MÙNG BA TẾT
NGUYÊN ĐÁN
Mt 25, 14-30
AI
KHÔNG LÀM VIỆC THÌ CŨNG ĐỪNG ĂN!
1. LỜI CHÚA:
"Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người
trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người
khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời
Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế,
trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô" (1Pr
4,10-11).
2.CÂU CHUYỆN:
SỰ TÍCH CON TRÂU ĐI CÀY
Ngày xưa, khi thế gian mới được tạo thành, Thượng
Đế đã sai một vị thần từ trời xuống trần mang theo 1 bao hạt lúa và 1 bao cỏ để
gieo trên mặt đất. Thượng Đế đã dặn đi dặn lại vị thần gieo trồng là phải gieo
hạt lúa làm thức ăn cho loài người trước rồi mới được gieo cỏ làm thức ăn cho
loài vật. Nhưng khi xuống tới trần gian, do mãi mê ngắm phong cảnh tuyệt đẹp
khác lạ ở trần gian nên thần gieo trồng đã quên lời dặn để gieo cỏ trước lúa. Từ
đó, cỏ không cần trồng mà vẫn mọc lên khắp nơi và thú vật không cần lao động vẫn
có dư cỏ ăn, đang khi loài người muốn có gạo phải chịu vất vả cày bừa gieo trồng
mà vẫn bị bữa no bữa đói. Thượng Đế thấy vậy liền phạt tội vị thần gieo trồng tắc
trách này phải bị hóa kiếp thành con Trâu để giúp loài người cày bừa trước khi
gieo lúa và khi nào ăn hết cỏ mới được lên thiên đường. Nhưng rồi do cỏ mọc
nhanh Trâu không sao ăn hết được, nên Trâu cứ phải tiếp tục chịu cảnh vất vả
cày bừa để đền tội và không sao thoát được kiếp làm trâu để trở lại thiên đường.
Câu chuyện dạy chúng ta bài học: phải luôn làm việc
cách nghiêm túc và chăm chỉ để có cái ăn như câu người ta thường nói: "Tay
làm hàm nhai, tai quai miệng trễ". Hoặc như câu tục ngữ phương Tây: “Hãy
làm hết sức mình rồi trời sẽ giúp”. Không có chuyện lười biếng không chịu làm
việc và chỉ biết ngồi “há miệng chờ sung rụng”.
3. THẢO
LUÂN: 1)
Thánh Kinh dạy gì về lao động trí óc và tay chân? 2) Mỗi tín hữu chúng ta phải
làm gì trong Năm Mới này?
4. SUY NIỆM:
Có người nghĩ rằng con người làm bá chủ thiên
nhiên và có toàn quyền làm chủ trái đất mà quên rằng Thiên Chúa mới là Đấng
sáng tạo và làm chủ vũ trụ vạn vật. Tin mừng Gio-an đã cho biết về công trình
Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc như sau: “Lúc khởi đầu, đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời
vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng
về Thiên Chúa, nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng
có gì được tao thành” (Ga 1,1-3). Hôm nay, Hội Thánh muốn các tín hữu hiểu biết
giá trị của công việc tạo dựng của Thiên Chúa và dạy chúng ta phải tích cực cộng
tác với Thiên Chúa để góp phần hoàn thiện thiên nhiên như Chúa đã tự nhủ khi
sáng tạo loài người: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống
như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất
cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26).
1) Loài người
được trao quyền làm chủ thiên nhiên:
Sau khi sáng tạo trời đất, Thiên Chúa đã trồng một
vườn cây ở Ê-đen về phía Đông, và đặt vào đó con người do ngài dựng nên… “Thiên
Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây
trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2,9). Như vậy,
Thiên Chúa không muốn con người ở không, nhưng đòi họ phải làm việc. Bởi vì: “Nhàn
cư vi bất thiện”. Từ đây con người phải làm việc theo thánh ý Thiên Chúa và chỉ
làm việc thành công khi biết cậy dựa vào ơn Chúa giúp như tác giả Thánh Vịnh đã
viết: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127,1).
2) Gương sáng
lao động của thánh gia Na-da-rét:
Khi xuống thế làm người, Đức Giê-su đã được sinh
ra trong một gia đình lao động nghèo khó tại làng Na-da-rét: Cha nuôi của Người
là ông Giu-se hành nghề thợ mộc, còn mẹ đẻ là bà Ma-ri-a thì chăm lo công việc
nội trợ phục vụ chồng con. Còn trẻ Giê-su thì ngoan ngoãn hiếu thảo vâng lời
cha mẹ (x. Lc 2,51) và luôn sẵn sàng chia sẻ nỗi vất vả của cha mẹ, và qui hướng
mọi việc theo của Chúa Cha (x. Lc 22,41), và luôn làm vui lòng Ngài (x. Lc
2,46; Ga 4,34).
