Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên
Năm B
CHỈ PHỤNG SỰ MỘT MÌNH CHÚA
I. HỌC LỜI
CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 1, 21-28.
(21) Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành
Ca-phác-na-um. Ngay ngày Sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. (22)
Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy
như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. (23) Lập tức,
trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên (24)
rằng: “Ông Giê-su Na-gia-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông
đến để tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh
của Thiên Chúa!”. (25) Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất
khỏi người này!” (26) Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một
tiếng, và xuất khỏi anh ta. (27) Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ
bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy
lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải
tuân lệnh!”. (28) Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả
vùng lân cận miền Ga-li-lê.
2. Ý CHÍNH:
Đức Giêsu chính là vị Ngôn Sứ ưu việt đã được
Mô-sê tiên báo sẽ đến. Tin mừng Mác-cô hôm nay trình bày Đức Giê-su khởi đầu
sứ mạng Thiên Sai vào một ngày Sa-bát tại một hội đường thành
Ca-phác-na-um miền Ga-li-lê. Lời giảng dạy và quyền uy của Đức Giê-su khiến
mọi người thán phục
3. CHÚ THÍCH:
- C
21-21: +Thành Ca-phác-na-um: Là một thành nằm về phía Tây Bắc
của biển hồ Ga-li-lê. Đức Giê-su chọn thành này làm trung tâm truyền
giảng Tin Mừng. Tại thành này, Người đã làm nhiều phép lạ như: trừ
quỉ (x. Mc 1, 23-28), chữa bệnh (x. Mc 5, 25-34), cho kẻ chết sống lại
(x. Mc 5, 21-43)... Người cũng có lần quở trách thành này vì đã cứng
lòng tin (x. Mt 11, 23-24). + Hội đường: Là một ngôi
nhà hình vuông gồm có ba gian, được xây hướng về Đền Thờ
Giê-ru-sa-lem. Nơi gian giữa có đặt một tủ đựng Sách Thánh, và một
cái giá dành cho chủ sự. Hội đường là nơi người Do Thái trong làng
hội họp để nghe giảng Kinh Thánh và cầu nguyện. Chúa Giê-su thường
được mời giảng tại các hội đường khắp nước Do thái.
- C 23-24:
+Một người bị thần ô uế ám: Đây là một người bị
quỉ nhập vào. Ma quỉ hay Xa-tan có nhiều nghĩa: “kẻ hủy diệt”, “kẻ gian
ác”, “người cáo tội” (Tv 109, 6)... Ở đây ma quỉ được gọi là “thần ô
uế” để đối lập với Đức Giê-su là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”.
- C
25-27: +“Câm đi, hãy xuất khỏi người này”: Việc Đức
Giê-su ra lệnh và ma quỷ đã phải im tiếng xuất ra khỏi người bị nó
ám, chứng tỏ uy quyền tuyệt đối của Người trên ma quỷ.
4. CÂU HỎI: 1- Ma quỉ có thực hay
chỉ là tưởng tượng của những người mê tín dị đoan? Kinh Thánh nói
gì về sự hiện hữu của ma quỉ và các hoạt động của chúng? Đức
Giê-su và Giáo Hội sơ khai có thái độ thế nào đối với ma quỉ? 2- Khi
thấy một người có biểu hiện bất thường về tâm thần, ta có nên vội
kết luận họ bị quỉ ám và tìm cách trừ tà hay không? Ai có quyền
cử hành nghi lễ trừ tà? 3- Để có thể trục xuất ma quỉ ra khỏi
người bị nó ám thì người trừ quỉ cần có những điều kiện nào? 4-
Ngày nay, ngoài việc trừ ma quỉ, giải thoát những người đang bị đàn
áp khống chế, Giáo Hội còn có sứ mạng gì liên quan đến ma quỉ?
ĐÁP:
1. +Ngày nay, nhiều người không tin có ma
quỉ.
