CHỦ NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN
Trong
những lúc căng thẳng, tranh chấp, và bị thử thách, nhiều khi người ta tự hỏi:
Thiên Chúa đang làm gì? Tại sao Người không can thiệp? Chúng ta muốn Người can
thiệp ngay tức khắc, một cách lạ lùng. Nhưng Thiên Chúa kiên trì. Chưa đến lúc
tách cỏ lùng ra khỏi lúa tốt, vì sợ mất một vài hạt lúa tốt.
Tiên tri Ml 3,19-20a
Trở về
từ đất lưu đày, người Do thái hi vọng có Bình an và Hạnh phúc, nhưng trên thực
tế thì họ lại tiếp tục sống dưới ách thống trị của người Ba tư. Đức tin sụp đổ.
Tôn giáo trở thành hình thức. Tiên tri Ma la ki bấy giờ gióng lên một lời kêu gọi
mạnh mẽ: Dân phải đầy lòng tin tưởng tiếp tục hướng về tương lai.
Thánh Vịnh 97
Ngày
của Chúa đang đến gần. Ngày ấy đang tỏ hiện. Ước gì mọi người và toàn thể tạo vật
nhảy mừng hân hoan vì “Ngày của Chúa” không khiến người ta hoảng sợ, nhưng mang
lại Niềm Vui và Hạnh Phúc.
Thư 2 Tx 3,7-12
Niềm
hi vọng vào “Ngày của Chúa” đến trong nay mai đã khiến người tín hữu Tê xa lô
ni ca có một thái độ thụ động nguy hiểm. “Cần gì phải làm việc nữa, chỉ còn chờ
đợi lúc tận cùng mà thôi”. Phao lô phản bác quan niệm về việc Chúa đến một cách
máy móc như thế, vì nó không ăn nhập gì với cuộc sống người ki tô hữu cả. Trái
lại, sự chờ đợi ơn Cứu độ cuối cùng phải mang lại cho hoạt động hằng ngày một ý
nghĩa. Nếu không, thì chỉ là sống trong mơ mộng, ảo tưởng. Việc làm của chúng
ta mang lại cho sự sống giá trị của nó.
Tin mừng Lc 21,5-19
NGỮ CẢNH
Đọan
văn nầy là bài diễn từ về lúc tận cùng của thời gian. Cũng như Mt và Mc, Lu
ca cũng đưa ra một diễn từ dài viết theo
lọai văn khải huyền mà sách Đa ni ên đã sử dụng 200 năm trước, và vẫn còn được
sử dụng trong văn chương Híp pri thời Chúa Giê su. Lc cũng đặt diễn từ nầy sau
một loạt các tranh luận gay gắt giữa Chúa Giê su và các lãnh đạo dân Do thái và
ngay trước trình thuật Khổ nạn. Do vậy, đây là giáo huấn cuối cùng của Chúa Giê
su.
Có ba
khẳng định chính yếu: không nên tin rằng việc Con Người trở lại vinh quang sẽ diễn
ra nay mai, vì sẽ có một khoảng thời gian dài bách hại và thử thách đi trước.
Tuy vậy, chiến thằng là chắc chắn: Nước Thiên Chúa sẽ được Con Người thiết lập.
Vì thế. thái độ của người tín hữa là phải
kiên trì, tỉnh thức, cầu nguyện và hi vọng.
Có thể
đọc đoạn văn theo cấu trúc sau đây:
1. Nhập
đề: (21,5-7)
2. Cảnh
giác mở đầu (21,8-9)
3.
Các dấu chỉ và thiên tai (21,10-11);
4. Những
biến cố xảy ra trước: bách hại, phải kiên trì (21,12-19);
TÌM HIỂU
Có mấy người: nếu đọc Mc 13,1-4. ta có thể nghĩ đến bốn môn đệ đầu tiên được Chúa Giê
su kêu gọi. Nhưng Lc không cho biết chính xác như thế. Ngược lại, dường như ông
muốn nói rằng Chúa Giê su nói với tất cả đám đông, như sau khi Ngài đi vào đền
thờ (19,48; x. 20,1.9.26.45; 21,38) và như trong trường hợp diễn từ trên đồng bằng
(x.6,17-19). Do đó, diễn từ sau cùng của Chúa Giê su nói với toàn dân Do Thái,
và qua đó với toàn dân Ki tô giáo.
