Thứ Hai tuần XIX Thường Niên
TỰ DO CỦA
NGƯỜI CON
LỜI
CHÚA: Mt 17, 22-27
22
Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ tụ họp ở miền Ga-li-lê, Người nói với các ông
: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, 23 họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ
ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm.
24
Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi
ông Phê-rô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?” 25 Ông đáp: “Có chứ!” Ông về tới
nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: “Anh Si-môn, anh nghĩ sao ? Vua chúa trần gian bắt
ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” 26 Ông Phê-rô đáp: “Thưa,
người ngoài.” Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn. 27 Nhưng để khỏi
làm cớ cho họ sa ngã, anh hãy ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết,
thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan ; anh lấy đồng
tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.”
SUY
NIỆM: “Thầy các ông không nộp thuế sao ?” (Mt 17,24)
1. Có thể nói, đề tài chung trong hai phân
đoạn của trình thuật Tin Mừng hôm nay đều diễn tả đặc nét của Tự Do. Thật vậy,
trong phân đoạn thứ nhất, Đức Giêsu sẵn sàng đón nhận những khổ ải sắp xảy đến
và chủ động cho các môn đệ biết. Còn trong phân đoạn kế tiếp, xem ra Đức Giêsu
không dám sử dụng quyền tự do của con cái, nhưng thực ra, Ngài ý thức rất rõ điều
Ngài làm: sử dụng tự do trong tình liên đới với tha nhân và trong trách nhiệm đối
với công ích.
Có lẽ cũng cần lưu ý vài chi tiết nhỏ nữa
liên quan đến tự do. Trước hết, là cách mà các môn đệ đón nhận lời báo thương
khó của Chúa Giêsu, họ buồn phiền lắm. Chắc chắn, tâm trạng buồn phiền này báo
hiệu sự thiếu vắng tự do nơi các ông. Tiếp nữa, là cách sử dụng tự do: không phải
chuyện nọ công kia mà người này được ưu tiên hơn ; và nếu ủng hộ cho quan niệm rằng
tự do là muốn làm gì thì làm, lại càng nguy hiểm hơn.
2. Để dễ dàng đón nghe sứ điệp Lời Chúa hôm
nay, ta tạm nhìn tự do theo hai tuyến: một bên là Chúa Giêsu, bên kia là các
môn đệ và vua chúa trần gian.
Vừa biểu tỏ vinh quang và uy quyền Thiên
Chúa qua cuộc biến hình và trừ quỷ (x. Mt 17, 1-8.1-20), Đức Giêsu về với phận
làm con trong kiếp nhân sinh. Ngài bình thản báo cho môn đệ biết con đường phía
trước. Ngài chủ động đi trên con đường này bằng tất cả tự do của người con thảo
hiếu với Chúa Cha mặc dù Ngài có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống
mình (x. Ga 10, 18). Là con người, là công dân, Đức Giêsu sử dụng tự do với ý
thức vì, với và cho người khác. Ngài dùng tự do của mình để đón nhận quy luật
trần gian và tuân thủ việc đóng thuế nhằm tránh gây cớ vấp phạm cho người khác.
Cho hay, tự do của Chúa Giêsu là tự do của một người con luôn hướng về Cha mình
với tất cả lòng thảo hiếu và vâng phục, sẵn sàng làm tất cả để tỏ lộ tình yêu
dành cho Cha, để làm vui lòng Cha.
Có lẽ vì chưa cảm nhận tình phụ tử Thiên
Chúa dành cho, nên các môn đệ bị cột vào nỗi sợ hãi khổ đau. Có lẽ vì chưa ý thức
giới hạn phận người, nên các vua chúa trần gian tự cho mình quyền ban phát những
ưu tiên và ân huệ cho thuộc hạ. Tự ti, lo lắng, hãi sợ hoặc tự mãn đến độ xem
thường cộng đồng, đến độ tiếm luôn vị trí của Chúa trong đời mình và trong cuộc
đời, ... tất cả đều không phải là tự do đích thực.
3. Nhìn lại mình, xem ra tự do của tôi, bạn
và anh chị mang đậm dấu ấn tự do kiểu các môn đệ và vua chúa trần gian. Một
đàng, ta dễ mất bình an, dễ khủng hoảng trước những bất trắc thình lình ập đến;
dễ khước từ, chống đối, gây hấn, ... khi có ai đó dám ngăn cản những hành vi
nhuốm màu phóng túng hoặc sai lạc của ta. Đàng khác, cũng lắm khi ta biểu hiện
thái độ tự mãn, quá cậy dựa vào quyền hành hoặc tài năng của mình để vô tình
hay cố ý, ta gạt Chúa ra khỏi đời ta, ra khỏi các nguyên tắc ứng xử và lối sống
mình.
Đây là lúc thuận tiện để ta thành tâm nhìn
lại khuôn mặt của tự do trong ta: khuôn mặt ấy ánh lê nét tươi tỉnh, bình an và
thênh thang yêu mến như người con vui sống trong nhà Cha mình? Hay là hằn rõ những
vết nhăn của sợ hãi, lo lắng, nghi nan, thất vọng, tự mãn hay bất đắc chí bởi
những tác động bên ngoài khiến ta suốt ngày quay quắt gặm nhấm những nỗi đau?
hoặc điên cuồng thụ hưởng và vung vít như thể trên đầu ta không có ai và bên ta
chẳng có người nào? Ta cùng mở lòng đón nghe Chúa dạy bảo và can đảm điều chỉnh
theo Lời Ngài.
4. Lạy Cha đáng kính phục suy tôn, tạ ơn
Cha đã cho con được làm con và thưa tiếng Abba thân thương. Tạ ơn Cha đã cho
con hiểu và cảm nhận vinh dự của phẩm hạnh làm con, cũng như giá trị của tự do
mà Cha mang lại. Xin giúp con học nơi Đức Giêsu, Con Cha, cách sử dụng tự do hầu
con dần đạt tới tự do đích thực, tự do của người con trong nhà Cha yêu. Để qua
cuộc sống tự do đích thực của con, các anh chị em khác, đặc biệt là những anh
chị em chưa nhận biết Cha, được nhìn thấy Cha, yêu mến Cha và trở nên môn đệ của
Cha. Amen.
Nt. Anna Têrêxa
Thiên Hoàng
Dòng Đa Minh Thánh
Tâm