Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

Suy Niệm Lời Chúa Thứ tư Tuần V Mùa Chay

ĐẤNG GIẢI PHÓNG

sam hoi.jpg

Lời Chúa: Ga 8, 31 – 42

(31) Vậy, Ðức Giêsu nói với những người Dothái đã tin Người: "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; (32) các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông". (33) Họ đáp: "Chúng tôi là dòng dõi ông Ápraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?" (34) Ðức Giêsu trả lời: "Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. (35) Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. (37) Tôi biết các ông là dòng dõi ông Ápraham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. (38) Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói". (39) Họ đáp: "Cha chúng tôi là ông Ápraham". Ðức Giêsu nói: "Giả như các ông là con cái ông Ápraham, hẳn các ông phải làm những việc ông Ápraham đã làm. (40) Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Ðiều đó, ông Ápraham đã không làm. (41) Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm". Họ mới nói: "Chúng tôi đâu phải là con hoang. chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa!" (42) Ðức Giêsu bảo họ: "Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.

Suy Niệm:

Chúng ta đang ở vào tuần cuối của Mùa Chay và sắp bước vào Tuần Thánh, đỉnh cao công trình cứu độ của Thiên Chúa. Đấng Cứu Độ đến, giải phóng con người khỏi xích xiềng trói buộc thân xác và tâm hồn con người. Người cũng tỏ bày chủ quyền của Người trên thiên nhiên, bệnh tật, trên cái chết, trên ma quỷ và trên cả tội lỗi như trong bài Tin Mừng hôm nay sẽ nói đến. Vì sao Người có quyền năng đến như vậy? Vì người chính là Ngôi Lời Nhập Thể, là chứng nhân có đủ tư cách nhất diễn tả ý định cứu độ của Chúa Cha, truyền đạt các lời và giáo huấn của Thiên Chúa. Vì ở trong cung lòng Chúa Cha, nên Ngôi Lời đã thấy, đã nghe tất cả những gì xảy ra trong Thiên Chúa. Trong chương 8, Thánh Sử trình bày những cuộc tranh luận về lời chứng của Chúa Giêsu có liên quan đến bản thân Người và hôm nay, bài Tin Mừng đã mở hé về nguồn gốc thần linh của Ngài : Ngài là Thiên Chúa và từ Thiên Chúa mà đến.

Với hai câu mở đầu, Chúa Giêsu xác định rõ với người Do Thái rằng : Ai nghe Lời Người, kẻ đó sẽ trở thành môn đệ của Người và sự thật sẽ giải phóng họ. Như thế muốn được cứu độ, chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa. Thực ra, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn tuyên xưng mình là Ki tô hữu, là người đi theo Chúa, nhưng thử hỏi : trong cuộc sống có mấy ai chuyên tâm sống theo Lời Chúa dạy? Chúng ta như người con cả, ở trong nhà cha mà chẳng có được lòng thương xót bao dung của cha. Thiên Chúa không nhìn đến quá khứ tội lỗi, nhưng Ngài luôn nhìn vào đời sống hiện tại và sự cố gắng từng ngày của ta. Còn chúng ta, chúng ta lại nhìn anh em dưới khía cạnh tội lỗi, tiêu cực với cái nhìn thiển cận “dán nhãn, đóng khung”, mà không mở lối tạo cơ hội cho người khác trở về. Đôi khi chúng ta còn dè bỉu, nghi ngờ khi thấy họ có vài biểu hiện tốt. Chúng ta thường dễ kết án người khác mà quên rằng mình cũng đầy thiếu sót, yếu đuối như người Do Thái xưa : Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ (c.33). Chúa Giêsu đã đánh tan cái khẳng định ngạo mạn của họ “hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội” (c.34) và Người quả quyết : chỉ có Người Con giải phóng, họ mới được tự do thực sự. Như vậy, Chúa Giêsu đang hé dần bí mật Mêsia của Người. Người đến để giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, ma quỷ và cũng cho người Do Thái thấy rõ bộ mặt thật của họ : “các ông đang tìm cách giết tôi… các ông làm điều đã nghe cha các ông nói” ( c.37-38).