Đền thờ: sau khi đến Giê ru sa lem, Chúa Giê su đi vào trong đền thờ (19,45). Từ
đó, tất cả giáo huấn của Ngài, cho đến câu 21,38, diễn ra trong nơi thánh nầy.
Vua
Hê rô đê đại đế khởi công việc trùng tu đền thờ vào năm 18 trước CN (x. Ga
2,20). Do vậy, đền thờ hoàn toàn mới khi Chúa Giê su nói.
Những đồ dâng cúng: sát nghĩa: “những gì để trên” (bàn thờ hoặc đền thờ); đó là những của
dâng cúng tự nguyện của tín hữu vào việc xây cất hoặc trang hoàng đền thờ.
Không còn tảng đá nào trên tảng
đá nào: lời loan báo khủng khiếp, đã được ám chỉ trong câu
19,44. khởi đầu bằng công thức: “Sẽ đến
những ngày”, mà Thánh Kinh vẫn dùng để dẫn vào các câu sấm đầy hăm doạ (x.
17,22; 19,43). Ở đây Chúa Giê su dùng lại kiểu nói mà nhiều tiên tri dùng để chống
lại đền thờ (Mk 3,12; Gr 7,1-15; 26,1-19; Ed 8-11) vì lòng bất trung của Israel
đối với Giao Ước. Sự bất trung nầy giờ đây được tỏ bày trong sự chối từ Chúa
Giê su.
Bao giờ: câu hỏi của dân chúng gồm hai điều: thời gian đền thờ bị phá huỷ; và dấu
chỉ báo trước sự gần kề. Mt và Mc cũng ghi lại câu hỏi kép nầy, nhưng câu trả lời
của họ chuyển từ viễn tượng lịch sử sang ngay viễn tượng lúc cuối thời gian.
Trái lại Lc chỉ bàn tới việc đền thờ bị phá huỷ, như thế để tránh cho người ta
tin tằng việc đền thờ bị phá huỷ loan báo một kết cục gần kề của thế gian. Cách
trình bày vấn đề nầy còn được nhấn mạnh ở cuối câu 9 “chưa phải là cùng tận ngay đâu”, và ở đầu câu 12 “Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra..”.
Cả hai chi tiết cho thấy rõ Lc không đặt việc Giê ru sa lem bị tàn phá, xảy ra
vào năm 70 trong tương quan gần kề với lúc cuối của lịch sử.
Anh em hãy coi chừng: lời cảnh giác nầy của Chúa Giê su nhắm đến hai hạng người xách động: những
kẻ đến mạo danh Chúa Giê su nói rằng: “Chính
là Ta đây”. Hoặc tệ hơn nữa, “Ta Là”,
và những kẻ quả quyết rằng “thời giờ đã gần
kề” (x. 10,11;19,11).
Chiến tranh: lời khuyên thứ ba: đừng để mình bị hoảng sợ vì chiến tranh hay các cuộc
cách mạng, bởi vì những cuộc chính biến hay quân biến (ám chỉ đến cuộc nổi loạn của người Do thái từ
năm 66 đến năm 70 chăng?) không liên can trực tiếp đến lúc tận cùng thế gian. Tất
cả những điều nầy xảy ra trước, nhưng không phải là dấu chỉ đi trước lúc tận
cùng. Nói cách khác, lời cảnh giác đầu tiên (căn bản trả lời cho câu hỏi: khi
nào?) nhấn mạnh đến mối nguy hiểm cho đức tin do việc sai lầm nghĩ đó là thời
điểm tận cùng gần kề.
Rồi Người nói tiếp: câu nầy của riêng Lc, tiếp sau lời cảnh giác đầu tiên có giá trị cho cả
diễn từ. Và cho biết đây là khởi đầu đúng nghĩa của diễn từ. Chúa Giê su sắp trả
lời cho câu hỏi thứ hai, về các dấu chỉ đi trước lúc tận cùng. Lc trình bày các
dấu chỉ nầy trong hai thời khắc quan trọng và phức tạp và đan xen vào nhau: thời
khắc trước bao hàm thời khắc sau, trực tiếp báo trước việc Con Người đến
(21,27), và niềm hi vọng mà biến cố ấy gợi lên trong lòng tín hữu (21,28). Thời
khắc nầy gồm những biến cố lịch sử (21,10) hoặc hoàn vũ (21,11), được lặp lại
trong cc. 25-26. Nó được đặt sau thời khắc trước, hoàn toàn trong lịch sử, được
hiện thực trong cuộc bách hại các môn đệ (21,12-19) và việc dân ngoại tàn phá đền
thờ (21,20-24).