Họ
thường giải thích các hiện tượng siêu nhiên do ma quỉ làm nơi con
người thuần túy chỉ là những triệu chứng của bệnh thần kinh. Đang
khi Kinh Thánh lại luôn khẳng định về sự hiện hữu của ma quỉ..
+Trong Kinh Thánh, ma quỉ được gọi là “Con
Mãng Xà”, “Xa-tan” hay “Thần ô uế” (x. Kh 20, 2 ; Mc 1, 23). Chúng vốn là
thiên thần trên trời, nhưng do phản nghịch với Thiên Chúa nên đã bị
phạt xuống hỏa ngục (x. Gd 1, 6 ; Kh 20, 7-10); Chúng được Thiên Chúa cho
phép thử thách đức tin của người ta như trường hợp ông Gióp (x. G
1, 6-2,7); Chúng cám dỗ người ta phạm tội như cám dỗ bà E-và
(x. St 2,24), cám dỗ Đức Giê-su (x. Lc 4, 2); Chúng ám hại người
ta như đã giết 7 người chồng của bà Xa-ra (x. Tb 3, 8 ; 6, 14); Chúng trói
buộc người ta bằng cách làm cho họ bị bệnh tật (x. Lc 13, 16)...
+Sứ mạng của Đức Giê-su là tiêu diệt
ma quỉ
(x. Mc
1,24). Người không nhờ tướng quỉ mà trừ quỉ (x. Mc 3,22-26), nhưng nhờ
quyền năng Thiên Chúa (x. Mt 12,22tt). Kết quả là ma quỉ phải chịu
khuất phục (x. Ga 14,30). Người cũng ban cho các Tông đồ được quyền trừ
quỉ (x. Mc 6,7). Giờ Tử Nạn và Phục Sinh của Người là lúc ma quỉ bị
tống ra ngoài và bị xét xử (x. Ga 12, 31; 16, 11).
+Đến
thời Giáo Hội Sơ Khai, Phi-líp-phê đã nhờ Thánh Thần mà trừ quỉ
(x. Cv 8, 7); Phao-lô cũng có khả năng trừ quỉ (x. Cv 19, 11-12). Ngày nay
ma quỉ vẫn đang hoành hành bằng cách nhập vào những người yếu đức
tin (x. Mt 13, 43-45); Chúng hành hạ người ta như sàng gạo
vậy (x. Lc 22, 31). Chúng giống như sư tử luôn rình mồi cắn xé
người ta (x. 1 Pr 5,8). Hội Thánh vững tin sẽ toàn thắng ma quỉ khi đến
ngày tận thế. Bấy giờ ma quỉ cùng những kẻ đi theo chúng sẽ bị giam
phạt trong hoả ngục đời đời (x. Mt 25, 41; Lc 10, 18).
2. +Không nên vội xác định bệnh nhân đã bị
quỉ ám,
nhưng trước tiên cần đem đến bác sĩ thần kinh hay bác sĩ phân tâm học
để được khám và điều trị bằng thuốc men hay các phương pháp tâm lý
tự nhiên. Nếu bệnh không thuyên giảm và có những bằng chứng do ma quỉ
làm thực sự, thì phải nhờ Cha Sở hay Linh Mục đặc trách trừ quỉ điều
tra xem xét. Các vị này sẽ tiến hành việc trừ quỉ dưới sự chỉ đạo
của Đấng Bản Quyền Giáo phận.
+Theo kết quả điều tra thì phần lớn
các trường hợp nạn nhân tưởng là bị quỉ ám, thư ếm hay bùa ngải...
Thực ra chỉ là hiện tượng suy nhược thần kinh hoặc do ảo giác tưởng
tượng mà thôi.
Riêng các hiện tượng lạ như bàn ghế tự nhiên xê dịch, giường nằm của
bệnh nhân có ai đó dựng lên, hoặc bệnh nhân tự nhiên được nâng cao lên
khỏi giường, hoặc có những tiếng gõ bàn hay tiếng nói mỗi khi thày
ngải tra hỏi bệnh nhân... có thể do ma quỉ gây ra, mà cũng có thể
chỉ là ảo thuật do các thầy pháp hay thầy phù thủy thực hiện, nhằm
đánh lừa để người ta tin theo.
