TÌM GẶP CHÚA TRONG VỊ THẾ CỦA MÌNH
Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, Năm B
Is 61:1-2, 10-11; 1Tx 5:16-21; Ga 1:6-8, 19-28
Vào thời Chúa Giêsu tại thế, người ta đã chán ngấy tình trạng xã hội suy đồi bên đất Pa-lét-tin. Đời sống những nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như dân sự thì truỵ lạc. Còn trên bình diện chính trị thì đất nước của họ bị phân chia và bị đế quốc La mã cai trị, nên họ mong đợi Ðấng Cứu thế đến hơn bao giờ hết. Và theo quan niệm của dân chúng, thì Đấng Cứu thế đến sẽ giải thoát họ khỏi ách nô lệ người ngoại bang, khiến cho đất nước của họ trở nên giàu mạnh, và dân tộc họ vượt lên hàng bá chủ hoàn cầu. Vì thế sứ điệp rao giảng sám hối của Gioan tiền hô để dọn đường cho Ðấng Cứu thế đến đã làm khơi dậy một niềm vui phấn khởi của dân Do thái. Sở dĩ có như vậy là vì qua bao nhiêu thế hệ, họ đã bị quyền lực ngoại bang áp đảo: dưới ách thống trị của đế quốc Ba tư, dưới ách nô lệ của người Ai cập, dưới ách đô hộ của dân Xyria và dưới ách cai trị của đế quốc La mã.
Một nhóm người, chán nản cảnh suy sụp và vô luân trong xã hội, rút lui vào sa mạc Qumran xứ Giuđê gần Biển Chết, tuyên thệ để tài sản làm của chung, sống đời cầu nguyện, chiêm niệm và học hỏi Thánh kinh. Theo suy đoán có căn cứ thì ông Gioan tiền hô thuộc nhóm người sống trong cộng đồng tu này vì khi rao giảng phép rửa thống hối, ông ta xuất hiện từ sa mạc xứ Giuđê. Như vậy nếu theo quan niệm của quần chúng về đấng cứu thế, thì ông Gioan tiền hô cũng có thể mạo nhận cho mình là đấng Cứu Thế, nhất là sứ điệp rao giảng của ông có sức lôi cuốn mãnh liệt. Tuy nhiên khi dân chúng cử một số thượng tế và các thầy Lêvi đến hỏi xem ông là ai, thì được ông trả lời: Tôi không phải là Ðấng Kitô (Ga 1:20). Hay ông là ông Êlia chăng? Tôi không phải là Elia (Ga 1:21). Vậy ông có phải là vị một ngôn sứ không? Tôi cũng không phải (Ga 1:21). Và ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường ngay thẳng cho Ðấng cứu thế đến như ngôn sứ Isaia đã loan báo (Ga 1:23).
Những người tư tế được cử đến hỏi Gioan hẳn phải biết ông Gioan không phải là nhân vật tầm thường bởi vì cha ông là Dacaria cũng là một tư tế được thấy hiện tượng lạ trong Đền thờ về ông Gioan. Thế mà ông Gioan chỉ trả lời cách trung thực và khiêm tốn như vậy. Rồi mấy người Pharisêu trong nhóm lại hỏi tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Ðấng Kitô. Gioan trả lời: Tôi làm phép rửa trong nước ... Người sẽ đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép cho Người (Ga 1:26-27).
Tại sao dân chúng lại hỏi xem Gioan tiền hô có phải là Êlia không? Thưa lí do là thế này. Theo ngôn sứ Malakhi, thì ngôn sứ Êlia sẽ trở lại trước khi Ðấng cứu thế xuất hiện (Ml 3:23). Nhiều người đương thời Chúa Giêsu cũng tin như vậy, chẳng hạn như các kinh sư (Mt 17:10; Mc 9:11). Họ tưởng rằng Gioan là Êlia tái xuất hiện vì ông cũng bận giống như ông Êlia: Mặc áo lông lạc là, thắt lưng bằng giây da (Mc 1:6; 2V 1:8) và khi rao giảng, giọng nói của ông cũng như thét ra lửa. Khi Chúa Giêsu nói Gioan chính là Êlia (Mt 11:14; 17:12-13, Mc 9:13), Chúa muốn nói Gioan đến trong tinh thần của Êlia. Ðó chính là điều mà sứ thần của Chúa nói về Gioan tiền hô là con của ông Dacaria như sau: Cháu sẽ đi trước mặt Người, đầy thần khí và uy quyền của ngôn sứ Êlia (Lc 1:17). Và tại sao họ còn hỏi xem Gioan có phải là vị ngôn sứ không và họ ám chỉ về ngôn sứ nào? Thưa sự thể là thế này. Sách Ðệ Nhị luật có bàn đến một vị ngôn sứ sẽ xuất hiện giữa họ để giúp họ (Ðnl 18:15). Căn cứ vào đó mà họ mong đợi vị ngôn sứ đến giúp họ tham dự vào kỉ nguyên của Ðấng Thiên sai.
Theo tông đồ thánh sử Gioan, thì ông Gioan tiền hô được sai đến làm chứng về ánh sáng (Ga 1:7, 8). Ðó là ánh sáng cứu độ trần gian, ánh sáng ban sự sống và ánh sáng chân lí. Ðó là ánh sáng giải thoát đã được ngôn sứ Isaia loan báo hơn năm trăm năm về trước cho dân chúng đang bị lưu đầy bên Babylon. Bấy giờ ngôn sứ Isaia có thấy rõ được ý nghĩa trọn vẹn và thực sự của cuộc giải thoát hay không, thì không phải là điều quan trọng. Ðiều quan trọng là khi mở đọc bài sách Isaia hôm nay (Is 60:1-2) trong hội đường Nadarét, Ðấng cứu độ trần gian công bố là Người đến để hoàn tất lời tiên tri này. Còn Gioan tiền hô chỉ đến để làm chứng cho ánh sáng giảỉ thoát và cứu độ mà thôi.
Giả sử Gioan tiền hô qui công về cho mình, cũng khoe khoang, mạo nhận mình là Ðấng cứu thế, thì ông đã mất hết công nghiệp trước mặt Thiên Chúa. Theo Thánh kinh ghi lại thì Gioan tiền hô đã nhận chân được vị thế của mình trước mặt Ðấng tối cao. Ông chủ trương Ðấng Kitô phải rạng rỡ thêm, còn ông phải lu mờ dần đi (Ga 3: 30) nghĩa là Ðấng Kitô phải được vinh danh, còn ông phải lui vào bóng tối.
Bài học mà Gioan tiền hô dạy ta sửa soạn đón mừng Ðấng cứu thế đến là biết chấp nhận: chấp nhận sự thật về mình, chấp nhận vị thế, thế đứng và giới hạn của mình, không giả tạo, không qui công về cho mình cái mà mình không có, điều mà mình không làm. Hôm nay Giáo hội dùng những bài Thánh kinh chứa đựng những lời lẽ khích lệ, bảo ta hãy vui lên, vì ngày giờ cứu rỗi đã gần. Còn Gioan tiền hô thì dạy ta làm sao để tạo cho mình niềm vui chấp nhận để dọn đường đón mừng Ðấng cứu thế. Là người tín hữu ta phải học hỏi với Gioan tiền hô để nhận biết mình, chấp nhận bản thân và hoàn cảnh. Nếu không, ta có thể trở thành những người bất mãn. Thái độ bất mãn sẽ làm cản trở cho việc Chúa đến trong tâm hồn.
Vậy chỉ khi nào ta bằng lòng chấp nhận vị thế, chỗ đứng, giới hạn của mình trong tâm tình biết ơn Ðấng tạo dựng, ta sẽ có được tâm hồn ai vui, không bận tâm về mình, để có thể mở rộng tâm hồn đón mừng Ðấng Cứu thế.
Lời cầu nguyện xin cho được biết vị thế của mình:
Lạy Chúa, Chúa là Ðấng sáng tạo muôn loài muôn vật.
Xin cho con nhận thức được rằng:
Con chỉ là đất sét, còn Chúa mới là thợ gốm.
Chúa muốn con thành dụng cụ gì,
là do bàn tay tác tạo của Chúa.
Như Gioan tiền hô, không mạo nhận,
xin dạy con biết sống trung thực với lòng mình,
để con cảm nghiệm được niềm vui
đón chờ Chúa đến. Amen.
Lm Trần Bình Trọng