Ôn dịch: là những hình ảnh truyền thống của văn chương khải huyền Do thái dùng để
mô tả các biến cố báo trước lúc tận cùng thế gian. X. Is 24,19-20; Dc 14,4-5;
Ed 6,11-12..
Ngược đãi anh em: đoạn nầy không thuộc thành phần của diễn từ Mt, thuộc về một ngữ cảnh
khác (10,17-22). Đối với Mc, x. 13,9-13. Lc thuật lại một vài câu chuyện của cuộc
bách hại nầy trong sách Công Vụ. Người ta hiểu đó là cuộc bách hại của người La
mã dưới thời Hoàng đế Nê ron.
Vua chúa: chi tiết chính xác nầy cho thấy trước hoàn cảnh trong đó Phao lô sẽ bị điệu
ra trước Vua Agrippa và Tổng thấn Festô.
Làm chứng: trong khi ở câu 18,9 Mc nói: “để
làm chứng trước mặt họ (những kẻ bách hại), thì Lc lại nói (sát chữ): “Đó sẽ
là cơ hội cho anh em làm chứng cho Thầy”.
Theo cách nhìn của những người bách hại, Lc gợi ý rằng sự đau khổ của họ sẽ trở
thành một chứng từ có lợi cho họ trước mặt Thiên Chúa. Từ “làm chứng” (trong hy
ngữ martýrion sau nầy sẽ mang ý nghĩa
là tử đạo.
Thầy sẽ cho anh em: khác với đoạn 12,11-12, Chúa Giê su xác định ở đây là chính Ngài sẽ ban
cho chứ không phải là thánh Thần cảm hứng cho các môn đệ bị bách hại. Hơn nữa sự
cảm hứng nầy không chỉ phù trợ trong cách ăn nói và sự khôn ngoan, mà còn ban
cho một sức mạnh không gì có thể thắng được (so sánh với Mc 13,11). Củng thế,
Lc sẽ nói rằng các người bách hại Tê pha nô
“không địch nổi lời lẽ khôn ngoan
mà Thần khí đã ban cho ông” (Cv 6,10).
Một số người trong anh em: hễ là người ki tô hữu thì sẽ bị ghen ghét, ngay cả trong gia đình, và bởi
chính anh em bạn hữu mình. Nhưng Lc giảm nhẹ bầu khí u ám nầy bằng cách ghi chú
rằng chỉ “một vài” người bị bách hại sẽ chết, khác với Mt và Mc.
Sợi tóc: trong hoàn cảnh đau thương này, Lc lặp lại một lời nói của Chúa Giê su mà
ông đã ghi lại trong 12,7, nhưng theo một hướng hơi khác. Qua đó ông muốn nhắc
cho người ki tô hữu nhớ rằng họ được bảo đảm bởi sự che chở của Thiên Chúa dù
cho hoàn cảnh có xấu đến đâu đi nữa. Xem tác giả nhắc lại câu nói nầy trong biến
cố Phao lô bị đắm tàu (Cv 27,34). Nhưng sự che chở của Thiên Chúa không nhằm mục
đích đem ra khỏi các thử thách, nhưng trái lại bảo đảm ơn cứu độ.
Kiên trì: đối với Lc, các cuộc bách hại không có tương quan tức khắc với cuộc Chung
Thẩm, nhưng là điểm đặc trưng trong tình huống tại thế của người tín hữu. Do đó
ở đây, chỉ có ông thuật lại một lời nói có bao quát, có thể áp dụng cho bất cứ
hoàn cảnh nào và ở bất cứ thời đại nào (so với Mc 13,13). Sự kiên trì nầy, thiết
yếu để trổ sinh hoa trái (8,15), là cần thiết trong suốt cuộc thử thách của cuộc
sống và đặc biệt trong hoàn cảnh bách hại. Điều đó có thể nhờ sự giúp đỡ của
Thiên Chúa. Nó giúp cho người tín hữu hi vọng vào cuộc sống (x. 17,33). Ta cũng
có thể gặp thấy cung giọng đầy xác tín và tin tưởng trong c. 28.