+Trong trường hợp chắc chắn các hiện
tượng trên do ma quỉ nhập vào và khống chế làm hại một người nào đó, thì
Đấng Bản Quyền sẽ chỉ định các linh mục chuyên viên đủ kinh nghiệm
chính thức cử hành nghi lễ trừ quỉ.
3. +Nếu bệnh nhân thực sự bị quỉ ám, thì các chuyên gia chỉ
trừ được ma quỉ nếu có đức tin vững mạnh và ý chí kiên quyết (x. Mt
17, 20). Phải ăn chay và cầu nguyện trong suốt thời gian trừ quỉ (x. Mt
4, 5) ; Phải kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su để nhờ quyền năng
của Người mà trừ quỉ (x. Ga 15, 5). Họ cũng phải nhờ Thần Khí của
Chúa Giê-su (x. Mt 12, 28) và nhân danh Người mà trừ quỉ (Mc 9, 38).
Cuối cùng họ còn phải là người từng trải và có kinh nghiệm để có
thể đối phó hữu hiệu với ma quỉ và tránh bị chúng làm hại (x. Cv
19, 11-19).
4. +Hiện nay, ngoài việc trừ quỉ, Hội
Thánh còn có sứ mạng chống lại những sự dữ thuộc về ma quỉ như: ma thuật, đồng
bóng và mê tín dị đoan (x. Cv 13, 9-11). Bài trừ tận gốc các tệ nạn
xã hội như: Sì-ke ma túy, mãi dâm, rượu chè, cờ bạc, sách báo phim
ảnh khiêu dâm bạo lực (x. Mt 19,16-18); Hội Thánh cũng phải hòa giải
các tranh chấp, đấu tranh chống lại bất công bóc lột. Cuối cùng Hội
Thánh còn phải cộng tác với chính quyền và các tổ chức nhân đạo
bài trừ các thứ giặc như: nghèo đói, dốt nát và mê tín (x. 1 Cr 10, 20).
+Ngoài ra, Hội Thánh cũng khuyên
các tín hữu phải phòng tránh sự khôn ngoan giả dối của thế gian và
ma quỉ (x. Gc 4. 14-15), đề phòng các tiên tri giả là tay sai của ma
quỉ gửi các thư nặc danh, các tin nhắn mạo danh “Sứ điệp từ trời” để đả kích
Đức Thánh Cha, truyền bá một thứ giáo lý sai lạc ngược lại giáo lý tông
truyền của Hội Thánh (x. Tm 4, 1 ; Kh 16, 14).
II.SỐNG LỜI
CHÚA
1. LỜI CHÚA: Mọi người đều kinh
ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì
mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô
uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1,27).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CHRISTOPHER- NGƯỜI BỒNG ẴM CHÚA KI-TÔ
Kho truyện các thánh có
ghi lại câu chuyện về một người mang Đức Ki-tô như sau:
Có một chàng thanh niên có sức mạnh phi thường
nhưng không ai biết tên thật của chàng. Anh này có tâm nguyện đi tìm một người
quyền lực nhất để phụng sự. Đầu tiên anh nghĩ không ai quyền lực hơn viên tướng
cướp trong vùng anh đang ở nên đến gia nhập vào băng cướp và anh được phân công
làm hộ vệ cho viên tướng cướp. Nhưng mỗi lần băng cướp sắp có vụ làm ăn, anh ta
lại thấy viên tướng cướp phải đến nhờ thầy phù thuỷ làm phép cho vụ làm ăn
thành công. Thế là anh thanh niên liền bỏ viên tướng cướp để xin theo hầu thầy
phù thuỷ. Một hôm, khi theo thầy phù thủy đi hành nghề, anh thấy thầy đang đi trên
