Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Thường Niên
HẠT GIỐNG LỜI
CHÚA
LỜI CHÚA: Mc 4,1-20
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông
dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên
mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển.
Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người
nói với họ rằng: "Các ngươi hãy nghe! Nầy người gieo hạt đi gieo hạt
giống. Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết. Phần
khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất. Hạt giống đã mọc lên ngay, vì
lớp đất không sâu. Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì
không rễ, nên bị chết khô. Một phần khác rơi vào bụi gai và gai mọc lên làm hạt
giống chết mà không sinh hoa trái được. Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên,
nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một
trăm". Và Người phán rằng: "Ai có tai nghe thì hãy nghe".
Khi Người còn lại một mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn
ở với Người, hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn, Người liền bảo các ông: "Các
con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên Chúa, còn những người khác ở ngoài thì
mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, vì chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không
hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội". Người nói với các ông: "Các
con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những dụ ngôn khác?
Người gieo hạt là gieo lời Chúa. Vệ đường mà lời Chúa được
gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo
trong tâm hồn họ. Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi, là những kẻ
khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là
những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ
sa ngã liền. Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai. Ðây là những kẻ nghe lời
Chúa, nhưng những lo lắng trần tục, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh
hoa trái được. Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe
lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi và hạt một
trăm".
SUY NIỆM:
Dụ ngôn người gieo giống
trong đoạn Tin Mừng này cho chúng ta thấy: Hạt giống được người gieo giống gieo
vài vào những môi trường khác nhau: vệ đường, đất sỏi, bụi gai, đất tốt. Kết quả:
chỉ có mảnh đất tốt đón nhận hạt giống, mới sinh hoa kết quả: “Hạt sinh được ba
mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm".
Dụ ngôn nhấn mạnh rằng:
“Người gieo hạt là gieo lời Chúa”. Như vậy, người gieo hạt giống ở đây chính là
Đức Giêsu Kitô. Ngài đến trần gian rao giảng Tin Mừng Nước Trời, gieo Lời của
Ngài vào lòng chúng ta.
Thế nhưng, thái độ đón nhận
hạt giống Lời Chúa nơi con người hoàn toàn khác nhau. Có người thì đón nhận, lại
cũng có người thì từ chối.
Chúng ta tự hỏi chính mình:
liệu mảnh đất tâm hồn của chúng ta có đón nhận Lời Chúa hay không? Mảnh đất tâm
hồn của chúng ta có điều kiện để hạt giống Tin Mừng được sinh hoa kết quả, hay chỉ
là mảnh đất chai cằn khô cứng?
Trong đời sống đạo hằng
ngày, đặc biệt trong Năm tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn sống
đời thánh hiến, chúng ta được Chúa mời gọi chúng ta đọc và sống Lời Chúa hằng
ngày.
Phúc Âm hóa đời sống giáo
xứ được bắt đầu bằng việc đón nghe và sống Lời Chúa dạy.
Nhờ đọc và sống Lời Chúa,
chúng ta mới mong gặp gỡ được Chúa, kết hợp với Chúa và giúp chúng ta tăng trưởng
đời sống nội tâm, đời sống thiêng liêng.
Nhờ đọc và suy gẫm Lời
Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta.
Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng
ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái,
phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.
Thật vậy, khi gieo Lời
Chúa vào mảnh đất tâm hồn chúng ta, Chúa muốn hạt giống của Ngài sinh nhiều hoa
trái. Chính tinh thần của Tin Mừng làm phát triển đời sống của người Kitô hữu
và đời sống của Hội Thánh.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc
nhở chúng ta phải đón nhận và lắng nghe Lời Chúa như sau:
“Tất cả việc Phúc Âm hóa được thiết lập dựa trên sự lắng nghe,
suy niệm, sống, cử hành Lời Chúa và làm chứng cho Lời Chúa. Thánh Kinh là nguồn
mạch của việc Phúc Âm hóa. Vì vậy, chúng ta phải liên tục được đào luyện trong việc lắng nghe Lời Chúa. Hội Thánh
không rao giảng Tin Mừng nếu không liên tục để cho mình được Phúc Âm hóa. Ðiều
quan trọng là Lời Chúa "càng ngày càng trở nên trung tâm của mọi hoạt động
của Hội Thánh".(Tông
huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 174).
Đức Thánh Cha cũng kêu gọi
các giáo phận, giáo xứ tổ chức học hỏi Lời Chúa một cách “nghiêm túc và kiên
trì”:
“Việc Phúc Âm hóa đòi hỏi chúng ta phải làm quen với Lời Chúa, và điều này đòi buộc các giáo phận, các giáo
xứ và các nhóm Công Giáo đề ra một chương trình học hỏi Thánh Kinh nghiêm túc và kiên trì, cũng như thúc đẩy việc đọc
Thánh Kinh trong cầu nguyện của cá nhân và cộng đồng.” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng,
số 175).
Môi trường gia đình, đặc
biệt giáo xứ, sẽ giúp thăng tiến đời sống người Kitô:
“Giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh trong một
lãnh thổ, một môi trường để lắng nghe Lời Chúa, để lớn lên trong đời sống Kitô
hữu, để đối thoại, để rao giảng, để làm việc bác ái, thờ phượng và cử hành.”
(Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 28).
Vì thế, Lời Chúa phải ăn rễ
sâu, và là trung tâm đời sống của từng người Kitô hữu và trong toàn thể Hội
Thánh.
Tinh thần của Tin Mừng soi
sáng, hướng dẫn đời sống của mỗi người tín hữu, nhờ sự hiểu biết Tin Mừng và học
hỏi Tin Mừng; Tinh thần của Tin Mừng cũng sẽ trở thành lời chứng của mọi người
Kitô hữu giữa các môi trường xung quanh, và toàn thể thế giới.
Lm. Duy Khang