SỨ
ĐIỆP
Đây là chủ nhật áp chót của
năm Phụng vụ. Các bài đọc hôm nay gợi lên những biến cố kinh hoàng của thời thế
mạt. Khi lướt nhanh qua Thánh kinh, chúng ta bắt gặp những cụm từ như ‘Đại Hồng
Thuỷ’, ‘nô lệ bên Ai cập’, ‘lưu đày bên Babilon’, ‘phế tích đền thờ Giê ru sa
lem’, ‘các cuộc bách hại’. Ngày nay các phương tiên truyền thông cũng tràn ngập
những tin tức về những hăm doạ khủng bố, tai hoạ động đất, hiện tượng trái đất
nóng dẩn lên và đủ mọi thứ thiên tai đang xảy ra hằng ngày chung quanh chúng
ta. Vì thế, bài tin mừng hôm nay muốn làm sống lại niềm hi vọng của người tín hữu:
Không, chưa phải là tận cùng của thế giới nầy đâu mà là tận cùng của một thế giới.
Thế giới ấy đang chết và nó lên tiếng. Và đồng thời một thế giới mới đang xuất
hiện, đang khởi đầu.
Thật vậy, bên cạnh những
tai ương, Thánh Kinh cũng có những hình ảnh tích cực. Thiên Chúa hiện diện ngay
giữa cuộc sống con người. Tất cả các bản văn Cựu Ước và Tân Ước loan báo cho
chúng ta về sự giải phóng, sự gần gủi của Thiên Chúa, sự sống lại, ân sủng, ơn
cứu độ. Hôm nay, Chúa Giê su nói với chúng ta về sự tàn phá thành Giê ru sa
lem. Chúng ta có thể nhìn thấy thái độ hốt hoảng của các môn đệ khi nghe loan
báo biến cố ấy.
Khi Thánh Luca viết tin mừng,
thì lời tiên tri ấy đã thành sự thực. Đền thờ Giê ru sa lem đã bị Titô phá huỷ.
Đó là cơ hội tốt để tác giả Tin mừng mời gọi người ki tô hữu tiến thêm một bước
nữa: Từ nay đền thờ đích thật mà Thiên Chúa muốn ngự vào không phải là đền thờ
bằng đá, dù nó có đẹp đến mấy đi nữa. Đền thờ đích thật chính là Thân xác của Đức
Ki tô. Đó là điều mà chúng ta phải hiểu khi Chúa Giê su nói: “Phá huỷ đền thờ nầy đi và trong ba ngày ta sẽ
xây dựng lại”.
Lời mạc khải ấy đưa đến
các kết luận nầy: chúng ta không còn bằng lòng tìm Thiên Chúa trong cái xa hoa
mà người ta trang hoàng đền thờ hoặc trong các nhà thờ bằng đá của chúng ta. Tất
cả chúng ta đều là phần Thần Thể của Đức Ki tô, đền thờ mà Thiên Chúa muốn ngự.
Nếu chúng ta muốn gặp Người, thì đừng quên tìm gặp Người giữa những người nghèo
khổ, những người đói rách, những người đau yếu và tù tội. Đền thờ đích thật của
Thiên Chúa chính là tâm hồn con người. Đền thờ bị tàn phá đúng nghĩa nhất, đó
là nhũng thân xác bị huỷ hoại vì đói khát, bệnh tật, chiến tranh, thất nghiệp
và bất hạnh.
Tái thiết đền thờ Thiên
Chúa tức là hành động chung quanh chúng ta để xây dựng một thế giới nhân đạo
hơn, huynh đệ hơn và mở rộng vòng tay hơn. Điều đó phải bắt đầu từ trong gia
đình, hàng xóm chúng ta, từ các mối tương quan của chúng ta hằng ngày. Chính đó
là nơi mà Chúa chờ gặp chúng ta.
Khi chúng ta cử hành Thánh
lễ, chúng ta đến kín múc tận nguồn dành cho sứ mạng mà Chúa giao phó cho chúng
ta. Chúng ta mừng Đấng đã tự hiến cho đến cùng, đến chỗ dâng hiến cuộc đời
mình. Chúng ta hãy xin Ngài mở rộng tâm hồn chúng ta theo chiều kích của Ngài.
Ước gì nhờ lời cầu nguyện, lời nói và sự liên đới, chúng ta trở thành những chứng
nhân đích thực cho niềm hi vọng.