Trong khi đi giảng đạo, Đức Giê-su đã đi khắp nơi
rao giảng Tin Mừng Nước Trời, kèm theo sự vất vả chữa lành mọi thứ tật bệnh.
Người đặt nặng công việc phục vụ hơn là giữ Luật Mô-sê. Do đó Người đã chữa bệnh
trong ngày sa-bát là ngày bị cấm làm việc. Người đã trả lời cho các đầu mục Do
thái như sau: "Ngày sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con
người vì ngày sa-bát” (Mc 2,27-28). Đức Giê-su cũng khẳng định vai trò ngang
hàng với Thiên Chúa trong công việc như sau: “Cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc,
thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).
3) Phải chăm
chỉ làm việc để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân:
Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn của Đức Giê-su
về những nén bạc nhằm dạy môn đệ phải cộng tác để làm lợi ra các nén bạc vật chất
tinh thần được Chúa trao phó như sau:
Có một ông chủ sắp đi xa liền gọi các đầy tớ đến
mà trao phó tài sản của ông: người này năm nén, người kia ba nén, người khác một
nén tùy khả năng mỗi người. Điều ông muốn nơi các đầy tớ là sự chăm chỉ làm việc
theo ý của ông và không chấp nhận sự lười biếng. Khi ông chủ trở về và đòi các
đầy tớ tính sổ: người đã lãnh năm nén ba nén bạc đều đã làm lợi thêm gấp đôi
nên được chủ khen thưởng. Trái lại, người lãnh một nén do bất tín và biếng nhác
đã mang nén bạc của chủ đi chôn vì sợ thay vì yêu mến chủ. Anh ta đã bị mất những
gì đang có.
4) “Ai không
chịu làm thì cũng đừng ăn!” :
Thời Giáo Hội sơ khai, tông đồ Phao-lô nghe biết
có một số tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca lười biếng làm việc vì nghĩ rằng sắp đến tận
thế, ngài đã viết thư khuyên họ như sau: "Khi còn ở với anh em, chúng tôi
đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi
nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà
việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên
nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. Phần anh em, hãy
làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!” (2 Tx 3,10-13). Rồi khi từ biệt các tín
hữu ở Ê-phê-sô, Phao-lô đã chia sẻ kinh nghiệm về sự làm việc như sau:
"Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống
với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp
đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời
Chúa Giê-su đã dạy: Cho thì có phúc hơn là nhận." (Cv 20,33-35).
5) Chúng ta phải làm gì?
Trong Kinh Tiền Tụng lễ
Mùng Ba Tết, Hội Thánh đã ca tụng Thiên Chúa như sau: "Cha còn sai Con Một
giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động và thực hiện chương trình cứu độ
muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho
chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần
xây dựng xã hội loài người mà còn để làm trạng Danh Cha, và mở rộng Nước Trời
ngay tại thế ".
Ông Tê-tu-li-a-nô dạy
người tín hữu phải làm mọi việc với tinh thần đức Tin như sau: “Dù khi thức
dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng
dấu thánh giá”. Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu phải làm mọi sự để qui hướng
về Thiên Chúa: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất
cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Mỗi người chúng ta hãy làm việc theo
đúng luật và phù hợp với thánh ý Thiên Chúa khi sử dụng những gì Chúa trao như:
Sự sống, thời gian, tài năng, của cải, con cái... và cần ý thức rằng: chúng ta
sẽ phải trả lẽ trước tòa phán xét sau này.
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa. Trong cuộc sống
hằng ngày, đôi lúc chúng con vẫn còn lười biếng, chưa tích cực cộng tác với
Chúa để chu toàn các nhiệm vụ được Chúa và Hội Thánh trao phó. Chúng con cũng
thường kêu trách Chúa khi cầu xin mà không được như ý. Xin Chúa giúp chúng con
biết sử dụng những gì trong tầm tay để phục vụ Chúa và tha nhân. Xin cho chúng
con sau này được Chúa cho vào Nước Trời hưởng Tôn nhan Chúa muôn đời.- Amen.
LM ĐAN VINH - HHTM