúa, Chúa
là ánh sáng của trần gian. Xin Chúa luôn chiếu tỏa ánh sáng chân lý soi bước
đường từng người chúng con và cũng xin Chúa ban cho các bậc làm cha mẹ luôn là
ánh sáng đích thực trong lời nói cũng như việc làm cho con cái của họ, để trong
mọi trách nhiệm giáo dục con cái theo ý của Chúa và Giáo Hội mong muốn. Amen.