ĐÀO SÂU
NGÀY
CỦA CHÚA
Ml 4,1-2 Ngày của Chúa
Tv 98,5-6, 7-8, 9 Chúa ngự đến thống trị địa cầu trong đường chính trực
2 Tx 3,7-12 Hãy tiếp tục lao động chờ ngày Chúa trở lại
Lc 21,5-19 Bách hại là điềm loan báo Ngày của Chúa đến gần
1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo
chủ đề nào?
THƯA: HÃY KIÊN TRÌ CHỜ ĐỢI NGÀY CỦA CHÚA. Sẽ đến
‘Ngày của Chúa’, ngày cả thế giới và vũ trụ này biến đổi, những kẻ gian ác sẽ bị
tiêu diệt, còn những người công chính sẽ được vinh quang (Bđ1). Chúa Giê su cho
biết những điềm báo trước để sẵn sàng chờ đợi (BTM). Thánh Phao lô khuyên tín hữu
phải tiếp tục làm việc chờ ngày Chúa trở lại (Bđ2).
2. HỎI:
Sơ lược bối cảnh bài đọc một?
THƯA: Tiên tri Ma-la-khi viết những
dòng nầy vào khoảng năm 450 trước Công Nguyên, trong lúc dân Ít-ra-ên trải qua
một tình thế hết sức tuyệt vọng. Tất cả dường như mất hết đức tin, cạn dần hi vọng.
Ngay cả các tư tế Giê-ru-sa-lem cũng thờ ơ trong việc cử hành phụng tự. Trước
thực tế quá phủ phàng đó, hầu như ai cũng đặt câu hỏi: ‘Thiên Chúa đang làm gì?
Người quên chúng ta rồi sao? Những kẻ làm ác thì cứ thịnh vượng, vậy thì cần gì
phải giữ lề luật. Không có công bình. Cuối cùng thì Thiên Chúa có thực sự công
chính không?’
3. HỎI:
Tiên tri Ma-la-khi đã làm gì?
THƯA:
Trước
tình hình đó, Ma-la-khi bắt đầu sứ vụ tiên tri. Ông khẳng định rằng Thiên Chúa
là Đấng Công chính, đang thực hiện công cuộc tái lập sự công chính nơi con người.
Và để củng cố lời rao giảng, ông cho loan báo Ngày của Đức Chúa đang đến gần.
4. HỎI:
‘Ngày của Đức Chúa’ là ngày gì?
THƯA:
‘Ngày
của Đức Chúa’ là ngày Thiên Chúa ngự đến xét xử trần gian. Người tín hữu nóng
lòng chờ đợi ngày ấy, vì đối với những ai tin Thiên Chúa là Cha thì đó là một
Tin mừng.
5. HỎI: Ông dùng hình ảnh gì để mô tả ‘Ngày của Đức
Chúa’?
THƯA:
Để
mô tả ‘Ngày của Đức Chúa’, Ma-la-khi
dùng hình ảnh mặt trời: ‘Này Ngày của
Chúa đến đốt cháy như hỏa lò’. Nhưng đó không phải là một lời hăm dọa, vì
hình ảnh hỏa lò nói lên tình yêu vô biên của Người.
6. HỎI:
‘Mặt trời’ Thiên Chúa nói lên điều gì?
THƯA:
Cũng
như không gì có thể bị che khuất dưới ánh sáng mặt trời, thì cả cuộc sống và
toàn thể con người của chúng ta sẽ được phơi bày để được thanh tẩy: ‘Tất cả những kẻ kiêu căng, nhưng kẻ làm điều
gian ác sẽ như rơm, ngày sẽ đến sẽ thiêu hủy chúng, còn các người là những kẻ
kính sợ danh Ta, nó sẽ mang lại sự chữa lành’ (Mlk 3,20).
7. HỎI: Trong mỗi người sự phán xét sẽ diễn ra như thế
nào?
THƯA: Trong mỗi người, những gì phản
ánh tình yêu Thiên Chúa, ‘kính sợ Thiên Chúa’, sẽ được biến hình. Còn những gì
cản trở tình yêu Người, như sự ‘kiêu căng’ sẽ ‘cháy rụi như rơm’, hay sẽ ‘tan
chảy như tuyết dưới ánh mặt trời’. Như thế, mục đích của sự Thiên Chúa phán xét
chính là thanh luyện để rồi cuối cùng trong mỗi người chúng ta, Thiên Chúa sẽ
nhận ra hình ảnh giống như Người.
8. HỎI:
Tiên tri Ma-la-khi còn dùng hình ảnh nào nữa không?
