Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Phục Sinh
“Nếu anh em thực hành,
thì thật phúc cho anh em!”
Lời Chúa: Ga 13, 16-20
16Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ
không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. 17Anh
em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!
18Thầy không nói về tất cả anh em đâu.
Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh
sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. 19Thầy
nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự
việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.
20Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp
người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã
sai Thầy."
Suy Niệm:
1. Thực hành và mối phúc (c.
16-17)
Sau khi rửa chân cho các môn đệ (c. 3-5) và giải thích ý nghĩa
(c. 12-15), Đức Giê-su nói:
Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ
được sai đi không lớn hơn người sai đi.
Anh em đã biết những điều đó,
nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! (c.
16-17)
Nghe lời này của Đức Giê-su, chúng ta có thể hiểu ngay rằng để
hưởng mối phúc của Ngài, chúng ta được mời gọi, trong mọi sự, sống tương quan
chủ/tớ và tương quan người sai đi/người được sai đi. Tuy nhiên, nếu chúng ta
nối kết lời nói này của Đức Giê-su với cử chỉ rửa chân Ngài vừa thực hiện và
lời giải thích, chúng ta sẽ hiểu hoàn toàn khác hẳn. Thật vậy, ngay sau khi rửa
chân cho các Tông Đồ, Người nói:
Anh em có hiểu việc Thầy mới
làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì
quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân
cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. (c. 12-14)
Như thế, đây mới là việc thực hành mang lại mối phúc mà Đức
Giê-su muốn thông truyền cho chúng ta: trong các mối tương quan gia đình, xã
hội và Giáo Hội, sự khác biệt “người trên kẻ dưới” là không thể tránh được,
nhưng chúng ta được mời gọi “rửa chân cho nhau”, và nhất là người trên “rửa
chân” cho kẻ dưới, chủ nhân “rửa chân” cho tôi tớ, người sai đi “rửa chân” cho
người được sai đi, như chính Thầy Đức Giê-su, vốn là Đức Chúa của chúng ta, đã
“rửa chân” cho từng người chúng ta.
2. Mầu nhiệm Thập Giá (c.
18-19)
Tuy nhiên, trong mầu nhiệm Thập Giá, Đức Giê-su còn đi xa hơn cử
chỉ rửa chân, nghĩa là Người sẽ để cho mình bị phản bội và bị nộp. Hay đúng
hơn, cử chỉ rửa chân không chỉ dừng lại ở mức độ “nêu gương/bắt chước”, nhưng
còn diễn tả “tình yêu đến cùng” mà Người sẽ hoàn tất nơi mầu nhiệm Thập Giá.
Thật vậy, trình thuật Tin Mừng theo thánh Gioan về việc Đức
Giê-su rửa chân cho các môn đệ được đánh dấu rõ nét từ đầu đến cuối bởi hành vi
phản bội:
Ø “Ma quỉ đã gieo vào lòng
Giu-đa…” (c. 2 và 27), ở đây Giuđa được nhìn như là nạn nhân của Sự Dữ.
Ø “Người biết ai sẽ nộp
Người” (c. 11): Giuđa được nhìn như là tác nhân.
Ø “Nhưng phải ứng nghiệm lời
Kinh Thánh sau đây: kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”
(c. 18; trích Tv 41, 10). Giuđa được nhìn trong Kế Hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Một đàng, Giu-đa phạm trọng tội (Mc 14, 10; Mt 26, 14-15); và
chính Đức Giê-su cũng có những lời than vãn (than vãn chứ không phải chúc dữ)
về Giu-đa: “Bất hạnh cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!”
(Mt 26, 24b). Đàng khác, chính Satan hành động nơi Giu-đa: “Xa-tan đã nhập vào
Giu-đa, cũng gọi là Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai” (Lc 22, 3); “Ma
quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức
Giê-su”; và “Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y” Ga 13, 2 và 27).
Nếu là như thế, Giu-đa cũng là nạn nhân trong hành động phản bội
Thầy của mình. Tương tự như trường hợp “tội nguyên tổ”, chính Con Rắn là nguyên
nhân chính: “Con Rắn, người phụ nữ nói với Thiên Chúa, đã lừa dối con, nên con
ăn” (St 3, 13). Và đàng khác nữa, tất cả là để cho Kinh Thánh được hoàn tất,
nghĩa là chương trình thông ban sự sống và cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện
cách trọn vẹn: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lởi đã chép về Người” (Mt 26,
24a); “Phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ cùng con chia cơm sẻ bánh lại
giơ gót đạp con” (Ga 13, 18; trích Tv 41, 10).
Do đó, bản chất đích thực của hành vi phản bội nơi Giu-đa phức
tạp hơn chúng ta tưởng ; thực vậy, cùng với Giuđa, còn có ma quỉ và hơn
nữa cả hai được tháp vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta vẫn
thường nghĩ rằng, vì sự phản bội của Giu-đa mà Đức Giêsu bị bắt, bị xét xử và
bị hành hình. Không phải hoàn toàn như thế, bởi vì Người đã biết và dự báo từ
trước cuộc Thương Khó, và ngay cả sự phản bội của Giuđa, Ngài cũng biết rõ. Các
bài Tin Mừng trong Tuần Thánh đặc biệt nhấn mạnh đến điều này. Vấn đề là Ngài
cứ để cho tuần tự xảy ra tất cả những gì sẽ dẫn ngài đến cái chết. Tại sao
vậy ?