đường gặp một cây Thánh giá bên vệ đường liền sợ hãi không dám đi tiếp mà vòng
lại đi đường khác. Thế là anh chàng lực sĩ liền bỏ thầy phù thuỷ quay trở lại
đứng bên cây Thánh giá để mong được gặp chủ nhân cây Thánh giá. Anh ta cứ đứng
đó chờ mấy ngày liền mà vẫn không thấy chủ nhân cây Thánh giá xuất hiện. Nơi đó
gần một khúc sông cạn và có nhiều người đã phải mạo hiểm lội bì bõm qua sông để
sang bờ bên kia. Một hôm, một chú bé đến nhờ anh lực sĩ cõng qua sông và anh đã
lập tức giúp cõng em trên vai lội qua sông. Có điều khi mới được một đoạn ngắn,
anh lực sĩ tự nhiên cảm thấy chú bé trở nên quá nặng, liền hỏi lý do và được
chú bé trả lời: "Ta nâng đỡ cả trái đất trên tay nên làm sao không nặng
cho được". Cậu bé còn cho biết mình chính là chủ nhân của cây Thánh giá mà
chàng lực sĩ đang muốn gặp mặt. Thế là chàng lực sĩ liền xin đi theo vị Chúa
Ki-tô Chủ Tể của trái đất này. Chúa Ki-tô dạy anh: “Nếu muốn phụng sự Ta, con
hãy dựng một căn lều và luôn ở cạnh cây Thánh giá, để nếu có ai muốn qua sông
thì con sẽ cõng họ qua”. Chàng lực sĩ liền làm theo lệnh Chúa truyền. Từ ngày
đó, dân chúng trong vùng đã gọi chàng bằng cái tên thân thương là KÍT-TÔ-PHƠ
(Christopher), nghĩa là “Người mang vác Chúa Ki-tô”.
2) PHIM “NGƯỜI TRỪ
QUỈ”:
Vào năm 1970, cuốn phim
“Người trừ quỉ” (Exorcist) được trình chiếu thì lập tức đã phá kỷ
lục số vé bán ra. Chuyện phim kể lại một câu chuyện có thật về một
thiếu niên 14 tuổi ở vùng Mao-Rai-mơ (Mt. Raimer), thuộc bang Me-ri-len
(Maryland) của Hoa Kỳ vào năm 1949. Về sau, tờ “Tuần Tin Tức” (Newsweek)
đã tường thuật câu chuyện này như sau: “Theo người cha kể lại thì cậu
thiếu niên này thích ở một mình trên gác xép và chơi cầu cơ. Qua trò
cầu cơ, cậu ta thường nói chuyện lâu giờ với một người có tên là
“Ông Đại Úy”. Lúc đầu người cha cho rằng cầu cơ chỉ là một trò giải
trí vô hại. Nhưng về sau, khi thấy con trai có những biểu hiện bất
thường, thì cha mẹ cậu bé bắt đầu lo lắng. Nhất là một hôm ông bố
nhìn thấy ghế bàn và chiếc giường cậu con đang nằm tự nhiên bị di
chuyển trên sàn nhà giống như có bàn tay vô hình nào đó kéo đi. Rồi
ban đêm cậu bé bị mất ngủ và hay nói lầu bầu điều gì đó với cái
giọng khàn đặc của một gã đàn ông trung niên. Sau đó buộc lòng ông
bố phải đưa con đến bệnh viện của trường Gioóc-dơ-tao (Georgetown),
một trường đại học danh tiếng. Tại đây bác sĩ điều trị phát hiện ra
cậu bé biết nói thành thạo tiếng La-tinh, một thứ cổ ngữ rất khó
học mà cậu ta chưa từng biết đến trước đó. Cuối cùng sau một thời
gian nằm điều trị vô hiệu, cha mẹ cậu đành đem con về nhà và nhờ hai
vị linh mục dòng Tên có lòng đạo đức thánh thiện đến nhà cử hành
nghi lễ trừ quỉ.
Cuộc chiến đấu giành linh hồn của cậu bé
đã xảy ra rất căng thẳng và quyết liệt, kéo dài suốt 2 tuần lễ.