THƯA:
Có,
tiên tri còn dùng hai hình ảnh nữa để
mô tả về việc Thiên Chúa xét xử, đó là thợ luyện và thợ giặt. Người thợ giặt
không tìm cách phá hư nhưng làm cho y phục đại lễ trở nên lộng lẫy hơn. Người
thợ kim hoàn cũng vậy, không tìm cách tiêu hủy đồ trang sức nhưng làm cho nó được
sáng bóng hơn. Việc Thiên Chúa xét xử cũng nhằm mục tiêu tương tự là làm cho
con người được trong trắng và xứng đáng hơn.
9. HỎI:
Bài đọc 2 (2 Tx 3,7-12) có nội dung như thế nào?
THƯA: Thánh Phaolô lấy chính
bản thân ngài ra làm gương để khuyên tín hữu Tê-xa-lô-ni-ca đừng sống vô kỷ
luật, nhưng phải biết làm lụng vất vả trong khi chờ Ngày Chúa đến.
10. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Lc 21,5-19)
như thế nào?
THƯA: Chúa Giê su tiếp tục
giáo huấn tại Đền Thờ. Bài Tin mừng là diễn từ dài bàn về số phận của
Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ (21, 8-36). Có 2 ý chính: 1. Dẫn nhập vào diễn từ cánh
chung (21, 5-7). 2. Diễn từ cánh chung (21, 8-19).
11.
HỎI: Có nên hiểu theo mặt chữ bài Tin mừng không?
THƯA:
Không.
Thí dụ như lời tiên báo của Chúa Giê su: ‘Không
còn tảng đá nào trên tảng nào’ (21,6) hoặc như lời khẳng định: ‘dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị
mất đâu’ (21,18). Những lời ấy chỉ là những cách diễn tả mà thôi.
12.
HỎI: Cách diễn tả ấy như thế nào?
THƯA:
Như
tiên tri Ma-la-khi, Chúa Giê su dùng ngôn ngữ khải huyền, các hình ảnh tiên tri
(như động đất, lửa, ôn dịch…) để loan báo một sự tạo dựng mới. Thiên Chúa sẽ
phá hủy mọi mãnh lực sự dữ để khai mạc một thế giới mới, Vương quốc của Ngài.
13.
HỎI: Cách diễn tả ấy nhằm mục đích gì?
THƯA:
Tác
giả Tin mừng không dùng cách diễn tả ấy để tiên báo tương lai một cách chính
xác, nhưng chỉ nhằm giúp độc giả vượt qua các thử thách mình đang gặp. Một cách
cụ thể, sứ điệp là: ‘Dù gì xảy ra, thì anh em cũng đừng sợ!’
14.
HỎI: Đền thờ Giê-ru-sa-lem cho ta bài học nào?
THƯA:
Cho
ta bài học nầy: ‘Đừng dựa vào những giá trị giả trá’. Đền thờ được vua Hê-rô-đê
tái thiết, rực rỡ như khối vàng ròng, nhưng nó cũng thuộc về thế giới sẽ qua
đi.
15.
HỎI: Chúa Giê su có nói rõ về ngày giờ cũng như cách thức Nước Trời hình thành
không?
THƯA:
Không.
Chúa Giê su không cho biết chính xác về ngày giờ hoặc cách thức Nước Trời được
hình thành. Khi được hỏi: ‘Chừng nào thì
sự ấy sẽ xảy ra’, Ngài không trả lời mà chỉ đưa ra lời khuyên: ‘Hãy ý tứ đừng để mình bị lường gạt’.
16.
HỎI: Như thế Ngài muốn dạy ta điều gì?
THƯA:
Ngài
muốn dạy chúng ta dù đang gặp tai ương hay bị bách hại phải có một niềm tin tưởng
trung kiên, không gì có thể lay chuyển được.
17.
HỎI: Kiểu nói ‘Vì danh ta’ có nghĩa gì?
THƯA:
Kiểu
nói ‘Vì danh Ta’ nói lên thần tính của Đức Ki tô. Trong ngôn ngữ của người Do
thái, người ta rất thường dùng hai từ ‘Danh Thánh’ để nói về chính Thiên Chúa.
18.
HỎI: Theo Lu ca, việc đền thờ bị phá hủy có liên quan đến ngày thế mạc không?
THƯA:
Không.
