Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 33

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên

GIỜ CHÚA VIẾNG THĂM

thu 5 tuan XXXIII.jpg

Lời Chúa: Lc 19, 41-44

(41) Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Ðức Giêsu khóc thương (42) mà nói: "Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! "Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. (43) Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. (44) Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm".

Suy Niệm

Đối với người Do Thái, Giêrusalem không chỉ là thủ đô của một quốc gia, nhưng nó còn là biểu tượng của sự sống còn của cả một dân tộc. Còn Giêrusalem là còn tất cả, và nếu mất Giêrusalem thì cũng có nghĩa là mất nước.Nhất là trong lãnh vực tôn giáo, Giêrusalem là dấu chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người; và đó cũng chính là điểm qui tụ của tất cả mọi người Do Thái. Cho nên cho dù có bị lưu đày tản mát ở khắp mọi nơi, thì người Do Thái vẫn còn một điểm giúp họ gần nhau, đó là sự hồi tưởng về những ngày trẩy hội lên đền thánh Gia-liêm.

Cuộc hành trình của Chúa Giêsu lên Giêrusalem, mà bài Tin Mừng hôm nay kể  lại cũng là một khúc quanh quyết định trong cuộc đời của Chúa Giêsu cũng như trong chương trình cứu độ của Ngài. Sự hiện diện của Chúa tại Giêrusalem lúc này, sẽ đặt tất cả dân Do Thái trước một sự lựa chọn cuối cùng và cơ bản đối với sứ điệp về Nước Thiên Chúa. Hôm đó là ngày lễ Vượt qua. Dân chúng hân hoan tiến về Giêrusalem để mừng kỷ niệm ngày dân tộc được giải phóng khỏi kiếp sống lưu đày. Họ hồi tưởng lại thời gian đã qua với biết bao hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Dân Người.

Trong khi đó, bài Tin Mừng lại cho chúng ta thấy Chúa Giêsu có một tâm trạng khác hẳn với những người chung quanh. Khi đối diện với thành thánh, Chúa Giêsu đã tỏ ra bồi hồi xúc động. Ngài xúc động bởi vì tất cả những gì đang hiện diện ra trước mắt Ngài lúc này: sự uy nghi đồ sộ và huy hoàng của đền thờ, biểu tượng cho sức sống của cả một dân tộc, thế mà rồi sẽ đến một ngày không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào.

Thực ra Chúa Giêsu khóc thương thành thánh không phải vì Ngài tiếc nuối một công trình kiến trúc bị tàn phá, nhưng Ngài khóc vì thấy cả một dân tộc ưu tuyển đã bị cái vẻ hào nhoáng của đền thờ Giêrusalem che khuất, nên họ đã không nhận ra được một đền thờ sống động và đích thực đang hiện diện ở giữa họ : đó chính là sự hiện diện của Ngài.

Và còn bi thảm hơn nữa ở chỗ chẳng những dân thành Giêrusalem đã tỏ ra đối kháng với sứ điệp bình an, không muốn đón nhận ơn cứu rỗi, mà họ còn quyết tâm tìm cách triệt hạ chính bản thân Chúa nữa.

Từ những xúc động nghẹn ngào của Chúa Giêsu trước sự chối từ của dân thành Giêrusalem, chúng ta hãy suy nghĩ về chính thái độ sống của ta đối với Chúa.

Ngày hôm nay Chúa Kitô vẫn còn đang tiếp tục gõ cửa tâm hồn chúng ta. Ngài muốn ấp ủ che chở chúng ta như gà mẹ ấp ủ đàn con dưới cánh. Ngài đang tha thiết nói với chúng ta qua tiếng nói âm thầm của Ngài, qua các bí tích, qua sự hiện diện của mọi người, và nhất là qua những tiếng kêu than của những anh em đau khổ. Chúng ta chỉ có thể nhận ra được tiếng gọi âm thầm của Ngài bằng một đời sống gắn bó mật thiết với Chúa mà thôi.

Thân phận đen tối của dân thành Giêrusalem cũng chính là thân phận đáng thương của mỗi người chúng ta. Thiên Chúa đã yêu thương và tuyển chọn chúng ta làm con của Ngài, dù chúng ta hoàn toàn bất xứng. Nhưng chúng ta lại quay lưng lại với tình thương của Thiên Chúa, chúng ta vẫn thờ ơ lãnh đạm trước Lời Chúa, chúng ta vẫn phản bội với Chúa bằng đời sống tội lỗi  của chúng ta. Trong tâm tình của những tuần lễ cuối năm phụng vụ, chúng ta hãy sám hối, chúng ta hãy thành tâm kiểm điểm đời sống để trở về với tình yêu của Chúa. Nhất là, giờ đây chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn đón nhận Chúa sẽ đến thăm viếng chúng ta nơi bàn tiệc thánh của Người.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con luôn biết lắng nghe tiếng Chúa cảnh tỉnh, đồng thời biết mở rộng tâm hồn đón nhận những giây phút ân sủng của Chúa để chúng con được sống an vui, hạnh phúc. Amen.

Lm. JP

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên Năm B_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên B_Nt. Anna Têrêsa Thiên Hoàng, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên B_Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên A_Nt. Maria Chinh Anh, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIII Quanh Năm_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy tuần 33 Thường Niên C: TÔI TIN MỘT CUỘC SỐNG ĐỜI ĐỜI_ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIII thường Niên Năm C. Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên C_Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên Năm C_Lm. Paul Nguyễn Nguyên.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ hai tuần XXXIII Thường niên C: XIN DỦ LÒNG THƯƠNG_ Nữ Tỳ Thánh Thể
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXIII Thường Niên C- LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM: TỬ ĐẠO THỜI HIỆN ĐẠI_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN C: KIÊN TRÌ ĐÓN CHỜ CHÚA LẠI ĐẾN_ Lm. Đan Vinh
     CHỦ NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông