SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN III MV. B
Mt 21, 28 – 32
Các ông nghĩ sao: “Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người con thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” Nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Đức Giê-su nói với họ : “Tôi bảo thật các ông : Những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”
SUY NIỆM
Ngày nay, người ta, nhất là những người trẻ có xu hướng tạo cho mình những ‘style’ (phong cách) riêng để có thể thu hút sự chú ý của người khác, làm nổi bật mình, và cũng có khi đơn giản chỉ là để khác người. Bởi thế mà trong ca nhạc có các nhóm ‘Mắt ngọc’, ‘505’, ‘Tam ca áo trắng’, ‘Tam ca ba con mèo’…; cũng thế trong sinh hoạt đoàn thể giáo xứ có ‘Hội con Đức Mẹ’ áo xanh, quí bà hiền mẫu áo vàng, quí ông gia trưởng áo nâu bạc đô….Trong sinh hoạt phụng vụ cũng có những màu áo xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, hồng theo mùa, theo ngày lễ, với những ý nghĩa đặc trưng. Và người ta tạo ra những phong thái khác nhau như một dấu ấn đặc biệt cho cá nhân, đoàn thể, nhóm chiến hữu, tầng lớp xã hội… Nói chung, những ‘style’ có một ý nghĩa, một giá trị nhất định, hoặc một âm hưởng nào đó. Và điều tôi muốn nói ở đây là ‘style’ mùa vọng: Âm vang đặc trưng của mùa vọng là tiếng kêu của người trong hoang địa: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3, 4 – 6). ‘Tiếng kêu’, lời mời gọi đó cũng là căn bản của tinh thần tin mừng: “Hãy sám hối!..” (x. Mc 1,15)
Với dụ ngôn về hai người con trong bài Tin mừng hôm nay, Giáo hội mời gọi con cái mình sống tinh thần sám hối để chuẩn bị đón Chúa. Nhiều người cho rằng hai từ ‘sám hối’ nghe sao buồn thảm, ủ rũ quá – Đời có gì vui đâu mà cứ phải tạo áp lực cho mình – Bởi vậy, hãy cứ làm những gì mình thích, hãy cứ hưởng thụ bao nhiêu có thể cho cuộc đời thêm hứng khởi, lên hương… Nhưng họ đâu biết rằng những niềm vui họ tìm kiếm hết sức mong manh, tạm bợ khiến cuộc đời của họ vẫn cứ đau khổ, buồn phiền và trống rỗng. Họ đâu biết rằng chỉ khi “sám hối và tin vào Tin mừng”, cuộc đời họ mới có được niềm vui và hạnh phúc đích thật. Tại sao? Bởi vì, sám hối là sẵn sàng trải lòng mình ra trước Thiên Chúa; chấp nhận sự trần trụi của mình; xin Chúa làm cho mình những điều mình cảm thấy bất lực. Xin Chúa như người thợ lành nghề chỉ cho thấy những đường quanh co của cõi lòng, những hố sâu tham lam của ích kỷ, những đỉnh cao, những gồ ghề của kiêu căng tự ái, và sẵn sàng cộng tác với ơn Chúa để: “Quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống.” Có thế họ mới nếm hưởng được sự ngọt ngào, bình an đích thực trong tâm hồn.
Mang thân phận con người yếu đuối, tội lỗi; trong lòng còn chất chứa đầy những ‘tham sân si’; con đường đến với Chúa của chúng ta còn đầy dẫy những ‘hố voi’, ‘ổ gà’, và gập ghềnh ‘sống trâu’. Vì vậy, đã rất nhiều lần như người con thứ nhất: thưa không với Chúa, chúng ta không muốn, không sẵn sàng thực thi những ý muốn của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta cần phải “hối hận”, phải có lòng sám hối thực sự để ‘ý Cha’ được thực hiện, nước tình thương của Cha được hiển trị. Lời mời gọi đi làm vườn nho cho cha, chính là lời mời gọi mỗi ngày chúng ta sống sao cho mọi người có thể “nhìn thấy những việc tốt lành anh em làm mà ngợi khen Cha trên trời”(x. Mt 5, 16).
“Những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy” (Mt 21, 31b - 32). Lời Đức Giê-su cho chúng ta thấy được điều quan trọng là ‘tin’ và ‘sám hối’, chứ không phải là có những mác đạo đức bề ngoài mà trong lòng lại kiêu căng tự phụ, khinh chê tha nhân. Có những người ngoại đạo, những người tội lỗi, sau khi được ơn hoán cải trở về với Thiên Chúa, họ có đời sống rất tốt lành, thậm chí họ còn là những tông đồ nhiệt thành trong việc mở mang nước Chúa. Nhưng lại có những người tự hào mình là con ông cháu cha, gia đình thế giá đã không cộng tác trong việc tông đồ lại thích đả kích, phê phán những việc tốt lành của người khác.
Lời Chúa hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta thành tâm xét mình và thật lòng sám hối tội lỗi, đồng thời tích cực trong đời sống đức tin để có thể đón mừng đại lễ Giáng sinh một cách ý nghĩa nhất. Mong sao đêm Giáng sinh – đêm thanh bình – đêm ân tình sẽ là đêm tràn ngập bình an và hạnh phúc của người, mỗi gia đình, bởi được đón mừng với những tâm hồn đơn thành và ngay thẳng.
Nt. Maria Chinh Anh