Khác với hai Tin mừng Mát thêu và Mác cô, Tin mừng Lu ca không liên kết hai biến
cố ấy. Thánh Lu ca trước tiên quan tâm đến số phận của Đền thờ, rồi sau đó mới
đề cập đến ngày thế mạt, không liên quan gì đến việc Đền thờ bị phá hủy.
19.
HỎI: Chúa Giê su có ý gì khi tiên báo về Đền thờ?
THƯA:
Khi
báo trước Đền thờ bị phá hủy, Chúa Giê su có ý tiên báo Ít-ra-ên sẽ bị kết án
và bị loại trừ.
20.
HỎI: Tại sao Đền thờ bị phá hủy có nghĩa là Ít-ra-ên bị kết án và loại trừ?
THƯA:
Đối
với người Do thái, Đền thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện với dân Người. Bao lâu
còn Đền thờ, thì bấy lâu Thiên Chúa còn hiện diện và họ vẫn còn là dân được tuyển
chọn. Bởi đó, việc đền thờ bị phá hủy có nghĩa là họ đã bị bỏ rơi, bị cùng khổ
và chịu nhục nhã như lời Tiên tri Ma-la-khi loan báo (3,21).
21.
HỎI: Tại sao đền thờ phải bị phá hủy?
THƯA:
Vì
từ nay, Chúa Giê su là dấu chỉ duy nhất của Thiên Chúa ở giữa nhân loại.
22.
HỎI: Chúa Giê su có cho biết chính xác ngày giờ xảy ra biến cố ấy chăng?
THƯA:
Không. Dù được hỏi, nhưng Chúa Giê su không
trả lời cho câu hỏi ấy, mà chỉ cảnh giác ki tô hữu trước các mối hiểm họa lớn
hơn.
23.
HỎI: Các mối nguy hiểm nào?
THƯA:
Chúa
Giê su khuyên các tín hữu đề phòng các mối nguy hiểm nầy:
- Những kẻ mạo danh lừa dối họ, tự xưng là
những kẻ đến nhân danh Chúa.
- Những kẻ mạo danh loan báo thời giờ đã gần
đến.
- Giải thích các biến cố như là dấu chi cho
thấy ngày thế mạt đã gần kề.
24.
HỎI: Trước những mối nguy hiểm đó, người ki tô hữu phải làm gì?
THƯA:
Người
Ki tô hữu phải:
- Cảnh giác: ‘Các con chớ nghe theo chúng’
(c 8),
- Anh dũng và kiên trì làm chứng trong cơn
bách hại (c 13),
- Đừng lo lắng, nhưng đặt trọn niềm tin vào
quyền năng Thiên Chúa (c 14),
- Bền đỗ đến cùng (c 19).
25. HỎI:
Thực thi sứ điệp Lời Chúa như thế nào?
THƯA: 1. Kiên
trì trong nếp sống thường ngày, đều đặn, quanh đi quẩn lại bấy nhiêu việc không
tên: ăn uống, lao động, ngủ nghỉ; Kiên trì trong điệp khúc ‘hãy làm lành, tránh
dữ’, chẳng có gì là đặc biệt, chẳng có chi là nổi trội.
2. Đặc biệt kiên trì trong những lúc khó khăn, thử thách, vất vả và thậm
chí khốn đốn vì niềm tin, cậy, mến vào Chúa Ki-tô và vào các giá trị, luật lệ của
Ki-tô giáo giữa một thế giới vô đạo và tội lỗi.
GLCG 675 Trước cuộc Ngự đến của
Đức Kitô, Hội Thánh phải trải qua một cuộc thử thách cuối cùng, làm lung lạc đức
tin của nhiều tín hữu. Cuộc bách hại, luôn đi theo Hội Thánh trên đường lữ thứ
trần gian, sẽ làm lộ rõ ‘mầu nhiệm sự dữ’ dưới hình thức một sự đánh lừa về tôn
giáo, có vẻ như mang đến cho người ta một giải pháp về các vấn đề của họ với
giá phải trả là sự chối bỏ chân lý. Sự đánh lừa về tôn giáo ở mức cao nhất là của
tên Phản Kitô, nghĩa là, của một chủ nghĩa Messia giả hiệu, trong đó con người
tự tôn vinh chính mình thay vì tôn vinh Thiên Chúa và Đấng Messia của Ngài đã đến
trong xác phàm. (x. Đức Ki tô phán xét kẻ sống và kẻ chết 678. Cuộc thử thách
cuối cùng của Hội Thánh 675).