Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM CHỨNG NHÂN LÒNG THƯƠNG XÓT
Lời Chúa: Mc 13, 24-32
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ về ngày quang lâm của Người:
“Trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt
trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực
trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ thiên
hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và tập
hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho tới
cuối chân trời. Anh em cứ lấy thí dụ cây
vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nẩy lộc, thí anh em biết là
mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy
những điều đó xẩy ra, anh em biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa
rồi. Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ
chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xẩy ra.
Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được,
ngay cả các thiên sứ trên trời hay Con Người cũng không, chỉ trừ có Chúa Cha
biết mà thôi.”
Suy Niệm
Suốt ba trăm
năm, Giáo Hội Việt Nam đã chịu những cuộc bách hại và cấm cách đẫm máu, khiến
cho hàng vạn người đã bị mất mát tài sản, hàng ngàn người đã ngã gục ngoài pháp
trường, biết bao nhiêu người đã phải rời bỏ làng mạc thân yêu trốn chạy vào
những nơi rừng thiêng nước độc. Hơn 130 ngàn người đã ngã gục dưới những cực
hình dã man để trờ thành những chứng nhân bất khuất cho Đức Kitô. Các ngài đã
thấm nhuần Lời Đức Giêsu: " Không có tình yêu nào cao quý hơn người thí
mạng sống mình vì bạn hữu", nên các ngài đã trở nên chứng nhân lòng thương
xót, trong đời sống gia đình, xã hội và nước trời.
1. Chứng nhân lòng thương xót trong gia đình.
Bà thánh
Inê lê Thị Thành. Sinh được 5 người con. cô Anna Năm cung khai khi giáo quyền
thẩm vấn trong việc điều tra phong thánh như sau: "Song thân chúng tôi chỉ gả con gái cho những thanh niên đạo hạnh.
Sau khi tôi kết hôn thân mẫu thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những điều
tốt lành. Có lần người dạy tôi: Tuân theo ý Chúa con lập gia đình là gánh rất
nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui lòng đón
nhận Thánh Giá chúa gởi cho. Người cũng thông khuyên vợ chồng tôi: "Hai
con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng để ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ".
Thánh
Đaminh Phạm Trọng Khảm: Vì sẵn của cải, cụ chia sẻ cho mọi người, có lần cụ
kiếm cớ đãi cả làng. Cụ cho anh mõ đi rao khắp các hẻm mời mọi người ra ruộng
tổ chức đua diều. Ai thắng ai thua không thành vấn đề, miễn là mọi người được
một bữa no say.
2. Chứng nhân lòng thương xót trong xã hội.
Thánh y sĩ Phan Đắc Hòa rộng
tay giúp người nghèo khổ, riêng bệnh nhân túng thiếu, không những ông chữa bệnh
miễn phí, lại còn giúp tiền giúp lúa. Thánh Martinô Thọ nói: "Công bằng
chưa đủ, phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi bác ái phải có điều kiện",
nên ngài trồng thêm vườn dâu kiếm tiền giúp người thiếu thốn. Người cùng tử đạo
với ngài là Thánh Gioan Còn từng mạnh dạn đấu tranh cho người nghèo chống lại
chính sách đòi sưu cao thuế nặng. Thánh Năm Thuông là ân nhân của viện cô nhi
trong vùng. Còn thánh Trùm Đích thường xuyên thăm viếng trại cùi và sẵn sàng
nuôi người mắc bệnh dịch tại nhà mình.
Thánh Micae Hồ
Đình Hy, ngài làm quan Thái Bộc tới hàm tam phẩm, vua Tự Đức đã từng nói về
ngài: "Không thể truất nhiệm ông ta được, vì ông đã chu toàn trách nhiệm
theo lương tâm. Trước đây chưa ai giữ chức ấy được hai năm cả. Cho đến nay, ta
chưa có gì phải khiển trách ông ta. Có lẽ ta sẽ tăng lương cho xứng với việc
của ông ấy nữa là khác".
3. Chứng
nhân lòng thương xót nước Trời
Thánh Trần Văn Trung là một
binh sĩ, đã bị giết vì khẳng khái tuyên bố: “Tôi là Kitô hữu, tôi sẵn sàng đi
đánh kẻ thù của đất nước, nhưng bỏ đạo thì không bao giờ”. Thánh linh mục
Khuông từng tuyên bố: “Đạo Giatô không những cấm tín hữu chống lại triều đình,
mà còn khuyến khích để họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương an ninh thịnh
vượng”.
Thánh Phao lô Lê bảo Tịnh
trước khi bị hành quyết ngài nói: “Tôi xin chân thành cám ơn quan, vẫn luôn có
lòng tốt tìm cách cứu tội. Thân xác tôi ở trong tay quan, xin làm khổ nó tuy ý,
tôi vui lòng, không óan than gì”. Hay thánh Phao lô Phạm khắc Khoan làm cho
nhiều người bỡ ngỡ thán phục. Dù bị hành hạ dã man, Thầy vẫn thản nhiên nhẫn
nại, không bao giờ trách mắng chửi rủa, chỉ lặp đi lặp lại một điều: “Dù sống
dù chết, tôi không bao giờ bỏ đức tin”.
Đặc biệt ông câu
Emmanuel Phụng đã nói trước khi ra pháp trường: "Con ơi, hãy tha thứ. Đừng
tìm báo thù kẻ tố giác cha nhé". Đó là lời trăn trối cuối cùng của thánh
Emmanuel Lê Văn Phụng cho con trai trước khi bị xử chém. Noi gương Đức Kitô
trên Thập Giá xin Chúa cha tha những kẻ hành hạ mình, thánh nhân nài nỉ các bạn
hữu sống trọn vẹn giới luật bác ái Kitô Giáo: "Hãy tha thứ cho kẻ thù.
Đừng báo oán những kẻ tố giác hay kết án tôi, hãy tha thứ, hãy tha thứ vì chính
tôi, tôi đã thứ tha…"
Kết luận: Các thánh Tử Đạo Việt Nam
là những chứng nhân của lòng thương xót, ngay tại gia đình, trong xã hội, và
nước trời. Hôm nay chúng ta không có cơ hội đổ máu đào như cha ông chúng ta để
minh chứng đức tin. Nhưng chúng ta vẫn có thể làm chứng lòng thương xót Chúa
ngay tại gia đình, nơi khu xóm, và một khi sống với một tinh thần thương xót
đến mức độ chịu thua chịu thiệt, thì đó cũng là tử đạo vì lòng mến trước mặt
Thiên Chúa. Amen.
Tam Thái.