Tuy vậy, người Do Thái vẫn ngoan cố và nghĩ rằng : mình chính là con cái của Ápraham. Họ luôn tự hào vì thuộc dòng dõi được Thiên Chúa chúc phúc và tuyển chọn. Nhưng điều đó chỉ đúng trên quan hệ huyết thống, chứ không trong tinh thần. Chúa Giêsu lại diễn giải rõ hơn, chi tiết hơn cho họ : Nếu như các ông là con cái Apraham, hẳn các ông phải làm những việc ông Apraham đã làm (c.39). Nhưng các ông lại làm việc mà ông Apraham đã không làm, đó là : tìm giết người đã nói sự thật về Thiên Chúa. Điều này chúng ta không thấy lạ trong xã hội, vì “sự thật mất lòng” và đã có  những người dám chết cho sự thật và công lý. Các thánh tử đạo là một bằng chứng điển hình. Các ngài dùng chính dòng máu đào minh chứng cho niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Ngày nay phần đông người ta không dám sống cho sự thật. Họ sợ mất “cái ghế, tấm bằng”. Họ chọn cuộc sống “câm lặng” để được bình an giả tạo hoặc chịu đựng một thời gian rồi lại chèn ép ngừơi khác khi có thời cơ. Còn những người sống theo sự thật lại bị coi là khờ dại và sự thật mãi bị phủ lấp và bị dập tắt. Nhưng chúng ta vẫn không mất niềm hi vọng, vì ngày nay vẫn còn những người dám hy sinh chức vụ, đánh đổi công việc để sống theo tiếng lương tâm kêu mời.

Chúng ta trở về với bài Tin Mừng. Lúc này cuộc tranh luận đang dần đến đỉnh điểm, từ chỗ người Do Thái khẳng định họ không phải là nô lệ, rồi họ cho rằng họ là con cái Apraham và bây giờ lại tự hào cho rằng họ là con cái Thiên Chúa. Đức Giêsu vẫn bám sát tư tưởng của họ. Người kiên trì giải thích để dẫn họ trở về nẻo chính đường ngay: “Nếu Thiên Chúa là cha các ông, các ông phải yêu mến tôi, vì tôi từ Thiên Chúa mà đến, chính Ngài đã sai tôi” (c.42). Như vậy, vào cuối bài Tin Mừng, thánh sử đã giới thiệu Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa, là Ngôi Hai Chúa Trời. Đón nhận Người là đón nhận Thiên Chúa. Sống theo Lời Người sẽ được cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu, loài người ngày càng xa lìa Thiên Chúa, nói đúng hơn họ muốn gạt Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của họ. Lý do mà con người ngày nay từ chối Thiên Chúa có lẽ người Kitô hữu, chúng con cũng có một phần lỗi : đó là bởi vì chúng con không sống lột tả được khuôn mặt đầy thương xót của Thiên Chúa. Xin cho mỗi người chúng con trong Mùa Chay này từ giáo sĩ, tu sĩ đến giáo dân, biết xét lại những lời nói, tư tưởng, hành vi,do cố tình hay hữu ý mà chúng con đã làm mờ đi khuôn mặt tình yêu của Thiên Chúa, đồng thời biết mặc lấy hình ảnh của một vị Thiên Chúa nhân hậu, để thế giới nhận ra sự hiện diện tình yêu của Chúa trên trần gian, trong mỗi gia đình và trong tâm hồn mỗi người. Amen.

Nữ Tỳ Thánh Thể

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần V Mùa Chay_Lm. Giuse Trần Quốc Thắng
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần V Mùa Chay C:ÁNH SÁNG GIÊSU_ Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Mùa Chay C:THIÊN CHÚA LÀ VỊ THẨM PHÁN NHÂN TỪ . Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Mùa Chay C_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay C: Làm chứng cho sự thật_ Lm. Jos Duy Tuyền
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ SÁU TUẦN IV MÙA CHAY – C.Nt. Maria Chinh Anh, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Mùa chay: "LÀM CHỨNG"_Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     THÔNG BÁO VỀ HÀNH HƯƠNG ÂU CHÂU
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư tuần IV Mùa Chay: "DUNG MẠO CỦA CHÚA CHA"_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng.OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Mùa Chay C: Đức Tin_ Thiên Thảo SJP