Cuối cùng ma quỉ cũng chịu khuất phục và xuất ra khỏi nạn nhân.
Nhưng đồng thời vị linh mục chủ lễ cũng đã gục xuống chết tại chỗ
do chứng nhồi máu cơ tim. Hiện nay cậu bé trên vẫn còn sống tại thủ
đô Wo-sinh-tơn (Washington). Một trong hai linh mục từng tham gia vào việc
trừ quỉ đã thề là không bàn luận gì thêm về công việc nguy hiểm
này. Tuy nhiên ông cũng cho biết là chính nhờ tham gia vào việc trừ
quỉ mà bản thân ông đã thêm đức tin để luôn trông cậy vào quyền năng
và tình thương của Chúa.
3) SỨC MẠNH HOÁN CẢI CỦA LỜI CHÚA:
Tokichi Ishii, một tên sát
nhân không gớm tay đã đạt kỷ lục hạ sát nhiều nạn nhân nhất bằng những phương
thế dã man không thể tưởng tượng nổi. Hắn tàn sát đàn ông, phụ nữ, trẻ em với
bàn tay khát máu, hắn đã thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn
giết. Nhưng cuối cùng hắn bị bắt và bị kết án tử hình.
Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ công
tác tông đồ khuyên nhủ hắn, tất cả những lời thăm hỏi, trò chuyện của họ không
làm cho hắn mảy may động tâm, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với cặp mắt dữ tợn
như một hung thủ.
Cuối cùng, mất hết kiên nhẫn, hai phụ nữ ra về. Họ
chỉ để lại cho hắn cuốn Tân ước với hy vọng mỏng manh hắn sẽ đọc và Lời Chúa sẽ
hoạt động… Niềm hy vọng đã trở thành sự thật. Ishii đã đọc, Lời Chúa thu hút
anh khiến anh tiếp tục đọc trình thuật cuộc tử nạn của Chúa Giêsu… Đọc đến câu: “Lạy
Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”! (Lc 23,
34), anh dừng lại, suy nghĩ. Anh tâm sự: “Đọc đến câu này, con tim tôi bị
đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là tình yêu của
ông Giêsu, là lòng thương xót của Ngài. Điều duy nhất tôi biết là sự hung dữ,
tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin vào Chúa”.
Các nhân viên nhà giam dẫn đưa anh đi hành quyết,
họ rất ngạc nhiên thấy tử tôi Ishii hòa nhã, lễ độ, chứ không phải một tên sát
nhân hung bạo. Ishii, tên tử tội đã được lời Chúa tái sinh.
(Trích Lẽ Sống, Radio Veritas)
4) SỰ KHÔN LANH VÀ HIỂM ĐỘC CỦA MA QUỶ:
Một tu sĩ kia rất có lòng đạo
đức, ngày nào ông cũng thức dậy lúc 5 giờ sáng để đọc kinh thờ phượng Chúa. Xảy
ra là có một hôm ông ngủ quên, thấy vậy, tướng quỷ Sa-tan đến đánh thức ông.
Khi biết kẻ đánh thức mình là Sa-tan, tu sĩ tỏ dấu thắc mắc, ma quỷ liền nói với
ông: “Tôi là ai, điều đó không quan trọng, việc tôi đánh thức ông là một điều tốt.
Ông thấy không, ai làm việc lành đều là người tốt cả. Vậy tôi cũng là một người
tốt”. Tu sĩ đáp: “Không bao giờ ma quỷ lại làm điều lành, vậy nhân danh Thiên
Chúa, mi phải nói rõ vì lý do nào mi đánh thức ta?“ Bấy giờ ma quỷ buộc lòng phải
nói thật: “Nếu ngày nào ông ngủ quên không đọc kinh sáng, thì khi thức dậy ông sẽ
cảm thấy hối hận, khiêm tốn và quyết tâm sống đạo đức hơn. Còn ngày nào ông thức
dậy sớm đọc kinh sáng, thì ông sẽ nghĩ mình đạo đức và không quyết tâm làm các
việc lành khác”. Nói xong nó biến mất.
Câu chuyện trên cho thấy ma
quỷ thật khôn lanh quỷ quyệt khi cám dỗ loài người chúng ta.
3.
SUY NIỆM:
Đức Giê-su
là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa hằng sống, là Đấng quyền năng trong lời nói và
việc làm
1) QUYỀN NĂNG TRONG LỜI NÓI:
Đức Giê-su đã rao giảng Lời Chúa trong hội đường Ca-phác-na-um
khiến người nghe phải kinh ngạc, vì : "Người giảng dạy người ta
như Đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ" (Mc 1, 22).
Vì Người là chính Lời Thiên Chúa nhập thể làm
người và được Chúa Cha sai đến làm Đấng Thiên Sai, nên Người chỉ nói Lời Thiên
Chúa cho loài người chứ không bị lệ thuộc vào thế giá của các ngôn sứ đi trước,
kể cả ông Mô-sê. Đức Giê-su đã biểu lộ uy quyền khi thay đổi các tập tục trong
Luật Mô-sê: "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người…
Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình thì phải bị đưa ra
tòa…” (Mt 5, 21-22).
Người cố ý chữa bệnh trong ngày Sa-bát, và khi bị
hạch hỏi Người đã trả lời như sau: "Ngày Sa-bát được làm ra vì con người,
chứ không phải con người vì ngày Sa-bát; Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày
Sa-bát" (Mc 2, 27).
2) QUYỀN NĂNG TRONG HÀNH ĐỘNG:
Đúc Giê-su thể hiện là Đấng Thiên Sai đầy uy quyền
như sau:
- Làm chủ các định luật thiên nhiên: Biến nước lã trở
thành rượu nho trong bữa tiệc cưới thành Ca-na; Nhân 5 chiếc bánh và 2 con cá ra
nhiều cho môn đệ phân phát cho 5 ngàn người được ăn no trong hoang địa; Đi trên
mặt nước mà đến với thuyền các môn đệ; Dẹp yên sóng gió giữa biển hồ; Giúp các môn
đệ bắt được mẻ cá lạ lùng...
- Chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền: Người cũng
dùng lời quyền năng để chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền trong dân như: Cho
người mù được sáng mắt; Kẻ câm nói đươc, người điếc được nghe, người què đi
được, người phong cùi được sạch…
- Phục sinh kẻ chết: Người còn truyền cho một bé
gái mới chết đang nằm trên giường được trỗi dậy; Cho một thanh niên mới chết tại
cửa thành Na-im đang được người thân mang đi chôn; Cho anh La-da-rô đã chết được
chôn trong mồ 4 ngày được sống lại và ra khỏi mồ; Và chính Người đã từ cõi chết
trỗi dậy vào ngày thứ ba đúng như Người đã tiên báo.
3) QUYỀN NĂNG TRÊN MA QUỶ:
Gặp Đức Giê-su, ma quỷ đã
nói ra sứ vụ cứu thế của Người như sau: “Ông
Giê-su Na-gia-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến để tiêu
diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên
Chúa!” (Mc 1, 24). Đức Giê-su đã lên tiếng quát nạt ma quỷ: “Câm đi, hãy
xuất khỏi người này!”. Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất
khỏi anh ta (Mc 1, 25-26). Chính thái độ sợ hãi và vâng phục Đức Giê-su của ma
quỷ cho thấy quyền năng của Người như lời đám đông dân chúng đã nói: “Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và
chúng phải tuân lệnh!” (Mt 1, 27b).
4) PHỤNG SỰ MỘT MÌNH CHÚA:
- Ngày nay noi gương Tông đồ Phê-rô, chúng ta hãy đặt trọn niềm tin vào Chúa Giê-su: Sau bài giảng về Bánh Hằng
Sống, nhiều môn đệ không chấp nhận về bí tích Thánh Thể và đã bỏ đi không muốn theo
làm môn đệ Đức Giê-su nữa, chỉ còn Nhóm Mười Hai là vẫn còn ở lại với Người.