Ø Giuse nói với các anh : “Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền
Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho
nó thành điều tốt, để thực hiện điều xẩy ra hôm nay, là cứu sống một dân tộc
đông đảo”(St 50, 19-20). Điều này đúng trong lịch sử cứu độ và cũng đúng trong
cuộc đời chúng ta.
Ø Thánh Phaolô nói : « Tội càng nhiều, ơn sủng càng chứa
chan », « Đức Giê-su chết cho chúng ta ngay khi chúng ta còn ở trong
tội ».
Điều xấu là do con người làm cho nhau và làm cho Chúa, nhưng
Người dùng chính điều dữ này để cho chúng ta nhận ra lòng thương xót vô biên
của Chúa. Nhìn ngắm Giuđa, chúng ta được mời gọi nhận
ra sự nghiêm trọng nơi tội của ông và nhận ra tội của chúng ta ở mức độ nào đó,
nhưng không phải để lên án Giuđa và lên án mình, nhưng như thánh Gioan nói,
chính là để nhận ra lòng thương xót của Chúa lớn hơn tội của chúng ta.
Giuđa phản bội, nhưng Đức Giê-su dùng chính hành động này để thể
hiện tình yêu đến cùng của Ngài dành cho tất cả những người thuộc về Ngài, theo
kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Như thế, Giu-đa đã không những không ngăn cản
được tình yêu của Đức Giê-su, nhưng vô tình làm cho tình yêu ấy đi đến cùng.
Tình yêu đến cùng dành cho mọi người, trong đó có Giuđa. Chính vì thế, Đức
Giê-su nói với Giu-đa: “Anh làm gì thì làm mau đi” (Ga 13, 27 và Mt 26, 50) và
chính khi, Giu-đa ra đi thực hiện hành vi phản bội, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên
Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13, 31). Những gì xẩy ra trong lịch
sử cứu độ đạt tới cao điểm ở đây: Thiên Chúa Ba Ngôi dùng chính hành vi phản
bội, cũng như dùng chính tội lỗi của chúng ta, dùng chính hành động của Sa-tan,
để “hiển dung”.
* * *
Đức Giê-su cúi mình xuống rửa chân cho từng người chúng ta;
nhưng có người lại “giơ gót đạp Ngài”. Cả hành vi này, Ngài cũng đón nhận trong
bình an và bao dung, ngang qua cái chết trên Thập Giá (x. Mt 26, 50). Đó chỉ có
có thể là sự khôn ngoan và sức mạnh thần linh, mời gọi chúng ta nhận ra Đức
Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa, là Đấng Hằng Hữu:
Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này,
trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra,
anh em tin là Thầy Hằng Hữu. (c. 19)
3. Hiệp thông trọn vẹn (c.
20)
Trong đời sống xã hội, cũng như trong đời sống đức tin và ơn
gọi, sự phân cấp là không thể không có, Đức Giê-su không phá bỏ, nhưng thay đổi
những tương quan này ở chiều sâu. Chẳng hạn, Ngài nói, chúng ta chỉ có một Cha
và một Thầy, còn chúng ta đều là anh chị em của nhau. Thực vậy, nhờ mầu nhiệm
Vượt Qua, Đức Ki-tô phục sinh làm cho chúng ta trở nên Con của Cha, giống như
Ngài là Con của Cha, trở nên “anh chị em” của ngài và “anh chị em” của nhau, vì
tất cả chúng ta đều có cùng một Cha. Điều này có nghĩa là, cho dù chúng ta xưng
hô như thế nào, tương quan ruột thịt như thế nào, chúng ta đều được mời gọi
sống tình “huynh đệ” dưới mắt Chúa Cha và theo gương Đức Giê-su.
Như thế, tuy có sự khác biệt, chúng ta được mời gọi sống không
phân biệt, vì tình yêu dâng hiến Đức Ki-tô dành cho từng người chúng ta; như
thánh Phaolô nói: trong Đức Ki-tô, không còn phân biệt Do thái hay Hy lạp, đàn
ông hay phụ nữ, tự do hay nô lệ. Nghĩa là, chúng ta được mời gọi sống sự hiệp
thông “huynh đệ” để làm chứng cho Tin Mừng của Đức Ki-tô, như chính Ngài muốn
hiệp thông trọn vẹn với chúng ta:
Thật, Thầy bảo thật anh em:
ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy,
và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. (c.
20)
Lời này của Đức Giêsu diễn tả sự hiệp thông trọn vẹn giữa môn
đệ, Thầy và Cha. Sự hiệp thông này là kết quả của cử chỉ rửa chân nhiệm mầu, và
cũng là kết quả của nhiệm tích Thánh Thể. Đó là chính là “MỐI PHÚC” mà Đức
Ki-tô muốn ban tặng nhưng không cho chúng ta (có thể đọc bài Đức Giê-su rửa
chân, Ga 13, 1-15).
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc