Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
XXXIII Thường Niên C
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT
NAM
TỬ ĐẠO THỜI HIỆN
ĐẠI
Lịch
sử Giáo Hội Việt Nam cho thấy: Càng vào những thời điểm khó khăn, người Kitô hữu
càng có lòng tin mạnh mẽ. Trái lại, khi cuộc sống dễ dãi, dường như đời sống đức
tin lại suy giảm. Cụ thể vào những thời kỳ bách hại, số người tin vào Chúa
Giêsu gia tăng nhanh chóng và lòng đạo đức của người tín hữu cũng sốt sắng hơn.
Sau năm 1975, khi chính quyền lúc đó gây ra muôn vàn khó khăn, cấm cách, giới hạn
các sinh hoạt tôn giáo, người ta có thể thấy các nhà thờ đông kín người tham dự
thánh lễ ngày thường. Đến nay, khi nhà thờ được xây to hơn, đẹp hơn, các tổ chức
hội đoàn dễ hơn, thuận lợi hơn, thì dường như những người tham dự càng ngày
càng ít dần.
Ngày
xưa, tổ tiên cha ông chúng ta đã phải đổ máu để tuyên xưng đức tin và bảo vệ đức
tin ; ngày nay, chúng ta không phải đổ máu, nhưng chúng ta sẽ phải tuyên xưng
và bảo vệ đức tin, kể cả việc tử đạo bằng những cách thức hiện đại hơn.
Mừng
lễ các vị Tử Đạo tại Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào và hãnh diện vì các bậc
cha ông của chúng ta. Hàng vạn lớp người đã anh dũng hy sinh mạng sống vì đức
tin theo gương Vị Tử đạo tiên khởi là Đức Giêsu. Bài đọc một thuật lại tấm
gương trung thành với lề luật Môsê của những người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất
trước Công nguyên. Sống dưới ách đô hộ của người Hy Lạp, dân Israel bị bắt buộc
phải tuân theo các tập tục, văn hóa của người Hy Lạp. Họ bị ép buộc cúng bái
các thần linh của dân ngoại, ăn uống các đồ cúng và buộc phải tham dự các việc
cúng bái đó. Trong Israel đã không ít người dễ dàng buông xuôi và tiếp nhận lối
sống của người Hy Lạp, nghịch lại với lề luật của Thiên Chúa. Tuy nhiên, vẫn có
nhiều người một mực trung thành với lề luật của cha ông, khước từ lối sống dân
ngoại và sẵn sàng thà chết chứ không phản bội lại truyền thống của tổ tiên.
Câu
chuyện sách Macabê thuật lại sự can đảm của một bà mẹ và bảy người con cùng bị
bắt. Họ bị buộc phải ăn thịt heo và tham dự lễ cúng tế, nhưng họ đã một mực từ
chối. Điều đáng khâm phục là người mẹ đã can đảm chứng kiến cả bảy đứa con bị
hành hình một cách ghê sợ. Bà vẫn chịu đựng và còn dùng đức tin để khuyến khích
những người con. Lời lẽ của bà thể hiện một niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa,
Đấng làm chủ sự sống và sự chết, Đấng có quyền ban cho con người sự sống sau
cái chết: Mẹ không rõ các con thành hình trong lòng mẹ ra sao. Không phải mẹ
ban cho các con thần khí và sự sống. Chính Đấng Tạo Hóa đã nắn đúc nên loài người,
đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót sẽ trả lại cho
chúng con thần khí và sự sống. Đó là lời khuyên của bà dành cho các con, giúp cả
bảy người can đảm chịu cực hình, đó cũng là giáo lý bà dạy các con, là lời
tuyên xưng đức tin của bà vào Thiên Chúa quyền năng.
Tin
Chúa Giêsu là Thiên Chúa và chọn bước theo Tin Mừng và giới răn lề luật của
Ngài, đòi chúng ta phải chấp nhận, đánh đổi giữa cái hiện tại để lấy cái tương
lai, giữa vật chất và thế giới hữu hạn để lấy sự sống vĩnh cửu
vô biên. Bước theo Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, không phải chỉ
trong một khoảng thời gian mà là một cuộc chiến đấu liên tục mỗi
ngày. Vì thế, trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với mọi người
rằng: Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà
theo.
Nhìn vào gương sống và sự can trường của cha
ông, chúng ta hết lòng cảm phục và tri ân các Ngài. Ngày xưa, những
nhà cầm quyền đã vu cáo cho các ngài đủ điều. Về mặt chính trị,
họ kết tội các ngài theo đạo của Tây, cộng tác với ngoại bang phản bội tổ quốc. Về mặt xã hội, họ vu khống
các ngài gieo rắc lối sống vô đạo vô luân, bất
hiếu. Về tôn giáo, họ cho các ngài như những kẻ theo tà đạo, bị nghị kị loại trừ. Thế nhưng, trước mặt
các vua quan, các vị tử đạo đã dõng dạc tuyên bố: Chúng tôi không trái lệnh
vua, không phản bội tổ quốc, chúng tôi không làm hại ai. Chúng tôi bị bắt, bị
xét xử, chỉ vì chúng tôi tin vào danh Chúa Giêsu Kitô mà thôi.
Các quan hứa hẹn cho các ngài một cuộc sống giàu sang sung túc, các ngài từ chối mà rằng:
Chúng tôi không thể bỏ Vua Trời và nước Thiên đàng vĩnh cửu để tìm kiếm vinh dự
ở dưới đất này. Trước khi chịu hành hình, noi gương Chúa Giêsu, các ngài cầu
nguyện cho vua quan và lý hình là những kẻ gây đau khổ và hành hạ các ngài.
Lời mời gọi trong bài Tin Mừng
hôm nay là lời
mời với sự tự do: Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá
mình hằng ngày mà theo. Chúa không ép buộc, nhưng để cho chúng ta hoàn toàn tự
do chọn và quyết định: Ai muốn thì theo. Một khi đã theo thì phải vác thập giá của mình hằng
ngày. Đó là điều kiện không thể thoái thác,
tránh né, đồng thời phải bước theo Chúa, đi trên cùng một con đường với Chúa chứ
không thể đi một con đường nào khác. Con đường của Chúa là con đường thập giá,
là hy sinh trong sự yêu mến và hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa. Các vị tử đạo đã chọn Đức Giêsu, đã vác thập giá của mình và đã bước theo Đức Giêsu đến
cùng, đến chấp nhận cái chết vì tình yêu dành cho Thiên Chúa.
Chắc chắn các vị Tử đạo có thể chọn một cuộc
sống thoải mái hơn, cũng có thể tìm kiếm sự giàu sang, chức tước bổng lộc như
nhiều người khác, nhưng các ngài đã chọn và chỉ chọn một mình Chúa
Giêsu và giáo lý của Ngài. Một khi đã chọn, các ngài không bao giờ hối
tiếc, nhưng luôn vui và hạnh phúc vì được biết Chúa Giêsu và trở nên môn đệ của
Ngài. Vì thế, dù đối diện với đòn vọt, tù đày, bắt bớ, tra
tấn và đủ mọi cực hình, cũng không làm lay chuyển niềm tin và sự chọn lựa của các, ngài đặt
nơi Thiên Chúa.
Trong bầu khí của ngày lễ kính Các
Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta được mời gọi suy gẫm và nhìn lại quyết định chọn
lựa của mình mỗi ngày. Chúng ta đang chọn theo Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài
hay chọn theo ai? Chúng ta đang theo Chúa, nhưng chúng ta có đi vào con đường của Chúa hay
đi đường khác? Chúng
ta đang vác thập giá của mình như Chúa mời gọi, hay
chúng ta đang vác một cái gì riêng của ta, của thế gian?
Đa số chúng ta được lãnh nhận đức tin từ
tổ tiên cha ông truyền lại. Nhiều người đã không vất vả để tìm kiếm,
không phải trăn trở thao thức về niềm tin, họ coi việc có đức tin
như là chuyện đương nhiên, vì thế, họ không trân trọng đức tin của mình. Nhiều
người không nhận ra rằng, đức tin là món quà Thiên Chúa trao ban, do đó phải
chăm sóc cho
đức tin của mình. Nhiều người không chú tâm trau dồi, đào sâu và nuôi dưỡng để
làm cho đức tin của mình bén rễ và sinh hoa kết trái trong cuộc đời. Họ để đức
tin của mình bị èo uột, bị những cơn gió của khó khăn cuộc sống, những cơn bão của văn minh và những cơn lũ của xã hội làm cho đức tin bị giao động và có khi bật rễ.
Có nhiều người chỉ biết Đức Giêsu và tin
vào Chúa một cách hết sức hời hợt. Vì thế, họ biểu lộ ra bên ngoài bằng
một cuộc sống như những kẻ vô thần hoặc như những người dễ dãi, tin
kiêng vớ vẩn, mê tín mù quáng. Nhiều người chọn Chúa, nhưng đồng thời không
dám từ bỏ những thứ thuộc về thế gian, ma quỉ. Họ làm tôi hai chủ,
vừa thờ Chúa vừa thờ cúng thế gian, ma quỉ, vừa tin Chúa vừa tin thầy
bà bói toán. Nhiều người Công Giáo chỉ nghe nói về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, nhưng không gặp
được Chúa Giêsu và cũng không thực hành theo Tin Mừng trong cuộc đời của mình,
họ sống như những người dân ngoại.
Chúa mời gọi những người tin Chúa phải
vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa, nhưng nhiều người tín hữu lại vác những
thứ khác, đó là danh vọng, quyền lợi, địa vị, bổng lộc và tiền bạc, khiến không còn
có chỗ cho việc vác thập giá cuộc đời mình nữa. Thay vì đi theo Chúa Giêsu, nhiều
người đã chọn đi một con đường khác, đó là con đường của ích kỷ kiêu căng,
tranh giành hơn thiệt.
Tình trạng sống đạo theo kiểu vô thần vô
đạo như thế đang diễn ra nơi rất nhiều người, không phải chỉ có nơi người trẻ
hoặc trí thức, mà cả nơi các bậc cha mẹ và những người bình dân. Những người
này không đặt Chúa và Tin Mừng của Ngài vào vị trí ưu tiên của cuộc đời, cũng
không tìm kiếm Chúa và hạnh phúc Thiên đàng đời sau, mà chỉ lo tìm kiếm
những thứ dễ
dãi đời này mà thôi.
Mừng lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam hôm
nay, xin Các Thánh phù giúp chúng ta noi gương các ngài,
biết chọn Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, biết can đảm vác thập giá và bước theo
Ngài trong xã hội tiện nghi và hiện đại ngày nay. Amen.