Đức Giê-su đã không rút lại ý định lập bí tích Thánh Thể và đòi các ông phải xác
định: tin hay không tin, bỏ đi hay ở lại qua câu hỏi: “Cả anh em nữa, anh em
cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Ông Phê-rô đại diện Nhóm Mười Hai đáp lại rằng:
“Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem
lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng: Chính
Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6, 68-69).
- Để trung thành tin theo Chúa Giê-su, cần năng học sống Lời Chúa: Mỗi lần hiệp
sống Tin Mừng, chúng ta sẽ khám phá thêm sự mới mẻ của Lời Chúa, và nhận ra
quyền năng của Chúa thể hiện trong thiên nhiên và qua các dấu chỉ của thời đại
như lời thánh vịnh: "Lời Chúa là đèn soi cho con bước. Là ánh sáng chỉ
đường cho con đi" (Tv.118, 105). Nhờ năng tham dự các buổi Hiệp Sống Tin
Mừng hằng tuần tại nhà Sinh Hoạt Mục Vụ hay trong Giờ Kinh Tối Gia Đình hằng
ngày… chúng ta hy vọng sẽ từng bước trở thành "muối men", hòa lẫn vào
thúng bột xã hội để làm cho cả xã hội đều dậy lên men tình yêu của Chúa. “Ánh
sáng" của các việc lành chúng ta làm sẽ giúp anh em lương dân nhận biết và
ca ngợi Chúa Cha trên trời.
- Chúng ta cũng cần phải ý thức sứ mạng của mình là cộng tác với những người thiện chí để đẩy
lùi các tệ nạn xã hội ra khỏi môi trường sống: Hiện nay ma quỉ vẫn luôn tìm
cách phá hoại công trình cứu độ của Chúa Giê-su là Hội thánh. Chúng ta cần hợp
tác xây dựng một môi trường sống an toàn sạch đẹp và văn minh hơn. Cần quan tâm
an ủi những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, bằng việc giúp họ vững tin vào
lòng Chúa thương xót và giúp họ vượt qua các tai nạn với hết khả năng của mình.
4. THẢO LUẬN:
1) Kinh nghiệm của các
người tham gia trừ quỷ cho biết: những người bị ma quỉ ám là những kẻ
đã có lòng tin vào quyền năng của chúng và có quan hệ mật thiết với
chúng như: đến xem các buổi lên đồng, chơi trò cầu cơ, đi coi bói toán... Bạn
đã bao giờ tò mò chơi thử những trò nguy hại đó chưa?
2) Bạn cần làm gì để thêm đức tin hầu tránh bị ma
quỉ xâm nhập và khống chế, bắt bạn trở thành tay sai của chúng?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU là “Đấng Thánh và là Con Thiên
Chúa”. Chúa đến để tiêu diệt ma quỉ và thiết lập một Triều Đại Mới
Của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa đã bắt ma quỉ phải câm
miệng và xuất ra khỏi người bị chúng trói buộc. Xin cho chúng con
vững tin vào quyền năng của Chúa, và xin Chúa giúp chúng con chiến
thắng ma quỉ, tội lỗi và các thói hư. Xin cho chúng con sẵn sàng cộng
tác với Chúa và những người thiện chí đẩy lùi các cám dỗ của ma quỷ là phim
ảnh xấu, ma túy, cờ bạc, rượu chè... ra khỏi gia đình và môi trường
chúng con đang sống hầu cho Nước Chúa
mau hiển trị.
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin dạy cho con biết sống quảng
đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không cần tính toán, biết
chiến đấu mà không sợ thương tích, biết làm việc mà không tìm an nghỉ, biết tận
lực mà không chờ một phần thưởng nào khác, ngoài việc biết mình đã làm theo
thánh ý Chúa. Amen. (Thánh I-mha-xi-ô).
X)
HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH-
HHTM